Nhìn lại 8 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA)

Hà Nội (TTXVN (24/7/2023) Sau 8 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), hai nước đã và đang tận dụng tốt các điều khoản từ VKFTA, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương giữa về thương mại và đầu tư. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ); là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc). Hàn Quốc còn đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch… Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.

          * Hiệp định VKFTA - FTA song phương đầu tiên với đối tác kinh tế

          Chính thức được ký ngày 5/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, VKFTA là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đầu tiên trong số các FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế. VKFTA một hiệp định mang tính toàn diện, có mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả đôi bên.

          Hiệp định VKFTA gồm 17 chương, 208 điều, 15 phụ lục và 1 thỏa thuận thực thi quy định, với các nội dung chính gồm: Thương mại hàng hoá, Thương mại Dịch vụ (bao gồm các Phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân), Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Qui tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Hợp tác kinh tế, Thể chế và Pháp lý.

          Với nội dung đã được thỏa thuận, EVFTA được đánh giá là mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam. Về kinh tế, thương mại, đầu tư, việc ký kết VKFTA giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng nhiều cơ hội về thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba. Về lợi ích xã hội, VKFTA tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam, nâng cao thu nhập, nhất là của nhóm lao động phổ thông, lao động không có tay nghề cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.

          Việc ký Hiệp định VKFTA là một bước đi cụ thể thực hiện chiến lược chủ động hội nhập, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, góp phần tích cực phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc, theo hướng ổn định, lâu dài, góp phần duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

           * Nhiều kết quả đáng ghi nhận

          Để thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định mang lại, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã thành lập một Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định cấp Bộ trưởng và đã hợp tác hết sức chặt chẽ, tích cực trong suốt thời gian qua. Nhờ đó, Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang tận dụng tốt các điều khoản từ VKFTA, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương giữa hai nước về thương mại và đầu tư.

          Cụ thể, sau 8 năm thực thi EVFTA, thương mại 2 chiều Việt Nam-Hàn Quốc liên tục tăng trưởng mạnh. Nếu như kim ngạch thương mại song phương năm 2015 mới đạt 36,55 tỷ USD thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 67 tỷ USD (chiếm 40% tổng kim ngạch ASEAN-Hàn Quốc). Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 66 tỷ USD, gần bằng với thời điểm trước khi diễn ra đại dịch; sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 và năm 2022 với kim ngạch song phương lần lượt đạt 78,1 tỷ USD và 86,4 tỷ USD. Hai nước đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

          Hàn Quốc hiện còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 81,56 tỷ USD và 9.666 dự án còn hiệu lực (tính lũy kế đến 20/5/2023). Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh. Lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang quan tâm đầu tư chủ yếu là sản xuất và chế tạo. Gần đây, Chính phủ cũng như doanh nghiệp hai nước đã tìm ra những dự án, lĩnh vực hợp tác mới như: Ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi năng lượng.

          Bên cạnh lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, Hàn Quốc hiện cũng là đối tác lớn của Việt Nam về hợp tác phát triển du lịch. Vài năm trở lại đây, khách Hàn Quốc đến Việt Nam du lịch ngày càng tăng. Năm 2022, khách Hàn Quốc giữ vị trí quán quân với gần 770.000 lượt người trên tổng 3,66 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc có hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam, chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế và là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam. Các điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc... trở thành điểm đến được nhiều khách Hàn Quốc lựa chọn.

Ở chiều ngược lại, tính đến đầu tháng 6/2023, Hàn Quốc đã đón 163.000 lượt khách du lịch từ Việt Nam, đạt 73% so với cùng kỳ năm 2019. 

          Minh Duyên