NGUYỄN ÁI QUỐC ĐẾN VỚI CHỦ NGHĨA MÁC - LENIN
Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều, phong trào công nhân Pháp. Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Versailles bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa. Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng xã hội Pháp (Đại hội Tours). Tại Đại hội này, Người bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản và Người trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, Người khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới là con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.
“Luận cương của V. I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
(Hồ Chí Minh, 1960)
Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó nòng cốt là cộng sản đoàn. Người cho ra đời tờ báo Thanh niên làm cơ quan tuyên truyền của Hội, trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo 75 cán bộ cho cách mạng, xuất bản cuốn Đường Kách mệnh, nêu ra những tư tưởng chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, chuẩn bị tư tưởng, lý luận và tổ chức cho việc thành lập chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam.