IV. Chính sách Đối ngoại

1. Ngày 28/6/2016, EU công bố Chiến lược toàn cầu với tiêu đề: "Tầm nhìn chung, hành động chung: một châu Âu hùng mạnh hơn". Chiến lược xác định 05 ưu tiên: (i) đảm bảo an ninh của Liên minh, ứng phó hiệu quả với chủ nghĩa khủng bố, các mối đe dọa hỗn hợp (hybrid threats), bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng; (ii) hỗ trợ, củng cố thể chế nhà nước và xã hội tại các khu vực giáp ranh châu Âu; (iii) tiếp cận một cách tổng thể để giải quyết khủng hoảng và xung đột; (iv) thúc đẩy các cơ chế hợp tác liên khu vực; (v) thúc đẩy một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm.

Về chính sách, EU sẽ:

- Tăng cường vai trò an ninh của EU: hướng tới xây dựng “cộng đồng an ninh” thông qua gia tăng liên kết phòng thủ trong EU và với NATO. 

- Thúc đẩy trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương thông qua cải tổ Liên hợp quốc; thiết lập luật chơi của kinh tế thế giới bằng các FTA thế hệ mới với các đối tác chủ chốt; đóng góp tích cực hơn vào an ninh hàng hải toàn cầu, phổ biến và thúc đẩy UNCLOS; hợp tác với Liên hợp quốc, NATO, các đối tác chiến lược và ASEAN để thúc đẩy “chủ nghĩa đa phương hàng hải”.

- Với châu Á: EU đánh giá “hòa bình và ổn định tại châu Á là điều kiện tiên quyết cho thịnh vượng của châu Âu”; cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế và “tăng cường vai trò an ninh” tại khu vực, “đóng góp thiết thực hơn vào an ninh châu Á”. Tại Đông Á và Đông Nam Á, EU “ủng hộ cấu trúc an ninh do ASEAN làm trung tâm và dẫn dắt”, tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a và các nước khác, thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN, tiến tới đàm phán FTA giữa hai khu vực EU và ASEAN.       

- Về hợp tác phát triển, EU là nhà tài trợ lớn nhất cho các Chương trình phát triển trên toàn cầu, cung cấp 46% tổng viện trợ toàn cầu. Năm 2020, EU đã chi gần 67 tỷ EUR viện trợ ODA, tăng 15% và tương đương 0.5% GDP của EU.

2. Kể từ năm 2020 đến nay, EU có sự điều chỉnh đáng kể trong chính sách, đặt mục tiêu bao trùm là tăng cường vai trò và ảnh hưởng của EU trên thế giới, để EU trở thành đối tác của mọi quốc gia và cường quốc trên thế giới thông qua việc tăng cường khả năng hành động trên thực địa, củng cố các đòn bẩy truyền thống và đề xuất các sáng kiến mới để nâng cao vị thế của Khối. Cụ thể:

- Ngày 23/9/2020, Ủy ban châu Âu (EC) công bố Đề xuất về Hiệp ước mới về Di cư và Cư trú” của EU, đưa ra cách tiếp cận mới của EC với vấn đề di cư trong Khối, hướng đến giải quyết vấn đề quản lý biên giới, tích hợp các phương diện trong và ngoài của các chính sách di cư. Hiệp ước này nhằm mục đích tạo ra những quá trình di cư hiệu quả và công bằng hơn, giảm những con đường di cư không an toàn và bất thường và thúc đẩy các con đường pháp lý bền vững và an toàn cho những người cần được bảo vệ. Theo đó, Hiệp ước đề cập đến: (i) Hình thành một Khuôn khổ chung về quản lý di cư và cư trú của châu Âu, (ii) Xây dựng  chính sách di cư và tị nạn toàn diện và vững chắc để có thể sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng, (iii) Quản lý biên giới tích hợp, (iv) Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống nhập cư bất hợp pháp, (v) Làm việc với các đối tác quốc tế, (vi) Thu hút nhân tài vào EU và (vii) Ủng hộ hội nhập hướng đến hình thành những xã hội bao trùm. Ngoài ra, theo Hiệp ước, sẽ không còn một hạn ngạch bắt buộc cho sự phân phối người tị nạn. Tuy nhiên, Hiệp ước này vẫn còn trong giai đoạn đối thoại và thảo luận giữa các nước thành viên.

- Ngày 18/02/2021, Ủy ban châu Âu tiếp tục công bố chiến lược chính sách thương mại giai đoạn 2021-2030 với khái niệm tự chủ chiến lược mở”. Chính sách đặt ra 3 mục tiêu cốt lõi trong trung hạn thông qua việc đẩy mạnh 6 lĩnh vực ưu tiên với chuỗi các hoạt động trọng tâm. Về cơ bản, chính sách thương mại mới của EU đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ cũng như tập trung giải quyết nhiều vấn đề theo cách tiếp cận phát triển bền vữn, môi trường và lao động. Trọng tâm của chiến lược gồm tăng cường hợp tác với Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Phi, cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế xanh. EU xem thương mại là công cụ hiệu quả để khẳng định vai trò bên ngoài. Chính sách mới thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ những lợi ích, giá trị EU ở cả trong và ngoài, sẵn sàng sử dụng các công cụ cần thiết để đảm bảo một sân chơi công bằng[1]. Ngoài ra, EU cũng sẽ tập trung vào việc tận dụng các lợi ích từ FTA, tăng cường thực thi và giám sát chặt chẽ việc thực thi các cam kết của hiệp định, gắn chặt chẽ các vấn đề phát triển bền vững, môi trường, lao động với thương mại.

- Ngày 19/4/2021, Hội đồng Ngoại trưởng EU thông qua Khung Chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương[2]. Chiến lược gồm 05 trụ cột chính: (i) Tái củng cố trọng tâm chiến lược EU; (ii) Củng cố vai trò đối tác hợp tác khu vực; (iii) Hợp tác khu vực; (iv) Cạnh tranh địa chính trị; (v) Cách tiếp cận chiến lược dài hạn của EU để thực hiện cam kết đưa EU thành nhân tố toàn cầu. Chiến lược được triển khai với tầm nhìn dài hạn, theo phương thức thực dụng, linh hoạt và đa dạng, với cách tiếp cận toàn diện và mở. Chiến lược cho phép EU thích ứng và xây dựng mối quan hệ hợp tác theo từng lĩnh vực/chính sách cụ thể/có điểm đồng với các đối tác dựa trên các nguyên tắc, giá trị hoặc lợi ích chung, đồng thời tăng cường tham gia sâu hơn tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các lĩnh tập trung thúc đẩy và hợp tác gồm: (i) Quản trị đại dương; (ii) Ứng phó với biến đổi khí hậu; (iii) Khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19; (iv) Phát triển kinh tế và duy trì chuỗi cung ứng; (v) Đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng và (vi) Đảm bảo chất lượng kết nối. Dự kiến Chiến lược chi tiết sẽ được công bố chính thức vào tháng 9/2021.

- Ngày 12/7/2021, Hội đồng Ngoại trưởng EU thông qua Kết luận về “Một châu Âu kết nối toàn cầu”, nhấn mạnh sự cần thiết theo đuổi cách tiếp cận toàn cầu và địa chiến lược về kết nối để thúc đẩy lợi ích kinh tế, an ninh, đối ngoại, phát triển và các giá trị châu Âu. Kết luận này dựa trên Chiến lược Kết nối Âu – Á 2018 và tái khẳng định những nguyên tắc cơ bản về kết nối bền vững, toàn diện và dựa trên luật lệ; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối đối với tăng trưởng kinh tế, an ninh và khả năng phục hồi, góp phần đa dạng hóa chuỗi giá trị, giảm phụ thuộc chiến lược và tăng khả năng cạnh tranh cho EU và các đối tác. Kết luận cũng tập trung vào thúc đẩy quan hệ đối tác kết nối với các quốc gia và khu vực có cùng chí hướng nhằm tăng tính tương thích và bổ trợ lẫn nhau, trong đó nhấn mạnh Mỹ, Nhật, Ấn Độ, mở rộng hợp tác với ASEAN, hợp tác trong khuôn khổ G7 và G20.

[1] Trong đó có việc tăng cường áp dụng các biện pháp phi thuế quan, phòng vệ thương mại; tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật; kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ, các vấn đề môi trường, xã hội, phát triển bền vững.

[2] Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU bao gồm khu vực địa lý từ bờ biển phía Đông Phi đến các quốc đảo Thái Bình Dương. 

 [Nguồn: Bộ Ngoại giao]