Nhân chuyến thăm đầu xuân của Tổng thống Georgi Parvanov: Tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt Nam-Bulgaria (1/2009)
Hà Nội (TTXVN 26/1/2009)
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống nước Cộng hòa Bun-ga-ri Ghê-oóc-ghi Pác-van-nốp (Georgi Parvanov) và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29-31/1/2009. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Nguyên thủ Bun-ga-ri kể từ năm 1979.
Nằm ở Đông Nam châu Âu, giữa bán đảo Ban-căng, Bun-ga-ri gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2007 và hiện là nước có nền kinh tế phát triển nhanh ở châu Âu, tăng trưởng hằng năm 6% so với tốc độ trung bình gần 2% của EU. Tình hình chính trị Bun-ga-ri nhìn chung ổn định. Trên các diễn đàn đa phương, Bun-ga-ri tham gia tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc với vai trò là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2002-2003...; tham gia lực lượng hoà bình ở Nam Tư cũ, Cô-xô-vô, Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và miền Nam Li-băng....Bun-ga-ri coi trọng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Về quan hệ hai nước, Việt Nam và Bun-ga-ri thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 2/1950. Bun-ga-ri đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ về tinh thần và vật chất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.
Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Bun-ga-ri phát triển nhanh, hai nước đã trao đổi đoàn cấp cao. Về phía nước bạn có: Thủ tướng Bun-ga-ri Xéc-gây Xta-ni-sép (Sergei Stanishev) (11/2006), Phó Tổng thống An-gen Ma-rin (Angel Marin) (4/2007), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao I-vai-lô Can-phin (Ivailo Kalfin) (11/2008) thăm Việt Nam. Đoàn cấp cao Việt Nam thăm Bun-ga-ri có: Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (10/2005), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (6/2008)...
Hai nước đã ký các hiệp định hợp tác về kinh tế; khuyến khích và bảo hộ đầu tư; tránh đánh thuế hai lần; hợp tác về y tế, vận tải hàng hải... làm cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác song phương...
Quan hệ kinh tế giữa hai nước còn hạn chế nhưng đang tăng nhanh, kim ngạch thương mại song phương năm 2005 đạt 22 triệu USD; 2006 là 48 triệu; năm 2007 đạt 52 triệu USD; năm 2008 đạt tới 100 triệu USD. Ta xuất khẩu sang nước bạn chủ yếu là than đá, cà phê, cao su, thủy sản, thực phẩm, mây tre đan, hạt tiêu, hạt điều, hàng dệt may, giày dép...; nhập khẩu của Bun-ga-ri chủ yếu là hoá chất, tân dược, rượu vang, máy móc kỹ thuật, thiết bị đóng tàu...
Tính đến tháng 8/2008, Bun-ga-ri có 5 dự án đầu tư trực tiếp có hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 12,9 triệu USD, trong đó có 4 dự án 100% vốn nước ngoài với đăng ký là 6,9 triệu USD. Bun-ga-ri hiện đứng thứ 56 trong 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Về giáo dục-đào tạo, hai nước đã ký hiệp định hợp tác giáo dục và Chương trình hợp tác 2001-2003. Từ năm 2001-2008, đã có 90 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam theo học tại nước bạn, trong đó có 20 người được cấp học bổng nhà nước và 70 người theo diện tự túc. Tháng 11/2008, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bun-ga-ri khi thăm Việt Nam cũng đã nêu việc Bun-ga-ri dự kiến dành ODA cho đào tạo sinh viên và chuyên gia Việt Nam.
Hai nước ký biên bản ghi nhớ về hợp tác xuất khẩu lao động từ tháng 4/2008 và hiện có 395 lao động Việt Nam sang Bun-ga-ri. Hợp tác song phương trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, vận tải, du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông, hành chính quốc gia, năng lượng và quốc phòng... cũng đã được hai bên ký thỏa thuận và triển khai.
Cộng đồng Việt Nam hiện có khoảng 1.000 người đang sinh sống tại Bun-ga-ri, chủ yếu kinh doanh hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ hoặc nông phẩm. Phần lớn bà con ổn định làm ăn, tôn trọng pháp luật và hòa đồng với nước sở tại, có đóng góp tốt cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị hai nước, được nước bạn đánh giá cao và tạo điều kiện thuận lợi.
Tổng thống Bun-ga-ri G. Pác-van-nốp là nhân vật chính trị có uy tín tại Bun-ga-ri (được bầu lại nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai) và rất có cảm tình với Việt Nam. Ông đã sang Việt Nam tháng 8/1998 với tư cách là Chủ tịch Đảng Xã hội Chủ nghĩa Bun-ga-ri.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống G. Pác-van-nốp đúng vào dịp đầu xuân mới Kỷ Sửu 2009. Theo chương trình dự kiến, Tổng thống G. Pác-van-nốp sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; hội kiến Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; ký kết các văn kiện hợp tác hai nước. Chuyến thăm là dịp để các doanh nghiệp Bun-ga-ri đi cùng đoàn tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
Với quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp sẵn có, chuyến thăm của Tổng thống sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước; trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt, nhất là trong những lĩnh vực hai bên có tiềm năng và nhu cầu như: Kinh tế, thương mại, nông nghiệp, giáo dục, lao động và trao đổi những vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm./.
Hoàng Thị Hoa
- Từ khóa:
- Việt Nam-Bulgaria