Những cống hiến của đồng chí Trường Chinh cho công cuộc đổi mới
Hà Nội (TTXVN 9/2/2017) Không chỉ là nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà văn hóa lớn của cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh còn là người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới đất nước. Nhìn lại thành tựu sau 30 năm đổi mới, mới thấy giá trị lịch sử của Đại hội VI và thấy được những cống hiến của đồng chí Trường Chinh to lớn nhường nào.
Đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản thời kỳ 1941-1956 và từ tháng 14/7 đến tháng 12/1986. Ông được đánh giá là một nhà lãnh đạo nghiêm cẩn, rất coi trọng lý luận và hết sức nguyên tắc, đặc biệt, ông được tôn là "Tổng Bí thư của đổi mới".
Ngay từ năm 1979, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trường Chinh đã sớm nhận ra rằng Đảng cần phải có những đổi mới quan trọng về chính sách kinh tế. Đồng chí cũng là người đã có những đóng góp quan trọng, tích cực vào việc hình thành chủ chương đổi mới đầu tiên về chính sách kinh tế của Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 khóa IV (tháng 8/1979).
Đầu những năm 1980 là thời điểm đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề. Nền kinh tế vận hành thiếu năng động, kém hiệu quả. Nhiều nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân về ăn, mặc, ở không được giải quyết đầy đủ. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút. Trong bối cảnh đó, đồng chí Trường Chinh trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (từ năm 1981) đã trăn trở, suy nghĩ tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình thế khó khăn, tìm ra cái mới đúng đắn để thay thế cái cũ trên cơ sở lý luận, thực tiễn, dựa vào sự sáng tạo của nhân dân và nhất là phải thuận lòng dân.
Với tư tưởng “đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”, tháng 11/1982, đồng chí Trường Chinh đã quyết định 2 việc đặt nền móng cơ bản cho sự hình thành tư duy đổi mới sau này. Một là, thành lập nhóm các nhà khoa học để nghiên cứu lý luận, gồm cả việc phân tích khách quan cuộc khủng hoảng kéo dài và suy nghĩ, xem xét phải bắt đầu từ đâu, làm thế nào để “thoát ra”. Hai là, tổ chức đi thực tế ở các địa phương trên cả ba miền đất nước, tìm ra những bài học thành công và thất bại của cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo trong nhân dân cả nước, để trên cơ sở đó đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng Bí thư Trường Chinh đã đi khảo sát, thực tế gần 20 tỉnh, thành phố từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc. Với tác phong sâu sát, cầu thị, tôn trọng thực tiễn, ông đã thực sự làm một cuộc cách mạng từ trong tư duy của chính mình. Đây chính là căn cứ thực tế sinh động, có sức thuyết phục, khắc họa tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh, thể hiện qua các bài phát biểu của ông tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9... gây tiếng vang trong cả nước, người dân chuyền tay nhau đọc. Những tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, suy tư của cán bộ, đảng viên, của quần chúng nhân dân trong bao lâu nay không nói ra được thì lúc này, nhờ những quan điểm đổi mới, những phân tích sâu sắc của đồng chí Trường Chinh đã nói thay cho họ.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6/1985), với tư cách là người chủ trì Hội nghị, đồng chí Trường Chinh đã xác lập quyết tâm của Đảng ta từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, lãnh đạo kinh tế chủ yếu bằng biện pháp hành chính, chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo kinh tế thông qua vận dụng đúng đắn quy luật khách quan.
Tháng 7/1986, sau khi đồng chí Lê Duẩn mất, đồng chí trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Đảng, chỉ cách thời điểm diễn ra Đại hội VI khoảng 5 tháng, công tác chuẩn bị hội nghị đã vào giai đoạn gấp rút. Với tinh thần trách nhiệm cao với Đảng và nhân dân, trong thời gian ngắn ấy, đồng chí Trường Chinh đã cùng Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, vừa hoàn thành công tác chuẩn bị Đại hội, vừa xử lý những công việc cấp bách trước mắt.
Tháng 12/1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam thành công đã chính thức khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện ở nước ta, khởi đầu cho hành trình Đổi mới. Báo cáo chính trị do đồng chí Trường Chinh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày trước Đại hội VI đã được toàn Đảng, toàn dân hân hoan đón nhận, tìm thấy ở đó con đường sáng giải phóng sức sản xuất, khai thác và phát huy mọi tiềm năng to lớn của nhân dân, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội và phát triển đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đường lối đổi mới của Đảng đã được bổ sung, phát triển trong các Đại hội tiếp sau đó.
Có thể nói, đồng chí Trường Chinh đã có vai trò quyết định trong việc hình thành đồng bộ đổi mới kinh tế và xác lập đường lối đổi mới toàn diện của Đảng. Đồng chí cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện những quyết định của Đảng rất nghiêm túc, khẩn trương và đem lại kết quả tích cực, mở ra trang mới trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tốc độ và quy mô nền kinh tế tăng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại; môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển; kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số (giai đoạn 2011-2015 tăng đến 18%/năm); hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước… Cùng với đó, các vấn đề về phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội... cũng được quan tâm; công tác giảm nghèo đạt được những thành tựu ấn tượng; công tác y tế, giáo dục đạt được nhiều thành tựu; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng…
Thành tựu của 30 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội VI của Đảng đề ra, mà đồng chí Trường Chinh là một trong những người khởi xướng. Những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mãi được trân trọng và những bài học quý đồng chí để lại cho chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là vào thời điểm toàn Đảng ta đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là chỉnh đốn, xây dựng Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới./.
Minh Duyên (tổng hợp)
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Kho lưu trữ Trung ương Đảng về đồng chí Trường Chinh, TTXVN]