Ngày 24/3/1954: Tướng Cogny có Chỉ thị gửi De Castries phân tích tình hình ở Điện Biên Phủ

Trong khi bộ đội ta tiếp tục xây dựng trận địa tiến công, đào hào vây lấn, siết chặt vòng vây, ngày 24/3/1954, Tướng Cogny (Cô-nhi) đã có Chỉ thị gửi lại De Castries (Đờ Cát) phân tích tình hình ở Điện Biên Phủ.

Giao thông hào của quân ta cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. (Ảnh: TTXVN)

  Vì phân khu Trung tâm của địch nằm giữa một cánh đồng và địa hình trống trải, bộ đội ta khó tiếp cận, cho nên để chuẩn bị cho đợt tiến công lần thứ hai, Đảng ủy mặt trận và Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định xây dựng một hệ thống trận địa gồm nhiều hào giao thông, chiến hào... trong đó có một đường trục lớn bao quanh khu Trung tâm của địch. Hệ thống hầm hào này dùng để thắt chặt vòng vây địch và tiện cho bộ đội ta vừa dễ tiếp cận để tiến công, vừa tránh được máy bay và pháo của địch. Hàng vạn chiến sĩ của các đại đoàn đã kiên nhẫn đào liên tục trong nhiều đêm.

Nhận thấy có một vòng vây khổng lồ đang ngày càng siết chặt vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp hoảng hốt, cố tìm mọi cách để phá việc đào trận địa của bộ đội ta. Chúng bắn pháo, cối và sử dụng toàn bộ không quân chiến thuật đánh vào đội hình đào trận địa của bộ đội ta. Thậm chí, chúng còn  cho cả bộ binh ra lấp hào, cài mìn nhưng vẫn không ngăn cản được các đường hào của bộ đội ta tiếp tục vươn lên siết chặt khu vực trung tâm.

  Lo lắng trước những đường hào vây lấn đang dần siết chặt, ngày 23/3/1954, De Castries gửi bức thư số 44/CAB cho Tướng Cogny thừa nhận: “bom pháo của chúng ta có vẻ không làm chậm bước tiến của họ... Các toán trinh sát của ta đều bị chặn lại sau một quãng ngắn và không chọc thủng được vòng vây. Liên lạc hàng ngày với Hồng Cúm ngày càng khó, phải tổ chức cả một cuộc hành quân mới đi tới được. Phải dự kiến Hồng Cúm sẽ bị cô lập... Từ hai ngày nay, một lực lượng phòng không trang bị nhẹ từng bước xâm nhập gần vòng ngoài hệ thống phòng thủ của ta...”. Trong khi đó, “Trận Him Lam, Độc Lập và việc Tiểu đoàn 3 binh lính ngụy Thái bỏ cuộc không chiến đấu ở Bản Kéo đã làm tinh thần binh lính sa sút nghiêm trọng…”

   Để trấn an De Castries, ngày 24/3/1954, Tướng Cogny đã ngay lập tức có Chỉ thị đồng ý với những đánh giá về tình hình Điện Biên Phủ, đồng thời động viên De Castries: “Quân số của ông đã đạt trở lại mức ban đầu nhờ quân chi viện và quân bổ sung mà tôi đã gửi được cho ông. Nếu ông lại bị tổn thất, mất cân bằng về quân số, tôi có thể gửi ngay cho ông thêm một tiểu đoàn dù nữa… Còn việc tiếp tế cho ông về thực phẩm, trang bị và đạn dược, chúng tôi sẽ luôn luôn bảo đảm được. Việc thể nghiệm thả hàng từ độ cao 1.500 mét đã có kết quả tốt, bảo đảm cho tương lai...”

Tướng Cogny cũng chỉ thị cho De Castries cố chống đỡ đến mùa mưa, bởi “mùa mưa sắp đến sẽ làm hỏng đường giao thông và bùn sẽ gây trở ngại cho việc phát triển công sự, hầm hào”.

Và để tránh bị bóp nghẹt, Tướng Cogny cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu của De Castries là chống lực lượng phòng không, đặc biệt là phòng không bằng vũ khí nhẹ, đồng thời yêu cầu De Castries cần đánh rộng ra, vì pháo thủ của Việt Minh quá táo bạo và bộ binh của Việt Minh quá hăng hái.

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch Him Lam, bộ đội pháo binh của ta dội bão lửa xuống các căn cứ của địch. Ảnh: TTXVN

  Về sau chúng ta mới biết, thời gian này, tại sở chỉ huy của Tướng Cogny ở Hà Nội, một số sĩ quan có tuổi khi xem những bức ảnh máy bay chụp hằng ngày về sự phát triển nhanh chóng những chiến hào của ta, đã liên tưởng tới cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) mà họ đã tham dự. Họ lưu ý Tướng Cogny phải chuẩn bị ngay cho De Castries tư tưởng đối phó với chiến tranh chiến hào (guerre de tranchée). Tướng Cogny đã ra lệnh ngay cho De Castries chuẩn bị một cuộc chiến bằng chiến hào.

Chiều ngày 22/3/1954, De Castries thông báo bằng điện riêng cho Cogny là mình không có chuyên gia và cũng không có dụng cụ công binh để tiến hành loại chiến tranh này. Ngày 23/3/1954, De Castries lại điện yêu cầu Cogny cung cấp cho mình những nguyên tắc về tổ chức trận địa, làm thành bốn bản và những tài liệu khác liên quan tới chiến tranh chiến hào.

Ngay trong ngày 23/3/1954, Cogny ra lệnh cho De Castries hãy nối tất cả những cứ điểm bằng đường hầm và bảo đảm sự liên lạc giữa chúng; đặt mìn, đặt bẫy vào đường hào của Việt Minh và dùng lực lượng nhỏ tuần tiễu tại những đường hào Việt Minh mới đào. Thực ra, De Castries đã làm những việc này với tất cả khả năng của mình và không có vật liệu, phương tiện, kể cả sức lực để làm tiếp những đường hầm mà Cogny đã ra lệnh.

Từ mọi hướng, chiến hào của bộ đội ta vẫn phát triển một cách vững chắc tới gần trận địa trung tâm của địch. Theo đúng kế hoạch, nó đã tiến vào những trung tâm đề kháng mục tiêu của đợt tiến công thứ hai. Ở phía Đông, nó đã vào gần các điểm cao E, D1, C1, A1. Ở phía Tây, ngày 24/3/1954, một mũi chiến hào chỉ còn cách hàng rào dây thép gai 106, thuộc cụm cứ điểm trực tiếp bảo vệ sân bay Mường Thanh 50 mét.

Bộ đội ta ăn cơm dưới chiến hào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

  * Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ:

  Trong khi đó, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, tại Liên khu 5, quân địch đánh chiếm Bình Định. Quân và dân Liên khu 5 đã căng bẫy chờ chúng. Bằng mọi biện pháp, với tất cả các thứ vũ khí, quân và dân Liên khu 5 đã diệt và bắt 800 tên địch.

Nguồn:

- TTXVN

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 1019

- Điện Biên Phủ, Trận thắng thế kỷ, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2014, tr. 514.