Khởi Nghĩa Bà Triệu (248)

Sau khi Nhà Đông Hán sụp đổ (năm 220), nước ta rơi vào ách đô hộ của nhà Ngô. Tiếp tục chính sách nô dịch và đồng hóa, nhà Ngô ra sức bóc lột, đàn áp nhân dân ta. Để phục vụ cuộc chiến tranh với nhà Ngụy ở phía bắc và nhà Thục ở phía tây bắc, đáp ứng nhu cầu xây dựng kinh đô mới ở Kiến Nghiệp (Nam Kinh), nhà Ngô vơ vét nhiều của cải, bắt hàng ngàn thợ giỏi của Giao Chỉ và Cửu Chân đưa về Trung Quốc, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chính quyền đô hộ. Trước tình hình đó, Triệu Thị Trinh (225-248) cùng anh là Triệu Quốc Đạt, vốn là một huyện lệnh (chức quan đứng đầu một huyện) có thế lực trong vùng đã hiệu triệu nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Triệu Thị Trinh, quê ở Quan Yên (nay thuộc huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) là người có chí lớn, từ nhỏ đã thích luyện tập võ nghệ, sớm có lòng yêu nước và căm thù giặc. Triệu Thị Trinh cùng Triệu Quốc Đạt lấy núi Nưa làm căn cứ, bí mật chiêu mộ quân sĩ, rèn gươm, luyện võ, chuẩn bị khởi nghĩa. Từ Núi Nưa, nghĩa quân tìm cách liên hệ với hào kiệt khắp nơi. Bà Triệu thảo hịch kể tội ác giặc Ngô và kêu gọi mọi người đứng lên đánh giặc, cứu nước; lời hịch truyền đi đến đâu cũng được dân chúng hưởng ứng. Đầu năm 248, từ căn cứ Núi Nưa, nghĩa quân tiến đánh thành Tư Phố, quận lị quận Cửu Chân (nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Cuộc tập kích bất ngờ làm cho quân Ngô ở Tư Phố không kịp trở tay và nhanh chóng bị tiêu diệt. Thừa thắng, nghĩa quân vượt sông Mã kéo ra Bồ Điền (nay là thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Tại đây Bà Triệu cùng với 3 người em họ bên ngoại là Lý Hoằng, Lý Mĩ, Lý Thành xây đắp 7 đồn lũy và một trại quân ở núi Tùng, biến Bồ Điền thành một căn cứ vững chắc, làm bàn đạp tiến ra Bắc, giải phóng Giao Châu (gồm cả Giao Chỉ, Cửu Chân). Sau khi Triệu Quốc Đạt hi sinh trong một trận chiến đấu (có sách ghi là ốm chết), Triệu Thị Trinh thay anh cưỡi voi ra trận tiếp tục chỉ huy nghĩa quân đánh phá các thành ấp của giặc, được quân sĩ tôn làm chủ tướng, gọi là Nhụy Kiều tướng quân. Thanh thế cuộc khởi nghĩa ngày càng lan rộng, nghĩa quân liên tiếp đánh thắng nhiều trận, giết chết Thứ sử Giao Châu, giải phóng cả vùng bắc sông Mã và một phần huyện Yên Mô (Ninh Bình), khiến cho “toàn Giao Châu náo động”. Triều đình Đông Ngô hoảng sợ, vội sai Đại tướng Lục Dận đem 8 nghìn quân sang đàn áp. Kết hợp dùng binh lực tiến đánh với dùng tiền của dụ dỗ, Lục Dận mua chuộc được một số thủ lĩnh địa phương. Cuộc khởi nghĩa dần dần bị thu hẹp nhưng Bà Triệu và các tướng lĩnh thân tín vẫn kiên cường chống giặc.
Trong vòng 2 tháng, nghĩa quân đánh trên 30 trận, tiêu hao một phần quan trọng lực lượng quân Đông Ngô giữ vững căn cứ Bồ Điền. Quân Ngô gọi bà là Lệ Hải Bà Vương. Lục Dận điều thêm quân tới bao vây Bồ Điền nhằm tiêu diệt nghĩa quân. Cuối cùng vì binh ít, thế cô, trong cuộc chiến đấu phá vây ác liệt, Bà Triệu hi sinh ở vùng núi Tùng (hiện nơi này vẫn còn lăng mộ và đền thờ). Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã thể hiện ý chí đấu tranh bất khuất giành độc lập, tự do của dân tộc và tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh kiên cường của phụ nữ Việt Nam. Nhân dân cả nước luôn luôn truyền nhau câu nói nổi tiếng đầy khí phách của Bà Triệu “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại non sông, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)