Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: thơ là cái đẹp, mãi mãi như vậy

    Nhân vật liên quan

    • Nhà thơLâm Thị Mỹ Dạ

Hà Nội (TTXVN 6/7/2023) Sáng ngày 6/7/2023, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã ra đi sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh Alzheimer. Nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ và độc giả sẽ mãi nhớ về một nhà thơ tài năng, hồn hậu và xinh đẹp.

* Muốn có thơ hay, phải sống thật với chính mình

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng chia sẻ rằng, ngày còn bé, có một buổi sáng mải chạy đuổi theo con chuồn chuồn đỏ, bị trượt ngã. Khi ngồi dậy, vô tình bàn tay chạm vào ngực thấy có tiếng đập lạ, liền chạy về nhà đưa tay sờ lên ngực mọi người, rồi lắng nghe. Khi biết chắc trong ngực ai cũng có những tiếng đập như vậy, bà mới hết lo và thở phào nhẹ nhõm... Đó là lần đầu tiên trong đời, bà biết mình có một trái tim. Và bà đã sống bằng trái tim đó, trái tim lần đầu được biết bằng sự đi tìm cái đẹp, màu đỏ của con chuồn chuồn ngày thơ dại. Và chính con chuồn chuồn ớt ngày ấy là thứ ánh sáng của tín sứ đã dẫn dắt bà đi vào cõi thơ huyền diệu, lạ lùng...

Với bà, thơ là cái đẹp, mãi mãi như vậy. Không thể lấy một bài thơ nào làm tiêu chuẩn chân lý cho thơ. Mỗi thi nhân đích thực đều có sự lấp lánh riêng, không ai giống ai. Người có bản lĩnh thơ là người biết chấp nhận sự thách đố của thời gian chứ không chấp nhận sự thách đố nào khác. Đam mê thơ, đam mê cái đẹp là sự thành công một nửa của người làm thơ.
Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường, thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết.

Vì vậy, có được một bài thơ hay vô cùng khó. Muốn có thơ hay theo bà phải sống thật với chính mình.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng tâm sự về hành trình sáng tạo: “ngày xưa khi còn rất trẻ, chỉ cần gọi một tiếng là bà có thể lao vào nơi nguy hiểm, đó là vùng đất rất ác liệt, con đường loang lổ vết đạn bom... Bà đã sống với những thực tế mà chính nó đã là bài thơ hùng tráng mà không cần phải lao động, sáng tạo nhiều.

Còn bây giờ khi đã thành một người vợ, người mẹ, người làm thơ thì tôi không còn sống cho riêng thơ được nữa. Làm vợ, làm mẹ đã khó mà làm thơ lại càng khó hơn. Cái khổ của người làm vợ, làm mẹ là cái khổ của thân xác đồng hành cùng hạnh phúc, là cái khổ, niềm hạnh phúc có thể chia sẻ được. Còn cái khổ cũng như hạnh phúc của người làm thơ là mình tự biết mình, không ai chia, không ai gánh...”. 

* Thơ đến, như một thứ quà trời cho

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chiến tranh, đất nước phân ly, gia đình ly tán nên thơ của bà thấm đẫm nỗi đau chiến tranh.
Ít ai biết, lên chín, Lâm Thị Mỹ Dạ đã làm thơ. Lên mười, bà có tập thơ đầu tiên với khoảng 40 bài. Do chiến tranh, tập thơ bị thất lạc. Chỉ đọng lại trong tâm trí nhà thơ những câu thơ rất buồn với nỗi trắc ẩn thời thơ ấu: Tuổi thơ tôi như sáng chiều đỏ lựng /Hắt máu xuống dòng sông đen.

Năm 1971, ở tuổi 20, Lâm Thị Mỹ Dạ đạt giải Nhất báo văn Nghệ với bài “Khoảng trời và hố bom”. Một sự kiện chính thức ghi dấu cái tên Lâm Thị Mỹ Dạ vào văn đàn thi ca Việt Nam. Một bài thơ về chiến tranh, được viết bởi một trái tim nhiều oan khuất, viết dưới làn bom giặc nhưng thấm đẫm chất nhân văn.

Cho đến mãi sau này, khi nói về xuất xứ bài thơ, bà vẫn nhớ như in từng chi tiết. Đó là năm 1970, trong một chuyến thực tế ở đường 10, khi ấy đang rất ác liệt, bà gặp một đội thanh niên xung phong đang làm đường, trong đó có một cô đã lớn tuổi. Hỏi ra mới hay cô ấy người Quảng Ninh đã được giải ngũ 3 năm trước nhưng về đến nhà thì cả gia đình đã bị bom Mỹ giết chết. Ngôi nhà thân yêu chỉ còn lại cái hố bom sâu hoắm và những mảnh bát vở vung vãi. Sau mấy ngày ở nhờ nhà bà con, chị lại khoác ba lô vào chiến trường… Câu chuyện trở thành nỗi ám ảnh trong lòng nhà thơ. Năm 1972, sau ngày có lệnh ngừng bắn, Lâm Thị Mỹ Dạ có dịp trở lại con đường đó, hỏi đến đơn vị của chị thì không ai biết nữa. Không biết ai còn, ai mất. Chỉ còn những hố bom đọng nước với  những khoảng trời vời vợi. Sau chuyến đi trở về nhà được mấy ngày, nhà thơ ra sông giặt áo và bỗng gặp lại hình ảnh  khoảng trời trong xanh lung linh đáy nước. Những ám ảnh về cái hố bom trổi dậy. Bà bỏ dở việc giặt, chạy về nhà để viết “Bài thơ Khoảng trời và hố bom”.

Sau khi bài “Khoảng trời và hố bom" đạt giải nhất Báo Văn nghệ, bà chịu một áp lực ghê gớm. Tự dằn vặt, sau giải thưởng, mình phải viết thế nào đây?. Đến mức sau đó bà làm được khoảng 10 bài nhưng đốt hết vì mặc cảm thơ. Nhưng rồi thơ lại cứ đến, như một thứ quà trời cho.

Nhà thơ từng thổ lộ về mình trong thơ: Tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít. Nghĩa là còn biết ngạc nhiên trước mỗi sự thay đổi nhỏ của sự sống quanh mình. Nhờ sự “ngây thơ” đó mà bà đã phát hiện những hình tượng thơ lạ, rất gợi cảm ngay trong cuộc sống thường nhật để viết nên những bài thơ sâu sắc, như: "Trái tim sinh nở", "Anh đừng khen em", "Tôi về với tôi", "Anh đã nhìn thấy em", "Đề tặng một giấc mơ"...

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà từng nhận định: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng.". Nhà thơ Ngô Văn Phú từng nói: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính".

Bạn yêu thơ cả nước đã thuộc nhiều câu thơ rất hay của Lâm Thị Mỹ Dạ trong các tập thơ trước, như: Nhìn lá/ cứ ngỡ là lá ngọt... / Nếu được vẽ chiếc hôn dưới mặt trời/ Tôi sẽ vẽ chiếc hôn như lá... Hay Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất.../ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi mình trong cuộc sống của em... Hay Đêm qua/ Tôi mơ thành tôi/ Tôi mơ thành chim/ Tôi mơ thành giấc mơ...

Ngay cả khi có tuổi, bà vẫn có nhiều hình tượng thơ hay và lạ như thời còn trẻ: Em quặn mình như rễ giữa đất im ("Cho anh tựa vào em"); Nếu được lạc cùng sông / Xin lạc mãi / Để hồn trôi êm ái khúc du ca ("Đi cùng sông Hương"); Vì hương ta mãi lòng vòng / Làm sao cầm được có - không mà về... ("Đi qua một làn hương")... Nhờ trực cảm mạnh, thơ Mỹ Dạ là thơ thốt lên sự buốt nhói của con tim, chứ không phải “chuyện đời lựa lời mà viết” như nhiều người. Thơ ấy luôn chân thật mà mới mẻ, xúc động lòng người.

Cái “trực cảm thơ” ấy do số phận và sự từng trải của nhà thơ tạo nên, không thể học ở sách vở hay trường lớp nào mà có được. Bởi thế, “trái tim thương tổn luôn đau đớn” đã trở thành hình tượng đậm nét nhất trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Dẫu khi tắt nghỉ cuộc đời/ Trái tim mẹ giữa đất trời con yêu (Trái tim sinh nở); Hỡi người bán quạt giờ thiên cổ / Sao gió trong tôi cứ thổi hoài (Chợ tuổi thơ); Khi tay chạm trống đồng ngân / Sững sờ tôi ngỡ mình thành người xưa... (Tiếng trống đồng). Bài thơ Nói với trái tim là tuyên ngôn về trái tim thương tổn của Lâm Thị Mỹ Dạ: Ôi trái tim/ Sao em lại mang dáng lưỡi cày/ Để suốt đời không bao giờ yên ổn/ Để suốt đời cày lên/ Cày lên/ Đớn đau và hạnh phúc...

Và cứ ngỡ trái tim tổn thương ấy về cuối đời sẽ yên ổn hơn, bớt đau đớn hơn. Nhưng không, năm 1998,  chồng bà - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến và nằm một chỗ nhiều năm. Bà lại tần tảo cháo, thuốc. “Bàn tay nâng em thành bảo mẫu/ Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười/ Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng/ Giữa tháng ngày trĩu nặng/ Em đứng thẳng người/ Cho anh tựa vào em! (Cho anh tựa vào em).

Có lẽ vì những vết thương tim suốt đời không thành sẹo ấy, nên dù Lâm Thị Mỹ Dạ đã “Giơ cao lá cờ trắng/ Trước thơ”, nghĩa là xin đầu hàng thơ, thơ vẫn đến với bà nồng nàn, chân chất.

* Về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Bà là hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 1978.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng học Trường viết văn Nguyễn Du, tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ), ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và VI.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng đạt các giải thưởng: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ "Bài thơ không năm tháng"; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: "Trái tim sinh nở" (1974), "Bài thơ không năm tháng" (1983) và "Đề tặng một giấc mơ" (1998).

Các tác phẩm chính của nhà thơ đã xuất bản gồm: "Trái tim sinh nở" (thơ, 1974), "Bài thơ không năm tháng" (thơ, 1983), "Danh ca của đất" (truyện thiếu nhi, 1984), "Nai con và dòng suối" (truyện thiếu nhi, 1987), "Phần thưởng muôn đời" (truyện thiếu nhi, 1987), "Hái tuổi em đầy tay" (thơ, 1989), "Mẹ và con" (thơ, 1994), "Đề tặng một giấc mơ" (thơ, 1998), "Hồn đầy hoa cúc dại" (thơ, 2007).

Một tập thơ gồm 56 bài nhan đề "Cốm Non" (Green Rice) do bà tự tuyển chọn trong những tập thơ đã xuất bản của mình được Nhà xuất bản Curbstone dịch sang tiếng Anh và phát hành tại Hoa Kỳ năm 2005./.

                                                                                                Phương Phương (tổng hợp)