Khởi nghĩa Lê Duy Lương (1832 - 1833)
Dưới thời Nguyễn nông dân là những người phải chịu thuế khoá nặng nề, thiên tai, mất mùa, đói kém, chế độ lao dịch nặng nề. Ở khu vực miền núi, Triều Nguyễn thi hành chính sách dựa vào các thổ tù, tù trưởng để cai trị dân tộc thiểu số; vì vậy, ngay khi Gia Long lên ngôi, phong trào nông dân đã bùng phát và lan rộng. Đến thời Vua Minh Mạng được coi là giai đoạn phát triển vững vàng nhất của Triều Nguyễn thì cũng là thời kì có nhiều cuộc khởi nghĩa nhất như Phan Bá Vành, Lê Văn Khôi, Nông Văn Vân... Sau khi làm chủ Bắc Hà, nhằm ngăn ngừa những mưu đồ “phù Lê diệt Nguyễn”, Vua Gia Long thi hành chính sách mua chuộc con cháu họ Lê, phong cho Lê Duy Hoán (cháu Vua Lê Hiển Tông) tước Diên Tự Công, cấp cho 10 nghìn mẫu ruộng và 1.016 dân ở Thanh Hóa để thờ tự Vua Lê. Năm 1816, Lê Duy Hoán bị Nhà Nguyễn khép tội chết; con thứ hai của Lê Duy Hoán là Lê Duy Lương, khi đó mới bốn tuổi được đưa đi trốn ở vùng rừng núi Ninh Bình, Hoà Bình, được hai anh em thủ lĩnh người Mường ở Sơn Lâm,Thạch Bi (Hoà Bình) là Quách Tất Công, Quách Tất Tại nuôi dưỡng (họ Quách và họ Đinh là những dòng họ lang đạo lớn, vẫn thần phục Nhà Lê, được trọng đãi và hưởng quyền thế tập, bởi vậy, họ sẵn sàng hưởng ứng lời hiệu triệu của Nhà Lê, đứng lên chống lại Nhà Nguyễn). Sang thời Minh Mạng, phong trào “phù Lê” có xu hướng phát triển hơn trước; Lê Duy Lương ngầm liên kết với các lãnh đạo họ Đinh, họ Quách ở Sơn Lâm và Thạch Bi (Hoà Bình) khởi binh đánh lại triều đình. Người Mường ở ba huyện Lạc Thổ, Phụng Hóa, An Hóa cùng nông dân lưu tán vùng đồng bằng đi theo Lê Duy Lương rất đông. Năm 1831, Lê Duy Lương xưng là Đại Lê Hoàng Tôn, rồi khắc ấn tín, đặt quan chức, lập ra 5 đạo quân để chống lại Nhà Nguyễn.
Năm 1832, Lê Duy Lương liên kết với anh em họ Quách phát động khởi nghĩa. Trước đó, Lê Duy Lương đã vận động được đội lính tại đồn binh Ninh Thiện (phủ Trấn Ninh) dưới sự chỉ huy của Trần Trí và Đỗ Bảo nổi dậy giết chết cai đội, cướp vũ khí, theo đường thượng đạo tiến ra phía bắc hợp lực với nghĩa quân. Nhưng dọc đường hành quân, binh lính khởi nghĩa bị quân triều đình ở Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình đón bắt, giải về Huế xử lăng trì. Tuy vậy, Lê Duy Lương vẫn liên kết với cuộc khởi nghĩa Ba Nhàn, Tiến Bột ở vùng trung du tỉnh Sơn Tây (bao gồm tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay) do hai thủ lĩnh Nguyễn Văn Nhàn và Lê Văn Bột chỉ huy. Tháng 3.1833, Lê Duy Lương mở một cuộc tiến công lớn chia làm hai cánh: một cánh do Quách Tất Công chỉ huy vây đánh Thiên Quan (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình); cánh khác gồm 3 nghìn quân do Lê Duy Nhiên, Quách Công Tiến, Đinh Thế Đức chỉ huy tiến đánh các đồn Vạn Bờ, Quỳnh Lâm (châu Đà Bắc) và Bất Bạt (Sơn Tây), cùng nghĩa quân Ba Nhàn, Tiến Bột bao vây trấn thành Hưng Hóa trong nhiều tuần lễ. Triều đình lo sợ điều quân từ Hà Nội, Nam Định giải vây cho Hưng Hoá. Giữa năm 1833, Vua Minh Mạng cử Tạ Quang Cự, Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) và Tham tán Hoàng Đăng Thận đem quân đánh thẳng vào căn cứ gốc của nghĩa quân ở Sơn Âm, Xích Thổ, phối hợp với quân của Nguyễn Đăng Giai từ Thanh Hóa kéo ra. Tháng 7.1833, nghĩa quân đã chiến đấu quyết liệt nhưng quân triều đình vẫn phá được căn cứ, Lê Duy Lương và Lê Duy Nhiên bị bắt, đưa về Huế xử tội lăng trì. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa của dân tộc Mường vẫn tiếp tục; năm 1836, Quách Tất Công, Quách Tất Tại và họ Đinh liên kết với các lang đạo Mường ở Quan Hoá, Cẩm Thuỷ, Lang Chánh (Thanh Hoá), tôn Lê Duy Hiển (tôn thất Nhà Lê) làm minh chủ, đánh chiếm Hồi Xuân (quận lị Quan Hoá). Nghĩa quân còn mở rộng vùng hoạt động đánh ra Lôi Dương, Thuỷ Nguyên (Thanh Hoá), Quỳ Châu (Nghệ An) và nam Ninh Bình. Vua Minh Mạng phải cử Trương Đăng Quế làm Kinh lược Đại sứ Thanh Hoá, điều các vệ quân từ Hà Tĩnh ra, đồng thời sai tổng đốc mới của An Tĩnh là Phạm Văn Điển chỉ huy quân Thanh Hóa phối hợp đàn áp. Bị bao vây bốn mặt, đến giữa năm 1838, Lê Duy Hiển cùng các thủ lĩnh nghĩa quân bị bắt giải về Kinh. Để diệt trừ hậu hoạ, Nhà Nguyễn cho bắt hết con cháu Nhà Lê đưa vào các tỉnh phía nam từ Bình Định trở vào; Khởi Nghĩa Lê Duy Lương chấm dứt.
Khởi nghĩa Lê Duy Lương là cuộc đấu tranh rộng lớn của nhân dân miền núi chống lại ách thống trị và bóc lột hà khắc của Nhà Nguyễn, tuy còn mang tính chất địa phương nhưng cũng đã có sự liên kết hành động với cuộc khởi nghĩa khác, về danh nghĩa là khởi nghĩa do con cháu Nhà Lê khởi xướng dưới khẩu hiệu “phù Lê diệt Nguyễn”, nhưng thực chất đây là cuộc đấu tranh của dân tộc Mường dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các thủ lĩnh họ Quách.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)