Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ba Gia: Trận chiến lịch sử ghi dấu sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Hà Nội (TTXVN 30/5/2015) Ngày 30/5/2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi tổ chức buổi gặp mặt cựu cán bộ Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ba Gia lịch sử (31/5/1965- 31/5-2015) nhằm bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Võ Văn Hưng - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: Chiến thắng Ba Gia là một trong những đòn quyết định, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Quảng Ngãi đồng thời, ghi dấu sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta. Nhờ chiến thắng vang dội này, quân và dân Quảng Ngãi có thêm động lực để đấu tranh và liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn, góp phần tích cực vào Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Phan Công Chánh, nguyên Đại đội trưởng đội thông tin Trung đoàn BB1 (Trung đoàn Ba Gia) xúc động nói: Thời gian đã lùi xa 50 năm, vết thương chiến tranh cũng dần nguôi ngoai nhưng mỗi khi nhắc đến chiến thắng Ba Gia lịch sử, trong mỗi người lính luôn trỗi dậy lòng tự hào vô bờ bến, lòng biết ơn sâu sắc tự đáy lòng và luôn tâm niệm sẽ cố gắng học tập, công tác, rèn luyện để xây dựng Trung đoàn ngày càng hùng mạnh hơn nữa trong lòng người dân khu 5; chung tay viết tiếp trang sử chói lọi của dân tộc để xứng đáng với những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống tại chiến trường Ba Gia năm xưa.
Nhân dịp này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã tặng quà lưu niệm cho Ban liên lạc Trung đoàn Ba Gia anh hùng.
Trận chiến Ba Gia lịch sử được mở màn vào đêm 28, rạng sáng ngày 29/5/1965. Bộ đội địa phương huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã nổ súng tiến công, sau 10 phút đã diệt gọn 2 trung đội dân vệ phòng thủ ở “ấp chiến lược” Diên Niên và 1 trung đội lính bộ binh Cộng hòa đóng ở khu vực núi Chợ, thôn Lộc Thọ, xã Tịnh Sơn. 6 giờ 45 phút ngày 29/5/1965, 1 đại đội ngụy quân từ đồn Gò Cao tiến về phía Đông để giải tỏa áp lực cho cứ điểm nhưng bị quân ta phục kích, diệt gọn 1 trung đội, 2 trung đội còn lại phải xin cứu viện khẩn cấp. Đến 10 giờ 40 phút cùng ngày, Tiểu đoàn 1 của ngụy có hai cố vấn Mỹ từ Gò Cao kéo xuống tiếp viện bị quân ta chặn đánh, thu hút hỏa lực của chúng về phía núi Tròn, núi Khỉ để nghi binh. Trong khi đó, các mũi tiến công khác của quân ta từ Minh Thành (Tịnh Minh) bất ngờ xuất kích đánh ập từ sau lưng đối phương. Bị chặn đầu, khóa đuôi và liên tục chịu đựng các đợt tấn công dữ dội, đội hình hành quân của quân ngụy hoàn toàn rối loạn và bị quân ta tiêu diệt sau 5 giờ chiến đấu.
Được tin Tiểu đoàn 1 bị tiêu diệt, đồn Gò Cao bị uy hiếp, Bộ chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy Sài Gòn điều Tiểu đoàn 39 biệt động từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi và tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến (đang càn quét ở Đức Phổ) hợp cùng Tiểu đoàn 2 lập thành chiến đoàn, tổ chức cứu viện, giải tỏa vòng vây, đưa lực lượng trở lại chiếm giữ đồn Ba Gia đang bị bỏ trống. Sáng 30/5/1965, từ tỉnh lỵ Quảng Ngãi, chiến đoàn quân ngụy Sài Gòn vừa hình thành, kéo lên địa bàn xã Tịnh Hà, rồi chia làm hai cánh. Một cánh do Tiểu đoàn 39 biệt động quân đảm nhiệm, rẽ về phía Bắc Phước Lộc, theo đường Lâm Lộc-Vĩnh Khánh lên chiếm đồi Chóp Nón (xã Tịnh Bình) hình thành thế bao vây phía sau đội hình quân ta. Cánh còn lại gồm Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 theo đường số 5 Sơn Tịnh- Sơn Hà (nay là quốc lộ 24B) nhằm hướng Ba Gia thẳng tiến. Toàn bộ ý đồ của quân địch đã bị Bộ chỉ huy chiến dịch Ba Gia nắm bắt và chủ động thế trận giăng bẫy.
14 giờ 40 phút ngày 30/5, chiến đoàn quân ngụy Sài Gòn lọt vào thế trận phục kích của ta. Ngay sau lệnh xuất kích, từ các hướng, bộ đội xung phong tấn công mãnh liệt. Các đơn vị nhanh chóng thực hiện bao vây chia cắt, cô lập hai cánh quân và lần lượt băm nát từng bộ phận, bẽ gãy âm mưu phối hợp sức mạnh chiến đoàn. Đến 17 giờ cùng ngày, chiến đoàn quân ngụy Sài Gòn bị thiệt hại nặng nề song số quân địch còn lại vẫn dựa vào làng Phước Lộc, điểm cao 47 và núi Chóp Nón để chống cự. Không để đối phương kịp trở tay, ngay trong đêm 30 rạng sáng ngày 31/5/1965, quân ta tập trung lực lượng, đồng loạt tập kích, chỉ sau 7 phút đã làm chủ hoàn toàn điểm cao 47 và núi Chóp Nón.
Sau 42 giờ chiến đấu liên tục, toàn bộ chiến đoàn hỗn hợp quân ngụy Sài Gòn đã bị quân ta tiêu diệt với 916 tên tử thương (có 4 cố vấn Mỹ), 65 tên bị bắt, một số lượng lớn vũ khí bị phá hủy và tịch thu…/.
                                                                                                                     Lê Phước Như Ngọc