III. Thể chế nhà nước và chế độ chính trị
Bỉ là một quốc gia thống nhất, theo chế độ quân chủ đại nghị, có Vua và Quốc hội. Quyền lập pháp thuộc về Vua và Quốc hội. Quyền hành pháp thuộc về Vua và Chính phủ. Quyền tư pháp thuộc về các toà án. Những lần sửa đổi Hiến pháp kế tiếp nhau từ năm 1970 đến nay đã dần hình thành ở Vương quốc Bỉ một Nhà nước theo mô hình liên bang đặc thù với việc phân chia thẩm quyền giữa chính quyền Liên bang và chính quyền địa phương (gồm 3 Cộng đồng ngôn ngữ: Pháp, Hà Lan, Đức và 3 Vùng[1]: Wallonie, Flanders, Bruxelles - Thủ đô).
- Vua là nguyên thủ quốc gia có thẩm quyền phê chuẩn và ban hành các đạo luật, giải tán Quốc hội hoặc một trong hai viện của Quốc hội, triệu tập các kỳ họp bất thường của Quốc hội, bổ nhiệm và bãi nhiệm các Bộ trưởng, ân xá.
- Nghị viện gồm Thượng viện và Quốc hội, đều có nhiệm kỳ 4 năm. Thượng viện có 60 ghế gồm: 29 ghế do cử tri đoàn Vùng Flanders và Hội đồng cộng đồng tiếng Hà Lan chỉ định (bao gồm cả đại diện Vùng Bruxelles); 12 ghế do Hội đồng cộng đồng tiếng Pháp chỉ định (bao gồm 05 đại diện Vùng Bruxelles); 08 ghế do cử tri đoàn Vùng Wallonie bầu; 01 ghế do Hội đồng cộng đồng tiếng Đức chỉ định; 10 ghế còn lại do 50 Thượng Nghị sĩ đã được bầu chọn ra (06 Thượng Nghị sĩ nói tiếng Hà Lan và 04 Thượng Nghị sĩ nói tiếng Pháp). Hạ viện gồm 150 ghế được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu.
- Nhà nước liên bang với chính quyền và cơ quan lập pháp có thẩm quyền chung về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, định hướng phát triển tổng thể. Các Vùng và Cộng đồng ngôn ngữ đều có chính quyền và cơ quan lập pháp độc lập, với thẩm quyền riêng biệt.
- Các cộng đồng ngôn ngữ và các Vùng của Vương quốc Bỉ được trao các thẩm quyền chuyên biệt và độc lập với phạm vi rộng. Mỗi Cộng đồng ngôn ngữ và mỗi Vùng có một Nghị viện riêng, một Chính phủ riêng và một hệ thống hành chính riêng; có quyền chủ động phát triển quan hệ quốc tế trong các lĩnh vực quản lý thuộc thẩm quyền nội bộ của mình. Các Cộng đồng ngôn ngữ và các Vùng là chủ thể của pháp luật quốc tế, có tư cách pháp lý để ký kết điều ước và hiệp định quốc tế.
- Chính quyền Vùng có thẩm quyền chuyên biệt liên quan đến quy hoạch lãnh thổ và phát triển kinh tế. Chính quyền Cộng đồng có thẩm quyền chuyên biệt liên quan đến con người (văn hoá, y tế, giáo dục - đào tạo).
[1] Vùng Flander nằm ở phía Bắc; Vùng Wallonie nằm ở phía Nam; Vùng Bruxelles – Thủ đô nằm trong lãnh thổ Vùng Flander.
[Nguồn: Bộ Ngoại giao]