Người dân Indonesia đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo mới

Hà Nội (TTXVN 16/2/2024) Cuộc tổng tuyển cử ở Indonesia đã khép lại với kết quả kiểm phiếu nhanh cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Prabowo Subianto đang giành lợi thế với gần 60% số phiếu ủng hộ. Dù đây chưa phải là kết quả chính thức song dù ai sẽ là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này sẽ đều phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn cho người dân.

* Cuộc đua kịch tính của 3 cặp ứng cử viên

Các cặp ứng cử viên tranh cử Tổng thống và Phó Tổng thống Indonesia: Cựu Thống đốc Jakarta Anies Baswedan (trái) và Muhaimin Iskandar (thứ 2, trái); Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto (thứ 3, trái) và Gibran Rakabuming Raka (thứ 3, phải); cựu Thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo (thứ 2, phải) và Mahfud Md tại vòng tranh luận cuối cùng ở Jakarta, ngày 4/2/2024. AFP/TTXVN

Ngày 14/2/2024, cử tri Indonesia đã bước vào cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Tổng thống, Phó Tổng thống cùng hơn 20.000 đại diện lập pháp ở cấp quốc gia và khu vực.

Cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia năm nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia khu vực cũng như trên thế giới bởi nó đánh dấu sự thay đổi lãnh đạo đầu tiên tại “quốc gia vạn đảo” sau 10 năm. Là quốc gia đông dân thứ tư thế giới, Indonesia có tầm quan trọng chiến lược. Indonesia cũng là một trong những nước sản xuất than, dầu cọ và niken hàng đầu thế giới, đồng thời đứng đầu chuỗi cung ứng của nhiều công ty quốc tế. Tất cả điều đó cho thấy sự ổn định chính trị cũng như những chính sách của chính phủ mới Indonesia đưa ra sẽ có tác động lớn đến hòa bình ổn định, kinh tế khu vực và thế giới.

Theo đánh giá của giới quan sát, cuộc tổng tuyển cử ngày 14/2 tại Indonesia đã diễn ra trong hòa bình và suôn sẻ. Chỉ trong vòng 6 giờ (từ 7h đến 13h), hơn 204,8 triệu cử tri đã thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm bầu ra Tổng thống, Phó Tổng thống cùng hơn 20.000 đại diện lập pháp ở cấp quốc gia và khu vực. Với số lượng cử tri đông đảo, việc tổ chức được hơn 820.000 điểm bỏ phiếu trải rộng trên hàng nghìn hòn đảo tại quần đảo lớn nhất thế giới cùng với hơn 3.000 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài được đánh giá là một nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị ở quốc gia có tới 275 triệu dân, trong đó 85% dân số theo đạo Hồi.

Cuộc bầu cử tổng thống Indonesia năm nay là cuộc đua của ba cặp ứng cử viên tranh cử chức Tổng thống-Phó tổng thống được Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) quy định số thứ tự gồm: Cặp số 1 (Anies Baswedan-Muhaimin Iskandar); cặp số 2 (Prabowo Subianto-Gibran Rakabuming Raka) và cặp số 3 (Ganjar Pranowo-Mahfud MD).

Trong số 3 cặp ứng cử viên trên, đáng chú ý là cặp ứng cử viên số 2. Ngay từ khi tuyên bố tranh cử tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Prabowo Subianto (72 tuổi) đã gây chú ý vì đây là lần thứ ba ông tham gia tranh cử. Từng theo con đường binh nghiệp 28 năm trước khi tham gia kinh doanh, chính trị và chính phủ, ở lần tranh cử này, ứng cử viên Prabowo liên danh với con trai Tổng thống Joko Widodo là Gibran Rakabuming Raka. Trong quá trình tranh cử, ông Prabowo tuyên bố sẽ nỗ lực duy trì mối quan hệ tích cực với tất cả các cường quốc trên thế giới phù hợp với chính sách đối ngoại "không liên kết" của Indonesia và theo đuổi "chính sách láng giềng tốt”. Ông Prabowo cũng đưa ra chiến lược Chuyển đổi quốc gia nhằm tăng cường sự thịnh vượng của đất nước, cải thiện chất lượng cuộc sống và cung cấp dinh dưỡng cho tất cả trẻ em Indonesia. Kinh tế là lĩnh vực ông Prabowo tập trung hàng đầu với việc xây dựng các ngành công nghiệp hạ nguồn, cải thiện hệ thống thuế quốc gia, thúc đẩy các ngành kinh tế xanh, phát huy nguồn lực tài nguyên, tiếp cận các công nghệ mới, cam kết có thể tự chủ lương thực trong 3 năm tới...

Trong khi đó, ứng cử viên Tổng thống ở cặp số 1 là ông Anies Baswedan (54 tuổi) là một học giả, nhà hoạt động và chính trị gia người Indonesia, từng giữ chức Thống đốc Jakarta giai đoạn 2017-2022. Ông là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa trong chính quyền của Tổng thống Joko Widodo. Xuất thân từ một gia đình hoạt động chính trị theo đạo Hồi, ông từng du học ở Mỹ và phát triển những quan điểm tiến bộ tại đây. Ông Anies Baswedan liên danh tranh cử với Muhaimin Iskandar - Phó Chủ tịch Hội đồng Đại diện nhân dân Indonesia. Cặp ứng cử viên này hướng tới sự thay đổi vì cho rằng trong xã hội Indonesia vẫn tồn tại những khoảng cách kinh tế, sự phân hóa rõ rệt trong xã hội, giữa người giàu và người nghèo, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ...

Còn ứng cử viên số 3, Ganjar Pranowo (55 tuổi), là một chính trị gia người Indonesia theo chủ nghĩa dân tộc, từng 2 lần đảm nhiệm cương vị Thống đốc tỉnh Trung Java và được gọi là "người đàn ông của nhân dân". Ông Pranowo nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới trí thức, doanh nhân, nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng và hơn hết là những người dân bình thường…

* Khả năng kết quả ngã ngũ ngay trong vòng 1

Ứng viên Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (trái) phát biểu sau khi kết quả thăm dò bầu cử được công bố, tại Jakarta ngày 14/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngoài phòng bỏ phiếu được công bố ngày 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã tuyên bố giành chiến thắng. Theo quy định, kết quả bầu cử chính thức sẽ chỉ được Ủy ban bầu cử quốc gia công bố muộn nhất vào ngày 20/3 tới, tuy nhiên các cơ quan khảo sát độc lập thường công bố kết quả “kiểm phiếu nhanh” tại các điểm bỏ phiếu vài giờ sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Trong các cuộc bầu cử trước đây, những kết quả “đếm nhanh” như thế này thường không mấy khác biệt so với kết quả chính thức cuối cùng và nhiều ứng cử viên đã dựa vào kết quả đếm nhanh này để tuyên bố chiến thắng.

Theo số liệu từ các hãng thăm dò độc lập lớn được chính phủ phê duyệt, thu thập mẫu phiếu bầu tại các điểm bỏ phiếu để thực hiện công tác "kiểm phiếu nhanh" đáng tin cậy, thì ông Subianto đã giành được gần 60% số phiếu ủng hộ, vượt trội so với tỷ lệ 25% của ứng cử viên Anies Baswedan và 17% của ứng cử viên Ganjar Pranowo.

Các nhà phân tích đánh giá, kết quả sơ bộ trên không bất ngờ đối với cuộc bầu cử Indonesia vì kể từ khi hình thành nên cuộc đua “tam mã”, cặp ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Brabowo Subianto và người đồng hành Gibran Rakabuming Raka luôn được nhận định sẽ giành chiến thắng với các kết quả dẫn đầu. Tuy nhiên, với kết quả này, chiến thắng của ông Prabowo được đánh giá tốt hơn so với mong đợi, khi các cuộc khảo sát trước bầu cử, cặp ứng cử viên này thường nhận được tỷ lệ ủng hộ khoảng 47-48% và nhỉnh hơn 50% trước thềm cuộc bỏ phiếu.

Theo các nhà phân tích, ông Prabowo nhận được sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ cử tri nhờ xuất thân từ quân đội. Bên cạnh đó, việc ông Prabowo liên danh tranh cử với ứng cử viên Phó tổng thống là Gibran Rakabuming Raka - con trai  Tổng thống Joko Widodo - cũng được đánh giá là sự lựa chọn "sáng suốt" khi ông Prabowo đồng thời nhận được sự ủng hộ của người tiền nhiệm và hưởng lợi từ những thành quả trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp của Tổng thống Joko Widodo, với tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Indonesia.

Những người dân Indonesia ủng hộ ứng cử viên Prabowo đánh giá ông là một nhân vật đầy nhiệt huyết và có quyết tâm mạnh mẽ đưa đất nước phát triển thịnh vượng. Phát biểu trước người ủng hộ ở thủ đô Jakarta tối ngày 14/2, ứng cử viên Prabowo Subianto  cho biết “các cuộc kiểm phiếu, các cuộc thăm dò ý kiến... đều cho thấy số liệu rằng cặp liên danh Prabowo-Gibran đã giành chiến thắng trong một vòng đấu. Đây sẽ là chiến thắng cho tất cả người dân Indonesia". Tuy nhiên, ứng cử viên tổng thống Subianto cũng khẳng định sẽ chờ "kết quả chính thức" từ Ủy ban bầu cử.

Trong khi đó, hai ứng cử viên tổng thống còn lại là ông Anies Baswedan và ông Ganjar Pranowo cũng đã lên tiếng về các kết quả không chính thức đưa ra, cho rằng còn quá sớm để đánh giá kết quả cuộc bầu cử và đề nghị người dân chờ kết quả chính thức.

* Những nhiệm vụ chờ đón tân tổng thống

Mặc dù kết quả chính thức chỉ được công bố vào tháng 3 tới, song dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia cũng đều phải đối mặt với những nhiệm vụ phía trước. Giới phân tích cho rằng thách thức lớn nhất đối với tân Tổng thống vẫn là câu chuyện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Indonesia và đảm bảo các quyền phúc lợi tốt hơn cho người dân.

Tân Tổng thống sẽ phải đối mặt với những thách thức về kinh tế trong đó có vấn đề lạm phát hay tác động của các thách thức địa chính trị khu vực, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và các vấn đề bền vững. Chính phủ mới cũng cần phải giải bài toán việc làm, đặc biệt là cho thế hệ trẻ vì giới trẻ đã trở thành yếu tố then chốt cho kết quả của cuộc bầu cử lần này khi hơn 50% cử tri có độ tuổi từ 17 đến 40 và hơn 30% là cử tri dưới 30 tuổi.

Các nhà phân tích kỳ vọng tổng thống mới của Indonesia cũng sẽ có khả năng dẫn dắt vai trò trung tâm của Indonesia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản…/.

         Trọng Đức (tổng hợp)