Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng An Lão: Đổi thay ở huyện miền núi anh hùng

Hà Nội (TTXVN (ngày 27/8/2014) Trong những ngày tháng Tám lịch sử, An Lão - huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng An Lão (7/12/1964 - 7/12/2014) - một trong những mốc son chói lọi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn rợp một “góc trời” trên trục đường tỉnh lộ đi vào huyện lỵ, đến các con đường trong những khu phố của thị trấn đang trên đà phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong nhiều tháng qua, lãnh đạo tỉnh và huyện khẩn trương chuẩn bị kế hoạch, nội dung, chương trình kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng An Lão. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa lớn của huyện, của tỉnh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện An Lão là căn cứ cách mạng phía Bắc của tỉnh Bình Định, nơi đóng quân của Sư đoàn 3 Sao vàng và hậu phương của Quân khu 5. Vì vậy, Mỹ - Diệm đã dùng mọi hình thức tàn bạo “Giết sạch, phá sạch và đốt sạch” để chống phá phong trào cách mạng và thực hiện âm mưu “bình định nông thôn” của địch. Vì vậy đầu tháng 12/1964, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định mở chiến dịch tấn công giải phóng thị trấn An Lão. Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, cùng sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, đến 1 giờ 5 phút ngày 7/12/1964 ta đã nổ súng tấn công dồn dập vào các căn cứ quân sự của địch và đã lần lượt tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm của địch, giải phóng 8 ấp chiến lược và giải phóng thị trấn An Lão. Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của quân và dân ta ở khu Trung Trung bộ và góp phần cổ vũ cho cán bộ chiến sĩ khắp chiến trường miền Nam xông lên tiêu diệt kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống của một huyện anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đoàn kết vượt qua khó khăn, gian khổ để hàn gắn vết thương sau chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Ghi nhận thành tích đó, năm 1998, An Lão đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong suốt 28 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân trên địa bàn, huyện đã không ngừng đưa nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quốc phòng an ninh được củng cố và giữ vững. Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất tăng hàng năm 15,4%. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng đưa lại hiệu quả kinh tế cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nước ngọt tiếp tục phát triển cao về sản lượng và chất lượng. Công tác quy hoạch, quản lý và bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn, đến nay độ che phủ rừng đạt 72,4%. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tăng 6,9% và các loại hình dịch vụ thương mại phát triển phong phú. Nét khởi sắc của An Lão không thể không kể đến việc phát triển vượt bậc cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất phát triển và đời sống dân sinh. Chỉ từ năm 2009 đến nay, được sự đầu tư của của Nhà nước thông qua Chương trình 135 và Quyết định 30a Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức kinh tế trong nước và các chương trình lồng ghép khác với tổng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho huyện phát triển mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và thông suốt từ trung tâm huyện đến các xã và thôn bản. Các công trình văn hoá, giáo dục, y tế không ngừng được đầu tư phát triển rộng khắp.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, 8/8 xã đang triển khai thực hiện theo đồ án và đề án đã được phê duyệt; trong có 50% số xã đã đạt được từ 7-11 tiêu chí. Thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh, bền vững, trong những năm qua cùng sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức kinh tế khác đã đầu tư trên 300 tỷ đồng, giúp đỡ xây dựng trên 1.040 ngôi nhà kiên cố cho hộ nghèo và hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng khác cho đồng bào dân tộc phát triển sản xuất…Nhờ vậy, đến nay hầu hết các thôn bản trên địa bàn huyện đã ổn định tái định canh, định cư, đồng bào thiểu số đã biết làm lúa nước và sản xuất lúa lai đưa lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đời sống của đại bộ phận đồng bào được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 63,6% năm 2010 xuống còn 50,9 % năm 2013. Đời sống văn hóa ngày càng được nâng cao, nhiều hủ tục dần dần được xóa bỏ. Huyện đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, 100% số xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và có 5 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Có thể nói với hướng đi đúng đắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện các chính sách dân tộc và xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, góp phần làm cho bộ mặt của một huyện nghèo miền núi đổi thay mạnh mẽ.

Ghi nhận thành tích đó năm 2012, huyện An Lão đã được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và năm 2014 đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chiến thắng An Lão, Đảng và Nhà nước đã trao tặng huyện An Lão Huân chương Độc lập hạng 3 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua ái quốc. Về mục tiêu và giải pháp phát triển trong những năm tới, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Huyện tăng cường đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện có hiệu qủa Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a Chính phủ, Chương trình xây dựng nông thôn mới và tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3-4%. Bên cạnh đó, huyện chú trọng đầu tư trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi và hướng dẫn vận động đồng bào ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, chế biến nông lâm sản để tạo ra sản phẩm hang hóa tăng thu nhập ổn định. Đồng thời huyện gắn việc phát triển kinh tế với công tác quản lý bảo vệ rừng và giao đất lâm nghiệp góp vai trò to lớn trong việc chống xói mòn đất đai và bảo vệ môi trường. Ông Đinh Văn Nháo, cán bộ hưu trí, thường trú tại thôn 3 xã An Quang cho biết: Đồng bào các dân tộc Hre, Ba Na, Gia rai, Nùng và Kinh sinh sống trên mảnh đất An Lão rất đỗi tự hào với truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta để giành lại độc lập tự do cho đất nước và vô cùng biết ơn sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đã quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất và các cơ sở phục vụ đời sống văn hóa và dân sinh trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc.

50 năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng An Lão vẫn còn gợi lên những hồi ức vẻ vang về một chặng đường gian khổ, hào hùng của quân và dân Bình Định. Phát huy truyền thống của một đơn vị anh hùng, trong sự nghiệp đổi mới phát triển kinh tế - xã hội, quân và dân An Lão đã đoàn kết, chung sức chung lòng, vượt qua thử thách, khó khăn đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và xóa đói giảm nghèo. Đời sống của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn huyện được cải thiện rõ rệt; bộ mặt thành thị, nông thôn ngày càng khởi sắc./.

                                                                                                                                                   Viết Ý