Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Ông hoàng tình ca và những tình khúc mùa thu bất hủ
Nhân vật liên quan
Hà Nội (TTXVN 12/6/2024) Mỗi mùa thu vương vấn lá vàng rơi trong gió heo may, công chúng lại xao xuyến hát thầm những ca khúc lãng mạn của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn: “Anh mong chờ mùa thu/ Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai/ Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay/ Mùa thu quyến rũ anh rồi”. Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều, nhưng mỗi ca khúc ông để lại đều có chỗ đứng sâu đậm trong lòng công chúng bởi sự mượt mà trong lời ca, những thanh âm dặt dìu lôi cuốn. Người ta vẫn gọi Đoàn Chuẩn là "Ông hoàng tình ca" hay "Người nhạc sỹ của mùa thu" bởi chất trữ tình, hình ảnh thiên nhiên và con người luôn thắm đượm trong suốt những trang nhạc của ông. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh vào ngày 15/6/1924, cách đây 100 năm.
* Ông hoàng tình ca
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, sinh ngày 15/6/1924 trong một gia đình tư sản ở Hải Phòng với thương hiệu nước mắm nổi tiếng đã đi vào câu thơ "Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Từ mảnh đất này, ông đã cùng các nhạc sĩ nổi tiếng của thời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý, Tô Vũ, Canh Thân... lập nên nhóm nhạc Đồng Vọng vang danh khắp cả nước.
Trong cuộc đời sáng tác của mình, ông đã để lại cho âm nhạc Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Ông đặc biệt thường nhắc đến mùa thu trong các sáng tác của mình và thường tự nhận mình là “tay mơ” trong sáng tác nhạc… Những sáng tác nổi tiếng và bất hủ của ông có thể kể đến, như: "Tình nghệ sĩ" (1948); "Thu quyến rũ" (1950); "Chuyển bến" (1951); "Gửi gió cho mây ngàn bay" (1952); "Lá đổ muôn chiều" (1954); "Chiếc lá cuối cùng" (1955); "Gửi người em gái miền Nam" (1956); "Thủa trâm cài" (1965); "Màu nắng có bao giờ phai đâu" (1989, ca khúc cuối cùng)…
Mặc dù số lượng ca khúc Đoàn Chuẩn để lại không nhiều, hơn 20 bài, song quá nửa bài trong số ấy chỉ cần nhắc tên là bạn yêu âm nhạc đã cảm thấy xao xuyến, bởi đó là những bài hát vẫn vương vấn, quấn quít với lòng người, với tình yêu và mùa thu Hà Nội.
Theo gia đình nhạc sĩ, có thể những bài khác của ông còn ở đâu đó chưa tìm thấy nhưng cũng chỉ cần có thế, cái tên Đoàn Chuẩn đã tạo dựng một vị trí không thể nào thay thế trong nền tân nhạc Việt Nam, cũng như trong lòng người nghe.
Còn nhiều người lại nhận xét "mỗi ca khúc của Đoàn Chuẩn đều khơi nguồn từ một cuộc tình". Với người vợ thân thương của mình, Đoàn Chuẩn cũng đã dành tặng ít nhất hai bài: Ca khúc "Đường về Việt Bắc" (còn có tên gọi "Tà áo tím") và một ca khúc được phát hiện sau khi ông mất, ca khúc "Ánh trăng mùa thu" (hiện "nguyên mẫu" bài hát được nhiều người khẳng định không ai khác ngoài người vợ hiền thục của nhà nhạc sĩ). Nghệ sĩ Đoàn Đính từng cho biết, cha anh không bao giờ nhắc tới bất cứ người phụ nữ nào ngoài vợ. “Mẹ tôi rất tự hào vì ca khúc “Đường về Việt Bắc” mà bố viết riêng tặng mẹ. Mẹ bảo chỉ cần một bài đó là đủ rồi, còn những bài hát khác bố viết tặng ai hay liên quan đến ai thì mẹ cũng không phiền lòng”.
* Những tình khúc mùa thu bất hủ
Với Đoàn Chuẩn, mùa thu trở thành đề tài cuộc đời. Ông được mệnh danh là nhạc sĩ của mùa thu, từ tác phẩm đầu tay “Ánh trăng mùa thu” sáng tác năm 1947 đến “Màu nắng có bao giờ phai đâu” viết năm 1989, Đoàn Chuẩn đã đem hết tình yêu phụng sự cho mùa thu bất tử. Trong những bài hát của ông, có rất nhiều câu từ đặc tả mùa thu. Từ “Trời đất kia ngả màu xanh lơ/ Đàn bướm kia đùa vui bên muôn hoa/ Bên những bông hồng đẹp xinh” (Thu quyến rũ) qua “Như duyên em thầm kín/ Trong hương thu màu tím buồn” (Cánh hoa duyên kiếp) với “Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương” (Lá thư) rồi “Một sớm thu về chuyển bến xuôi” (Chuyển bến) hay “Ta quen nhau mùa thu” (Tà áo xanh) và “Thu đi cho lá vàng bay” (Lá đổ muôn chiều)…
Lúc sinh thời, ông từng chia sẻ: “Giời đất cho ta đủ cả bốn mùa, nhưng hình như chỉ có mùa thu là mùa của tình yêu, vì mùa hè thì oi bức, ồn ào quá; còn mùa đông lại giá lạnh, cô quạnh quá; mùa xuân thì vạn vật còn mải “rong chơi”…”. Chắc có lẽ vì thế mà ông đã sáng tác nên những ca khúc về mùa thu đầy xúc cảm và làm say mê biết bao thế hệ suốt những thập niên qua.
Ca khúc về mùa thu của Đoàn Chuẩn có vẻ đẹp mơ màng, xao xuyến và ít buồn hơn so với những nhạc sĩ khác. “Thu quyến rũ”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Lá thư”, “Chuyển bến”… đều là những bản tình ca về mùa thu trong sáng, thanh cao, đẹp dịu dàng, quyến rũ... Nghe những câu hát đẹp đến nao lòng của Đoàn Chuẩn, có ai không cảm thấy một sự xốn xang, hoài niệm:
“Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh…”.
Có thể nói, “Thu quyến rũ” là một trong những bài hát tình ca bất hủ về chủ đề mùa thu nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và cũng được yêu thích nhất trong số nhiều bài hát về tình ca thu của nền tân nhạc Việt Nam. Giai điệu chậm rãi, sự khoan thai mang theo tính tự sự như thấm vào tận trái tim của khán giả nhiều thế hệ.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từng nhận xét về nhạc của Đoàn Chuẩn: “Trong giai điệu của ông, ta cảm thấy có tiếng lá rơi nhè nhẹ, có tiết heo may se lạnh, có cả mùi thơm của cốm ủ lá sen. Nghe giai điệu của ông, ta cảm thấy bâng khuâng, yêu thương, luyến tiếc. Hơn nữa, còn thấy phảng phất ở giai điệu ấy hình bóng huyền diệu của những “tuyệt sắc giai nhân” đã hơn một lần làm xao xuyến trái tim “chàng công tử Hà Nội” dịu dàng và đa tình này.
Vẫn một tình nghệ sĩ ấy, vẫn một tà áo xanh ấy, vẫn gặp gỡ và chia tay muôn thuở. Nhưng trong giai điệu của Đoàn Chuẩn, mùa thu Hà Nội đã luồn vào trong từng ngóc ngách, trong từng cung bậc….”. Ở nhiều ca khúc của Đoàn Chuẩn còn cho thấy chất ngẫu hứng, tự tình, phóng khoáng đầy cảm thức tiêu dao được chuyển tải bằng nét giai điệu bay bổng, mềm mại.
“Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa
Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian…”.
Với “Gửi gió cho mây ngàn bay”, nét thu càng trở nên đắm đuối, yêu kiều như nhan sắc một người con gái. Ta bắt gặp ở đây những hình ảnh, ca từ đẹp mà buồn mang mác lại đầy tính ước lệ, tượng trưng như trong thơ Đường. Để khi thả hồn mình vào những ca khúc ấy, tâm tư con người như một tấm mành tơ nhện, khẽ rung lên xao xuyến, bồi hồi trong hơi thở mùa thu dịu ngọt.
Có một điều đáng nhớ nữa, trong những ca khúc “rất thu” ấy, không có bất cứ một từ nào nhắc đến Hà Nội nhưng người nghe đều cảm nhận, chỉ có mùa thu Hà Nội mới đủ để gợi nên trong ông những cảm hứng tuyệt vời khi sáng tác những tác phẩm này.
Một Hà Nội với dáng vẻ cổ kính, trầm mặc mà sang trọng, thanh lịch trong hình ảnh những thanh nữ dạo guốc trên đường phố, con ngõ, bên thành quách, đền chùa nghìn năm. Rồi những cơn gió heo may như thổi từ thuở “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” về, thổi tung những tà áo dài trắng tinh khôi, vờn lên mái tóc búi xõa, đùa lên hàng mi như sóng nước hồ Gươm… Một Hà Nội mà đến bây giờ với chúng ta như đã là cổ tích.
Có thể nói những nhạc phẩm về mùa thu Hà Nội của “ông hoàng nhạc tình” Đoàn Chuẩn thực sự quyến rũ, khiến những người yêu nhạc của nhiều thế hệ đắm say!
Ngày 15/11/2001, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã mãi mãi ra đi để lại nỗi tiếc nhớ khôn nguôi trong lòng bao người yêu nhạc. Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã để lại câu nói cuối cùng: "Rồi những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sĩ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại".
Năm 2019, để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa, tên của ông được đặt cho tên một con phố nằm trên phường Hải Đông, quận Hải An, thành phố Hải Phòng - quê hương ông.
* Những tình khúc thất lạc được tìm về
Những "đứa con tinh thần" của Đoàn Chuẩn luôn là một ẩn số cho nhiều người yêu nhạc. Người nhạc sĩ tài hoa này có thói quen gửi tặng tác phẩm của mình cho bạn bè, người thân, nên nhiều tình khúc của ông bị lưu lạc.
Tại chương trình giao lưu ca nhạc mang tên “Chiều nhớ”, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Đoàn Chuẩn, diễn ra tại Hà Nội vào năm 2014, lần đầu tiên bản nhạc thất lạc “Thuở trâm cài” được gia đình nhạc sĩ công bố với khán giả. Đây là bản nhạc ký với bút danh Việt Tử, được một người họ hàng của gia đình tìm lại. “Thuở trâm cài” là món quà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn tặng cho cô học trò năm xưa tên là Bạch Liên.
Cô gái rất cảm kích và trân trọng, muốn giữ cho riêng mình nên đã chép ngược từ bản gốc vào sổ nhạc để người khác không đọc được. Và để đọc được, bài hát này phải soi vào trong gương. Bản nhạc này là tác phẩm duy nhất được Đoàn Chuẩn viết theo thể điệu Bolero, với nét buồn, day dứt lãng mạn, trên giai điệu của cây đàn ghitar Hawaii, một đặc trưng trong sáng tác của Đoàn Chuẩn.
Theo nhạc sĩ Đoàn Đính, con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, “Thuở trâm cài” được sáng tác vào những năm 1960 của thế kỷ XX, như một gạch nối giữa hai giai đoạn 1947-1956 và 1988-1989 trong sự nghiệp sáng tác của Đoàn Chuẩn.
Ca sỹ Quỳnh Hoa, người đầu tiên thể hiện “Thủa trâm cài”, tâm sự: “Nghe những nốt nhạc của ca khúc vang lên, đã thấy như thân quen lắm rồi, như những giai âm đó đã ngấm trong tâm hồn từ rất lâu. Điều này đủ thấy âm nhạc Đoàn Chuẩn kỳ diệu biết nhường nào...".
Mặc dù ở cuốn viết tay, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chỉ ghi có 18 ca khúc, nhưng sau khi ông mất ít lâu, gia đình lại nhận được bản nhạc “Ánh trăng mùa Thu” do ca sĩ Nguyễn Ngọc Khôi mang tặng. Bản nhạc được xuất bản ngày 13/3/1953, còn in cả nét chữ của Đoàn Chuẩn: “Viết ở Đống Năm để kỷ niệm những ngày ở Khuốc, Thu 47”. Như vậy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã sáng tác nhạc phẩm này để nhớ về làng Khuốc (đất chèo), vào năm 1947 tại làng Đống Năm, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đây quả là một món quà vô giá, khi mọi người vẫn đinh ninh rằng nhạc phẩm “Tình nghệ sĩ” hay “Lá thư” được sáng tác vào năm 1948 là sáng tác đầu tay của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, nhưng với di cảo này đã chứng tỏ “Ánh trăng mùa Thu” mới chính là “đứa con đầu lòng” của họ.
Như vậy, đến nay, số lượng tác phẩm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã lên đến con số 22 và rất có thể, chưa dừng lại.
Và mặc cho những biến động và xoay vần của thời gian, những nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn vẫn còn nồng đượm mãi. Bằng những nốt nhạc phiêu linh, truyền cảm cùng ca từ tràn đầy lãng mạn, các nhạc phẩm của ông nhẹ nhàng bước vào đời sống âm nhạc Việt Nam, đọng lại trong lòng người nghe những thanh âm trong trẻo. Chính những điều giản dị này đã khiến người hâm mộ biết bao thế hệ luôn say đắm.
Yến Ninh (tổng hợp)
* Những tình khúc vượt thời gian của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn
1. “Ánh trăng mùa thu” (1947)
2. “Tình nghệ sĩ” (1948)
3. “Lá thư” (1948)
4. “Đường về Việt Bắc”, còn gọi là “Tà áo tím” (1949)
5. “Thu quyến rũ” (1950)
6. “Chuyển bến” (1951)
7. “Gửi gió cho mây ngàn bay” (1952)
8. “Cánh hoa duyên kiếp”, còn gọi là “Dạ lan hương” (1953)
9. “Lá đổ muôn chiều” (1954)
10. “Tà áo xanh”, còn gọi là “Dang dở” (cuối 1954 đầu 1955)
11. “Chiếc lá cuối cùng” (1955)
12. “Một gói nho khô, một cánh pensee” (1955)
13. “Để có những chiều tắt nắng” (1955)
14. “Vàng phai mấy lá”, còn gọi là “Vĩnh biệt” hay “Bài ca bị xé“ (1955)
15. “Tâm sự” (1956)
16. “Gửi người em gái miền Nam” (1956)
17. “Bên cầu” (1962)
18. “Thuở trâm cài” (bút danh Việt Tử, 1965)
19. “Khuôn mặt em” (thơ Văn Cao, 1987)
20. “Đường thơm hoa sữa gọi” (thơ Vân Long, 1988)
21. “Phấn son” (1989)
22. “Màu nắng có bao giờ phai đâu” (1989)./.
- Từ khóa:
- Đoàn Chuẩn
- nhạc sĩ Đoàn Chuẩn