Những câu hỏi xung quanh vụ tàu lặn Titan mất tích
Hà Nội (TTXVN 23/6/2023)
Tàu lặn mang tên Titan chở 5 người yêu thích thám hiểm đã mất hoàn toàn liên lạc, chỉ sau chưa đầy 2 giờ đồng hồ trên hành trình lặn xuống đáy Đại Tây Dương để tham quan xác tàu Titanic kể từ hôm 18/6/2023. Cho đến ngày 22/6/2023, con tàu xấu số vẫn chưa được tìm thấy.
* Tàu Titan được thiết kế ra sao?
Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương, bao gồm tham quan xác tàu Titanic. Ocean Gate có trụ sở tại Washington (Mỹ), được thành lập vào năm 2009 nhằm giúp các nhà khoa học và khách du lịch dễ tiếp cận hơn với hoạt động khám phá đại dương sâu thẳm. Từ khi ra đời đến nay, công ty này đã tiến hành hơn 200 lần lặn. Ocean Gate vận hành ba tàu lặn kể từ khi thành lập, hai tàu đầu tiên là Antipodes và Cyclops 1 - có thể lần lượt đạt tới độ sâu khoảng 300 và 500 mét dưới đáy đại dương.
Tàu lặn thứ ba - con tàu duy nhất của Ocean Gate có thể tiếp cận xác tàu Titanic - là Titan, làm bằng sợi carbon và titan, có thể lặn ở độ sâu tối đa 4.000 m và đủ dưỡng khí trong 96 giờ cho 5 người. Các bảng thông số kỹ thuật cho thấy Titan được làm chủ yếu bằng sợi carbon nhẹ, được kéo thành một ống cứng làm thành thân tàu. Tàu rộng 2,7 mét và dài 2,4 mét, không quá rộng rãi để phục vụ khách thám hiểm. 5 hành khách phải ngồi trên sàn phụ bên trong, có rất ít không gian di chuyển hoặc đứng. Trong tàu có một nhà vệ sinh, ngoài ra không có cửa sổ nào khác ngoài cửa sổ mà qua đó hành khách có thể quan sát xác tàu Titanic. Titan được trang bị các vật tư y tế cơ bản và người điều khiển cũng được huấn luyện sơ cứu cơ bản.
Nhiều thông tin cho biết tàu Titan được trang bị bộ điều khiển bằng tay cầm chơi game và được gắn nhiều phụ kiện không đồng bộ cho thấy con tàu này có vấn đề về tiêu chuẩn an toàn, nhưng vẫn được khai thác cho mục đích du lịch.
Con tàu Titan xấu số chở 5 người đã mất hoàn toàn liên lạc sau gần 2 giờ đồng hồ lặn xuống đáy đại dương trong hành trình tham quan xác tàu Titanic hôm 18/6/2023.
* Hành khách trên tàu tầm cỡ thế nào?
5 người có mặt trên con tàu bị mất tích có thân thế không hề tầm thường chút nào. Đầu tiên là Stockton Rush - chính là Giám đốc điều hành của OceanGate. Trong hai thập kỷ qua, Rush đã tham gia một số dự án công nghệ liên quan đến đại dương và sản xuất hệ thống sonar tần số cao.
Hành khách tiếp theo là tỷ phú Hamish Harding - 58 tuổi, ông trùm hàng không người Anh từng nắm giữ ba kỷ lục Guinness về những cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Harding là nhà sáng lập Action Aviation - công ty mua bán máy bay có văn phòng tại Dubai và sân bay Stansted (London). Bên cạnh đó, ông còn làm việc tại thành phố Bengaluru (Ấn Độ) trong 5 năm với tư cách là Giám đốc điều hành của một công ty hậu cần. Năm 2022, Harding là một trong những hành khách có mặt trên chuyến bay vũ trụ thứ 5 chở người của Blue Origin, công ty vũ trụ của tỷ phú Jeff Bezos.
Nhà điều hành tàu ngầm người Pháp Paul-Henri Nargeolet là một trong những thủy thủ đoàn trên chuyến tàu bị mất tích. Hiện ở tuổi 77 tuổi, ông đã có đến 25 năm hoạt động trong hải quân Pháp và được coi là chuyên gia trên chiếc tàu Titan. Nargeolet đã thực hiện hơn 30 lần lặn để khám phá Titanic và đã giám sát việc thu hồi 5.500 vật thể trên chiếc tàu nổi tiếng này.
Doanh nhân nổi tiếng người Pakistan Shahzada Dawood - 48 tuổi, Phó Chủ tịch tập đoàn Engro và con trai ông - Suleman, 19 tuổi là hai hành khách cuối cùng tham gia chuyến thám hiểm xác tàu Titanic. Trong những năm gần đây, tập đoàn Engro đã có nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, hóa dầu và viễn thông. Vào cuối năm 2022, công ty này công bố đạt doanh thu khoảng 1,2 tỉ USD. Theo Engro, Shahzada là người được ủy thác trong hội đồng quản trị của The Dawood Foundation - một tổ chức từ thiện giáo dục nổi tiếng được thành lập vào năm 1960.
Năm 1912, con tàu nổi tiếng Titanic đã va phải tảng băng trôi và chìm trong chuyến hành trình đầu tiên từ Anh đến New York (Mỹ) vào năm 1912 với 2.224 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu. Hơn 1.500 người đã thiệt mạng trong thảm kịch này. Xác tàu nằm ở độ sâu khoảng 3.800 m dưới đáy Đại Tây Dương, ở khu vực ngoài khơi Newfoundland, Canada. Kể từ khi xác tàu Titanic được tìm thấy vào năm 1985, nhiều du khách và những thợ lặn chuyên nghiệp đã tham quan xác tàu với chi phí đắt đỏ. Để được tận mắt ngắm xác tàu Titanic, một du khách phải chi 250.000 USD cho Ocean Gate - theo mức giá công bố năm 2022.
* Nỗ lực cứu hộ ra sao?
Các đội cứu hộ đa quốc gia vẫn đang chạy đua với thời gian để tham gia nỗ lực tìm kiếm tàu Titan. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ và Lực lượng tuần duyên Canada đã huy động máy bay và tàu hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm. Trong khi đó, Lầu Năm Góc điều thêm máy bay vận tải đa năng C130 và C-17, còn Viện Hải dương học của Pháp gửi robot thám hiểm biển sâu và nhóm chuyên gia đến khu vực tìm kiếm.
Tuy nhiên, việc rà soát khu vực rộng khoảng 20.000 km2 ở Đại Tây Dương ở độ sâu khoảng 3,2 km dưới mặt biển không hề dễ dàng. Ngoài ra, do điều kiện thời tiết, giới chuyên gia nói rằng lực lượng cứu hộ đang vấp phải không ít khó khăn trong việc tìm thấy con tàu lặn cũng như cứu sống toàn bộ 5 người.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, việc tìm kiếm tàu lặn Titan mất tích trong khi thám hiểm xác tàu Titanic là nhiệm vụ đầy thách thức, trong bối cảnh lực lượng tìm kiếm đối mặt sức ép ngày càng lớn về thời gian. Nếu tàu lặn đã bị chìm xuống đáy đại dương, việc cứu nạn sẽ gần như bất khả thi, bởi dưới đó tối đen như mực và lạnh cóng, đáy biển lại đầy bùn và địa hình nhấp nhô.
Việc kéo tàu lặn lên từ đáy biển cũng là nhiệm vụ hóc búa khi thời gian đang cạn dần. Hiện chỉ có một số ít tàu lặn có thể xuống tới độ sâu của xác tàu Titanic. Ngay cả khi những tàu này có thể tìm và tiếp cận Titan cũng không có khả năng kéo con tàu mất tích lên mặt nước.Vì vậy, nếu tàu Titan đã chìm xuống đáy đại dương, việc tìm kiếm sẽ đúng với nghĩa đen là “mò kim đáy biển”.
Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản Titan đang nhấp nhô trên bề mặt đại dương thì việc tìm thấy nó cũng là thách thức không kém. Titan ở ngoài khơi xa nên việc di chuyển tàu cứu hộ và thiết bị đến khu vực rộng lớn đang được khoanh vùng cần có thời gian. Trong bối cảnh dưỡng khí cạn kiệt, cuộc tìm kiếm rõ ràng là chạy đua với thời gian và có rất ít hy vọng.
* Giới chuyên gia nói gì?
Giới chuyên môn đã đưa ra nhiều giả thuyết về số phận của con tàu Titan, trong đó có 5 khả năng đáng lo ngại nhất. Thứ nhất là tàu đã phát nổ: Đây là trường hợp xấu nhất và không ai trong số các nạn nhân có thể sống sót. Vụ nổ có thể xảy ra do khoang cân băng áp suất của con tàu bị hỏng. Thứ hai là tàu bị cháy: Mặc dù con tàu lặn ở dưới nước nhưng một đám cháy có thể đã bùng phát bên trong con tàu, làm hỏng hệ thống điện tử được sử dụng để điều hướng và kiểm soát con tàu. Thứ ba là tàu trôi nổi trên mặt biển: Không loại trừ khả năng Titan bị trôi nổi đâu đó trên Đại Tây Dương và vẫn chưa được phát hiện. Đây có thể là tình huống khả quan nhất nhưng các hành khách vẫn có nguy cơ cạn kiệt oxy. Con tàu được đóng kín và hành khách không thể mở cửa từ bên trong để thoát ra ngoài. Thứ tư là mất tích dưới đáy đại dương: Đây là “kịch bản đáng lo ngại hơn nhiều” khi “sự cố kỹ thuật hoặc sự cố máy móc nghiêm trọng” như mất điện có thể xảy ra bên trong tàu lặn, dẫn đến mọi liên lạc bị cắt đứt. Các hành khách có thể “bất tỉnh” do nồng độ oxy trong tàu ngầm thấp và chỉ có thể cung cấp oxy trong chưa đến 24 giờ. Khả năng cuối cùng là Titan mắc kẹt ở vị trí nào đó trong đống đổ nát của tàu Titanic: Kịch bản này rất khó xảy ra nhưng không thể loại trừ.
Trong khi đó, theo Giáo sư chuyên ngành về kỹ thuật hàng hải Alistair Greig (Đại học College London), có hai khả năng xảy ra dựa trên những hình ảnh về tàu lặn Titan được báo chí đăng tải. Thứ nhất, nếu tàu gặp sự cố về điện hoặc thông tin liên lạc, thì con tàu này vẫn có thể nổi lên mặt nước và vẫn trôi nổi trên mặt đại dương để “chờ được tìm thấy”, lưu ý rằng con tàu chỉ có thể được mở khóa từ bên ngoài. Thứ hai, nếu áp lực đối với thân tàu bị hư hại, có thể gây ra rò rỉ thì đây là điều không tốt chút nào.