Kỷ niệm 60 năm chiến dịch biên giới (10/1950): Đường số 4 một thời "rực lửa" (10/2010)

Cách đây tròn 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân các dân tộc trên Đường số 4 đã góp phần làm nên chiến thắng biên giới Thu đông 1950. Ngày nay, trên mảnh đất này, bà con các dân tộc đoàn kết một lòng xây dựng quê hương đổi mới từng ngày, và đang đang vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Đường số 4, chạy dọc theo biên giới Việt- Trung dài 340 km, vượt qua ba tỉnh từ đông bắc, xuyên qua miền tây bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kẻ địch nhìn rõ vị trí của con đường chiến lược quan trọng này, nên bằng mọi giá, chúng tổ chức án ngữ dày đặc, đóng hàng trăm đồn bốt, bủa vây vùng biên giới Việt- Trung, suốt dọc Đường số 4 (gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng), với âm mưu thâm độc, đầy tham vọng: dập tắt cuộc kháng chiến của nhân dân ta... Để đánh bại âm mưu của địch, được nhân dân cả nước phối hợp, quân và dân căn cứ địa Chiến khu Việt Bắc đã nhất tề đứng dậy chiến đấu một mất, một còn, giành giật từng tấc đất diễn ra vô cùng ác liệt trên suốt dọc Đường số 4. Trong chiến dịch Đưòng số 4 và chiến dịch biên giới quân ta đã đánh 50 trận, tiêu diệt 1.500 tên địch, phá huỷ 200 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh của địch làm thất bại âm mưu nham hiểm của thực dân Pháp, khai thông biên giới với các nước, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, kết thúc cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, dân tộc...". Vào những ngày giữa tháng 10 năm nay, đi dọc con Đường số 4 từ huyện Văn Lãng, Tràng Định, (Lạng Sơn) đến Đông Khê, (Cao Bằng); Những địa danh như: Đông Khê, Thất Khê; Bông Lau-Lũng Phầy, Bố Củng- Lũng Vài...từng diễn ra những trận đánh lớn. Bây giờ, những địa danh này, bà con nhân dân các dân tộc nô nức thi đua lao động sản xuất, lập thành tích, kỷ niệm 60 năm giải phóng biên giới Thu đông 1950. Những năm gần đây, trên tuyến Đường số 4 năm xưa luôn nhộp nhịp, tấp nập hàng ngày từng đoàn xe hối hả trở hàng nông sản phẩm xuất qua các cửa khẩu Nà Nưa (Tràng Định); cửa khẩu qua Tà Lùng, Trà Lĩnh, (Cao Bằng). Khác với những năm trước đây khi đi qua đèo Bông lau, chỉ nhìn thấy cây bông lau phất phơ trong gió, trắng xoá cả một vùng; hoặc nhiều vùng đồi núi trọc lốc, cỏ gianh mọc dầy... nay đi dọc suốt Đường số 4, nhìn đâu cũng thấy một màu xanh bạt ngàn của những rừng cây bạch đàn, keo, xa mộc, vườn cây ăn quả; hồng, quýt...Bí thư huyện uỷ, Tràng Định Nông Long Xuyên phấn chấn cho biết: Tình trạng phá rừng làm rẫy đã không còn, nhiều hộ gia đình đã biết phát triển kinh tế đồi rừng, trồng, khoan nuôi và bảo vệ rừng. Vì vậy, từ năm 2005 đến nay, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện tăng từ 51% nay lên 61%. Hơn 90% diện tích được bà con nông dân đưa giống mới vào gieo trồng, thâm canh tăng vụ, nên nhiều cánh đồng tại thị trấn Thất Khê, xã Đại Đồng, Chi Lăng, Hùng Sơn... đem lại giá trị kinh tế cao từ 70 đến 80 triệu đồng/ha; 100% số xã trong huyện, đều đưa cây Thạch đen vào gieo trồng, phục vụ xuất khẩu, đưa diện tích lên đến hơn hai nghìn ha, sản lượng ước tính 130 nghìn tấn/ năm, giá thời điểm cao lên đến 23 nghìn đồng/một/kg trở thành cây xoá đói, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình. Điển hình như ở xã Chí Minh, xã đặc biệt khó khăn, lại là nơi hậu cứ của chiến dịch Đường số 4, nhưng đời sống của bà con các dân tộc nơi đây vài năm trước rất khó khăn, nay nhờ phát triển cây Thạch đen, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo. Có cuộc sống ổn định các hộ dân có điều kiện đóng góp công sức, tiền của tự mở đường giao thông về bản. Chỉ trong vòng ba năm qua cả xã đã góp hơn 180 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn. Cá biệt có hộ anh Triệu Văn Kim, ở thôn Khuổi Nà, tự bỏ ra 13 triệu đồng mở đường về bản. Hiện nay, 10/10 thôn bản của xã Chí Minh đều có đường liên thôn rộng từ ba đến bốn mét, xe máy, xe công nông có thể đi làm được bốn mùa. Các huyện vùng cao, biên giới nằm trên Đường số 4 đã được Nhà nước đầu tư nhiều Chương trình dự án, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm xá...làm thay đổi bộ mặt nông thôn niềm núi, góp phần phát triển kinh tế, xã hội đối với đồng bào các dân tộc. Đời sống của đồng bào các dân tộc ở trên Đường số 4, tuy có những đổi thay, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thử thách. Đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và thiếu bền vững, chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Các sản phẩm sản xuất nông sản khó tiêu thụ, trình độ dân trí thấp nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Chủ tịch UBND huyện Tràng Định, Nguyễn Hữu Chiến phân trần: huyện còn bẩy xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó có ba xã: Cao Minh, Khánh Long và Bắc Ái, chủ yếu là bà con dân tộc Dao, Hmông sinh sống. Các xã này chiếm tới hơn 90 % diện tích là đồi núi, nên thiếu đất canh tác nên tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao... Để khắc phục những hạn chế, khó khăn đó, Lạng Sơn cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế, xã hội vùng căn cứ cách mạng, nhất là bà con các dân tộc đang trên quê hương Đường số 4 " rực lửa" một thời rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, để xây dựng quê hương xứng danh với mảnh đất một thời "rực lửa" anh hùng./.

Hoàng Văn Toàn (ngày 15/10/2010)