Cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, đồng bào dân tộc Mông ở Việt Nam có khoảng 100 nghìn người sống rải rác trên các vùng núi cao, phần lớn tập trung ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái và một số vùng ở Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, miền thượng du Thanh Hoá, Nghệ An. Từ những năm cuối thế kỉ 19, sau khi thiết lập và củng cố nền thống trị dưới miền xuôi, đàn áp các dân tộc thiểu số ở các thung lũng, thực dân Pháp bắt đầu đưa bộ máy cai trị tới các vùng núi cao, áp bức bóc lột đồng bào Mông. Chính sách của thực dân Pháp đối với đồng bào Mông cũng như các dân tộc thiểu số khác là dụ dỗ lừa bịp đi đôi với đàn áp và chia rẽ. Nhưng cũng như các dân tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam, đồng bào Mông nhiều lần nổi dậy chống Pháp, trong đó cuộc khởi nghĩa lớn nhất là ở vùng Hà Giang.

Đầu năm 1911, phong trào đấu tranh của đồng bào Mông lan rộng khắp vùng Đồng Quang do Sùng Mi Quảng (thủ lĩnh vùng này) chỉ huy liên kết với người Mông ở Trung Quốc và lực lượng người Mông ở Mèo Vạc do Giàng Quang Bảo (tự xưng Vua Mông) lãnh đạo, gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Ngày 11.2.1911, khoảng 400 người Mông biểu tình trước nhà đại lí Pháp ở Đồng Văn, đòi tự do trồng và bán thuốc phiện, tự do chuyên chở muối. Sau đó, Giàng Quang Bảo tập hợp nghĩa quân tiến về phía Vịnh Thôn, Mỏ Rua, Lung Cam, Mường Cha, Lũng Phìn tiếp tục đấu tranh với khẩu hiệu “tự do trồng cây thuốc phiện và tự do tải muối” được đông đảo người Mông từ Đường Thượng, Mai Lo, Lũng Phìn, Mỏ Xoi đến Mèo Vạc hưởng ứng. Ngày 17.2.1911, nghĩa quân Mông chiếm đồn Ma Lin, Hen Tông; ngày 3.3.1911, tiến công đồn Đồng Văn với sự hưởng ứng của nhiều người Kinh và đồng bào các dân tộc khác. Thời điểm này, lực lượng nghĩa quân Mông phát triển tới hàng nghìn người, vài trăm tay súng, tổ chức hoạt động trên nhiều khu vực và được tổ chức thành 6 toán, trong đó toán Mèo Vạc đông nhất do Giàng Quang Bảo trực tiếp chỉ huy. Ngoài ra, nghĩa quân ở Đường Thượng có 800-900 người; toán Xin Cai có 70 tay súng; toán Mỏ Xoi có 150 tay súng; toán Lũng Phìn và toán Mai Lo, mỗi toán khoảng 100 người.

Trước sự lớn mạnh và lan rộng của phong trào, Pháp phải huy động hai đại đội lính khố đỏ từ Yên Bái và Lục An Châu, cùng với 25 lính lê dương và một số lính khố đỏ từ Cao Bằng sang đối phó. Do toán nghĩa quân ở Đường Thượng lực lượng đông, lại đóng gần tỉnh lị Hà Giang, nên Pháp huy động lực lượng gồm 2 trung đội lính khố đỏ, 1 trung đội lính lê dương do Đại uý Rôganh (Roguin) chỉ huy, từ thị xã Hà Giang đến đóng ở Yên Minh để chuẩn bị đàn áp. Ngày 4.3.1911, với lực lượng tăng viện do Đại uý Môpanh (Moupin) chỉ huy, quân Pháp tổ chức tiến công vào Đường Thượng bằng 2 gọng kìm: gọng kìm phía bắc do Đại uý Rôganh chỉ huy; gọng kìm phía nam do Đại uý Cót chỉ huy (gồm 1 trung đội lính lê dương, 1 trung đội lính khố đỏ và 1 trung đội lính khố xanh). Kế hoạch của Pháp là trước hết tìm cách liên lạc với nghĩa quân thu thập yêu sách và dụ hàng, cuối cùng cần thiết mới dùng vũ lực.

Trước âm mưu đàn áp của địch, ngày 9.3.1911, nghĩa quân rút khỏi Đường Thượng tản vào rừng, đầu tháng 4.1911, chiếm núi Nam La (tây bắc Đường Thượng) và các ngọn núi giữa Đường Thượng và Mường Cha. Chiều 11.4.1911, một trận giao chiến xảy ra ở Đường Thượng, nghĩa quân giết chết 1 lính khố đỏ và làm bị thương gần chục lính khác, thu vũ khí rồi rút lên núi. Cuối tháng 4.1911, quân Pháp vẫn không tiêu diệt được nghĩa quân ở vùng này. Cùng thời gian tại Xin Cai, ngày 8.3.1911, Đại uý Môpanh được tin có hai toán nghĩa quân xuất hiện đã điều quân từ Yên Minh tới đối phó, nhưng nghĩa quân phân tán và vượt biên giới sang Trung Quốc. Trung tuần tháng 4.1911, sau một số trận giao chiến nhỏ, tuy nghĩa quân đã gây cho địch một số thiệt hại, nhưng trong nội bộ nghĩa quân đã có người ra hàng, dẫn đến phong trào ở Xin Cai lắng xuống. Tại vùng Mỏ Xoi, Pháp cho quân càn quét mạnh làng Phụ Cao là căn cứ chính của nghĩa quân. Sau một số trận chiến đấu không cân sức, phần lớn nghĩa quân ra đầu thú trở về làng, số còn lại rút về phía đông sáp nhập với các toán nghĩa quân khác.

Tại Mèo Vạc, ngày 1.4.1911 tổng chỉ huy Quân đội Đông Dương là Trung tướng Pennơcanh (Pennequin) mở cuộc thương lượng với nghĩa quân nhưng không đạt kết quả. Ngày 13.4.1911, đội quân của Đại uý Cót tới Đồng Văn mở cuộc tiến công lớn vào Mèo Vạc. Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Giàng Quang Bảo đã tiêu diệt được một số địch, sau đó quân Pháp bắt được cha mẹ Giàng Quang Bảo nhưng Giàng Quang Bảo chạy thoát lên Lũng Cú. Tại vùng Lũng Phìn, nghĩa quân dựa vào địa thế hiểm trở, ở sâu trong núi, khiến đội quân của Đại úy Cót không phát hiện được. Tuy nhiên, ngày 26.4.1911, nghĩa quân lại xuất hiện ở gần Ta Ping (Sà Phìn), tiến hành một cuộc giao chiến, giết chết 15 quân Pháp và làm bị thương một số khác. Cuối tháng 4.1911, Pháp tiếp tục tăng cường lực lượng đàn áp, phong trào khởi nghĩa lắng dần ở nhiều nơi, trừ vùng Lũng Phìn và Đường Thượng vẫn còn những toán nghĩa quân nhỏ hoạt động, tiếp tục gây khó khăn cho địch. Chiến thuật của nghĩa quân là không thương lượng, địch mạnh thì phân tán, địch ít lại tập hợp, khiến cho quân Pháp mệt mỏi bởi những cuộc hành quân liên miên trên một địa bàn hiểm trở mà không tiêu diệt được nghĩa quân. Ngày 29.1.1912, sau trận đánh lớn ở Ma La, nghĩa quân giết và làm bị thương hàng chục quân địch, nhưng một số nghĩa quân cùng hai người vợ và con của Giàng Quang Bảo hi sinh, thế lực nghĩa quân suy yếu dần. Ngày 22.4.1912, Giàng Quang Bảo bị bắt, chấm dứt khởi nghĩa của đồng bào Mông ở Hà Giang.

Khởi nghĩa Hà Giang mặc dù thất bại do so sánh lực lượng nghĩa quân quá chênh lệch và tính tự phát, đơn lẻ của phong trào nhưng khẳng định truyền thống đấu tranh bất khuất của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao nói chung, cũng như của đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng, chống lại ách thống trị của thực dân Pháp những năm cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Đây là cơ sở để nhân dân các dân tộc Hà Giang được giác ngộ và tích cực tham gia phong trào Cách Mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm sau này.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)