Người nhạc sĩ đa tài

Hà Nội (TTXVN 21/5/2024) Có ai nghĩ rằng, những lời ca da diết: “Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu/ Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng/ Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư/ Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng" và những lời ca hào hùng: “Đồng bào ơi, cùng Bình Trị Thiên đứng lên!/ Giết quân tham tàn xéo dầy thôn xóm/ Không ngừng tay, quyết chiến đấu/ Dù gian khổ quyết xốc tới/ Tay chúng ta giữ vững quê nhà” lại do cùng một tác giả viết ra. Đó chính là GS, Nhạc sĩ, NSND Nguyễn Văn Thương. Không chỉ là người đầu tiên đã khai sáng nền tân nhạc Việt Nam, ông còn để lại một di sản âm nhạc với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại. Bên cạnh viết nhạc, GS Nguyễn Văn Thương còn là một nhà quản lý kiêm chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc; là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương

* Người khai sáng nền tân nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22/5/1919 tại Vân Thê, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, có cha là một công chức Tây học đam mê âm nhạc, mẹ thích chơi đàn tranh và thuộc nhiều làn điệu ca Huế. Năm 9 tuổi, Nguyễn Văn Thương đã biết chơi đàn nguyệt và thuộc nhiều bản cổ nhạc do mẹ truyền lại. Những giai điệu âm vang qua tiếng đàn, giọng hát trong ngôi nhà nhỏ ấy đã ươm mầm cảm xúc âm nhạc trong tâm hồn ông. Và khi vào học Quốc Học-Huế (năm 1932), ông đã sớm tiếp xúc với nhạc cụ phương Tây như accordéon, guitare, piano, saxophone... Từ đó, ông say mê tự học lý thuyết âm nhạc qua cuốn sách ký âm của nghệ sĩ piano và lý luận âm nhạc Pháp - Antoine Francois Marmóntel.

Năm 17 tuổi, cảm hứng trước cảnh đẹp của sông Hương, núi Ngự, ông đã sáng tác ca khúc tân nhạc đầu tiên "Trên sông Hương" - một ca khúc mang đậm màu sắc lãng mạn và đầy chất thơ về Huế. Đây cũng chính là tác phẩm đầu tiên góp phần khai sáng nền tân nhạc Việt Nam.

Ba năm sau, trong đêm giao thừa, một chàng trai vì dốc hết tiền để mua đàn, không đủ tiền về quê ăn tết, đã một mình lang thang khắp phố dưới trời mưa phùn lạnh buốt “... đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư...” và bài hát “Đêm đông” đã ra đời trong đêm ấy. “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương không chỉ biểu hiện tâm trạng của chính tác giả mà còn nói hộ tất cả những người có chung cảnh ngộ như ông trong thời khắc giao thừa phải xa quê hương, xa người thân. “Đêm đông” đã góp phần khẳng định Nguyễn Văn Thương là một trong những nhạc sĩ hàng đầu thời bấy giờ. Và đến nay, nhạc phẩm này vẫn bất tử trong lòng người yêu nhạc Việt Nam.

Đến năm 1942, Nguyễn Văn Thương có thêm bài “Bướm hoa” cũng rất lãng mạn. Cùng với hai bài trên, ông được coi như người mở đầu của dòng tân nhạc Việt Nam.

* Bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác vì mọi người, vì nhân dân

Khi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp bùng nổ, Nguyễn Văn Thương đã nhanh chóng chuyển mình, bắt nhịp được với mạch tình cảm của toàn dân để viết nên bài “Bình Trị Thiên khói lửa”: “Bình Trị Thiên đây lò tranh đấu/ Chiến công muôn đời lòng đất nước ghi sâu...”. Nếu chỉ mấy năm trước, bài hát của ông lãng mạn, đượm buồn, bâng khuâng, man mác thì đến năm 1948, bài “Bình Trị Thiên khói lửa” ra đời lại là sự tương phản rất rõ bằng việc biểu hiện lòng sục sôi căm thù giặc, cháy bỏng ý chí chiến đấu của quân dân ta. Đầu năm 1949, “Bình Trị Thiên khói lửa” đã được trình diễn tại chiến khu rừng U Minh-Nam Bộ. Và bài hát ấy đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác vì mọi người, vì nhân dân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

Khi trực tiếp tham gia các chiến dịch Trung Lào, Chiến dịch Điện Biên Phủ với các cương vị nhạc sĩ, Đoàn trưởng đoàn văn công liên khu IV, Nguyễn Văn Thương đã có nhiều sáng tác gắn liền với kháng chiến. Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa văn hóa thế giới với đặc trưng văn hóa Việt Nam để khắc hoạ nên các tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc. Qua một số tác phẩm như: “Nhớ về Nam” dành cho sáo trúc độc tấu với dàn nhạc cổ truyền, “Buôn làng vào hội” dành cho T-rưng độc tấu với bộ gõ tre nứa và đặc biệt là bản “Rápxôđi số 2” cho đàn T-rưng và dàn nhạc giao hưởng… đã thấy rõ sự quan tâm của tác giả đối với các nhạc cụ dân tộc.

Trong thời kỳ đất nước còn bị chia cắt, tâm hồn nhạc sĩ luôn hướng về miền Nam thân yêu. Không phải ngẫu nhiên mà khi được hỏi về những tác phẩm tâm đắc nhất, ông đã lựa chọn toàn những tác phẩm nói về miền Nam: “Bình Trị Thiên khói lửa”-1948; “Lý Hoài Nam”, Giao hưởng thơ “Đồng khởi”-1971, “Adagio-Trở về đất mẹ”-1974. Trong đó “Đồng khởi” là đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác và là tác phẩm tâm đắc nhất của nhạc sĩ. Tác phẩm đã được Dàn nhạc hàn lâm Leipzig (CHDC Đức) trình diễn lần đầu tiên vào năm 1971 dưới sự chỉ huy của Tiến sĩ Forster nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Nhạc viện Leipzig. Năm 1986, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Latvia đã trình diễn "Đồng khởi" cùng với tác phẩm của một trong số các nhạc sĩ hiện đại xuất sắc nhất thế giới. Đánh giá về "Đồng khởi", tiến sĩ âm nhạc Đức Fritz Geissler đã nói: “Trong một thời gian ngắn, nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Văn Thương đã sáng tạo nên tác phẩm xuất sắc vừa mang đậm các yếu tố dân tộc, đồng thời mang được hơi thở của thời đại”.

Hòa bình lập lại, ông là một trong những nhạc sĩ đầu tiên soạn nhạc cho các điệu múa chuyên nghiệp như thơ múa Chim gâu, kịch múa Tấm Cám, Múa ô, Chàm rông... Sau “Bài ca trên núi” viết cho phim Vợ chồng A Phủ, ông sáng tác những ca khúc, hợp xướng hấp dẫn, như: “Bài ca Việt-Lào”, “Dâng người tiếng hát mùa xuân”, “Gửi Huế giải phóng”, hợp xướng “Dân ta đánh giặc anh hùng”, “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”...

Có thể nói, các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương là những bức tranh nhiều màu sắc, phản ánh cuộc sống hiện thực của đời sống đất nước. Âm nhạc của ông giàu cảm xúc và đậm đà tính dân tộc. Từ những tác phẩm “Đêm đông”, “Bướm hoa”, “Trên Sông Hương” đến “Bình Trị Thiên khói lửa” là những bước chuyển biến rất lớn về tư duy và tâm thức của nhạc sỹ. Rồi sau đó là khoa học âm nhạc hiện đại, với những tác phẩm khí nhạc, tác phẩm cho dàn nhạc dân tộc và giao hưởng.

 * Nhà quản lý kiêm chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc

Bên cạnh viết nhạc, GS Nguyễn Văn Thương còn là một nhà quản lý kiêm chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc. Ông từng đảm nhiệm chức vụ quan trọng là Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, Giám đốc nhạc viện Hà Nội. Thời kỳ làm lãnh đạo Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã xây dựng nhiều tác phẩm với đủ các hình thức thể hiện, đạt chất lượng đỉnh cao về nghệ thuật.

Đặc biệt, ông là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ và nổi tiếng với “biệt tài” phát hiện ra nhiều tài năng nghệ thuật, đưa về Nhạc viện đào tạo. Nhiều nghệ sĩ là học trò của ông sau này đều trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi như NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSND Quang Vinh, NSƯT Đinh Linh, NSƯT Xuân Bình, NSƯT Trương Ngọc Xuyên, NSƯT Quốc Hùng…

Ông còn là người góp phần đưa hệ trung cấp âm nhạc cổ truyền lên thành bậc đại học ngày nay. Tại cái nôi đào tạo âm nhạc lớn là Nhạc viện Hà Nội, ông đã để lại nhiều tập sách nhạc như: “Tuyển tập piano", "Tuyển tập 16 bài dân ca, dân vũ Việt Nam", sách dịch “Bétthôven”, “Tuyển tập 10 bài hát với phần đệm piano”, “Tuyển tập ca khúc Nguyễn Văn Thương”...

Ngày 5/12/2002, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, chiếc lá đêm đông hơn 60 năm lay động lòng người đã lìa cành bay vào cõi vĩnh hằng. Ông ra đi để lại cho đời một di sản lớn lao và quý giá, đóng góp vào sự trường tồn và phát triển nền âm nhạc Việt Nam.

Với những cống hiến to lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2001. Ông cũng là một trong số ít những nhạc sĩ được trao cả danh hiệu lẫn giải thưởng cao quý: NSND và Giải thưởng Hồ Chí Minh./.

Tùng Lâm