[Longform] Căng thẳng ngoại giao Mexico-Ecuador

Hà Nội (TTXVN 10/4/2024) Căng thẳng giữa Mexico và Ecuador những ngày qua đã gây ra một trong những sự cố ngoại giao tồi tệ nhất trong 76 năm lịch sử của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) có trụ sở tại Washington, Mỹ.

 

Cảnh sát đặc nhiệm Ecuador áp giải cựu Phó Tổng thống Jorge Glas (giữa) tới nhà tù La Roca ở Guayaquil, sau khi đột kích Đại sứ quán Mexico ở thủ đô Quito để bắt giữ cựu lãnh đạo này, ngày 6/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Rạng sáng ngày 6/4/2024, lực lượng an ninh Ecuador đã xông vào Đại sứ quán Mexico tại thủ đô Quito để bắt cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas - người đã xin tị nạn trong Đại sứ quán này từ ngày 17/12/2023. Trước đó một ngày, hôm 5/4, chính phủ Mexico đã cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Glas. Ông Glas là Phó Tổng thống nhiệm kỳ 2013-2018, bị kết án tổng cộng 14 năm tù giam vì cáo buộc nhận hối lộ và liên quan đến vụ án tại Tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazil) - vụ hối lộ lớn mà nhiều quan chức tại nhiều quốc gia Mỹ Latinh dính líu. Ông Glas mới hoàn thành 5 năm tù, được trả tự do vào năm 2022 và sau đó nhận lệnh bắt giữ lại hồi tháng 12/2023.

Nhân viên Đại sứ quán Mexico ở Ecuador rời tòa đại sứ để về nước, ngày 7/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay sau vụ tấn công trên, chính phủ Mexico đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Ecuador và rút ngay lập tức toàn bộ nhân viên ngoại giao về nước. Bộ Ngoại giao Mexico cũng tuyên bố sẽ khởi kiện chính phủ Ecuador lên Tòa án Công lý Quốc tế sau vụ tấn công Đại sứ quán Mexico. Ngày 7/4, nhân viên Đại sứ quán Mexico đã rời Ecuador. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mexico nêu rõ Đại sứ quán Mexico cũng như các cơ quan lãnh sự của nước này tại Ecuador “sẽ đóng cửa vô thời hạn”.

Tổng thư ký OAS Luis Almargo phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Vụ việc giữa Mexico và Ecuador - hai quốc gia thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) - đã gây ra một trong những sự cố ngoại giao tồi tệ nhất trong 76 năm lịch sử của OAS (có trụ sở tại Washington, Mỹ). Phản ứng trước sự cố ngoại giao này, ngày 6/4, Tổng thư ký OAS Luis Almargo đã đề nghị Hội đồng Thường trực OAS họp khẩn trong thời gian sớm nhất để có thể tìm ra phương hướng giải quyết căng thẳng.

Hàng chục quốc gia thành viên cũng lên án mạnh mẽ vụ việc giữa Mexico và Ecuador. Chính phủ Nicaragua ngày 6/4 lên án vụ tấn công, đồng thời tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador. Chính phủ Colombia ngày 7/4 yêu cầu Honduras, quốc gia đảm nhiệm chức Chủ tịch Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), triệu tập một cuộc họp bất thường để thảo luận về vụ việc này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Argentina đã ra thông cáo kêu gọi tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế cũng như các nghĩa vụ phát sinh từ Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega phát biểu tại Managua ngày 28/2/2024. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Vòng xoáy khủng hoảng ngoại giao giữa Mexico và Ecuador đã bắt đầu tác động tiêu cực đến lĩnh vực thương mại song phương sau khi Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ngày 9/4/2024 tuyên bố đình chỉ tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang diễn ra giữa hai quốc gia Mỹ Latinh. Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu Mexico (ANIERM), đây là động thái đáp trả đầu tiên liên quan đến lĩnh vực thương mại của chính phủ Mexico sau khi nước này tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc Ecuador. Quyết định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Mexico, nhưng lại có lợi với doanh nghiệp sản xuất chuối và tôm trong nước do đây là hai mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất Ecuador.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador phát biểu trong cuộc họp báo ở Mazatlan, bang Sinaloa ngày 8/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chuyên môn nhận định sự cố ngoại giao nghiêm trọng vừa qua giữa hai nước đã lan sang quan hệ thương mại song phương, và chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở việc đình chỉ đàm phán FTA mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực liên quan. Số liệu của ANIERM cho thấy, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Mexico sang Ecuador đạt 595 triệu USD, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm dược phẩm, mỹ phẩm, máy móc, thiết bị cơ khí, thiết bị điện tử, ô tô và linh kiện - phụ tùng ô tô. Ở chiều ngược lại, Ecuador xuất khẩu sang Mexico lượng hàng hóa trị giá 228 triệu USD trong năm 2023, trong đó chủ yếu là nông sản - thực phẩm, như hạt cacao, chuối và tôm./.

Minh Trà (tổng hợp)