Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê của người Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

An Giang (TTXVN 20/12/2023) Tối 20/12/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê của người Khmer xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nghệ thuật sân khấu Dì kê của người Khmer được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của cộng đồng Khmer tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn. Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp, kết hợp âm nhạc ca kịch dân gian tích hợp múa, đọc thơ, còn được người Khmer gọi là Hát Lăm. Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê không chỉ hàm chứa giá trị nghệ thuật đặc sắc mà còn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tri Tôn, tạo nên nét lịch sử văn hóa đặc thù cho vùng đất này.

Tại buổi lễ, ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: Dì kê đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng Khmer An Giang, thường được biểu diễn ở các khoảnh sân của thôn xóm, sân chùa phục vụ bà con dân tộc Khmer sau những ngày lao động sản xuất và vào những dịp lễ hội quan trọng của phum sóc. Do xuất phát từ dân gian, trong đời sống sinh hoạt nông thôn nên ngay từ sớm loại hình này đã trở thành món ăn tinh thần của người nông dân.

Theo ông Giang, do được lưu giữ trong cộng đồng Khmer nên Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê không xa lạ mà trở nên quen thuộc cả với những người Việt, người Hoa sống cộng cư ở vùng Bảy Núi An Giang; giúp gắn kết các tộc người trong sự thấu cảm và chia sẻ sự hiểu biết văn hóa, ý thức bản sắc tộc người tạo nên bản sắc địa phương.

Qua đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể huyện Tri Tôn, nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê được đánh giá là loại hình nghệ thuật chứa đựng nhiều giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa truyền thống và gắn kết cộng đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã trình UBND tỉnh cho chủ trương lập hồ sơ khoa học "Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê của người Khmer tỉnh An Giang" để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngày 2/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 160/QĐ-BVHTTDL về việc công bố đưa Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê của người Khmer tỉnh An Giang vào danh mục này.

Tại lễ công bố quyết định, ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang nhấn mạnh: Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê của người Khmer, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là nhờ có nhiệt huyết bảo tồn gìn giữ các di sản của chính quyền địa phương, đặc biệt là các nghệ nhân sân khấu Dì kê và bà con dân tộc Khmer đã ra sức gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống lưu truyền qua nhiều thế hệ. An Giang trân trọng ghi nhận sâu sắc những kết quả của chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc Khmer huyện Tri Tôn đã có đóng góp rất to lớn vào kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam.

"Để phát huy giá trị di sản Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển quê hương An Giang nói chung và cụ thể là huyện Tri Tôn, ngành Văn hóa sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật  trình diễn sân khấu Dì kê trong giai đoạn 2024 – 2030; tăng cường phát huy giá trị di sản này, gắn kết với phát triển du lịch để góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống và góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương…", ông Trạng thông tin.

Nghệ thuật sân khấu Dì kê được tái hiện tại buổi lễ. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

Hiện, cả nước có 396 di sản đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó tỉnh An Giang có 7 di sản. Đó là: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; Hội đua bò Bảy Núi; Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc Khmer; Lễ hội Kỳ Yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn); Nghi lễ Vòng đời của người Chăm Islam thị xã Tân Châu và huyện An Phú; Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê của người Khmer xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn./.

 Thanh Sang