Những đổi thay trên chiến trường xưa
Hà Nội (TTXVN 06/05/2019) Thấm thoát đã 65 năm, kể từ thời khắc lịch sử lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm De Castries. Từ trong chiến thắng oai hùng và những hy sinh cao cả đó, có một Điện Biên đang từng bước phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, tạo ra “những chiến thắng Điện Biên Phủ” trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
* Từng bước đưa kinh tế khởi sắc
Với địa thế cực Tây xa xôi của Tổ quốc, địa bàn biên giới phức tạp, bị chiến tranh tàn phá, địa hình không thuận lợi, song Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng định hướng, sát với tình hình thực tế, góp phần đưa kinh tế từng bước khởi sắc và đạt được những kết quả khả quan. Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng song song với việc tập trung đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp cùng với các hoạt động kinh doanh thương mại-dịch vụ-du lịch phong phú đáp ứng được yêu cầu của thị trường và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Cùng với đó, các loại hình dịch vụ vận tải đường bộ, đường hàng không được đầu tư cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Điện Biên là tỉnh duy nhất ở khu vực miền núi phía Bắc có sân bay được quy hoạch là sân bay quốc tế.
Đặc biệt, trong những năm qua, kinh tế Điện Biên tăng trưởng ở mức khá cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, chú trọng phát triển thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh tăng vụ… Nhờ có công trình Đại thủy nông Nậm Rốm mà diện tích canh tác trên cánh đồng Mường Thanh được mở rộng từ 2.000 ha lên 5.000 ha, nông dân Điện Biên tăng từ sản xuất một vụ thành hai vụ lúa nước và một vụ rau màu, có những diện tích đạt năng suất 10 tấn/ha.
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP toàn tỉnh tăng 7,15%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 27,3 triệu/năm, tăng 12,14% so với năm 2017; Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.114 tỷ; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 10.237 tỷ đồng, tăng 25,27% so với năm 2017; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước thực hiện là 2,65 tỷ đồng.
Điện Biên cũng tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để tạo động lực, sự đột phá về thu hút đầu tư vào tỉnh. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 đã tăng 5 bậc so với năm 2016, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Cải cách hành chính tăng 18 bậc, xếp thứ 24/63 tỉnh/ thành phố.
* Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cũng quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Biên đoàn kết quyết tâm xây dựng các mặt trận văn hóa-xã hội đạt kết quả tốt. Toàn tỉnh Điện Biên có 517 trường học các cấp. Phương pháp dạy học đổi mới theo hướng tích cực, chuẩn hóa. Công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề được tích cực triển khai. Các hoạt động, chương trình, mục tiêu y tế được duy trì và triển khai có hiệu quả theo kế hoạch, chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Điện Biên từng bước được nâng lên. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.
Trong đó, năm 2018, ngoài duy trì việc làm thường xuyên cho 326.161 lao động, đã giải quyết việc làm mới cho 9.528 lao động. Các chính sách xã hội như trợ cấp, cứu đói, cấp phát bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội tiếp tục thực hiện tốt. Năm 2018, đã chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho gần 15.000 đối tượng. Các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn được triển khai tích cực. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 37,45%, giảm 3,56% so với năm 2017.
Công tác y tế cũng được duy trì, triển khai có hiệu quả, chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tiếp tục được nâng lên. Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được nhu cầu khám và điều trị bệnh của nhân nhân, được Bộ Y tế đánh giá cao.
Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư và cải thiện; đặc biệt là giáo dục vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng.
Cùng với đó, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh cũng có bước phát triển. Những di tích của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa giờ đây đã được bảo tồn, tôn tạo trở thành những điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch. Du lịch đang được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Điện Biên. Trong năm 2018 vừa qua, tổng lượng du khách đến Điện Biên ước đạt hơn 700.000 lượt, với tổng thu trên 1.155 tỷ đồng.
* Tăng cường tiềm lực an ninh-quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh đối ngoại. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng tăng cường tiềm lực quân sự, an ninh, quốc phòng, không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ vững chắc; gắn phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh và đối ngoại quân sự; tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương và công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp trên địa bàn.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Quy chế dân chủ được phát huy; công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” có nhiều chuyển biến tích cực; bộ máy chính quyền được tinh gọn, chú trọng đổi mới hoạt động, đảm bảo hiệu quả; các đoàn thể chính trị-xã hội đã có những đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động, giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện các cuộc vận động, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Điện Biên với những đổi thay sau 65 năm đã tạo ấn tượng cho bất cứ ai, dù là người dân đã định cư lâu năm trên mảnh đất này hay những du khách mới lần đầu đặt chân đến đây. Quá khứ đã lùi dần, song cái tên Điện Biên Phủ sẽ mãi còn được nhắc đến như một trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Và trong tương lai, Điện Biên sẽ tiếp tục những trang sử hào hùng ấy, với sự phấn đấu và nỗ lực vươn lên không ngừng của đồng bào người Kinh, người Thái, người Mông ở đây… trong hành trình xây dựng đời sống mới ấm no.
Năm 1992, sau khi rời tỉnh lỵ từ thị xã Lai Châu về Điện Biên, thị trấn Điện Biên Phủ trở thành thị xã Điện Biên Phủ.
Tháng 9 năm 2003, Chính phủ nâng cấp thị xã Điện Biên Phủ thành thành phố Điện Biên Phủ trực thuộc tỉnh Lai Châu. Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 4, ngày 26-11-2003, từ ngày 1-1-2004, tỉnh Lai Châu tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên.
Tỉnh Điện Biên hiện nay có diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, dân số trên 575.700 người (năm 2018), có 21 dân tộc anh em, đông nhất là người Thái 40,4%, người Mông 28,8%, người Kinh 19,7% và các dân tộc khác; có 10 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm: Thành phố (tỉnh lỵ) Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà.
Trung Duyên (tổng hợp)
- Từ khóa:
- điện biên phủ