Đầu năm 1886, hưởng ứng lời kêu gọi chống Pháp của Vua Hàm Nghi, văn thân sĩ phu yêu nước tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tham gia, tạo thành phong trào kháng Pháp rộng khắp trong toàn tỉnh Thanh Hoá. Ngay từ năm 1879, lực lượng chủ chiến trong triều đình Nguyễn do Tôn Thất Thuyết đứng đầu đã liên lạc với các sĩ phu yêu nước ở Thanh Hóa như Tiến sĩ Tống Duy Tân, Đề đốc Trần Xuân Soạn, thủ lĩnh Cầm Bá Thước... và đã có kế hoạch xây dựng cơ sở kháng chiến ở đây. Do vậy, trước khi quân Pháp đánh chiếm kinh thành Huế (5.7.1885) mạng lưới chống Pháp ở Thanh Hóa đã được thiết lập trên toàn tỉnh. Nghĩa quân Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động, tổ chức chặn đánh gây nhiều tổn thất cho các cuộc hành quân càn quét của   quân Pháp và quân triều đình. Trước sự phát triển của phong trào, quân Pháp tìm mọi cách đối phó và liên tiếp tiến hành càn quét các vùng căn cứ nghĩa quân. Qua các cuộc đụng độ với địch, lực lượng nghĩa quân các địa phương gặp không ít khó khăn do quá chênh lệch về lực lượng cũng như vũ khí trang bị. Tình hình đó đòi hỏi phải có sự thống nhất cao các lực lượng nghĩa quân trong toàn tỉnh mới đủ sức đương đầu với sự phản công ngày càng dồn dập của quân Pháp. Vì vậy, những người lãnh đạo phong trào yêu nước chống Pháp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã cùng nhau họp tại Bồng Trung (Vĩnh Lộc) để bàn kế hoạch mới nhằm thúc đẩy phong trào phát triển. Tại hội nghị, những người tham dự đã thống nhất ý kiến phải nhanh chóng xây dựng Thanh Hóa thành một căn cứ vững chắc cho phong trào chung của toàn quốc. Hội nghị quyết định giao cho Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt đứng ra xây dựng căn cứ Ba Đình nhằm bảo vệ cửa ngõ miền Trung và làm bàn đạp toả ra đánh địch ở đồng bàng. Đồng thời hội nghị  cử Trần Xuân Soạn, Hà Văn Mao xây dựng đồn Mã Cao (Yên Định), thiết lập một hành lang nối liền hoạt động của nghĩa quân suốt từ vùng ven biển lên miền núi Thanh Hoá.

Nữ nghĩa quân Khởi nghĩa Ba Đình bị thực dân Pháp bắt

Thực hiện chủ trương trên, tháng 2.1886, căn cứ Ba Đình được xây dựng trên địa phận các làng Mĩ Khê, Mậu Thịnh, Thượng Thọ thuộc huyện Nga Sơn, cách tỉnh lị Thanh Hóa 40 km về phía đông bắc. Căn cứ được xây dựng kiên cố, vòng ngoài cùng là lũy tre, các cổng của 3 làng được cải tạo thành những chốt gác, phía trong là hào sâu 3-4 m, tiếp đến các bãi chông, trong cùng là thành đất dày 8-10 m, trên mặt thành xép nhiều vật chắn đạn bằng rọ tre, đựng bùn trộn rơm rạ xen kẽ nhau. Trong căn cứ có 3 đồn lớn là đồn Thượng, đồn Trung và đồn Hạ được bố trí liên hoàn với nhau, có hệ thống giao thông hào, nghĩa quân di chuyển rất thuận lợi. Chỉ huy căn cứ Ba Đình có Tán lí Phạm Bành, Tham tán Hoàng Bật Đạt, Lãnh binh Đinh Công Tráng, Nguyễn Viết Toại, Đề đốc Nguyễn Khế; trong đó chỉ huy đội quân giữ đồn Thượng là Nguyễn Viết Toại, đồn Trung là Đinh Công Tráng, đồn Hạ là Phạm Bành và Nguyễn Khế. Để hỗ trợ cho căn cứ Ba Đình, nghĩa quân còn xây dựng một số căn cứ và đồn tiền tiêu ở phía ngoài, như các đồn Thanh Đán (tức làng Đợn) phía tây bắc, Hang Giơi và Răng Cưa phía đông bắc, núi Thúc và Tuấn Đạo phía bắc, Xa Loan và Tố Hoàng phía đông, Tri Cụ (làng Gụ) phía nam và trạm quan sát trên núi Nga Châu. Ngoài ra còn có căn cứ Phi Lai (còn gọi Phúc Thọ) do Cao Điển chỉ huy, căn cứ Quảng Hóa (huyện Vĩnh Lộc) do Trần Xuân Soạn chỉ huy có tác dụng hỗ trợ cho Ba Đình chiến đấu. Căn cứ Mã Cao cách căn cứ Ba Đình 50 km về phía tây, là căn cứ dự phòng, hồ trợ mặt sau cho căn cứ Ba Đình, do Hà Văn Mao chỉ huy; xung quanh Mã Cao có các đồn Đồng Tâm, Hồ Sen, Bù Quả, Bù Hàng, Thung Voi, Thung Khoai tạo thành một hệ thống liên hoàn vững chắc. Được xây dựng quy mô, liên kết chặt với nhau, hệ thống căn cứ Ba Đình – Mã Cao trở thành trung tâm của phong trào Kháng chiến chống Pháp của tỉnh Thanh Hoá. Chỉ huy căn cứ Ba Đình, về danh nghĩa Phạm Bành được cử làm chỉ huy cao nhất, nhưng trong thực tế quyền chỉ huy trực tiếp về Quân sự là Đinh Công Tráng. Lực lượng nghĩa quân Ba Đình lúc đầu khoảng 300 người, tuyển lựa ở các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, sau đó được bổ sung thêm lực lượng thanh niên ở các địa phương khác tự nguyện tham gia. Trong hàng ngũ nghĩa quân có người Kinh, người Thái, Mường, gồm cả nam và nữ. Về tổ chức, lực lượng nghĩa quân được chia làm 10 toán, mỗi toán do một hiệp quản chỉ huy. Vũ khí chủ yếu là súng hoả mai, chông tre, giáo, mác, cung, nỏ và một số súng thần công. Nghĩa quân có chế độ luyện tập và duy trì kỉ luật nghiêm ngặt, luôn có một bộ phận nắm vững kĩ thuật sử dụng các loại vũ khí làm nòng cốt. Công tác đảm bảo hậu cần, lương thực; ngoài số lượng do các phủ, huyện gửi về, còn chủ yếu là do nhân dân tại chỗ đóng góp.

Từ cuối năm 1886, sau khi xây dựng xong căn cứ, nghĩa quân bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động đánh địch, chủ yếu là phục kích tiêu diệt các toán lính tuần tiễu, chặn đánh nhiều đoàn xe vận tải của địch, cắt đứt các tuyến đường giao thông quanh vùng căn cứ Ba Đình. Do bị tiến công liên tiếp, quân Pháp tìm cách đối phó; cuối năm 1886 sử dụng 517 quân, có 1 khẩu đại bác 80 mm yếm trợ tiến công căn cứ Ba Đình. Quân Pháp chia làm 2 mũi: mũi 1 gồm 167 lính, do Trung tá Metdingơ (Metzinger), Tư lệnh vùng Thanh Hóa chỉ huy; mũi 2 gồm 350 lính do Trung tá Đôt (Dodds) chỉ huy tiến công vào căn cứ Ba Đình. Sau những đợt đại bác công phá, quân Pháp tổ chức tiến công; nghĩa quân đợi đối phương đến gần mới nổ súng, giết và làm bị thương nhiều địch. Qua nhiều đợt tiến công liên tiếp bị chặn lại và bị tốn thất lớn về lực lượng, Metdingơ và Đôt buộc phải lệnh lui quân để chờ viện binh. Trước tình hình đó, Pháp phải cử Đại tá Britxô (Brissaud), người đã từng tham gia chỉ huy công phá thành Puêbla ở Mêhicô năm 1863, sang trực tiếp đảm nhiệm việc đánh phá căn cứ Ba Đình.

Ngày 6.1.1887, với một lực lượng lớn gần 2.500 quân thuộc nhiều binh chủng, Britxô chia quân làm 3 mũi, có sự yểm trợ của pháo binh đánh vào căn cứ. Trước sự chống trả quyết liệt của nghĩa quân, quân Pháp bị tổn thất 4 sĩ quan cùng nhiều binh lính và bị chặn lại ở hàng rào tre vòng ngoài căn cứ, buộc phải tạm thời kết thúc tiến công. Chính phủ Pháp yêu cầu phải sớm kết thúc chiến dịch đánh chiếm Ba Đình, nhưng với lực lượng được tăng viện lên tới 3.500 quân, trong đó có 78 sĩ quan cùng nhiều vũ khí, Britxô quyết định công phá căn cứ Ba Đình bằng mọi giá. Để đạt được mục tiêu, Britxô chia quân làm nhiều mũi tiến công, dùng pháo binh bắn phá dữ dội hơn trước. Dựa vào hoá lực mạnh, quân Pháp đã chế áp được hoả lực của nghĩa quân và phá vỡ nhiều công sự bên trong căn cứ. Mặc dù vậy, nghĩa quân vẫn kiên cường chống trả quyết liệt và sau 5 ngày chiến đấu trong thế giằng co, ngày 20.1.1887, quân Pháp mới tiến gần đến tuyến phòng ngự thứ nhất của nghĩa quân. Britxô quyết định cho lực lượng công binh dùng vòi phun dầu đốt cháy luỹ tre, đồng thời tập trung hòa lực đại bác bắn dồn dập, yếm trợ cho bộ binh tiến sát căn cứ; cuộc chiến đấu bước vào thời điểm gay go, quyết liệt. Để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài, đêm 20 rạng sáng ngày 21.1, Phạm Bành, Đinh Công Tráng cùng các tướng chỉ huy khác như Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Khế, Nguyễn Viết Toại đã thống nhất cho rút quân về căn cứ Mã Cao. Sau khi nghĩa quân bí mật rút lui an toàn được vài giờ, quân Pháp đánh chiếm căn cứ Ba Đình, tiến hành triệt hạ 3 làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mĩ Khê, sau đó ép triều đình Huế xoá tên 3 làng đó đế đe doạ nghĩa quân và nhân dân.

Nắm chắc tình hình nghĩa quân rút về Mã Cao, quân Pháp gấp rút tổ chức lực lượng đàn áp. Với lực lượng gần 3.300 quân (có 63 sĩ quan) và hơn 1.700 dân phu, Britxô quyết định công phá căn cứ Mã Cao trong thời gian ngắn. Ngày 2.2.1887, quân Pháp tiến sát Mã Cao, khép chặt vòng vây, sử dụng đại bác bắn phá dữ dội vào căn cứ. Sau vài giờ giao chiến, quân Pháp chiếm được các đồn tiền tiêu, buộc nghĩa quân phải rút vào pháo đài chính là Bãi Xưa. Tại đây cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, kéo dài đến chiều tối. Nghĩa quân sử dụng các loại vũ khí, có cả sơn pháo, bắn dữ dội vào đội hình quân địch, nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân không đủ sức tiếp tục kháng cự, buộc Đinh Công Tráng và Hà Văn Mao phải lệnh rút quân khỏi Bãi Xưa và các căn cứ đang chiến đấu lên Thung Voi và Thung Khoai. Sau một số trận đánh bảo vệ địa bàn đóng quân, nghĩa quân tiếp tục rút về vùng rừng núi Ngọc Lặc để củng cố lực lượng. Tuy nhiên, do bị mất các căn cứ và hao tổn lớn lực lượng trong các cuộc chiến đấu dài ngày không cân sức, nghĩa quân suy yếu dần; nhiều thủ lĩnh bị bắt, một số hi sinh, tự sát (Phạm Bành, Hà Văn Mao...) hoặc chuyển sang lực lượng khởi nghĩa khác (Trần Xuân Soạn). Chỉ còn Đinh Công Tráng tiếp tục hoạt động nhằm gây dựng lại phong trào, nhưng cũng hi sinh trong trận đánh ngày 5.10.1887, cuộc khởi nghĩa đến đây kết thúc.

Khởi nghĩa Ba Đình là điển hình của lối đánh chiến tuyến cố định. Với căn cứ Ba Đình, nghĩa quân có khả năng tập trung lực lượng để đánh những trận lớn, diệt nhiều quân địch, nhưng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm do ở vào thế bị động đối phó, dễ bị cô lập khi đối phương bao vây hoặc tiến công. Cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng đã để lại nhiều kinh nghiệm về xây dựng và tác chiến trong khu căn cứ, góp phần nêu cao truyền thống đánh giặc cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)