Lai Châu là tỉnh miền núi tây bắc Bắc Bộ tiếp giáp với Trung Quốc, nơi có nhiều dân tộc chung sống: Kinh, Thái, Mông, Khơmú, La Hú, Giáy, Tày, Nùng, Mường, Lô Lô, Kháng...; có địa hình núi cao, xen kẽ các thung lũng, có sông Đà và sông Nậm Na chảy qua, rừng chiếm trên 70% diện tích tự nhiên, nhiều tài nguyên và lâm sản phong phú, quý hiếm. Ngay từ những năm cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, sau khi cơ bản hoàn thành việc xâm chiếm và áp đặt chế độ cai trị, thực dân Pháp bắt đầu triển khai thực hiện chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất, nhằm vơ vét bóc lột sức người, sức của vùng Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng, phục vụ cho yêu cầu phát triển và lợi ích của tư bản Pháp ở chính quốc. Dựa vào bộ máy cai trị chủ yếu là người bản địa do Pháp dựng lên, kết hợp với các thủ đoạn đàn áp, dụ dỗ, mua chuộc và chia rẽ thâm độc, chính quyền thực dân Pháp đã thi hành nhiều biện pháp thống trị và bóc lột tàn bạo đối với đồng bào dân tộc Mông cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Lai Châu. Cùng với phong trào đấu tranh mạnh mẽ của các dân tộc khác vùng Tây Bắc và trên cả nước, đồng bào Mông ở Lai Châu đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh chống lại ách thống trị và bóc lột nặng nề của chính quyền thực dân. Nhiều cuộc khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc nổ ra, tiêu biểu nhất trong thời kì này là Khởi Nghĩa Lai Châu do Giàng Tả Chay đứng đầu.

Giàng Tả Chay, một thanh niên người Mông, quê vùng Điện Biên. Đầu năm 1918, Giàng Tả Chay bị Pháp bắt vì hoạt động chống đối chính quyền địa phương, nhưng do không đủ chứng cớ để buộc tội nên phải thả. Tháng 7.1918, Giàng Tả Chay tiếp tục vận động người Mông ở Tà Phìn nổi dậy chống chính sách cai trị của Pháp, nhưng vì lực lượng non yếu nên nhanh chóng bị quân Pháp đánh dẹp. Cuối tháng 10.1918, Giàng Tả Chay tiếp tục tập hợp lực lượng nhưng mạnh hơn trước (nghĩa quân có trên 100 người, trang bị 50 súng) được nhân dân che chở, giúp đỡ, dựa vào rừng núi hiểm trở để hoạt động. Nghĩa quân liên tục tổ chức các trận đánh vào quân Pháp ở bản Nậm Ngan gần Điện Biên (4.12.1918), Ba La Viêng (16.1.1919), Ba Xúc (17.1.1919), núi Long Hé (21.1.1919)..., gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngay từ khi cuộc khởi nghĩa vừa mới bắt đầu. Thực dân Pháp tìm cách đối phó, sau khi tiến hành các biện pháp mua chuộc, dụ dỗ không có kết quả, Pháp quyết định dùng biện pháp quân sự để đàn áp. Tuy nhiên, lực lượng quân Pháp được điều từ Sơn La, Yên Bái đến càn quét nhiều lần vẫn không tiêu diệt được nghĩa quân. Đến cuối năm 1919, địa bàn hoạt động của nghĩa quân mở rộng tới 40 nghìn km2, trải từ Điện Biên thuộc Tây Bắc Việt Nam tới Sầm Nưa, Trấn Ninh (Lào). Nghĩa quân sử dụng chiến thuật du kích rất linh hoạt, hoạt động trên địa bàn rừng núi vừa hiểm trở vừa rộng lớn khiến quân địch rất lo sợ và phải huy động một lực lượng lớn để đối phó. Về quân sự, Pháp tổ chức lực lượng càn quét ở cả hai khu vực Xiêng Khoảng - Sầm Nưa và Mường Khoa - Điện Biên Phủ; đồng thời về chính trị, kết hợp thủ đoạn mua chuộc, chia rẽ dân tộc với khủng bố tàn bạo hơn. Theo kế hoạch, để bảo đảm chắc thắng, quân Pháp tập trung lực lượng tiến công vào khu ngoại vi ở Lào (Sầm Nưa, Trấn Ninh, Luông Phabăng) nhằm tiêu diệt lực lượng bên ngoài; tiếp đó, cô lập lực lượng nghĩa quân ở trung tâm, nhằm diệt gọn trong một đòn quyết định cuối cùng. Tại khu ngoại vi, do lực lượng nghĩa quân nhỏ yếu, nên quân Pháp đã nhanh chóng chiếm được các vị trí quan trọng. Ngày 6.1.1920, quân Pháp càn quét vùng Trấn Ninh, nối lại đường giao thông Xiêng Khoảng - Cửa Rào. Tại khu trung tâm (vùng Xon Xang, Mường Xơn), diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, quân Pháp bị tổn thất nặng với hàng trăm quân chết và bị thương, nhưng về phía nghĩa quân, lực lượng cũng bị giảm sút. Cuộc chiến đấu tạm dừng trong một thời gian.

Tháng 9.1920, nghĩa quân của Giàng Tả Chay tiếp tục tiến công các đồn trại của địch, gây nhiều thiệt hại. Nhưng thời gian này, quân Pháp đã chuẩn bị một kế hoạch đối phó quy mô hơn, trong đó tập trung lực lượng bao vây ráo riết vị trí chính của nghĩa quân trên chi lưu tả ngạn sông Nậm Hu, đồng thời bố trí chặn đường rút của nghĩa quân về phía bắc. Tháng 12.1920, quân Pháp tiếp tục tăng cường đàn áp, nhưng vẫn không thu được kết quả, do hoạt động linh hoạt của nghĩa quân. Quân Pháp đánh lui nghĩa quân ở chỗ này lại bị nghĩa quân chặn đánh ở chỗ khác; ngoài ra, nghĩa quân được nhân dân nhiệt tình ủng hộ bằng biện pháp phá huỷ nhà cửa làng mạc khi địch đến, khiến quân Pháp càng gặp nhiều khó khăn trên đường hành quân càn quét. Tuy nhiên, sau một số cuộc giao tranh, nhận thấy lực lượng còn yếu, chưa thể chiến đấu lâu dài được với địch, nghĩa quân buộc phải rút khỏi căn cứ sau khi phá huỷ hết các doanh trại và công sự. Từ đây, phong trào suy yếu dần và không thể phục hồi lại được. Nhiều đồng bào Mông phải ra đầu thú trước sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù; hơn nữa, một số người bị quân Pháp mua chuộc (tìm bắt nghĩa quân để lấy thưởng). Cuối năm 1921, Giàng Tả Chay bị sát hại, cuộc khởi nghĩa đến đây chấm dứt.
Khởi Nghĩa Lai Châu là một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu và lớn nhất của đồng bào các dân tộc ít người ở vùng núi Tây Bắc. Mặc dù thất bại do so sánh lực lượng quá chênh lệch trước kẻ thù, cùng với tính tự phát, thiếu tổ chức chặt chẽ của phong trào, nhưng cuộc khởi nghĩa đã thể hiện rõ lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào dân tộc Mông và đông đảo các dân tộc ít người khác ở Việt Nam, thể hiện tình đoàn kết Việt - Lào trong đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp. 

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)