Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9 - 28/10/1940)
Tháng 6.1940, phát xít Đức đánh chiếm thủ đô Pari, buộc Chính phủ Pháp phải kí hiệp ước đầu hàng (22.6.1940). Sự thất bại của quân Pháp ở chính quốc khiến cho chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương suy yếu. Tận dụng cơ hội này, ngày 22.9.1940, quân Nhật từ Quảng Tây (Trung Quốc) tiến đánh chiếm Lạng Sơn; lực lượng quân Pháp ở đây do tướng Maynơra chỉ huy tuy còn đông, nhưng không còn tinh thần chiến đấu, phần lớn đầu hàng quân Nhật, số còn lại hoảng loạn bỏ chạy theo đường Điềm He - Bình Gia - Bắc Sơn về Thái Nguyên; chính quyền thuộc địa Pháp ở nhiều địa phương tan vỡ, các quan tri châu ở Thất Khê, Điềm He, Tràng Định, Bắc Sơn, Na sầm bỏ trốn hoặc bị bắt. Trước tình hình đó, quần chúng ở một số nơi đã nổi dậy phá công sở, trừng trị quan lại, cướp vũ khí, chống lại sự cướp bóc của tàn binh Pháp. Tại châu Bắc Sơn, nắm bắt thời cơ thuận lợi, ngày 25.9, một số đảng viên cộng sản vừa thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn trở về (Nông Văn Cún, Hoàng Đình Ruệ...), cùng với đảng viên thuộc các tổ chức cơ sở đảng ở Bắc Sơn (Dương Công Bình, Hoàng Văn Hán...) quyết định phát động quần chúng nổi dậy, thành lập Ủy ban khởi nghĩa và các tổ tự vệ vũ trang tiến hành khởi nghĩa.
20 giờ ngày 27.9, sau khi phục kích toán lính Pháp ở đèo Canh Tiêm, lực lượng tự vệ cùng với hơn 300 quần chúng (có một số lính dõng, tổng đoàn, xã đoàn tham gia), trang bị các loại súng trường, súng kíp, giáo mác, gậy gộc... chia 3 mũi đánh đồn Mỏ Nhài, bao vây châu lị Bắc Sơn. Với khí thế áp đảo, quân khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi, làm chủ châu lị, buộc Tri châu Hoàng Văn Sỹ và binh lính đồn Mỏ Nhài (1 trung đội) phải trốn chạy qua đèo Canh Dàn sang Bằng Mạc. Ngay sau thắng lợi, rạng sáng 28.9, Ủy ban khởi nghĩa tập hợp quần chúng tổ chức mít tinh tại trung tâm châu lị Bắc Sơn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, tổ chức lực lượng bảo đảm trật tự an ninh và duy trì hoạt động ở các bản làng. Cùng ngày, nhân dân các địa phương lân cận như Hưng Vũ, Chiêu Vũ, Nam Nhi, Tràng Sơn cũng nhất tề nổi dậy đánh đuổi và tước vũ khí của quân Pháp bại trận. Trước sự lớn mạnh nhanh chóng của phong trào quần chúng và lực lượng khởi nghĩa, quân Nhật vội thỏa hiệp với Pháp và tạo điều kiện cho Pháp tập trung sức đàn áp Cách Mạng. Ngày 1.10.1940, Phó sứ tỉnh Lạng Sơn Bônphit cùng với Boocđiê (Đồn trưởng đồn Đình Cả) và Lơgay (phụ trách trại lính Bình Gia) chỉ huy 1 trung đội lính khố xanh từ Đình Cả (châu Võ Nhai, Thái Nguyên) đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, lập lại bộ máy cai trị ở Bắc Sơn, sau đó tiến hành truy lùng, bắt giam, tra tấn, xử bắn những người tham gia khởi nghĩa, phá vỡ một số cơ sở Cách Mạng, gây hoang mang tinh thần đối với nhân dân.
Trước tình hình cuộc khởi nghĩa bị đàn áp dã man, Xứ ủy Bắc Kì cử Trần Đăng Ninh (ủy viên Xứ ủy) về Bắc Sơn cùng với đảng bộ địa phương lãnh đạo đấu tranh, củng cố giữ vững phong trào Cách Mạng. Ngày 14.10.1940, hội nghị cán bộ, đảng viên Bắc Sơn họp ở Sa Khao quyết định xây dựng căn cứ Cách Mạng, thành lập Đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt cho phong trào quần chúng đấu tranh chống khủng bố. Ngay sau khi thành lập, Đội du kích Bắc Sơn đã tích cực tham gia các hoạt động vũ trang tuyên truyền, vận động quần chúng, tổ chức diệt trừ các phần tử phản động làm tay sai cho Pháp, tịch thu tài sản chia cho dân nghèo. Đặc biệt, ngày 25.10, đội tổ chức trận đánh ở Vũ Lăng, buộc lực lượng địch ở đây phải bỏ chạy. Thắng lợi của trận đánh gây tiếng vang lớn, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh, động viên quần chúng tham gia xây dựng lực lượng Cách Mạng. Trên cơ sở đó, chỉ trong thời gian ngắn, Lực lượng Vũ trang của quần chúng Cách Mạng ở Bắc Sơn phát triển nhanh chóng, lên tới gần 200 người với vũ khí trang bị phần lớn là súng kíp và một số súng trường lấy được của địch.
Sau chiến thắng Vũ Lăng, để tiếp tục động viên khí thế đấu tranh của quần chúng, chuẩn bị thành lập chính quyền Cách Mạng và triển khai thực hiện kế hoạch đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, giải phóng châu lị Bắc Sơn, ngày 28.10, ban chỉ huy đội du kích quyết định tổ chức cuộc mít tinh và diễu hành lớn tại Vũ Lăng. Do mất cảnh giác và thiếu chặt chẽ trong công tác tổ chức, bảo vệ, cuộc mít tinh bị Pháp phát hiện và tập trung lực lượng bất ngờ đánh úp gây tổn thất nặng nề; sau đó quân Pháp tiếp tục tăng cường các biện pháp đàn áp, khủng bố nhằm triệt phá căn cứ, tiêu diệt lực lượng Cách Mạng. Trước tình hình đó, Đảng bộ Bắc Sơn họp khẩn cấp ở Nà Pán (xã Vũ Lăng) đã quyết định rút vào bí mật, đồng thời kiện toàn và bổ sung thêm lực lượng thành lập Trung đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt cho phong trào. Từ đây, Khởi Nghĩa Bãi Sơn kết thúc và chuyển sang giai đoạn mới; Trung đội du kích Bắc Sơn chuyển sang hoạt động phân tán, bám sát dân, duy trì cơ sở Cách Mạng, tổ chức nhân dân đấu tranh chống địch khủng bố.
Khởi Nghĩa Bắc Sơn nổ ra khi thời cơ khởi nghĩa trên cả nước chưa chín muồi nên kết quả còn hạn chế và nhanh chóng bị Nhật - Pháp bắt tay nhau đàn áp. Tuy nhiên, trong bối cảnh cụ thể lúc bấy giờ, Đảng bộ Bắc Sơn đã nắm bắt được thời cơ thuận lợi tại địa phương để phát động quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, làm tan rã chính quyền địch, tự trang bị vũ khí, xây dựng Lực lượng Vũ trang và căn cứ Cách Mạng. Đặc biệt, khi bị địch đàn áp, khủng bố, Đảng bộ Bắc Sơn đã kịp thời rút vào bí mật, hoạt động phân tán và biết dựa vào dân, nhờ đó bảo toàn được lực lượng, giữ vững được cơ sở Cách Mạng. Mặc dù chưa giành được thắng lợi quyết định và còn nhiều sai sót, thiếu kinh nghiệm trong công tác tổ chức, lãnh đạo khiến cho lực lượng khởi nghĩa bị tổn thất, nhưng những thành quả đạt được trong Khởi Nghĩa Bắc Sơn là to lớn, đặc biệt là vấn đề xây dựng Lực lượng Vũ trang và căn cứ Cách Mạng, báo hiệu thời kì mới của Cách Mạng Việt Nam - thời kì kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, chuẩn bị điều kiện cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, giành chính quyền trên cả nước.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)