Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10): Chăm lo người cao tuổi - vốn quý của dân tộc
Hà Nội (TTXVN 1/10/2023) Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vị trí, vai trò, sự đóng góp quan trọng và dành sự quan tâm đặc biệt cho người cao tuổi Việt Nam. Bởi họ là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội. Việt Nam từng được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu liên quan đến người cao tuổi.
* "Tuổi cao, ý chí càng cao"
Tháng 6 năm 1941, ngay sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” và “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”. Bác chỉ rõ: "Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất phụ lão cứu. Đất nước suy sụp phụ lão phủ trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo…". (1)
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, của Đảng ta, lớp lớp người cao tuổi hăng hái tham gia giành chính quyền, kháng chiến, kiến quốc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, đúng như Bác Hồ kính yêu đã ngợi ca:
“Tuổi già nhưng chí không già,
Góp công xây dựng nước nhà phồn vinh”
Sau khi đất nước thống nhất, non sông liền một dải, người cao tuổi tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người cao tuổi đã trở thành tấm gương cho con cháu noi theo, là trụ cột tinh thần trong gia đình, làng xóm, cộng đồng xã hội. Với tuổi tác và sự trải nghiệm cuộc sống, người cao tuổi có lợi thế hơn bất cứ tầng lớp xã hội nào khác trong việc tuyên truyền, vận động con cháu, gia đình và thôn, bản thực hiện các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động. Bản thân các cụ luôn gương mẫu đi đầu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đấu tranh với các thói hư, tật xấu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương.
Hiện nay, nước ta có khoảng 12 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng 10 triệu người là hội viên Hội Người cao tuổi. Hơn 650.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hoà giải cơ sở; trên 300.000 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở.
Mặc dù tuổi cao nhưng hiện trên 6,5 triệu người cao tuổi vẫn đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó có hơn 99.900 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; hơn 350.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi…
Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có thế mạnh trong việc khuyến khích con cháu, dòng họ thi đua học tập. Đông đảo người cao tuổi là hạt nhân tích cực trong phong trào khuyến học, khuyến tài ngay từ trong gia đình, dòng họ, góp phần xây dựng một xã hội học tập từ cơ sở. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng tích cực tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, vận động gia đình, con cháu, họ tộc đóng góp hàng tỷ đồng và hàng chục triệu ngày công, hiến đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hoá, trường học, cơ sở y tế...
Hàng nghìn cụ bà đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; nhiều người cao tuổi là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động. Nhiều người cao tuổi là kiều bào dù ở xa Tổ quốc vẫn động viên con cháu, thế hệ trẻ giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc văn hóa Việt, hướng về cội nguồn, tích cực đóng góp nguồn lực xây dựng đất nước...
* Chăm lo, bảo đảm đời sống cho người cao tuổi
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác chăm sóc người cao tuổi để người cao tuổi được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất, được tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và phát huy “vốn quý của dân tộc”.
Đặc biệt, kể từ khi Liên hợp quốc khởi xướng Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10), Việt Nam là một trong số các nước đã hưởng ứng ngay từ đầu và được Liên hợp quốc đánh giá cao. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã quan tâm đến Ngày Quốc tế Người cao tuổi hằng năm bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544, lấy tháng 10 hằng năm là Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa; đồng thời, đánh giá “xu hướng già hoá dân số nhanh” là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết.
Để chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi, năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu: đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đề án do Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình điều phối và chịu trách nhiệm thực hiện.
Theo đó, một số chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2025 bao gồm: 80% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; 80% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có tổ chức lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng…
Với chủ trương, chính sách kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, người cao tuổi ở Việt Nam được chăm sóc ngày càng tốt hơn. Cả nước hiện có 46/425 cơ sở trợ giúp xã hội cơ sở chăm sóc người cao tuổi, bảo đảm 87% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời. Tỷ lệ người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 95%.
* Chăm lo người cao tuổi khi dân số “bắt đầu già”
Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, bắt đầu từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Thời gian để Việt Nam chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già chỉ 25 năm. Việt Nam hiện có 9 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% dân số, và sẽ tăng lên 21.7 triệu người vào năm 2050. Nếu tính người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên thì Việt Nam có khoảng 12 triệu người, chiếm khoảng 12% dân số và sẽ chiếm khoảng 25% dân số vào năm 2050.
Tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh tác động đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, từ sự khủng hoảng nguồn nhân lực, tăng áp lực với hệ thống y tế và lương hưu, hệ thống bảo trợ xã hội đến việc chăm sóc người cao tuổi về sức khỏe thể chất và tinh thần. Chính vì vậy, vấn đề già hóa dân số ở nước ta và việc đề xuất các chính sách xã hội thích ứng với hoàn cảnh “chưa giàu đã già” đang là mối quan tâm của toàn xã hội nói chung và người cao tuổi nói riêng.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nước ta hiện có khoảng 12 triệu người cao tuổi. Tuy nhiên, ngành bảo hiểm xã hội mới chi trả cho hơn 3,1 triệu người hưởng lương hưu, hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, hơn 1,7 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước, trong đó hơn 1,4 triệu người trên 80 tuổi. Hơn 7 triệu người cao tuổi còn lại chưa có một khoản thu nhập nào thường xuyên và ổn định. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng dự báo, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu.
Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng cũng tỷ lệ thuận với số năm mà người cao tuổi phải sống với bệnh tật: ở các cụ ông là 8 năm và ở các cụ bà là 11 năm. Trung bình, mỗi người cao tuổi mắc từ 3 - 5 bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, người dân ở các nước phát triển đã chuẩn bị sẵn lộ trình khi về già cả về tài chính và thời gian nhiều chục năm trước, còn người Việt “chưa giàu đã già”, hầu hết người dân không chuẩn bị được tài chính từ khi còn trung niên để an dưỡng khi về già. Vì vậy, nhu cầu chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện rất lớn. Trong khi, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế về số lượng và chất lượng; bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, nhân lực chăm sóc người cao tuổi còn thiếu.
Phát biểu tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, ngày 30/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, nhấn mạnh công tác chăm lo, phát huy vai trò của người cao tuổi hiện nay cần được xem xét trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Đây là bài toán thách thức bởi giai đoạn dân số vàng đã qua, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam diễn ra rất nhanh, cần có chính sách chăm lo tương xứng và xây dựng chiến lược quốc gia về người cao tuổi, nghiên cứu sửa đổi Luật Người cao tuổi... Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật số liệu về người cao tuổi, điều kiện sống, số người được hưởng các chế độ, chính sách xã hội… từ đó tính toán các nguồn lực tham gia công tác chăm sóc người cao tuổi; nghiên cứu giải pháp của các nước có dân số già để rút ra bài học, kinh nghiệm cần thiết./.
Hoàng Yến (tổng hợp)
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2011, tập 3, trang 232