Ngành Vận tải quân sự - 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (18/6/1949-18/6/2024)
Hà Nội (TTXVN 17/6/2024) Trong các cuộc kháng trường kỳ của dân tộc, bộ đội vận tải đã có mặt trên khắp các chiến trường, đưa hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển hàng triệu tấn vật chất, binh khí kỹ thuật… bảo đảm kịp thời cho các chiến dịch. Trong thời bình, ngành vận tải quân sự tiếp tục tổ chức vận chuyển kịp thời, đầy đủ, an toàn vật chất hậu cần, kỹ thuật, khí tài, vũ khí đạn, xăng dầu và vận chuyển quân; tham gia phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai... Trải qua 75 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, bộ đội vận tải luôn phát huy tốt truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, khắc phục khó khăn, “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.
* “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”
Vận tải quân sự là một bộ phận của ngành Hậu cần quân đội, ra đời và lớn lên cùng với quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành và chiến thắng của lực lượng vũ trang nhân dân. Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với sự ra đời của các lực lượng vũ trang cách mạng, một số hình thức đầu tiên của công tác vận tải quân sự đã xuất hiện. Nhân dân, trước hết là nhân dân ở các khu căn cứ, các đội viên du kích, tự vệ chính là những chiến sĩ vận tải đầu tiên của quân đội ta với những phương tiện vận tải là đôi quang gánh, thuyền nan, xe thô sơ... Tuy chưa có đơn vị chuyên trách, song công tác vận tải quân sự những năm này đã góp phần quan trọng giúp ta giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Ngày 18/6/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 50/SL, thành lập 12 Cục trực thuộc Bộ Quốc phòng, trong đó có Cục Vận tải. Chương 5, Điều 28 quy định “Cục Vận tải có nhiệm vụ tổ chức việc vận tải trong Quân đội về mọi mặt”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bộ đội vận tải đã có mặt trên khắp các chiến trường, vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, đưa hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển hàng triệu tấn vật chất, binh khí kỹ thuật… bảo đảm kịp thời cho các hoạt động tác chiến, từ những trận đánh nhỏ, đến các chiến dịch quy mô lớn. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội vận tải đã vận chuyển tới 18.655 tấn lương thực, đạn, dược phẩm, xăng... ra mặt trận góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Với thành tích đó, tháng 12/1954, Cục Vận tải được trao cờ “Quyết tâm làm tròn nhiệm vụ” - phần thưởng của bác Hồ dành cho đơn vị lập công xuất sắc trong cuộc tiến công chiến lược đông xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau Hiệp định Giơnevơ (ngày 21/7/1954), cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Bộ đội vận tải lại bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới: tổ chức vận chuyển bộ đội, thương binh, vật chất, chiến lợi phẩm từ các chiến trường miền núi Bắc Bộ về đồng bằng và Thực hiện “Kế hoạch Z” tiếp nhận hàng viện trợ của các nước XHCN qua biên giới phía Bắc… Phát huy truyền thống và những kinh nghiệm vận tải trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội vận tải đã thực hiện nhiều kế hoạch vận tải mới với tinh thần khẩn trương nhất, thiết thực góp phần phục vụ quân đội chuyển trạng thái và nhiệm vụ từ thời chiến sang thời bình, đồng thời tạo nguồn dự trữ vật chất, chuẩn bị cho quân và dân ta trên 2 miền Nam Bắc bước vào giai đoạn xây dựng và chiến đấu mới.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vận tải quân sự phát triển lớn mạnh chưa từng có. Địch dùng mọi thủ đoạn, biện pháp hòng đánh phá, ngăn chặn con đường vận chuyển của ta. Nêu cao tinh thần “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, ta quyết tâm bằng mọi giá xây dựng các tuyến đường để phát triển lực lượng... Đường Trường Sơn và Đường Hồ Chí Minh trên biển là sự thể hiện sâu sắc, cụ thể về ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, bằng mọi giá chi viện cho chiến trường miền Nam mà lực lượng vận tải giữ một vai trò có tính quyết định.
Đặc biệt, trong lịch sử phát triển của mình, chưa bao giờ bộ đội vận tải vận chuyển một khối lượng vật chất to lớn, phức tạp và cơ động một số quân đông như trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Theo đó, bộ đội vận tải đã vận chuyển dự trữ 13.500 tấn vật chất, vận chuyển bổ sung hơn 10 vạn tấn; cơ động hàng chục vạn bộ đội và binh khí kỹ thuật. Tổng cộng sản lượng vận tải của toàn lực lượng đạt hơn 1 tỷ tấn.km. Qua đó, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 - trận quyết chiến chiến lược lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Thực hiện tốt các mặt công tác trong thời bình
Sau khi đất nước được thống nhất, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong tình hình mới, Cục Vận tải đã tham mưu kịp thời, hiệu quả với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai nhiều giải pháp khoa học, đồng bộ nâng cao năng lực toàn diện cho các đơn vị vận tải thuộc Cục Vận tải và ngành vận tải quân sự.
Đặc thù của công tác vận tải quân sự là các loại hàng hóa phức tạp, dễ xảy ra cháy nổ, có nhiều yếu tố gây nguy cơ mất an toàn. Trong khi đó, phạm vi hoạt động của ngành rộng khắp đất nước, trên tất cả các loại địa hình: thành phố, đồng bằng, miền núi, trung du và trên biển. Phương tiện vận tải đa dạng, bao gồm vận tải bằng ô tô, tàu thủy và tầu hỏa. Mặt khác, hoạt động vận tải quân sự hiện nay thường phải tiến hành trong điều kiện giao thông và thời tiết, khí hậu phức tạp…
Trước những tác động, yêu cầu đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, những năm qua, Cục Vận tải đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các mặt công tác, bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Theo đó, các đơn vị vận tải luôn quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ huy các cấp về nhiệm vụ vận tải sẵn sàng chiến đấu, duy trì nghiêm các chế độ theo quy định; thường xuyên rà soát, bổ sung hệ thống văn kiện vận tải tác chiến và luyện tập các phương án tác chiến. Tổ chức vận chuyển kịp thời, đầy đủ, an toàn vật chất hậu cần, kỹ thuật, khí tài, vũ khí đạn, xăng dầu và vận chuyển quân; vận chuyển vaccine, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; vận chuyển bộ đội, vật chất trang bị cho lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục thảm họa động đất… Bảo đảm vận chuyển kịp thời, đầy đủ nhu cầu vật chất, cơ động lực lượng cho nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới, biển, đảo. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện vận tải phục vụ cho các nhiệm vụ chiến đấu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.
Theo Cục Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), năm 2023, các đơn vị vận tải cấp chiến lược đã vận chuyển được hơn 106.000 tấn vật chất các loại, sản lượng đạt hơn 65,2 triệu T.Km (đạt 106,8% kế hoạch năm, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022); vận tải chiến dịch, chiến thuật đã vận chuyển được gần 1,5 triệu tấn vật chất các loại, sản lượng đạt trên 286,5 triệu T.Km (đạt 100% kế hoạch năm, tăng 0,3% so với cùng kỳ). Trước đó, trong nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, ngành vận tải quân sự đã tổ chức vận chuyển hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư y tế, vaccine và hàng trăm nghìn lượt người. Với thành tích này, Cục Vận tải đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành vận tải quân sự, Cục vinh dự được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.
Để nâng cao chất lượng công tác vận tải quân sự, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng công tác trang bị, điều kiện huấn luyện, bảo đảm đúng, đủ nội dung, thời gian; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với vận chuyển. Trong đó, tập trung nâng cao trình độ tổ chức quản lý, chỉ huy, điều hành, khả năng tham mưu đề xuất đối với đội ngũ cán bộ vận tải, tàu thuyền quân sự; kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ vận tải cho bộ đội, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, năng lực thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Xây dựng tổ chức, biên chế ngành vận tải quân sự bảo đảm đồng bộ, chính quy, thống nhất theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành vận tải quân sự các cấp có bản lĩnh chính trị kiên định, tư tưởng vững vàng, an tâm công tác, luôn yêu ngành, yêu nghề; có số lượng và cơ cấu hợp lý, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, tay nghề, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước đổi mới trang bị, phương tiện vận tải, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, thích ứng với những thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống cả trước mắt cũng như lâu dài.
Với những thành tích xuất sắc, trải qua 75 năm, toàn ngành đã có 96 tập thể và 83 cá nhân được tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng vạn tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại; Cục Vận tải được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Quân công, 2 Huân chương Chiến công, 4 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 1 Huân chương Lao động Hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác./.
Minh Duyên
- Từ khóa:
- Ngành Vận tải quân sự