Khái quát quan hệ Việt Nam-Uganda
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam (Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và Uganda thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 09/02/1973.
- Trong lịch sử, Lãnh đạo và nhân dân Uganda tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, cụ thể như: thành lập Ủy ban Uganda đoàn kết với Việt Nam; ra Tuyên bố chung với Syria về việc hoàn toàn ủng hộ lập trường của Việt Nam và yêu cầu Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Việt Nam nhân chuyến thăm Syria của Tổng thống Uganda đầu những năm 70; lên án chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Tổng thống Mỹ Nixon; Ngoại trưởng Uganda lên án Mỹ tàn sát nhân dân Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 29 năm 1974.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania kiêm nhiệm Uganda. Đại sứ quán Uganda tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam.
Từ năm 2017, Việt Nam chính thức cử ông Kinh Mu-len-ga Au-gút-xtút Xi-giơ (King Mulenga Augustus Ceasor) người Uganda làm Lãnh sự danh dự tại Uganda.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Uganda: Đặc phái viên của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Lê Quang Chánh (9/1970); Đoàn Đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Đại sứ Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Irac Huỳnh Phan dẫn đầu (8/1972); Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ (10/1973); Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng, Đặc phái viên của Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi tại Uganda (7/2010).
+ Đoàn Uganda thăm Việt Nam: Đại sứ không thường trú của Uganda trình quốc thư lên Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1974); Phó Thủ tướng Mu-gan-goa Ca-du-ra Hen-ri (Muganwa Kajura Henry) (9/2014); Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Hen-ri Ô-ri-em Ô-ki-lô (Henry Oryem Okello) (01/2019); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản Mờ-ba-li-bu-li-a Cờ-rít-tô-phơ Ki-ban-gian-ga (Mbalibulha Christopher Kibanzanga) (3/2019); Tổng thống Giô-uê-ri Mu-xê-vê-ni quá cảnh tại Hà Nội trên đường thăm Nhật Bản (8/2019).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 14,3 triệu USD, tăng 39,8% so với năm 2020. Việt Nam xuất chủ yếu sắt thép, sản phẩm dệt may, máy móc, thiết bị và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện; và nhập chủ yếu thức ăn gia súc và nguyên liệu, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ. Trước đó, kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 10,28 triệu USD, giảm mạnh so với mức 21,3 triệu USD năm 2018.
2. Đầu tư
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10/2022, Uganda đầu tư trực tiếp 03 dự án với tổng vốn đầu tư 90.000 USD trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam có 02 dự án đầu tư sang Uganda với tổng mức đầu tư 35,5 triệu USD trong các lĩnh vực khai khoáng và xây dựng[1].
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
1. Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương
Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Uganda ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền (2014-2016; 2023-2025); Ủy ban Luật pháp Quốc tế (2017-2021); Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc ECOSOC (2016-2018); Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021)…
2. Hợp tác nông nghiệp
Bạn đã cử các đoàn thăm ta như: Đại sứ Uganda tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam sau khi trình Quốc thư đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) (8/2018); Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản Uganda thăm, làm việc với Bộ NN&PTNT (3/2019), thăm thực địa vùng sản xuất cà phê tại Đắk Lắk, ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản; Ủy ban phát triển cà phê Uganda cùng một số đại biểu Quốc hội Uganda thăm và làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê (10/2019).
IV. Cộng đồng Việt Nam tại Uganda
Có khoảng 250 người Việt đang làm ăn, sinh sống tại Uganda, chủ yếu buôn bán các mặt hàng bông, gỗ, khoáng sản nhưng hầu hết kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, một phần đã về nước do tác động của đại dịch Covid-19.
V. Các Hiệp định, thỏa thuận
- Đã ký kết: Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (03/2019).
[1] Dự án thứ nhất của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Ba Đình với mức vốn đầu tư 35 triệu USD trong lĩnh vực khai thác, chế biến vàng và kim loại màu. Dự án thứ hai của Công ty Cổ phần Kết cấu thép ATAD với mức vốn
đầu tư 0,5 triệu USD trong lĩnh vực xây dựng.
[Nguồn: Bộ Ngoại giao, cập nhật đến tháng 11/2022]
- Từ khóa:
- Uganda
- Việt Nam-Uganda