Những đóng góp to lớn của Cụ Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
Hà Nội (TTXVN 16/09/2019) Từ Thượng thư bộ Hình Nam triều nổi tiếng thanh liêm, chính trực, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia chính quyền cách mạng một cách tự nguyện và một lòng đi theo cách mạng. Không chỉ là nhà chí sĩ yêu nước, Cụ còn là một học giả uyên bác, thấm nhuần đạo lý, triết lý phương Đông và truyền thống văn hóa của dân tộc. Là Trưởng ban Thường trực Quốc hội, từ tháng 11/1946 cho đến khi tạ thế (tháng 4/1955), cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.
*Vị quan đức độ, thanh liêm đến với cách mạng
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19/9/1889 trong một gia đình có truyền thống nho học, thuộc làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay thuộc thành phố Hà Nội - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Từ truyền thống đó, Cụ sớm học giỏi, đỗ đạt và làm quan Thượng thư Bộ hình của triều đình Huế. Trong thời gian này, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công thực hiện cải cách tư pháp, sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của hệ thống tư pháp 17 tỉnh thuộc Trung Kỳ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia chính quyền cách mạng. Trong thư có đoạn viết: “Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi muốn ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc…”. Từ một vị quan thanh liêm, chính trực làm việc dưới triều đình phong kiến, vì mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ rời quê hương Liên Bạt, Ứng Hòa ra làm Cố vấn cho Bác Hồ, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng vừa mới thành lập.
Lúc này, cụ Bùi Bằng Đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra giúp nước và được giao nhiều trọng trách như: Tham gia Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình; tham gia xây dựng chính quyền mới; tham gia Ban cố vấn Chủ tịch nước, Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ...
Theo Sắc lệnh số 80/SL số 31/12/1945, Cụ được cử làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với tri thức, kinh nghiệm phong phú của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham mưu với Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh có tác động tích cực đến đời sống xã hội, giữ gìn kỷ cương, phép nước, chấn chỉnh và làm trong sạch đội ngũ cán bộ cách mạng trong chính quyền thời kỳ đầu đất nước giành được độc lập. Từ thực tiễn hoạt động hiệu quả của Ban Thanh tra đặc biệt, Chính phủ đã thành lập các ban thanh tra ở các bộ và các vùng ở Trung Bộ và Nam Bộ, làm cho hoạt động thanh tra được đều khắp, đồng thời chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động của đất nước. Cụ Bùi Bằng Đoàn và những thành viên của Ban Thanh tra đặc biệt được coi là những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng tư tưởng Thanh tra nhân dân, Thanh tra cách mạng của Việt Nam.
* Những đóng góp to lớn cho kháng chiến trên cương vị người đứng đầu Quốc hội
Trong tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 6/1/1946), Cụ Bùi Bằng Đoàn ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam tại tỉnh Hà Đông và đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 2/3/1946, Cụ được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội và tham gia lãnh đạo cách mạng. Trên cương vị mới, cụ đã có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết bản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài.
Cùng với hoạt động xây dựng, củng cố chính quyền, Cụ Bùi Bằng Đoàn với uy tín của mình đã tham gia các hoạt động quần chúng rộng rãi như tham gia hội nghị thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) tháng 5/1946 tại Hà Nội nhằm thu hút tất cả các thành viên trong các đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo tham gia với mục đích xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh.
Trong 8 tháng hoạt động kể từ kỳ họp thứ nhất tháng 3/1946 đến kỳ họp thứ hai tháng 11/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn và Hội Liên Việt đã nỗ lực hoạt động, giữ vững nguyên tắc dân chủ cùng Chính phủ đưa nước nhà vượt qua mọi khó khăn, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ.
Tháng 11/1946, tại kỳ họp thứ hai, cụ Bùi Bằng Đoàn được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho cụ Nguyễn Văn Tố.
Cuối năm 1946, tình hình Thủ đô và đất nước cực kỳ khó khăn do các hoạt động gây hấn của Pháp và sự quấy phá của các thế lực phản động. Các cơ quan nhà nước lần lượt sơ tán ra khỏi Hà Nội, Cụ Bùi Bằng Đoàn cùng Ban Thường trực Quốc hội sơ tán về xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông hoạt động. Nhà riêng của cụ Bùi Bằng Đoàn trở thành nơi làm việc của Ban Thường trực Quốc hội trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đến tháng 12/1946, sau khi giặc Pháp chiếm Hà Đông và mở rộng phạm vi chiếm đóng, xã Liên Bạt, Ứng Hòa cũng là vùng trực tiếp bị uy hiếp. Trước tình hình đó, Đảng, Chính phủ quyết định chuyển toàn bộ cơ quan đầu não lên An toàn khu ở Sơn Dương, Tuyên Quang để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Cụ đã phát huy vai trò, trách nhiệm và những đóng góp cho hoạt động lập pháp, đặc biệt là việc tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, kháng chiến chống Pháp. Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947, chỉ đạo các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, lấy nguyện vọng nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo kháng chiến. Cụ đã thay mặt Quốc hội tham dự các sinh hoạt trọng đại như lễ thụ phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho vị Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 7/1948.
Ngoài các hoạt động đối nội, lập pháp..., Cụ còn có các hoạt động đối ngoại tích cực, thường xuyên trả lời phỏng vấn trên một số tờ báo và trên đài phát thanh trong và ngoài nước về một số vấn đề trọng đại của đất nước, vấn đề chủ quyền của Việt Nam trong thời gian trước và sau khi hai đoàn đại biểu Việt Nam và Pháp ký Hiệp ước 6/3/1946 tại Đà Lạt; hoặc như khi được các nhà báo hỏi về tinh thần chiến đấu của quân dân cả nước, Cụ trả lời: “tại khắp các mặt trận, bộ đội ta kháng chiến cực kỳ anh dũng. Ai nấy đều cương quyết và giàu lòng hy sinh, vừa anh dũng, vừa kiên nhẫn. Tinh thần dân chúng ở hậu phương cũng rất cao; không cứ già hay trẻ, trai hay gái, lương hay giáo, giàu hay nghèo, đồng bào đa số hay thiểu số, ai nấy đều đồng tâm nỗ lực, tuỳ khả năng, tuỳ hoàn cảnh, góp sức vào cuộc kháng chiến là vì chính nghĩa, là vì công lý, là để giữ chủ quyền của dân tộc, là để bảo vệ lãnh thổ cho Tổ quốc, là để giữ quyền tự do của đồng bào”. Lời khẳng định đanh thép của Cụ được truyền đi trên các đài, báo thời bấy giờ đã làm nức lòng nhân dân cả nước, khơi dậy lòng dũng cảm, niềm khao khát cháy bỏng nền độc lập tự do của dân tộc. Niềm tin chiến thắng đã được Cụ nói thay những người đang chiến đấu trên khắp các chiến trường.
Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội kháng chiến lúc đó không còn là hình tượng chung chung, mà đó là Bác Hồ, là Cụ Bùi Bằng Đoàn, là Trường Chinh, là Võ Nguyên Giáp, là Phạm Văn Đồng... tập thể các nhà lãnh đạo tài ba của cuộc kháng chiến gắn kết với nhau keo sơn. Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn theo sát Chính phủ trong mọi công việc kháng chiến, mọi liên hệ giữa Chính phủ và Quốc hội đều thông qua Trưởng ban, dù ở gần Cụ hay ở xa, mọi người lấy làm yên tâm khi nhận được thông tin từ Cụ hay được thông tin về cho Cụ.
Trân trọng đóng góp của cụ với nhiệm vụ chung, mùa xuân năm 1948, Bác Hồ tự tay viết bài thơ chữ Hán tặng Cụ Bùi Bằng Đoàn với nhan đề “Tặng Bùi Công” thể hiện tình cảm sâu sắc, gần gũi thân thương, khiến Cụ rất xúc động:
“Xem sách, chim rừng vào cửa đậu
Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài”
Cụ Bùi Bằng Đoàn cũng có bài thơ họa lại:
Sắt đá một lòng vì chủng tộc
Non sông muôn dặm giữ cơ đồ
Biết Người việc nước không hề rảnh
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù.
Hiệp định Geneva được ký kết, ngày 10/10/1954 Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, Cụ trở về Hà Nội. Thời gian này, công việc của Quốc hội cũng như các cơ quan Trung ương rất bộn bề. Với tư cách là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Cụ đã có nhiều ý kiến đóng góp, cùng Ban Thường trực Quốc hội trong việc tiến hành ổn định tổ chức và hoạt động của Quốc hội; xem xét việc chuẩn bị thông qua nhiều văn bản pháp luật của Chính phủ nhằm bảo đảm thành công trong công việc kiến quốc theo chủ trương, đường lối của Đảng và nguyện vọng của toàn dân.
Cả cuộc đời Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn tận tụy, nghiêm túc trong công việc, cố gắng cống hiến cho đất nước, Quốc hội, nỗ lực làm tròn nghĩa vụ của người đại biểu nhân dân tới trọn đời. Tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương sáng để chúng ta kính trọng và noi theo./.
Phương Thảo