Khởi nghĩa Nông Dân Thế kỉ 18
Từ đầu thế kỉ 18, sự chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của địa chủ trở nên phổ biến và ngày càng nghiêm trọng, rất nhiều nông dân mất ruộng đất phải bỏ làng ra đi hoặc chấp nhận bị trói buộc bằng sự bóc lột địa tô nặng nề của địa chủ. Cường hào, địa chủ ở nông thôn lộng hành, ức hiếp nông dân, làm cho đời sống người nghèo thường xuyên bị đe doạ; mâu thuẫn đối kháng trong xã hội phong kiến trở nên quyết liệt, khiến người nông dân chỉ còn con đường nổi dậy khởi nghĩa chống lại nhà nước phong kiến chuyên chế. Từ cuối thế kỉ 17 đầu thế kỉ 18, ở Đàng Ngoài, nổ ra những cuộc nổi dậy lẻ tẻ của nông dân, như cuộc khởi nghĩa Bắc Vương ở huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương năm 1681 (nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương); cuộc nổi dậy chống lại quân lính đồn trú ở Sơn Tây của nhân dân Lập Thạch, trấn Sơn Tây năm 1683; cuộc nổi dậy của nhân dân Tuyên Quang chống lại họ Trịnh do Vũ Công Tuấn, Ma Phúc Tường lãnh đạo. Từ năm 1739, phong trào nông dân khởi nghĩa ở Đàng Ngoài bước vào cao trào, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nổ ra ở nhiều nơi.
Cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật (1738-70). Lê Duy Mật là một người dòng dõi tôn thất Nhà Lê (con Vua Lê Dụ Tông 1706-29). Năm 1728, Lê Duy Mật cùng với một số tôn thất và quan lại định nổi dậy cướp kinh thành, lật đổ họ Trịnh, khôi phục lại Triều Lê. Cuộc chính biến thất bại, Lê Duy Mật chạy vào Thanh Hóa tập hợp lực lượng dân nghèo, tiếp tục cuộc đấu tranh chống họ Trịnh. Từ vùng thượng du Thanh Hoá, nghĩa quân của Lê Duy Mật thường tiến ra hoạt động ở vùng Hưng Hoá, Sơn Tây, Sơn Nam; Trong những năm 1749-52, phối hợp với nghĩa quân của thủ lĩnh Tương ở Sơn Tây, gây cho quân Trịnh nhiều thiệt hại. Từ 1752-63, sau khi Tương bị tử trận, Lê Duy Mật chỉ huy nghĩa quân bỏ căn cứ cũ ở Ngọc Lân (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá) rút lên vùng núi Thanh Hoá, Nghệ An, xây đồn luỹ bảo vệ; đồng thời chú ý cải thiện một số mặt trong đời sống của nhân dân địa phương. Năm 1764, Lê Duy Mật xây dựng một căn cứ mới ở núi Trình Quang (phủ Trấn Ninh), có hào luỹ kiên cố, khống chế cả một vùng thượng du Thanh - Nghệ và một phần Hưng Hoá. Năm 1767, nhân khi Trịnh Doanh chết, Lê Duy Mật mở cuộc tiến công ra Bắc nhưng vừa kéo nghĩa quân xuống vùng Hương Sơn (Hà Tĩnh), Thanh Chương (Nghệ An) thì bị quân Trịnh đánh lui. Cuối 1769, quân Trịnh bắt đầu mở cuộc tiến công quy mô vào căn cứ của nghĩa quân, nghĩa quân chiến đấu quyết liệt, nhưng bị thất bại do con rể của Lê Duy Mật phản bội, mở cổng thành cho quân Trịnh tiến vào. Lê Duy Mật tự thiêu chết cùng vợ con.
Cuộc khởi nghĩa Hoàng Công Chất (1739-69). Từ năm 1739, Hoàng Công Chất lãnh đạo nghĩa quân hoạt động mạnh mẽ ở vùng Sơn Nam. Nghĩa quân của Hoàng Công Chất rất giỏi thuỷ chiến, sở trường về lối đánh du kích, chiến đấu linh hoạt và thường không xây dựng căn cứ cố định. Quân Trịnh nhiều lần tiến đánh nhưng không dẹp nổi. Đầu năm 1746, nghĩa quân mai phục đánh tan đạo quân đàn áp của chúa Trịnh, bắt sống Trấn thủ Sơn Nam Hoàng Công Kì. Cuối năm 1748, Hoàng Công Chất phối hợp hoạt động với nghĩa quân của Nguyễn Hữu Cầu. Sau mấy lần thất bại liên tiếp, năm 1751, Nguyễn Hữu Cầu chạy vào Nghệ An, Hoàng Công Chất chạy vào Thanh Hóa liên kết với phong trào của Lê Duy Mật. Trong thời gian này các cuộc khởi nghĩa lớn ở vùng đồng bằng lần lượt tan rã, Hoàng Công Chất phải rút chạy lên Tây Bắc lập căn cứ tại Mường Thanh (Điện Biên), rồi tiến ra Hưng Hóa liên kết với cuộc khởi nghĩa của người Thái do thủ lĩnh Thành lãnh đạo. Giữa năm 1761, thủ lĩnh Thành bị bắt, Hoàng Công Chất phải rút lên Châu Ninh (Lai Châu) mở rộng hoạt động ở nhiều nơi thuộc vùng Tây Bắc (Điện Biên, Sơn La, Hưng Hoá, Hoà Bình...), xây dựng thành Xám Mứn (Tam Vạn) ở xã Noọng Hẹt (Điện Biên), gắn bó với nhân dân các dân tộc thiểu số. Từ 1754-67, nghĩa quân đánh chiếm lại vùng Thập Châu thuộc phủ An Tây (nay thuộc tỉnh Lai Châu) bị quan lại Vân Nam (Trung Quốc) chiếm; phối hợp với nghĩa quân Lê Duy Mật kiểm soát toàn bộ vùng Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ và bắc Hoà Bình. Năm 1769 Hoàng Công Chất chết, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị Chúa Trịnh đàn áp.
Cuộc khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương (1740-51). Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo) người xã Tiên Sơn, huyện Yên Lạc, trấn Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), vốn là một trí thức phong kiến nghèo, tham gia cuộc khởi nghĩa do thủ lĩnh Tế lãnh đạo ở Sơn Tây. Khi thủ lĩnh bị giết, Nguyễn Danh Phương kéo nghĩa binh về núi Tam Đảo xây dựng căn cứ; năm 1744 số nghĩa binh đã lên đến trên 10 nghìn người và nhiều lần đánh bại quân Trịnh, xây dựng một căn cứ trung tâm ở núi Ngọc Bội (giữa hai huyện Tam Dương và Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), gọi là Đại Đồn, với nhiều đồn ải bảo vệ xung quanh và tự xưng là Thuận Thiên khải vận đại nhân, đặt quan lại, xây nhà điện như một triều đình riêng. Hầu hết các huyện thuộc các phủ Tam Đái, Lâm Thao, Đà Dương trấn Sơn Tây và một số huyện thuộc trấn Thái Nguyên, Tuyên Quang đều nằm trong khu vực hoạt động của nghĩa quân. Nghĩa quân vừa hoạt động, vừa sản xuất để xây dựng căn cứ, tích trữ của cải làm kế lâu dài. Sau khi đã có căn cứ vững chắc, quân khởi nghĩa toả quân đi đánh phá các cơ sở chính quyền họ Trịnh ở vùng Tam Đái, Lâm Thao, Đà Dương; thanh thế nghĩa quân ngày càng lớn, buộc họ Trịnh phải lo tập trung quân lính để đàn áp. Khoảng cuối năm 1750 đầu năm 1751, sau khi đã đánh tan nghĩa quân của Nguyễn Hữu Cầu và Hoàng Công Chất ở Sơn Nam, Trịnh Doanh cử các tướng Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Nghiễm, Đoàn Chú chỉ huy bốn đạo quân lớn tiến đánh Nguyễn Danh Phương. Quân Trịnh đi vòng lên đường Thái Nguyên rồi bất ngờ đánh úp các đồn ngoại vi, bao vây đồn Ngọc Bội. Sau một thời gian chiến đấu ác liệt, đại đồn Ngọc Bội thất thủ, Nguyễn Danh Phương phải dẫn quân rút về núi Độc Tôn (Tam Dương, Vĩnh Phúc) và bị bắt tại xã Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 3.1751 bị xử tử cùng với Nguyễn Hữu Cầu tại Thăng Long.
Cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu (1741-51). Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) quê xã Lôi Dương, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Cừ. Năm 1741, khi Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu chỉ huy nghĩa quân tiếp tục duy trì và phát triển lực lượng. Năm 1742, nghĩa quân chiếm Đồ Sơn làm căn cứ, làm chủ cả một vùng bờ biển và hải đảo xung quanh; tự xưng là “Đông đạo Tổng quốc bảo dân Đại tướng quân’’, với mục tiêu đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người nghèo nên đã lôi cuốn hàng chục nghìn nông dân nghèo đói và lưu vong từ Đồ Sơn đến Hải Dương, Yên Quảng, Kinh Bắc. Năm 1742-43, nghĩa quân đã phá được cuộc tiến công lớn của quân Trịnh do Trịnh Bảng và Đặng Đình Mật chỉ huy. Năm 1744, nghĩa quân tiến về Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay) làm chủ vùng sông Thọ Xương (phần sông Thương thuộc huyện Lạng Giang), chiếm được trấn thành Kinh Bắc; dùng kế mai phục đánh bại quân Trịnh do Trương Khuông, Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy trong trận đánh ở xã Ngọc Lâm, huyện Yên Dũng (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Mùa thu 1745, nghĩa quân trở về Hải Dương, hoạt động ở vùng ven biển, nhưng bị quân Trịnh đánh dồn, chịu nhiều tổn thất, lực lượng suy giảm. Năm 1746, trước tình thế khó khăn, Nguyễn Hữu Cầu giả hàng, được Trịnh Doanh phong tước Hương Nghĩa Hầu nhưng vẫn ngầm hoạt động. Cuối 1748, sau thất bại trong trận chiến ở Cẩm Giàng (Hải Dương), Nguyễn Hữu Cầu lợi dụng sự chủ quan của quân Trịnh, tương kế, tựu kế, mở một cuộc hành quân cấp tốc về Bồ Đề (Gia Lâm), tiến công thành Thăng Long; khi nghĩa quân vừa sang sông thì trời sáng, quân Trịnh kịp dồn hết lực lượng ra chống cự, nghĩa quân bị tổn thất nhiều, phải rút về Sơn Nam phối hợp với nghĩa quân của Hoàng Công Chất. Trong năm 1751, nghĩa quân bị thất bại nhiều trận liên tiếp ở vùng Bình Lục (Hà Nam), Quang Dục (Hải Dương), Lộng Khê (Thái Bình), lực lượng hao tổn nhiều, Nguyễn Hữu Cầu cùng một số bộ tướng và nghĩa quân chạy vào Thanh Hoá, Nghệ An, dựa vào lực lượng của Nguyễn Diên là bạn chiến đấu cũ trong cuộc khởi nghĩa Nguyễn Tuyển. Phạm Đình Trọng (quân Nhà Trịnh) đuổi theo bắt được Nguyễn Hữu Cầu ở núi Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An); tháng 3.1751, Nguyễn Hữu Cầu bị xử tử cùng với Nguyễn Danh Phương tại thành Thăng Long.
Ngoài những cuộc khởi nghĩa trên còn có những cuộc khởi nghĩa khác như ở Hải Dương, anh em Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, tự xưng là Minh Chủ, khởi nghĩa ở xã Ninh Xá, tổng Cao Đồi, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách (nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương); Vũ Trác Oánh, tự xưng là Minh Công, khởi nghĩa ở xã Mộ Trạch, huyện Đường An (Bình Giang, Hải Dương) dưới khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”; ở vùng Sơn Nam cũng xuất hiện nhiều cuộc khởi nghĩa lớn của Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao. Vũ Đình Dung liên kết với Đoàn Danh Chấn và Tú Cao, tiến công vào Chân Định (Trực Ninh, Hà Nam), đánh bại quân Trịnh, giết chết đốc lãnh Hoàng Kim Trảo và các tướng Nguyễn Thế Siêu, Trần Danh Quán; ở Sơn Tây, hai thủ lĩnh Tế và Bồng lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa khá lớn, năm 1740 cuộc khởi nghĩa của Tế và Bồng bị thất bại, nhưng một tướng của Tế là Nguyễn Danh Phương vẫn tiếp tục giương cao ngọn cờ nông dân khởi nghĩa, phát triển thành một cuộc đấu tranh rộng lớn ở vùng Sơn Tây cho đến năm 1751. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nông dân, họ Trịnh hết sức lúng túng, một mặt lo gấp rút tăng cường số lượng quân lính, mặt khác bàn cách đối phó với từng cuộc khởi nghĩa. Năm 1740, Trịnh Doanh tăng cường quân lính thường trực, lập thêm đồn ải ở các nơi hiểm yếu, đặc biệt là tuyển thêm ưu binh. Với lực lượng Quân đội được củng cố lại, lợi dụng tính chất tự phát, rời rạc của phong trào, Trịnh Doanh mở những cuộc đàn áp đẫm máu, tập trung lực lượng tiêu diệt từng cuộc khởi nghĩa theo kiểu “bẻ đũa từng chiếc”, mà mục tiêu trước nhất là cuộc khởi nghĩa Vũ Đình Dung ở Sơn Nam; tiếp đó, Trịnh Doanh chuyển mục tiêu đàn áp sang huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương, tiến công quyết liệt vào căn cứ Chí Linh và căn cứ Gia Phúc. Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa trên, phong trào nông dân Đàng Ngoài lắng xuống, chỉ còn một số cuộc khởi nghĩa nhỏ lẻ ở nhiều địa phương.
Ở Đàng Trong, những cuộc khởi nghĩa của nông dân tuy không nhiều và quy mô như ở Đàng Ngoài, nhưng lịch sử cũng ghi nhận cuộc nổi dậy của thương nhân, nông dân xứ Đàng Trong. Năm 1747, bất mãn với chính sách kiềm chế công thương nghiệp của chúa Nguyễn, thương nhân người Hoa là Lý Văn Quang đã tập hợp khoảng 300 người chiếm bãi Đông Phố (Gia Định), tự xưng là Đông Phố Đại Vương. Nghĩa quân đã giết chết Khâm sai Nguyễn Cư Cận và định chiếm dinh Trấn Biên, nhưng không thành; chúa Nguyễn cho quân đàn áp, Lý Văn Quang và 57 người bị bắt. Trước khi nổ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, nhân dân các dân tộc thiểu số sống dọc theo dãy Trường Sơn và vùng Tây Nguyên đã nhiều lần nổi dậy chống chúa Nguyễn. Năm 1746, người Chàm ở Thuận Thành (Nam Trung Bộ), người Chămrê ở miền núi Quảng Ngãi đã nổi dậy; chúa Nguyễn đã phải lập 6 đạo binh phòng giữ. Năm 1770, người Chămrê lại nổi dậy đánh xuống đồng bằng. Chúa Nguyễn phải điều động thêm lính ở hai phủ Quy Nhơn và Phú Yên mới đàn áp được phong trào. Ở đồng bằng, lẻ tẻ nhiều cuộc bạo động bùng phát từ giữa thế kỉ 18, lớn nhất là cuộc khởi nghĩa ở Quy Nhơn (Bình Định) do thủ lĩnh Lía lãnh đạo. Lía tên thật là Đoan, là một nông dân phải đi ở cho địa chủ; gặp khi nạn đói xảy ra, Lía trốn vào rừng, tập hợp dân nghèo khởi nghĩa, lấy Truông Mây làm căn cứ, chuyên đánh cướp của cường hào, địa chủ chia cho dân nghèo. Cuộc khởi nghĩa của Lía cuối cùng cũng bị thất bại, nhưng hình ảnh chàng Lía vẫn còn lưu truyền trong nhân dân Quảng Ngãi và Bình Định.
Đến khoảng năm 1770, hầu hết các cuộc khởi nghĩa trên phạm vi cả nước đều bị chính quyền phong kiến dập tắt. Nguyên nhân thất bại của các cuộc Khởi Nghĩa Nông Dân thế kỉ 18 là tính chất tự phát, phân tán, thiếu sự liên liên kết và thống nhất lực lượng giữa các cuộc khởi nghĩa trong một tổ chức chung. Tuy nhiên, xét về mặt phát triển lịch sử, phong trào nông dân thế kỉ 18 đã giáng những đòn quyết định làm lung lay tận gốc rễ chế độ phong kiến đã tồn tại trong mấy thế kỉ, tạo những điều kiện chín muồi cho thắng lợi nhanh chóng của phong trào Tây Sơn sau đó.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)