I. Giới thiệu chung về EU

Liên minh châu Âu (the European Union, gọi tắt là EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên: Pháp, Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua, Ai-Len, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Thuỵ Điển, Phần Lan, Séc, Hung-ga-ri, Ba Lan, Slô-va-kia, Slô-ve-nia, Lít-va, Lát-vi-a, Ét-xtô-ni-a, Man-ta, Síp, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, Crô-a-ti-a.

Cờ:
Tôn chỉ: Đoàn kết trong đa dạng (Unity in diversity)
Trụ sở: Brúc-xen (Bỉ)
Số ngôn ngữ chính thức: 24
Ngày châu Âu: Ngày 9 tháng 5
Diện tích: 4.381.376km² (nước có diện tích lớn nhất là Pháp với khoảng 554.000 km2 và nhỏ nhất là Man-ta với khoảng 300 km2)
Dân số: 447.706 triệu người (2020)
GDP (EU 27): 18.377 nghìn tỷ đô la Mỹ[1] (2020)
Thu nhập bình quân: 44.539 đô la Mỹ/người/năm [2](2019)
Lãnh đạo chủ chốt:  
- Chủ tịch Hội đồng châu Âu: Ông Xác-lơ Mi-xen (Charles Michel)
- Chủ tịch Ủy ban châu Âu: Bà Uốc-xu-la vôn đe Lây-ần (Ursula von der Leyen)
- Chủ tịch Nghị viện châu Âu: Ông Đa-vít Xác-sô-li (David Sassoli).
- Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu: Ông Dô-dép Bô-ren (Josep Borrell)

Hiệp ước Lít-xbon (Lisbon) (2009) sửa đổi nội dung của 2 hiệp định chủ chốt là (i) Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu - TEC (Hiệp ước Rô-ma 1957) và (ii) Hiệp ước Mát-xtrích về Liên minh châu Âu - TEU (1992). Những thay đổi quan trọng nhất của Hiệp ước Lít-xbon gồm:

1. Cải tổ cơ chế vận hành của EU theo hướng “dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn”, xoá bỏ cơ cấu 3 trụ cột của EU, phân định rõ ràng và cụ thể thẩm quyền của EU trên các lĩnh vực chính sách.

2. Hiệp ước Lít-xbon lần đầu tiên trao cho EU tư cách pháp nhân “thay thế và thừa kế tư cách pháp nhân của Cộng đồng châu Âu”. Ngoài ra, EU lập ra hai chức danh mới là (i) Chủ tịch Hội đồng châu Âu (thay cho Chủ tịch luân phiên của các nước thành viên) và (ii) và Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh (đồng thời là Phó Chủ tịch EC). 


[1] The World Bank

[2] The World Bank

[Nguồn: Bộ Ngoại giao]