Nhật Bản: BoJ được kỳ vọng dừng chính sách lãi suất âm

Hà Nội (TTXVN 19/3/2024) Theo các nhà kinh tế và các phương tiện truyền thông, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) được kỳ vọng rộng rãi là sẽ dừng chính sách lãi suất âm khi kết thúc cuộc họp vào ngày 19/3 và nâng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm.

 

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine năm 2022.

Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ kinh tế trì trệ và giảm phát, BoJ đã duy trì lãi suất âm kể từ năm 2016. Lần tăng lãi suất gần đây nhất là năm 2007.

Lãi suất âm có nghĩa các ngân hàng sẽ phải trả phí khi gửi tiền tại BoJ. Điều này khuyến khích các ngân hàng cho doanh nghiệp vay và từ đó thúc đẩy nền kinh tế và lạm phát.

BoJ cũng chi lượng lớn tiền để mua trái phiếu và các tài sản khác để bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính.

Chính sách lãi suất âm đã góp phần kiểm soát nợ công của Nhật Bản, ở mức khoảng 260% GDP, một trong những mức cao nhất thế giới.

Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, đồng yen lại giảm giá mạnh, điều sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho người tiêu dùng, khi khiến hàng nhập khẩu đắt hơn.

Lạm phát tại Nhật Bản ở mức mục tiêu 2% hoặc vượt mục tiêu này trong gần hai năm qua.

Tuy nhiên, BoJ duy trì lãi suất âm 0,1%, để chờ thêm dấu hiệu cho thấy lương tăng và lạm phát do nhu cầu tăng.

Yếu tố cuối cùng quyết định hành động của BoJ là việc Tổng liên đoàn Lao động Nhật Bản đạt thỏa thuận tăng lương 5,3% với các doanh nghiệp, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1991.

Nhà kinh tế Stefan Angrick tại Moody's Analytics cho rằng BoJ gần như chắc chắn sẽ dừng chính sách lãi suất âm vào ngày 19/3 sau các cuộc đàm phán lương.

Khoảng 67% các nhà kinh tế được khảo sát nhận định lãi suất tại Nhật Bản sẽ tăng lên khoảng 0-0,1%.

Chính phủ Nhật Bản đầu tháng 3/2024 cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống 2,4% trong tháng 1 từ mức 2,5% của tháng trước, mức cải thiện đầu tiên trong ba tháng, do có ít người bị sa thải hơn trong bối cảnh thiếu lao động.

Tỷ lệ việc làm sẵn có không thay đổi so với tháng 12 ở mức 1,27, nghĩa là cứ 100 người tìm việc thì có 127 việc làm. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, tổng số người có việc làm trong tháng 1 đã giảm 30.000 người so với một tháng trước đó xuống mức 67,61 triệu người đã điều chỉnh theo mùa, trong khi những người thất nghiệp giảm 1,2% xuống còn 1,7 triệu người. Trong đó, 750.000 người tự nguyện bỏ việc, giảm 1,3%, và 360.000 người bị sa thải, giảm 7,7% so với tháng trước.

Một quan chức của Bộ cho rằng tỷ lệ thất nghiệp được cải thiện là do tình trạng giảm số người rời bỏ công việc không tự nguyện do công ty phá sản hoặc tái cơ cấu.

Ông Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, cho biết: “Thị trường lao động vẫn còn thắt chặt”. Ông nói: “Việc làm trong ngành giải trí và các lĩnh vực dịch vụ trực tiếp khác tiếp tục tăng trưởng ổn định, trong khi lĩnh vực thông tin và truyền thông đang có nhiều việc làm hơn do sự phục hồi của ngành bán dẫn”.

Quan chức này cho biết số phụ nữ thất nghiệp tăng từ 60.000 lên 730.000, do ngày càng nhiều phụ nữ rời bỏ công việc để tìm kiếm điều kiện làm việc tốt hơn trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Con số này ở nam giới giảm 90.000 xuống còn 960.000.

Tỷ lệ việc làm trên số người nộp đơn mới nhất không thay đổi do nhiều ngành công nghiệp bao gồm lĩnh vực y tế và phúc lợi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, trong khi lĩnh vực xây dựng và sản xuất không thể cung cấp cơ hội việc làm do lợi nhuận của các ngành này bị siết chặt do lạm phát gia tăng.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong khi đó, lạm phát lõi của Nhật Bản đã giảm xuống còn 2% trong tháng 1/2024, mức thấp nhất trong 22 tháng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát cơ bản của Nhật Bản giảm, phù hợp với mục tiêu ổn định giá cả của BoJ. Chỉ số giá tiêu dùng lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống, tăng 2% so với một năm trước đó, giảm so với mức tăng 2,3% trong tháng 12.

Nhu cầu trong nước yếu, một phần xuất phát từ giá cả tăng trong khi tiền lương vẫn trì trệ, đã góp phần khiến nền kinh tế suy giảm quý thứ hai liên tiếp trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2023. Tuy nhiên, chỉ số Nikkei Stock Average đang đạt mức cao kỷ lục, điều này có thể tạo động lực mới cho BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm.

Ông Saisuke Sakai, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mizuho Research & Technologies Ltd, cho biết: “Lạm phát đã chậm lại do tác động suy yếu của chi phí nhập khẩu nhưng CPI cơ bản dự kiến sẽ vẫn ở mức trên 2% trong năm nay”. Lực cản lớn đối với CPI là giá năng lượng giảm 12,1% do chính phủ đang giảm hóa đơn tiện ích cho các hộ gia đình bằng trợ cấp cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu./.

Lê Minh (Theo AFP)