Lãnh đạo Nhật-Hàn gặp thượng đỉnh đầu tiên trong hơn 1 năm

Hà Nội (TTXVN 24/12/2019) Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê In) ngày 24/12 tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong vòng 15 tháng. Đây là dấu hiệu cải thiện quan hệ vốn bị căng thẳng do các vấn đề lịch sử và thương mại.

Trong ảnh: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) tại cuộc gặp ở Thành Đô, Trung Quốc ngày 24/12/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cuộc gặp diễn ra tại thành phố Thành Đô (Chengdu, Trung Quốc), bên lề hội nghị thượng đỉnh 3 bên Trung - Nhật - Hàn, nhằm hàn gắn quan hệ trong bối cảnh lãnh đạo 3 nước vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã có cuộc gặp tại Thành Đô và nhất trí duy trì đối thoại, đặt nền móng cho cuộc gặp của các lãnh đạo hai nước. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha (Cang Kiêng Hoa) đã bày tỏ với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi (Tô-si-mi-chư Mô-tê-ghi) rằng Seoul hy vọng phối hợp với Tokyo nhằm cải thiện quan hệ song phương thông qua cuộc gặp thượng đỉnh. Đáp lại, ông Motegi bày tỏ vui mừng vì hai ngoại trưởng đã có thể hội đàm "vào thời điểm quan trọng như vậy" trước hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi Hàn Quốc giải quyết tranh chấp liên quan đến việc bồi thường cho các nạn nhân của lao động cưỡng bức thời chiến.

Trong ảnh: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ 3, trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 3, phải) tại cuộc gặp ở Thành Đô, Trung Quốc ngày 24/12/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Hàn gần đây nhất diễn ra tháng 9/2018, trước khi tòa án Hàn Quốc ra phán quyết các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị lao động cưỡng bức thời Phát xít Nhật độ hộ Bán đảo Triều Tiên (1910-1945). Các phán quyết này đã dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ hai nước, với việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc và Seoul đáp trả bằng việc không gia hạn GSOMIA được Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc kỳ năm 2016. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi GSOMIA hết hiệu lực, ngày 22/11, Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn thỏa thuận này kèm theo một số điều kiện, trong khi Nhật Bản ngày 20/12 đã bất ngờ gỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip nhớ sang Hàn Quốc, qua đó thể hiện thiện chí trước cuộc gặp thượng đỉnh bên giữa Tokyo, Seoul và Bắc Kinh tại Trung Quốc./.

Bích Liên