Những đổi thay trên mảnh đất Điện Biên anh hùng

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt NamTrần Hồng Hà

Hà Nội (TTXVN 6/5/2024) Tròn 70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, từ một mảnh đất bị tàn phá nặng nề, Điện Biên đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, đời sống văn hóa-xã hội của người dân được nâng lên rõ rệt, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được tăng cường, củng cố. Phát huy truyền thống lịch sử, Chính quyền và nhân dân Điện Biên đang nỗ lực khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ. 

  * Nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội

Tỉnh Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng, có đường biên giới dài với hai quốc gia (Lào và Trung Quốc); là mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử đấu tranh, giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, sau chiến tranh, cũng như nhiều địa phương khác, mảnh đất Điện Biên bị tàn phá nặng nề. Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn để xây dựng quê hương ngày một phát triển.

 - Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao

Tăng trưởng kinh tế là thành tựu nổi bật nhất phải kể đến trong sự phát triển của Điện Biên. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn ở mức cao, bình quân giai đoạn 2001-2005 là 9,3%; giai đoạn 2006-2010 là 11,62%; giai đoạn 2011-2015 là 9,11% và giai đoạn 2016-2020 là 6,8%/năm. Giai đoạn 2021-2023 kinh tế Điện Biên tiếp tục tăng trưởng và phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 9,33%/năm. Riêng năm 2023 tăng trưởng GRDP đạt 7,1%, xếp thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, xếp thứ thứ 27/63 tỉnh thành trong cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 48,6 triệu đồng/năm, tăng 1,46 lần so với năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp, xây dựng bước đầu khai thác được tiềm năng, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Tiềm năng đất đai được quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, như: lúa gạo Điện Biên, Tuần Giáo; chè Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng, cao su Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé... Đặc biệt, với lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây đã cho năng suất lúa và chất lượng gạo cao và ngon hiếm nơi nào có được. Gạo Điện Biên không chỉ cung cấp tại địa bàn mà còn xuất đi các tỉnh, thành phố trong cả nước, từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường.

Cánh đồng Mường Thanh. 

 Trong nhiều năm qua, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cùng với đó, tỉnh còn tập trung rà soát, nghiên cứu và ưu tiên lựa chọn những ngành, lĩnh vực có thế mạnh để mời gọi, thu hút đầu tư. Nhờ đó, Điện Biên ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 195 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ chương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 43.160 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Điện Biên đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký trên 2.870 tỷ đồng.

Trung tâm hành chính thành phố Điện Biên Phủ nằm trên phường Him Lam. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

  Là mảnh đất mang ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, những năm qua, Điện Biên luôn gìn giữ, phát huy và khai thác có hiệu quả giá trị quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần đưa di tích này trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, Điện Biên đã đón 3 triệu lượt khách du lịch (tăng 52% so với giai đoạn 2011-2015), tổng thu từ du lịch đạt 4.800 tỷ đồng (tăng 133% so với giai đoạn 2011-2015). Năm 2023, tỉnh Điện Biên lần đầu tiên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó du khách quốc tế đạt 7.500 lượt.

Di tích đồi A1 thu hút rất đông lượng du khách đến tham quan. Ảnh: Phan Quân - TTXVN

   - Đời sống văn hóa-xã hội của người dân ngày càng được nâng cao

  Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, Điện Biên cũng chú trọng chăm lo đời sống văn hóa-xã hội cho người dân. Đến nay, 100% các xã của tỉnh Điện Biên có đường ô tô đến trung tâm; 100% số xã được phủ sóng điện thoại di động, được sử dụng internet và có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% xã có trạm y tế; trên 90% dân số được sử dụng điện...

Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, ngành học được nâng cao; đặc biệt chú trọng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng cao, biên giới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư; tỷ lệ huy động học sinh tới trường, lên lớp, chuyển cấp, tốt nghiệp hằng năm đạt và vượt kế hoạch. Cùng với đó, văn hóa, thể thao cũng có bước phát triển. Các chương trình bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, gắn với phát triển kinh tế- xã hội được chú trọng; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được kiểm kê, bảo tồn và phát triển...

Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tập trung chỉ đạo, thực hiện. Mạng lưới y tế phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo nâng cao trình độ, nhất là bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học. Nhờ đó, chất lượng các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao.

Công tác giảm nghèo cũng đạt kết quả tích cực. Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của tỉnh luôn duy trì giảm hơn 4,4% mỗi năm. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) của tỉnh là gần 35%, năm 2022 giảm còn hơn 30% và năm 2023 còn khoảng 26%. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, có hiệu quả, đúng đối tượng; thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề được tích cực triển khai, năm 2023 đã giải quyết việc làm mới cho trên 11.300 lao động (tăng 6,3% so với năm 2022).

Bản làng của người dân giữa cánh đồng lúa. 

Về an ninh-quốc phòng, Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh đối ngoại. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng tăng cường tiềm lực quân sự, an ninh, quốc phòng, không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ vững chắc; gắn phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh và đối ngoại quân sự; đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương và công tác giáo dục quốc phòng và an ninh.

  * Phát huy truyền thống lịch sử, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh

Không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử, mà Điện Biên còn có nhiều lợi thế, tiềm năng về kinh tế, du lịch lịch; đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực và các danh thắng, hang động đẹp, như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, động Pê Răng Ky, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng: U Va và Hua Pe,  đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng, hấp dẫn của vùng Tây Bắc, cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải - ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc... Bên cạnh đó, Điện Biên còn là địa phương có đường biên giới dài tiếp giáp 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc với 2 cửa khẩu quốc tế và nhiều lối mở dọc tuyến biên giới, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế.

Những cây hoa Ban ở đèo Pha Đin đang thời điểm nở hoa rực rỡ. 

Để biến tiềm năng thành động lực, biến thách thức thành lợi thế phát triển, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư phát triển nông-lâm nghiệp, du lịch, phát triển hạ tầng giao thông kết nối… để đưa Điện Biên trở thành trung tâm thu hút đầu tư của vùng Tây Bắc.

Mới đây, ngày 17/3/2024, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2030 đạt 10,51%/năm; GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%...

Tỉnh Điện Biên lựa chọn ba khâu đột phá gồm: Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thứ hai, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại với trọng tâm là hệ thống giao thông; xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đi trước tạo đột phá và là động lực phát triển tỉnh. Thứ ba là ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Quy hoạch Điện Biên sẽ tạo thêm động lực lớn cho Điện Biên bước vào giai đoạn phát triển mới.

Bằng những giải pháp đột phá, quyết tâm chính trị cao nhất và sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, chắc chắn, Điện Biên sẽ ngày càng phát triển và gặt hái thêm nhiều thành tựu mới trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển./.

  Minh Duyên