Những ca khúc làm “sống dậy” thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc
Hà Nội (TTXVN 29/04/2020) Có lẽ, không một quốc gia nào trên thế giới có một thứ vũ khí bảo vệ Tổ quốc độc đáo như ở Việt Nam. Thứ vũ khí ấy mỗi khi được cất lên là tạo nên một sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, lấn át mọi vũ khí hủy diệt, hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù, để “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Đó chính là những bài ca, tiếng hát hào sảng vang xa của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Tiếng hát át tiếng bom” trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những ca khúc mang sức sống mãnh liệt này như cuốn biên niên sử bằng âm nhạc, ghi lại những thời khắc hào hùng không thể nào quên của cả dân tộc.
Có lẽ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chưa có cuộc “ra quân” nào của giới trí thức lại rầm rộ và có sức ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng như phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Họ tự nguyện cầm lấy cây đàn, dạo lên những nốt nhạc đấu tranh, cổ vũ lòng yêu quê hương đất nước. Lịch sử đã ghi danh họ. Và một thế hệ thanh niên đã theo những lời ca, điệu nhạc thôi thúc đó mà đứng lên đấu tranh vì hòa bình và thống nhất đất nước, để lại những ký ức không thể nào quên.
" Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào
Hát cho đêm thiên thu lửa cháy bên trại giặc thù
Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên..”
(“Hát cho đồng bào tôi nghe”, Tôn Thất Lập)
Theo nhạc sĩ-ca sĩ Trần Xuân Tiến, từng là Đoàn trưởng Đoàn văn nghệ sinh viên-học sinh Sài Gòn từ năm 1973 và là ca sĩ chính của phong trào, “Hát cho đồng bào tôi nghe” xuất hiện vào tháng 10-1966. Theo sự chỉ đạo của Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định, Tổng hội sinh viên Sài Gòn quyết định lấy hoạt động văn nghệ làm một mũi tiến công, đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, tự do và thống nhất nước nhà. Đoàn văn nghệ sinh viên-học sinh Sài Gòn được thành lập do bác sĩ Trương Thìn (khi ấy là sinh viên y khoa) làm trưởng đoàn. Từ phong trào này, nhiều chương trình văn hóa-văn nghệ gắn với chủ đề hòa bình-độc lập-tự do cho dân tộc đã được tổ chức ngay tại trung tâm Sài Gòn, sau đó lan tỏa ra khắp các đô thị ở miền Nam.
Cũng từ đó, những buổi biểu diễn văn nghệ có quy mô, có tổ chức phục vụ đồng bào nội đô đã kéo theo cả hàng nghìn người xuống đường, biến thành cuộc biểu tình chống chế độ Mỹ-ngụy, tạo nên một cao trào đấu tranh "hợp pháp" và "nửa hợp pháp" ngay giữa lòng Sài Gòn và các đô thị miền Nam. Từ chỗ hát những ca khúc có sẵn, sinh viên đã tự sáng tác những ca khúc tranh đấu rõ ràng, trực diện hơn. Tất cả, chỉ với một tinh thần “hát cho dân tôi nghe”, hát về lòng yêu nước thương nòi, để giục giã tinh thần tranh đấu. Dù không phải ai cũng học chuyên ngành âm nhạc, nhưng hầu hết sinh viên thời đó ai cũng biết sáng tác và ôm đàn ngồi hát tác phẩm của mình. Những ca khúc phong trào cứ thế ra đời, có khi chưa ráo mực, thậm chí không cần viết ra, mà từng câu, từng câu một được truyền tai nhau hát, nhiều khi chỉ vài tiếng đồng hồ là thành một dàn đồng ca xuống đường rầm rộ.
Chẳng phải vô tình mà cái tên nhạc sĩ Tôn Thất Lập luôn luôn được nhắc đến đầu tiên, như một “thủ lĩnh” trong phong trào sáng tác “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Không chỉ bởi bài hát được lấy làm tên gọi cho phong trào, ông còn là một trong những ca sĩ có ca khúc đề xướng đầu tiên, kêu gọi thanh niên, học sinh xuống đường và cũng là một trong những người sáng tác nhiều nhất. Những bài hát vang bóng một thời của ông, như: “Người đợi người”, “Đồng lúa reo”, “Hát trong tù”, “Tiếng gọi sinh viên” và đặc biệt là “Hát cho dân tôi nghe”, cho đến hôm nay khi hát lên vẫn như thấy lại không khí sục sôi thuở nào.
Cùng với sự phát triển của phong trào, những cái tên quen thuộc với nhiều thế hệ âm nhạc lần lượt xuất hiện, như: Trần Long Ẩn, La Hữu Vang, Nguyễn Văn Sanh, Trương Quốc Khánh, Miên Đức Thắng, Nguyễn Xuân Tân, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam… Trong số họ, có người sau này trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp với một sự nghiệp sáng tác lừng lẫy, cũng có người không hề có thêm sáng tác nào sau phong trào nhưng những ca khúc mà họ đã sáng tác đã đủ ghi danh mình vào lịch sử âm nhạc nước nhà.
Không khí đấu tranh của sinh viên và giới trẻ càng trở nên sôi động khi xuất hiện những ca khúc nổi tiếng với những ca từ thúc giục, khích lệ tinh thần tuổi trẻ: “Dậy mà đi! dậy mà đi!/ Ai chiến thắng không hề chiến bại/ Ai nên khôn không khốn một lần... Đừng tiếc nữa can chi mà khóc mãi/ Dậy mà đi núi sông đang chờ... Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi” ("Dậy mà đi" của Nguyễn Xuân Tân). Hay “Ngày nào thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ/ Ngày nào hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào/ Dành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh/ Dành lại thành phố đó Việt Nam nâng cao hòa bình…” ("Hát cho dân tôi nghe" của Tôn Thất Lập)... Những bài hát này như những ngọn lửa thổi bùng mạnh mẽ tinh thần và lòng yêu nước của phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn và đô thị miền Nam trong những năm 1966-1970 và kéo dài trong nhiều năm sau đó.
Đặc biệt, tối ngày 26-1-1968, tức ngày 25 Tết - cách 5 ngày là tới giờ G của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 - Đêm nhạc Quang Trung được tổ chức tại Đại học quốc gia hành chính, như một cuộc tổng diễn tập của lực lượng thanh niên học sinh-sinh viên trong lòng miền Nam, sẵn sàng nổi dậy hòa cùng quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những bài hát mang đậm tinh thần yêu nước, khát khao non sông thống nhất, dường như đã nói hộ "tiếng lòng" của hàng nghìn, hàng vạn bạn trẻ: “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương... Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm/ Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền” ("Tự nguyện" của Trương Quốc Khánh) hoặc “Rồi hòa bình sẽ đến đến cho dân tộc Việt/ Đôi chim bồ câu trắng hẹn nhau về làng xưa… Ôi tay súng tay cày vì yêu quê hương” ("Tin tưởng ca" của Nguyễn Tuấn Kiệt).
Sau đó, tại đêm văn nghệ tối ngày 27-12-1969 tại trường Đại học Nông-Lâm-Súc đã đẩy cao phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trở thành dũng khí cách mạng đầy cuốn hút, không chỉ với học sinh-sinh viên mà còn cho nhiều thế hệ khác. Những bài ca, tiếng hát vút cao lúc đó đã cuốn hút người nghe, đem đến những thông điệp cho chính người dân Sài Gòn và bạn bè quốc tế hiểu hơn về cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của người Việt Nam: “Ôi Tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi/ Trong tiếng hờn trong máu lửa ngập trời… Tổ quốc ơi ta đã nghe lời sông núi…” ("Tổ quốc ơi! ta đã nghe" - La Hữu Vang); hay “Em sẽ là chim tung đôi cánh trắng/ Bay khắp trên bao cánh đồng xanh từ Cà Mau ra ngoài Việt Bắc... Đã mười mấy năm em bay chưa mỏi cánh/ Đất nước ta vẫn nghèo, đồng bào ta đang sống lầm than… Em ngậm truyền đơn rải trên khắp phố phường..." ("Chim hòa bình"của Trần Xuân Tiến).
Sự lớn mạnh của phong trào, với những bài hát mới trực diện và “máu lửa”, đã khiến những buổi “Hát cho đồng bào tôi nghe” trở thành những buổi biểu diễn nhanh gọn, thần tốc, chớp thời cơ khi cảnh sát chưa ập tới. Thậm chí có nhiều buổi diễn, ca sĩ, nghệ sĩ chưa tới mà lính ngụy đã ôm súng ngồi đợi sẵn. Mặc mọi hiểm nguy, tiếng hát vẫn cất lên trước những họng súng, vẫn bay cao trong khói lửa của lựu đạn cay, súng cao su, gậy cảnh sát… Máu đã đổ. Nhiều người đã ngã xuống và nhiều người bị bắt, bị tù đày. Nhưng vẫn không làm họ run sợ: “Từ ruộng đồng hoang vu hôm nay ta cùng hát với nhau lời này… Đất cho ta sống/ quê hương ta bồng/ đất cho ta chết/ quê hương ta về/…Rồi ngày mai đất ta vươn thơm mùi lúa mới/ rồi ngày mai đất ta hoa lên hồng môi cười”… (“Hát từ đồng hoang” của nhạc sĩ Miên Đức Thắng).
Không chỉ thúc giục thanh niên trí thức các đô thị miền Nam hòa mình vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, “Hát cho đồng bào tôi nghe” còn lay động cả chiến khu kháng chiến, thắp lửa tinh thần cho những người đang “nằm gai nếm mật”. Tiếng hát trong phong trào còn vang tận tới các kiều bào ở nước ngoài, khơi dậy lòng yêu nước của những người con đất Việt và lôi cuốn cả thanh niên trí thức tiến bộ ở các nước như Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Bỉ… và ngay cả nước Mỹ, góp phần thổi bùng ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đánh giá về phong trào, đồng chí Nguyễn Trọng Xuất (Sáu Nhân), nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định lúc đó, khẳng định: “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã có tác dụng lớn trong việc truyền bá sâu rộng tinh thần yêu nước, đấu tranh vì hoà bình-tự do, thống nhất Tổ quốc ở các đô thị và kéo dài cho đến ngày Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Hàng trăm bài hát, bài thơ, múa, kịch trong “Những đêm không ngủ”, “Đêm đốt lửa căm thù”, “Những ngày tuyệt thực”, “Hát cho dân tôi nghe”... đã lay động trái tim và tinh thần dân tộc của nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi khác nhau ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam, vùng lên đấu tranh “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, Bắc-Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Có thể nói, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là biểu hiện rực rỡ của tinh thần yêu nước, chí khí bất khuất của con người Việt Nam luôn sẵn sàng sức trẻ vùng lên, đi tới đỉnh cao chói lọi Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
* "Tiếng hát át tiếng bom"
Trong lúc người dân miền Nam thành đồng kiên cường đấu tranh cho ngày thống nhất, quân và dân miền Bắc lại nô nức lên đường vì miền Nam ruột thịt. Văn nghệ lúc này trở thành một “mặt trận” với những văn nghệ sĩ luôn là chiến sĩ xung kích trên trận địa ấy. Hàng loạt bài hát hừng hực khí thế chiến đấu, kêu gọi hoà bình, thúc giục đấu tranh giành tự do, công lý, của các tác giả Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Chung, Ngô Sĩ Hiển, Hoàng Vân, Phạm Tuyên… ra đời đã mở đầu cho thời kỳ âm nhạc kháng chiến.
Những bài hát, như: “Thanh niên ba sẵn sàng” (Lưu Hữu Phước), “Giặc đến nhà ta đánh”, “Trai anh hùng gái đảm đang” (nhạc sĩ Đỗ Nhuận), “Đánh đích đáng” (Ngô Sĩ Hiền), “Từng bước đi vững chắc” (Văn Chung), “Phải giết là lũ giặc Mỹ” (Trọng Loan)... đã trở thành bản hoà tấu vĩ đại, tạo nên dàn âm thanh hào sảng, có sức cổ vũ, động viên to lớn lao tới tất cả mọi người. Lớn, bé, già, trẻ, mọi ngành, mọi giới đều bị cuốn theo không khí sôi động, khẩn trương thời bấy giờ. Lúc này, âm nhạc chỉ hướng tới một tình cảm duy nhất là tình yêu quê hương đất nước, căm thù giặc và quyết chiến quyết thắng. Đó là “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Hoàng Hiệp-Đằng Giao, là “Tình ca” của Hoàng Hiệp, là “Bài ca hy vọng” của Văn Ký...
Vui tươi, yêu đời, dạt dào niềm lạc quan cách mạng, trong bom đạn, những lời ca tiếng hát vẫn cất cao. Từ đây, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lan tỏa nhanh chóng, được tuổi trẻ cả nước, từ hậu phương ra tiền tuyến hưởng ứng. Đó là những cô gái thanh niên xung phong tươi trẻ, đáng yêu trong “Cô gái mở đường” của Xuân Giao, với “Tiếng hát vang động cây rừng”, “chưa thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát”; hay “Ơi cô gái Trường Sơn/ bao đêm em đi mở đường/ cho từng chuyến xe anh qua/ vang giọng hát em ngân xa”. Đó là những cô giao liên luôn tự hào, kiêu hãnh và ý thức sâu sắc được công việc của mình: “Đời giao liên bước tôi đi dài theo đất nước/ Đường tôi đi núi chênh vênh có mây bay dưới chân dăng hàng/ Đời tôi như những con thoi dệt tình yêu quê hương đất nước/ Đời tôi như cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn…” (“Đường tôi đi dài theo đất nước” của Vũ Trọng Hối).
Họ hồn nhiên, ung dung tự tại, bước vào cuộc kháng chiến, bình thản, giản dị như làm bất cứ công việc gì của đời thường. Họ yêu đời, lạc quan từ trong bản chất. Họ cống hiến, hy sinh mà không cần tôn vinh mà chỉ “những con đường mới biết mà thôi”. Hay nói như nhà thơ Thanh Hải, họ luôn nguyện làm “một con chim hót, một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến” để “tan biến trong hoà ca”.
Không khí sôi sục “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của những bài ca hào hùng, như “Anh vẫn hành quân” (Huy Du), “Đường Trường Sơn xe anh qua” (Văn Dung)... đã cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước ra trận, có mặt trong các chiến hào, trong ngục tù quân giặc, trong các cuộc xuống đường của tuổi trẻ đô thị miền Nam. Những bản hùng ca đầy lãng mạn trên cung đường Trường Sơn huyền thoại mà mỗi tấc đất đều thấm mồ hôi và máu của họ đã “như tình quê hương nâng bước ta đi/ Đường in trong tim anh/ Đường in dấu chân em/ Đường Trường Sơn yêu biết mấy/ Khi tình em cháy trong lòng anh” (“Đường Trường Sơn xe anh qua” của Văn Dung). Có thể nói, chiến trường càng ác liệt, sự thăng hoa trong tinh thần càng lên cao và mặt trận đã trở thành nơi nuôi dưỡng những tưởng tượng được bay bổng. Chưa bao giờ, sự lãng mạn lại được cất cánh từ nơi mà sự sống và cái chết không còn một ranh giới nào mong manh hơn thế.
Theo một số nhà nghiên cứu, những ca khúc trữ tình cách mạng này đã đi sâu vào những ngóc ngách tâm hồn con người với nhiều trạng thái phong phú, tinh tế. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt mà ở giai đoạn hòa bình sau này khó tìm thấy lại. Và cũng do đó mà nhiều người đã nhận định: Bài hát thời chống Mỹ rất hay, về sau này không thể còn có thể tìm thấy vẻ đẹp của những cô gái mở đường mà “Em đi lên rừng, cây xanh mở lối/ Em đi qua núi, núi phải cúi đầu/ Em đi bắc những nhịp cầu/ Nối những con đường tổ quốc yêu thương/ Cho xe thẳng tới chiến trường…”.
Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ngày ấy không chỉ dấy lên mạnh mẽ ở vùng hoả tuyến, trên những cung đường Trường Sơn, bên những hố bom ven đường mà còn âm vang rộn rã ở hậu phương, trên những cánh đồng 5 tấn, trong những nhà máy, hầm lò, xí nghiệp. Tuổi trẻ nông thôn hát: “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ/ Một đóa hoa thơm mang tất cả sức trẻ già/ Đất với người cùng một dòng suy nghĩ/ Ấy phải làm gì với tiền tuyến hôm nay/ Ấy phải làm gì nắm phần thắng trong tay” ("Bài ca năm tấn" của Nguyễn Văn Tý). Tuổi trẻ hầm mỏ lại hát: “Nhìn gương than lấp lánh như muôn vì sao sáng/ Ta đứng đây như đứng trước vũ trụ bao la, trong cuộc chiến đấu trường kỳ, ta là người chiến thắng, nhưng gian khổ nào bằng đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh dũng…” ("Bài ca người thợ mỏ" của Hoàng Vân). Khắp nơi nơi, tiếng hát đã át hẳn tiếng bom, “Nhịp sống mới rộn rã nơi nơi náo nức lòng người/ Sóng thi đua vang khắp nơi nơi, dậy khắp đất trời/ Đất nước đang vui mùa chiến thắng/ Khắp nơi đang tràn ngập chiến công/ Tiền tuyến reo vui cùng hậu phương”.
Những năm tháng chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Tiếng loa hòa tiếng súng”, về những con người dũng cảm, can trường, lặng lẽ thổi bùng “ngọn lửa” sức mạnh cho đồng bào, đồng chí, vẫn luôn vẹn nguyên giá trị. Nhiều người trong số các nghệ sĩ-chiến sĩ đó đã để lại xương máu, tuổi xuân, ước mơ của một “thời hoa đỏ” trên những dặm dài Tổ quốc, để “tên anh đã thành tên đất nước/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”./.
Hoàng Yến (tổng hợp)
- Từ khóa:
- Giải phóng miền Nam