Khởi nghĩa Nguyên Hữu Huân (1859 - 1875)
Tháng 9.1858, quân Pháp phối hợp với một bộ phận quân Tây Ban Nha nổ súng đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Sau đó, đưa quân đánh chiếm thành Gia Định, rồi huy động thêm lực lượng đánh chiếm các tỉnh Nam Kì. Trước hành động của quân xâm lược, nhân dân Nam Kì đã dũng cảm đứng lên đánh Pháp, bảo vệ đất nước. Trong khi triều đình Huế thoả hiệp cầu hoà, kí Hiệp ước Nhâm Tuất (5.6.1862) mở đầu sự đầu hàng quân Pháp, phong trào kháng chiến của nhân dân ngày càng diễn ra sôi nổi. Bắt đầu ở miền Đông Nam Bộ, sau đó phong trào lan rộng khắp Nam Kì và đã nhanh chóng biến thành cuộc kháng chiến rộng lớn gây cho Pháp nhiều tổn thất. Tiêu biểu trong thời kì này là cuộc khởi nghĩa do Nguyền Hữu Huân lãnh đạo.
Nguyễn Hữu Huân quê ở làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Nguyễn Hữu Huân đỗ đầu kì thi hương năm 1852 nên sĩ phu và nhân dân trong vùng gọi là thủ khoa Huân, sau đó được bổ làm Giáo thụ ngay tại huyện nhà. Khi quân Pháp chiếm thành Gia Định (1859), Nguyễn Hữu Huân từ bỏ chức Giáo thụ, đứng ra chiêu mộ nghĩa quân chiến đấu bên cạnh quân triều đình. Sau Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Nguyễn Hữu Huân đem toàn bộ lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Trương Định và được cử làm Phó Quản đạo. Năm 1863, Nguyễn Hữu Huân chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp ở Mĩ Quý, Tam Bình, Thuộc Nhiêu và Cai Lậy thuộc tỉnh Mĩ Tho. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Hữu Huân, nghĩa quân mở rộng địa bàn hoạt động ra vùng Hà Tiên, Châu Đốc. Khi nghĩa quân gặp khó khăn, Trương Định rút quân về Phúc Lộc để củng cố lực lượng thì Nguyễn Hữu Huân đưa quân về xây dựng căn cứ Bình Cách, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Định Tường. Quân Pháp tiến công căn cứ Bình Cách, Nguyễn Hữu Huân và nghĩa quân rút qua Thuộc Nhiêu, rồi sang An Giang cùng Võ Duy Dương bàn định kế hoạch, tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Nhằm phát triển lực lượng, bên cạnh nghĩa quân người Việt, Nguyễn Hữu Huân còn vận động đồng bào Khơme Nam Kì tham gia nghĩa quân. Trên địa bàn hoạt động chủ yếu từ Bình Cách đến Thuộc Nhiêu, nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh phục kích gây cho quân địch nhiều tổn thất.
Để dập tắt cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp đã cho người chui vào hàng ngũ nghĩa quân phá hoại từ bên trong. Chính từ âm mưu này mà Nguyễn Hữu Huân bị viên chủ tỉnh An Giang bắt trao cho quân Pháp. Nguyễn Hữu Huân bị kết án 10 năm tù khổ sai, bị đày sang đào Rêuyniông (châu Phi), đến năm 1869 mới được thả về và bị quản thúc tại Chợ Lớn. Thời gian này Nguyễn Hữu Huân vừa dạy học, vừa bí mật tìm cách liên lạc với nhiều người yêu nước mưu tính một cuộc khởi nghĩa lớn. Năm 1872, Nguyễn Hữu Huân bỏ trốn về vùng Mĩ Tho, Tân An cùng Tuấn Đức, Âu Dương Lân và nhiều người khác khởi binh. Từ đây, phong trào chống Pháp do Nguyễn Hữu Huân đứng đầu lan khắp vùng Mĩ Tho, Tân An, Chợ Lớn. Nhiều thủ lĩnh địa phương như Nguyễn Văn Chất ở Vĩnh Long, Lê Công Thành, Phạm Văn Đồng, Lâm Lễ ở Cần Thơ, Long Xuyên đều quy tụ về với nghĩa quân. Một hệ thống cơ sở kháng chiến được xây dựng đến tận nhiều thôn xã trên địa bàn Mĩ Tho, Tân An. Với uy tín và tài năng tổ chức, Nguyễn Hữu Huân đã xây dựng được lực lượng hơn 3 nghìn quân. Được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ về mọi mặt, nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh, diệt nhiều địch. Hoạt động của nghĩa quân lôi cuốn nhiều quan chức địa phương tham gia, họ vận động cả làng, cả xã theo ngọn cờ kháng chiến của Nguyễn Hữu Huân, trong đó Cai tổng Tâm ở Bình Công, Bá hộ Nhất ở Long Trì, Bá hộ Bình ở Mĩ Đạo, Hương trưởng Kiệt ở Gia Thạch, Lê Văn Tuân ở Tân Thới Nhất, Thạch Bướm cùng lực lượng các làng xã Khơme..., đã có nhiều đóng góp cho phong trào. Sau một thời gian hoạt động, nghĩa quân gặp khó khăn về vũ khí, đạn dược. Trước tình hình đó, Nguyễn Hữu Huân cho rút quân về cố thủ ở Bình Cách, trấn giữ con đường biển ra miền Trung để đề phòng tình thế nguy cấp. Cuối năm 1874, Pháp huy động lực lượng lớn, được một số phần tử thân cận như Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương hỗ trợ, từ nhiều hướng tiến công vào căn cứ nghĩa quân ở Bình Cách. Nghĩa quân kiên cường chống trả, nhưng do quá chênh lệch về lực lượng, quân địch quá mạnh, nghĩa quân lại thiếu vũ khí, thuốc đạn, nên không bảo vệ được căn cứ, buộc Nguyễn Hữu Huân phải vượt vòng vây rút về Chợ Gạo. Những tháng đầu năm 1875, Nguyễn Hữu Huân trở lại vùng Tân An, quyên góp tiền bạc, hi vọng khôi phục lại lực lượng. Nhưng lúc đó, hầu hết những người chỉ huy nghĩa quân đều đã bị quân Pháp bắt nên cuộc khởi nghĩa suy yếu dần. Ngày 15.5.1875, do Đốc binh Hương phản bội chỉ điểm, quân Pháp bắt được Nguyễn Hữu Huân ở Chợ Gạo. Sau khi đưa về Sài Gòn xét hỏi không đạt kết quả, Pháp giải Nguyễn Hữu Huân về Mĩ Tho, rồi đem xử tử tại làng Tịch Hà, bên cầu Cái Lọc ngày 19.5.1875.
Cuộc Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân là một cuộc khởi nghĩa lớn, kéo dài trong nhiều năm, có tiếng vang ở 6 tỉnh Nam Kì và trong cả nước. Lực lượng tham gia khởi nghĩa chủ yếu là nông dân. Trước sự thoả hiệp cầu hoà của triều đình Huế và do nhiều cuộc khởi nghĩa ở Nam Kì bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, cuộc khởi nghĩa rơi vào thế bị cô lập rồi tan vỡ sau nhiều năm bền bỉ chiến đấu. Mặc dù thất bại, nhưng cuộc Khởi Nghĩa Nguyễn Hữu Huân cũng như các cuộc Khởi nghĩa Trương Định (1861-64), Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực (1861-68) là biểu tượng tinh thần bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân Nam Kì nửa sau thế kỉ 19.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)