IV. Thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thành lập chính phủ mới

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Từ ngày 28/10 đến ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa I, trong kỳ họp thứ 2 đã thảo luận và thông qua những chủ trương cấp bách để chuẩn bị kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh trình Quốc hội danh sách Chính phủ mới thay cho Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Quốc hội triệt để tín nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người công dân số một, và Chính phủ mới do Chủ tịch thành lập. Các đại biểu thuộc các tổ chức chính trị đi ngược lại quyền lợi của dân tộc hoàn toàn bị gạt ra khỏi Chính phủ. Quốc hội đã bầu Cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Quốc hội đã thảo luận và thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 9/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố bản Hiến pháp này.

Hiến pháp 1946 - đạo luật cơ bản của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quy định Chính thể (chương I), Nghĩa vụ và quyền lợi công dân (chương II), Nghị viện (chương III), Chính phủ (chương IV), Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính (chương V), Cơ quan tư pháp (chương VI), Sửa đổi Hiến pháp (chương VII).

Trong Hiến pháp, phần nói về Chính phủ, Chương IV, Điều thứ 43 ghi rõ:

Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Điều thứ 44: Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng.

Điều thứ 52. Quyền hạn của Chính phủ :

a- Thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện.

b- Đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện.

c- Đề nghị những dự án Sắc luật ra trước Ban Thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt.

d- Bãi bỏ những mệnh lệnh và Nghị quyết của cơ quan cấp dưới, nếu cần.

đ- Bổ nhiệm hoặc cách chức các nhân viên trong các cơ quan hành chính hoặc chuyên môn.

e- Thi hành luật động viên và mọi phương sách cần thiết để giữ gìn đất nước.

g-  Lập dự án ngân sách hằng năm.

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bản Hiến pháp dân chủ, phản ánh rõ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, khẳng định quyền dân tộc độc lập, thống nhất lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ đất nước của toàn dân, xây dựng một thể chế dân chủ cộng hòa, một chế độ bảo đảm quyền dân chủ tự do của mọi công dân không phân biệt nam, nữ, đặc biệt ưu đãi đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Công dân Việt Nam được quyền trực tiếp bầu ra Nghị viện - cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại diện cho quyền làm chủ đất nước của toàn dân và chịu trách nhiệm trước quốc dân với vận mệnh lịch sử của dân tộc, của mọi người dân trên con đường đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc.

Đánh giá về bản Hiến pháp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đó là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, một vết tích lịch sử đầu tiên trong cõi Á Đông”. “Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập..., dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do..., phụ nữ Việt Nam được ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bằng của các giai cấp”. [1]

Ngày 5/11/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị Công việc khẩn cấp bây giờ. Người chỉ rõ: Công việc khẩn cấp là kháng chiến và kiến quốc. Người dự đoán cuộc kháng chiến sẽ gay go, gian khổ, nhưng chúng ta kiên quyết chống chọi với các trận khủng bố của địch, thì ta sẽ thắng.

Tháng 11/1946, cả nước chia thành 12 khu hành chính và quân sự. Mỗi khu có Ủy ban kháng chiến khu phụ trách hành chính, Khu trưởng phụ trách quân đội.

Ngày 20/11/1946, thực dân Pháp bội ước nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và đổ bộ hàng nghìn quân lên Đà Nẵng.

Ngày 30/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 230-SL bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp giữ chức Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc.

Ngày 15/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Thủ tướng Chính phủ Pháp Lêông Blum, nhắc lại lập trường đúng đắn của phía Việt Nam, nêu ra một số điều kiện để cải thiện mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, nhưng bức thông điệp đã không được đáp lại.

Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng ở Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạ quyết tâm phát động toàn dân kháng chiến và quyết định đánh trước để giành thế chủ động.

Ngày 19/12/1946, Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.[2]

Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến, đến tháng 2/1947, quân và dân Việt Nam bao vây đánh địch ở khắp các mặt trận. Toàn bộ quân Pháp ở thành phố Vinh bị tiêu diệt gọn, quân Pháp ở Bắc Ninh, Bắc Giang phải rút chạy. Ở Hà Nội, Nam Định, Huế, Đà Nẵng quân địch bị vây hãm, tiêu hao, tiêu diệt. Sau khi địch có thêm nhiều viện binh, với chủ trương không đánh trận địa với địch, không đương đầu với hỏa lực mạnh của địch và tránh mũi dùi chủ lực của địch, để bảo toàn lực lượng và duy trì sức chiến đấu lâu dài, các đơn vị bộ đội chủ lực đã rút ra ngoài thành phố sau thời gian vây hãm 60 ngày ở Hà Nội, 90 ngày ở Nam Định, 50 ngày ở Huế và 25 ngày ở Đà Nẵng. Cuộc kháng chiến lan rộng về vùng nông thôn.

Tháng 3/1947, Chính phủ quyết định đổi tên Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia thành Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, và thành lập các ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội thuộc Ủy ban kháng chiến các cấp.

Ngày 11/5/1947, tại thị xã Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp Pôn Muýt (Paul Mus) đại diện Cao ủy Pháp Bôlae (Bollaert) để trao đổi về điều kiện ngừng bắn của hai phía Việt - Pháp. Do dã tâm xâm lược và yêu sách ngang ngược của thực dân Pháp đòi phía Việt Nam phải đầu hàng, cuộc hội kiến đã không mang lại kết quả.

Năm 1947, Chính phủ đã được cải tổ. Một số nhân sĩ, trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ một số ghế trong Chính phủ nhằm thực hiện tính liên hiệp quốc dân rộng rãi hơn. Ông Phan Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế; ông Hoàng Minh Giám giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Tạ Quang Bửu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đặng Văn Hướng giữ chức Bộ trưởng không bộ. Sau khi Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng qua đời, tháng 11/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông Phan Kế Toại giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ngày 1/10/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 91-SL, hợp nhất Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính từ cấp tỉnh đến xã thành Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính; Quy định thành phần Ủy ban và quan hệ làm việc giữa Ủy ban các cấp.

Ngày 17/10/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 263-SL/M cử ông Phạm Văn Đồng làm Đặc phái viên Chính phủ tại Nam Trung Bộ. 

Từ ngày 7/10 đến 22/12/1947, chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 đã giành thắng lợi to lớn. Trong chiến dịch này, quân địch tập trung một lực lượng lớn gồm 15 nghìn quân (7 trung đoàn bộ binh và dù, 4 tiểu đoàn công binh, pháo binh, 1 tiểu đoàn cơ giới 800 xe, 2 phi đội máy bay 40 chiếc, 1 thủy đội xung kích 40 tàu xuồng), do Trung tướng Xa Lăng (Saland) chỉ huy, chia làm 3 hướng đánh vào Việt Bắc - căn cứ địa cách mạng của cả nước và là một vùng chiến lược quan trọng với hy vọng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo Trung ương và bộ đội chủ lực của Việt Nam, chặn đường tiếp tế và liên lạc của Việt Nam với bên ngoài, phá hoại kinh tế và tàn sát nhân dân vùng căn cứ địa.

Trong chiến dịch Việt Bắc, quân và dân Việt Nam đã đánh hơn 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, bắn rơi nhiều máy bay, phá hàng trăm xe cơ giới, bắn chìm nhiều tàu chiến và ca nô, thu hàng nghìn súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự khác. Âm mưu thâm độc của thực dân Pháp hòng nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã bị thất bại.

Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp. Tháng 7/­1948, ông Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam.

Ngày 25/1/1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 120-SL thành lập các liên khu trong cả nước để tăng cường chỉ đạo chiến tranh. Theo Sắc lệnh này, 7 khu ở Bắc Bộ đổi thành 3 liên khu: Liên khu I, X và III. Bốn khu ở Trung Bộ đổi thành 2 liên khu: Liên khu IV, V. Nam Bộ thành 1 Liên khu (gồm ba khu VII, VIII, IX và đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn).

Ngày 1/6/1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 197-SL, thành lập Ban vận động thi đua các cấp.

Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Ngày 19/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 206-SL thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao để nghiên cứu kế hoạch kháng chiến toàn diện và trình Chính phủ duyệt và thực hiện kế hoạch ấy. Hội đồng Quốc phòng tối cao do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Từ ngày 14 đến ngày 18/1/1949, Hội nghị cán bộ lần thứ 6 của Đảng đã nghe và thảo luận báo cáo “Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công” do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày. Hội nghị nhận định: “Giai đoạn cầm cự chiến lược đã bắt đầu từ năm 1948 sau chiến dịch Việt Bắc và nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn chiến lược thứ hai là tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công”. Khẩu hiệu của Đảng đề ra lúc này là: “Tất cả để đánh thắng”. Hội nghị đặc biệt chú trọng đến vấn đề thực hiện chính sách ruộng đất và đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh giảm tô.

Tháng 2/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh tạm cấp ruộng đất của Việt gian và Thông tư chia ruộng đất của thực dân Pháp cho nông dân nghèo, nhằm chấm dứt tình trạng một số đồn điền trại ấp lâu ngày không được canh tác.

Ngày 12/3/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 14-SL, đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam thành Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam; các bộ chỉ huy Liên khu quân sự thành Bộ Tư lệnh Liên khu; Tổng chỉ huy gọi là Tổng Tư lệnh; Liên khu trưởng gọi là Tư lệnh Liên khu.

Ngày 18/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 72-SL thành lập Hội đồng tu luật do Bộ Tư pháp chủ trì. Từ năm 1950, Hội đồng tu luật được chuyển cho Ban Thường trực Quốc hội.

Ngày 14/7/1949, Chính phủ ban hành Sắc lệnh ấn định mức địa tô và thành lập ở mỗi tỉnh một Hội đồng giảm tô. Sắc lệnh quy định chủ ruộng phải giảm 25% so với mức địa tô trước Cách mạng Tháng Tám: xóa bỏ tô phụ và chế độ quá điền.

Ngày 25/7/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông Phạm Văn Đồng giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ và được bổ sung giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.

Ngày 4/11/1949, Chính phủ ban hành Sắc lệnh quy định nghĩa vụ quân sự cho nam công dân từ 18 đến 45 tuổi và Sắc lệnh hợp nhất Liên khu I và Liên khu X thành Liên khu Việt Bắc, lập Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu Việt Bắc.

Ngày 18/12/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 138b-SL, thành lập Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc Phủ Thủ tướng.

Ngày 21/1/1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ công tác trong năm 1950 để hoàn thành nhiệm vụ chuyển mạnh cuộc kháng chiến sang tổng phản công.

Ngày 12/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh Tổng động viên, để thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Được nhân dân tích cực hưởng ứng, cuộc tổng động viên kết hợp và hòa nhập với phong trào thi đua ái quốc đã phát triển sôi nổi và mạnh mẽ chưa từng thấy. Chỉ riêng từ liên khu IV trở ra đã có trên 500.000 thanh niên ghi tên tòng quân, hàng mấy chục vạn đồng bào hăng hái lên đường đi dân công phục vụ tiền tuyến. Nhân dân còn quyên góp tiền, của, thóc gạo cho kháng chiến. Trên cả nước, từ Việt Bắc đến Nam Bộ, đâu đâu đồng bào cũng ra sức đóng góp phần mình cho kháng chiến.

Ngày 4/5/1950, Chính phủ ra Sắc lệnh số 68-SL thành lập Ban Kinh tế Chính phủ.

Ngày 22/5/1950, Chính phủ ra Sắc lệnh số 88-SL quy định thể lệ lĩnh canh ruộng đất và Sắc lệnh số 89-SL quy định việc giảm lãi, xóa nợ, hoãn nợ.

Ngày 9/9/1950, Chính phủ Việt Nam ban hành Công trái quốc gia để huy động nhiều thóc, gạo phục vụ nhiệm vụ kháng chiến.

Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, tức chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950, còn được gọi là chiến dịch Lê Hồng Phong II được tiến hành theo quyết định hồi tháng 6/1950 của Ban thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mỏ rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, phá tan vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.

Đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận, đi sát giúp đỡ Ban chỉ huy chiến dịch và động viên bộ đội, dân công.

Trong chiến dịch Biên giới (từ 16/9 đến 23/10/1950), quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt một nửa lực lượng cơ động chiến lược của địch ở Bắc Đông Dương (trong đó bắt sống 3.500 tên), thu nhiều vũ khí, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn, nhiều vùng đất đai quan trọng cả dải biên giới dài 750km, bao gồm 35 vạn dân. Căn cứ địa Việt Bắc được củng cố. Cách mạng Việt Nam lần đầu tiên đã phá tan vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t4, tr.186

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t4, tr.480