Những điều cần biết về hiện tượng El Nino

Hà Nội (TTXVN 25/04/2023) Theo các chuyên gia, các mô hình khí hậu cho thấy sau 3 năm hình thái thời tiết La Nina, nhiệt độ trung bình trên thế giới có thể đạt mức kỷ lục vào năm 2023 hoặc 2024 do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino quay trở lại. Nhiệt độ tăng cao do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang trải qua, bao gồm các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng.

* El Nino là gì?
"El Nino" (theo tiếng Tây Ban Nha nghĩa là "Cậu bé") vốn là tên do ngư dân Peru và Ecuador đặt ra từ nhiều thế kỷ trước để gọi dòng hải lưu nóng chảy từ Xích đạo dọc theo bờ biển Nam Mỹ xuống phía Nam. Dòng hải lưu này thường đạt cường độ mạnh nhất vào dịp lễ Giáng sinh nên được gọi là El Nino.

Ngày nay, El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên khác thường của nước biển ở vành đai Xích đạo rộng lớn dài gần 10.000 km, từ bờ biển Nam Mỹ đến quần đảo Marshall ở khu vực giữa Thái Bình Dương. Thông thường, gió thổi từ hướng Đông sang hướng Tây do chuyển động tự quay của Trái đất. Do đó, dòng hải lưu nóng chảy theo hướng gió.

Bầu trời thành phố Ichikawa, quận Chiba, phía Đông Tokyo, Nhật Bản ngày 13/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của hiện tượng El Nino chưa hoàn toàn được làm sáng tỏ. Song số đông các nhà khoa học cho rằng chủ yếu đây là hệ quả của sự dao động trong chế độ gió ở vùng nhiệt  đới và xích đạo.

Ở ngoài khơi Thái Bình Dương thuộc bờ biển Nam Mỹ, trong thời kỳ những năm có gió thổi mạnh từ vùng vĩ độ cao về vùng Xích đạo làm cho dòng nước lạnh từ vùng vĩ độ cao chảy mạnh hơn về Xích đạo; đồng thời gió mạnh cũng làm tăng sự xáo trộn giữa nước ấm trên mặt và nước lạnh dưới sâu. Kết quả làm nước biển dưới vùng Xích đạo trở nên lạnh hơn so với trung bình nhiều năm. Đó là những năm xảy ra La Nina.

Còn trong những năm El Nino, hiện tượng xảy ra ngược lại, ở vùng này, gió từ vùng vĩ độ cao thổi về Xích đạo yếu, nước lạnh từ vùng vĩ độ cao chảy xuống Xích đạo giảm đi rất nhiều, vì vậy nhiệt độ nước biển tầng mặt tăng lên.

Hiện tượng El Nino thường tái diễn với chu kỳ không rõ ràng. Theo công bố của các nhà khoa học Mỹ thì El Nino đã từng xuất hiện cách đây ít nhất 15.000 năm, nhưng với chu kỳ không đều từ 15 đến 70 năm; Từ cách đây 7.000 năm, chu kỳ này ngắn lại dần và hiện tượng El Nino xảy ra thường xuyên hơn; Từ cách đây 5.000 năm, chu kỳ rút lại còn từ 2 đến 8 năm. Trong thời gian gần đây,  El Nino xuất hiện  trung bình 3-5 năm một lần và thời gian tàn phá khoảng 12 tháng. Kể từ đầu thế kỷ XX đến nay, người ta đã ghi được khoảng 25 lần xuất hiện El Nino, trong đó vào những năm cuối của thế kỷ XX xu hướng xuất hiện El Nino dày hơn và mạnh hơn.

Khi xuất hiện, El Nino gây ra những thiên tai nặng nề như mưa lớn, bão, lũ ở vùng này, hạn hán, cháy rừng ở vùng khác, làm thiệt hại lớn về người, thảm hoạ về kinh tế-xã hội và đặc biệt là những thiệt hại không thể khắc phục về môi trường. Trong khoảng 100 năm trở lại đây, những lần El Nino xuất hiện gây thiệt hại lớn là vào các năm 1877-1878, 1888, 1997-1998… Trong đó, El Nino 1997-1998 gây những thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay trên khắp thế giới, làm 24.000 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến đời sống của 110 triệu người khác và gây tổn thất đến 34 tỉ USD.

Vào các năm El Nino, bão, mưa lớn, lũ lụt, đất lở xảy ra nhiều hơn ở các đảo, quần đảo ở mạn Đông Thái Bình Dương, Seychelles, miền Nam nước Mỹ, Bắc Peru, Nam Brazil, Tây và Trung Âu. Trong khi khô hạn xảy ra gay gắt ở châu Phi, một phần Nam Mỹ, Ấn Độ, Đông Bắc Trung Quốc, các đảo và quần đảo Đông Nam Á, Bắc và Đông Bắc Australia; nóng trái mùa xảy ra ở cực Nam Nam Mỹ, Nam châu Phi, Tây Âu, và nóng gay gắt vào mùa hè ở Mỹ.

Tuy nhiên, không phải El Nino lúc nào cũng gây tai họa cho con người. Cách đây hơn 5000 năm, khi mà hiện tượng này mới được ngư dân Peru phát hiện thì El Nino đồng nghĩa với "tin mừng". Vì nước biển lúc ấy tăng lên đủ ấm để vi sinh vật phát triển. Chúng là thức ăn cho cá biển. Nhờ thế nền đánh bắt cá của các nước ven biển Nam Mỹ phát triển mạnh. Nếu năm nào mà hiện tượng El Nino không làm cho nhiệt độ nước biển tăng lên quá cao thì năm đó sẽ có mùa cá bội thu.

* El Nino khiến thế giới có thể đối mặt nhiệt độ tăng cao kỷ lục trong năm 2023
Ngày 20/4/2023, các nhà khoa học thuôc Cơ quan theo dõi Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một báo cáo đánh giá các hiện tượng khí hậu cực đoan mà thế giới đã trải qua vào năm 2022, năm nóng thứ 5 được ghi nhận. Theo đó, các nhà khoa học cho rằng, các mô hình khí hậu đều cho thấy sau 3 năm hiện tượng thời tiết La Nina ở Thái Bình Dương, làm nhiệt độ toàn cầu giảm nhẹ, thế giới sẽ chứng kiến "sự tái xuất" của hiện tượng El Nino vào cuối năm nay. Khi El Nino xuất hiện, gió thổi về phía Tây dọc theo đường Xích đạo chậm lại, khiến dòng nước ấm bị đẩy về phía Đông Thái Bình Dương, làm tăng nhiệt độ bề mặt đại dương. Theo ông Carlo Buontempo, Giám đốc Copernicus, El Nino thường khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao kỷ lục. Hiện chưa thể dự đoán chính xác điều này sẽ xảy ra vào năm 2023 hay 2024. Các mô hình khí hậu cho thấy El Nino quay trở lại vào cuối mùa Hè ở Bắc bán cầu và hiện tượng này có thể hoạt động mạnh vào cuối năm.

Cũng theo báo cáo, gần đây nhất, năm 2016 là năm thế giới ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước tới nay, trùng với thời điểm El Nino hoạt động mạnh, cho dù biến đổi khí hậu đã làm tăng nhiệt độ ngay cả trong những năm hiện tượng này không xuất hiện. 8 năm qua cũng là những năm thế giới hứng chịu nắng nóng kỷ lục, cho thấy xu hướng Trái Đất ấm lên trong dài hạn do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cụ thể, châu Âu đã trải qua mùa hè nóng kỷ lục vào năm 2022, trong khi mưa cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt thảm khốc ở Pakistan và vào tháng 2, mực nước biển ở Nam Cực xuống mức thấp kỷ lục. Copernicus cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu của thế giới hiện cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mặc dù hầu hết các nhà phát thải lớn trên thế giới cam kết cuối cùng sẽ cắt giảm lượng khí thải ròng của họ xuống 0, lượng khí thải CO2 toàn cầu năm ngoái vẫn tiếp tục tăng.

Trong khi đó, năm 2023 cũng đang chứng kiến “tháng 4 nóng nhất lịch sử” mà các nước châu Á đang phải trải qua, với nhiệt độ phá kỷ lục khắp châu lục, từ Đông Nam Á đến Nam Á. Đợt nắng nóng đầu tháng 4 này được các chuyên gia đánh giá là “sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á”.

Theo truyền hình CNN, nền nhiệt trung bình ở nhiều nước châu Á liên tục lập kỷ lục mới khi đợt nắng nóng đầu tiên vào đầu tháng 4 chỉ mới bắt đầu. Nắng nóng gay gắt gần như bao trùm toàn bộ châu Á và không có dấu hiệu thuyên giảm.

Tờ Strait Times (Singapore) đưa tin các nhà khí tượng học đã ghi nhận mức nhiệt lên tới 45 độ C ở Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và 42 đến 43 độ C ở Bangladesh, Lào, Nepal và Trung Quốc. Đây là nhiệt độ mà hầu hết các quốc gia này chưa từng trải qua vào tháng 4 trong nhiều thập niên.
Nhiều nhà khí hậu học và nhà khoa học đánh giá đây mới chỉ là khởi đầu của một đợt khô hạn kéo dài có nguy cơ trầm trọng hơn do hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tấn công vào cuối năm 2023. Họ cảnh báo châu Á sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho những ngày thậm chí còn nóng hơn ở phía trước.

Theo các chuyên gia, nắng nóng không phải là điều lạ trong mùa hè nhưng biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đang khiến nó trở nên thất thường, nguy hiểm và đáng sợ hơn. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự quay trở lại của El Nino, các chuyên gia lo ngại không chỉ tháng 4 này mà các tháng mùa hè tiếp theo của năm 2023 hoặc cũng có thể là 2024, thế giới có thể sẽ tiếp tục có những kỷ lục mới về nắng nóng.

Theo Giảng viên cao cấp tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) Friederike Otto cho biết, nhiệt độ tăng cao, do El Nino gây ra, có thể làm trầm trọng thêm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang phải hứng chịu, trong đó có các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng. Bà Otto dự đoán nếu El Nino phát triển và con người vẫn tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016.