Ngày 14/3/1954: Mở cuộc tiến công vào cứ điểm đồi Độc Lập

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Nằm ở phía Đông Bắc vùng lòng chảo huyện Điện Biên, đồi Độc Lập là một trong hai căn cứ quan trọng và là cửa ngõ bảo vệ của tuyến phòng ngự phía Bắc thuộc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp. Với nhiệm vụ án ngữ phía Đông Bắc, nhằm ngăn chặn đường tấn công của bộ đội ta từ Lai Châu xuống và bảo vệ cho sân bay Mường Thanh, cứ điểm đồi Độc Lập được thực dân Pháp bố trí bảo vệ bằng nhiều lớp hàng rào dây thép gai cùng những bãi mìn dày đặc và cả một trận địa pháo hạng nặng. Nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập được giao cho Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 và Trung đoàn 165 thuộc Đại đoàn 312.

Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

   Để mất cứ điểm Him Lam, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ bàng hoàng, nhưng thực dân Pháp cũng không thể làm được gì, bởi khu vực sân bay Mường Thanh bị pháo của ta khống chế chặt chẽ. 

Sân bay Mường Thanh bị quân ta pháo kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

   7 giờ ngày 14/3/1954, pháo cao xạ của ta bắn hạ chiếc máy bay đầu tiên trên bầu trời Điện Biên. 

Chiến sĩ pháo cao xạ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, đánh trả quyết liệt máy bay địch. Ảnh: TTXVN

   9 giờ ngày 14/3/1954, 1 Tiểu đoàn và 5 xe tăng của địch theo lệnh của Tướng De Castries (Đờ Cát) tổ chức phản kích, nhằm chiếm lại cứ điểm Him Lam. Chúng không hề biết rằng, sau khi làm chủ cứ điểm Him Lam, quân ta đã bố trí lực lượng, sẵn sàng đánh địch phản kích. Pháo binh của ta bắn chặn ác liệt buộc địch phải rút lui. Cuộc phản kích của địch đã thất bại hoàn toàn.

Chiến sĩ pháo cao xạ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kịch, đánh trả quyết liệt máy bay địch. Ảnh: TTXVN

   Nhằm lấy lại tinh thần cho quân đồn trú và thay thế cho Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Lê dương số 13, vừa bị tiêu diệt, chiều ngày 14/3/1954, Tướng Cogny (Cô-nhi) lại liều lĩnh cho máy bay vượt qua lưới lửa phòng không của quân ta, thả Tiểu đoàn dù ngụy số 5 (5è BPVN) xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ. 2 chiếc máy bay lên thẳng của địch vừa hạ cánh xuống Điện Biên Phủ đã bị pháo binh ta bắn cháy tại chỗ. 

Bộ đội pháo binh của ta tích cực chuẩn bị cho giờ nổ súng Ảnh: TTXVN

  Cứ điểm đồi Độc Lập là một vị trí kiên cố thuộc phân khu Bắc Điện Biên Phủ, nằm trên một quả đồi dài 700m, rộng 150m, hình bầu dục theo kiểu yên ngựa, án ngữ tuyến đường Lai Châu đi Điện Biên và che chở cho sân bay ở khu trung tâm. Xung quanh cứ điểm đồi Độc Lập có 4 lớp hàng rào dây thép gai, có nơi dày tới hơn 50m. Cứ điểm đồi Độc Lập do Tiểu đoàn số 5, Trung đoàn Bắc Phi Algérie số 7 chiếm giữ. Đây là một trong số những tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ nhất của địch điều động từ đồng bằng Bắc Bộ lên tăng viện cho Điện Biên Phủ sau thất bại của chúng ở Lai Châu. 

  Nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập được giao cho Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 và Trung đoàn 165 thuộc Đại đoàn 312. 

 Theo kế hoạch, trận đánh đồi Độc Lập bắt đầu vào lúc 17 giờ ngày 14/3/1954. Đúng giờ G, bộ phận nghi binh nổ súng bắn cháy ba lều vải trên đồi A1 và đội xung kích tiến lên mở hàng rào. Pháo 105mm của địch từ Hồng Cúm và cối 120mm ở Mường Thanh nã đạn dồn dập vào trận địa của Tiểu đoàn 255. Nhưng do ở đồi Độc Lập trời mưa rất to, sơn pháo 75mm và cối 120mm của quân ta điều từ cứ điểm Him Lam sang không tới kịp trước giờ nổ súng cho nên cuộc tiến công đồi Độc Lập chưa thể chính thức bắt đầu.

  18 giờ ngày 14/3/1954, pháo binh của ta bắt đầu bắn vào khu chỉ huy Mường Thanh và vị trí đồi Độc Lập, phá hoại công sự và uy hiếp tinh thần binh lính địch. Trong khi pháo bắn, bộ binh của ta tiếp tục chuẩn bị thật chu đáo, chờ sơn pháo 75mm và cối 120mm của quân ta tới để tiến công... 

  Sau mấy loạt đại bác đầu tiên của quân ta, pháo binh của địch cũng bắn trả rất mạnh, đan thành một lưới lửa xung quanh đồi Độc Lập, nhưng trọng pháo của ta ngay lập tức bắn lại dữ dội chế áp pháo địch. Suốt từ lúc ấy cho đến sáng ngày 15/3/1954, trên mặt trận Điện Biên Phủ, một trận đấu pháo dữ dội đã diễn ra, rung chuyển cả núi rừng Điện Biên.   

 

  * Cũng trong ngày 14/3/1954, Báo Quân đội nhân dân, số 131, xuất bản tại mặt trận, đã đăng “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức thư của Bác đã động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ, nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tiến lên đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Nguồn: 

- TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.

- Điện Biên Phủ: Trận thắng thế kỷ, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014.

- Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III: Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc (1945-1954), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 433.