Những linh vật được yêu thích trong các kỳ SEA Games gần đây

SEA Games 32 là lần đầu tiên trong lịch sử Campuchia đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games). Nước chủ nhà Campuchia đã lựa chọn linh vật SEA Games 32 là hình ảnh hai chú thỏ trắng đại diện cho 2 giới tính, lần lượt là Borey (Thỏ đực) và Romdoul (Thỏ cái) trong trang phục võ thuật truyền thống Bokator.


          Bokator là một môn võ thuật cổ xưa của người Khmer, đại diện cho sự thông minh, nhanh nhẹn và chính trực, cũng là tôn chỉ trong lần đại hội này của Campuchia. Bokator chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào tháng 11/2022.
         Cái tên Borey trong văn hóa tín ngưỡng Campuchia tượng trưng cho sự gắn kết, còn Romdoul đại diện cho quốc hoa, cũng là vẻ đẹp của “xứ sở chùa tháp”. Romdoul thường được ví von như những cô gái Khmer vui vẻ, dí dỏm nhưng không kém phần thanh tao, duyên dáng.
          Trong văn hóa Khmer, thỏ trắng vừa là biểu tượng tôn giáo vừa là biểu tượng tượng trưng cho công lý, hạnh phúc và may mắn đại diện cho tố chất thông minh, lanh lợi và mưu trí cùng khả năng thích nghi, ứng phó vượt qua hoàn cảnh. Hơn nữa, trong Phật giáo Campuchia, hình ảnh thỏ trắng gắn liền với lòng vị tha và đức hy sinh. Một điều đặc biệt nữa là sự lựa chọn thỏ trắng được cho là làm nổi bật sự bình đẳng giới trong thể thao.
         Hình ảnh thỏ đực cầm đuốc trên tay phải và thỏ cái chào đón khách với nét mặt tươi tắn thể hiện sự thân thiện của người dân tộc Khmer nồng nhiệt chào mừng quý vị đại biểu, khách mời tham dự SEA Games 32.
         Thông thường, linh vật SEA Games sẽ đại diện cho hình ảnh của quốc gia đăng cai. Do đó mỗi quốc gia đều cố gắng lựa chọn linh vật thể hiện rõ nét nhất văn hoá của đất nước mình. Linh vật SEA Games 32 lần này của Campuchia là sự giao thoa nền tảng của nhiều giá trị tinh thần dân tộc, mang trong mình vẻ đẹp thuần túy của người dân “xứ sở chùa tháp”.

      * Một số linh vật được yêu thích trong các kỳ SEA Games gần đây:
      - Sao La (SEA Games 31, tại Việt Nam, năm 2022):
     Chủ nhà Việt Nam lựa chọn linh vật Sao La để sử dụng chung cho cả hai đại hội SEA Games 31 và Para Games 11. Sao la là một trong những loài thú quý hiếm nhất thế giới, sinh sống trong núi rừng Việt Nam và Lào (số ít), đã được xếp hạng bảo tồn cấp trong sách đỏ Việt Nam. Loài động vật này lần đầu tiên được phát hiện trên lãnh thổ Việt Nam vào năm 1992 tại vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Sao la là một trong những loài động vật có vú lớn hiếm nhất trên thế giới, là một trong những loài động vật được Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới chú trọng đặc biệt trong việc bảo tồn. Được mệnh danh là “Kỳ lân của châu Á”, sao la không chỉ là biểu tượng của sự độc nhất, cặp sừng chữ V của sao la còn chỉ ra hai ý nghĩa to lớn nữa, đó là từ "Việt Nam" và từ “Victory” tức là chiến thắng.
          Hơn cả một linh vật, hình tượng Sao La tại SEA Games 31 chính là lời kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường, lên án nạn phá rừng, bẫy thú trái phép và kêu gọi sự đầu tư nhiều hơn nữa để bảo vệ những cá thể sao la cuối cùng còn sót lại trên Trái đất.

        - Pami (SEA Games 30, tại Philippines, năm 2019):
        Linh vật của kỳ đại hội này là Pami, được tạo nên bởi 7 quả bóng tròn với 5 màu là vàng, trắng, xanh, đỏ, tượng trưng cho màu quốc kì Philippines. Theo người Philippines, "Pami" có nghĩa là con mèo, nhưng rộng ra, nó nằm trong từ "Pamilya" tức là Gia đình. Theo nước chủ nhà Philippines, Pami là đại diện cho từng vận động viên và sự đoàn kết như một gia đình của các quốc gia trong khu vực. Đồng thời, linh vật này cũng tượng trưng cho sự vui vẻ, yêu đời.

       - Hổ Rimau (SEA Games 29, tại Malaysia, năm 2017):
      Ở SEA Games 2017, nước chủ nhà Malaysia đã chọn hổ làm linh vật và đặt tên là Rimau. Hổ được đánh giá cao ở Malaysia vì nó hiện diện trên quốc huy của Malaysia, tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm. Vì vậy, hổ là biểu tượng cho Malaysia trong thể thao.
      Theo nước chủ nhà, Rimau là viết tắt của 5 từ rất có ý nghĩa đối với tinh thần thể thao: Respect (tôn trọng), Integrity (trung thực), Move (di chuyển), Attitude (thái độ) và Unity (đoàn kết). Malaysia hi vọng linh vật hổ Rimau sẽ luôn nhắc nhở các vận động viên thi đấu với tinh thần fair-play cao, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau, góp phần tạo nên một kì SEA Games thành công, tăng sự gắn bó giữa các quốc gia trong khu vực.    

      - Sư tử Nila (SEA Games 28, tại Singapore, năm 2015):
    Linh vật chính thức của kỳ đại hội này là chú sư tử có tên Nila. Sư tử cũng là biểu tượng đặc trưng của đất nước Singapore. Tạo hình của chú sư tử Nila có bờm màu đỏ, khuôn mặt hình trái tim, thể hiện tình yêu, sự gắn kết mà nước chủ nhà muốn nhắn gửi đến các nước anh em trong khu vực.      

      - Chim  Shwe Yoe và Ma Moe (SEA Games 27, tại Myanmar, năm 2013):
    Hai chú chim cú ngộ nghĩnh Shwe Yoe và Ma Moe được chọn làm linh vật của kì đại hội này. Theo quan niệm của người Myanma, loài chim cú được coi là bùa may mắn. Với biểu tượng đáng yêu cùng nụ cười thân thiện, đây là cách mà đất nước Myanmar muốn gửi lời chào nồng nhiệt, thân thiện đến các nước láng giềng trong khu vực.

      - Rồng Modo và Modi (SEA Games 26, tại Indonesia, năm 2011):
     Linh vật của kỳ đại hội này là rồng Komodo bao gồm chú rồng Modo và cô rồng Modi. Rồng Komodo là loại bò sát nổi tiếng có số lượng nhiều nhất ở Sumatra và cũng là biểu tượng tự hào của đất nước Indonesia.          

        - Voi Champa và Champi (SEA Games 25, tại Lào, năm 2009):
      Đây là lần đầu tiên Lào đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Linh vật của kỳ đại hội này là chú voi Champa và cô voi Champi, mặc trang phục truyền thống của Lào. Ẩn ý trong hình tượng linh vật này là nguyện vọng về một sự đoàn kết, gắn bó giữa các quốc gia ASEAN.                                                                                                                                             

        - Mèo Can (SEA Games 24, tại Thái Lan, năm 2007):
       Chú mèo giống Korat có tên là Can đã được nước chủ nhà Thái Lan chọn làm linh vật SEA Games 24 với ý nghĩa đây là biểu tượng mang lại may mắn và thịnh vượng cho mọi người. Loài mèo này có nguồn gốc từ quận Phimai của Nakhon Ratchasima. Linh vật mèo Can mặc một “Pha Khao Ma” - một loại khố truyền thống của Thái Lan, tay cầm khaen - một nhạc cụ chơi bằng miệng phổ biến ở vùng Đông Bắc của Thái Lan.

      - Đại bàng Gilas (SEA Games 23, tại Philippines, năm 2005):
      SEA Games 23 là kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 2 do Philippines đăng cai tổ chức. Nước chủ nhà đã chọn linh vật cho kỳ đại hội lần này là chú đại bàng Gilas. Gilas lấy tên từ các từ Maliksi, Malakas, Matalino, Angat, Matalas nghĩa là "năng động", "mạnh mẽ", "thông minh", "cao cả" và "sắc sảo" trong tiếng Filipino.

       - Trâu Vàng (SEA Games 22, tại Việt Nam, năm 2003):
     Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games và nước chủ nhà đã chọn hình ảnh chú trâu vàng quen thuộc làm linh vật cho kỳ SEA Games 22 đáng nhớ này. Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về một mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của Việt Nam. Chiếc khố màu đỏ mà linh vật Trâu Vàng mặc tượng trưng cho trang phục truyền thống thời dựng nước của người Việt…