Những mốc son của một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang

Hà Nội (TTXVN 16/6/2023)

Ra đời và trưởng thành trong cách mạng, lớp lớp những người làm báo đã làm nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Với “mắt sáng, lòng trong” và “bút sắc”, những người làm báo Việt Nam đã để lại những mốc son chói lọi trong hành trình sứ mệnh của mình.  

 * Những mốc son lịch sử

- Ngày 15/4/1865, tờ báo tiếng Việt đầu tiên - Gia Định báo - ra số đầu tại Sài Gòn, đánh dấu cột mốc mở đầu của báo chí Việt Nam. Tháng 5/1888, nguyệt san Thông loại khoá trình - tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên phát hành số thứ nhất. Tháng 1/1918, Tạp chí Nam phong với ấn phẩm đặc biệt ghi ngoài bìa là “Số Tết 1918” đã mở màn cho truyền thống làm báo Xuân trong làng báo Việt Nam. Đến ngày 1/2/1918, tuần báo Nữ giới chung - tờ báo Việt Nam đầu tiên chuyên về phụ nữ - xuất bản số đầu tiên tại Sài Gòn.

- Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, ra số đầu tiên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động, mở đường cho báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển. Theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ lấy ngày 21 tháng 6 hằng năm là "Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam". Và ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

- Ngày 5/8/1930, Tạp chí Cộng sản - tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam - thành lập, ban đầu có tên là Tạp chí Đỏ. Tuy tên gọi của Tạp chí có lúc khác nhau, nhưng Tạp chí luôn hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng. Đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận dụng, phát triển, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và góp phần quan trọng vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng.

Cũng trong giai đoạn 1930-1945, nhiều tờ báo cách mạng đã ra đời, tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, đồng hành cùng các sự kiện, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu như: Báo Búa liềm, Báo Đỏ, Báo Tranh đấu, Báo Cờ Vô sản, Tạp chí Bôn-sê-vích, Báo Việt Nam độc lập, Báo Cứu quốc, Báo Cờ giải phóng và báo chí của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương, như: Công nhân, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ...

- Sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945), hai cơ quan báo chí quan trọng ra đời, đó là: Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945) và Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945).

78 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, kết nối triệu triệu con tim người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu nước và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Từ 90 phút phát sóng ngày đầu tiên, đến nay Đài Tiếng nói Việt Nam đã phủ sóng rộng khắp trong nước và quốc tế.
78 năm đồng hành cùng cách mạng, tận tụy cống hiến và trưởng thành, Thông tấn xã Việt Nam được biết đến với vị thế một tổ hợp truyền thông quốc gia hiện đại, cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

- Ngày 27/12/1945, thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam - tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay, do nhà báo Nguyễn Tường Phượng làm Chủ tịch. Ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam được tổ chức tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây là dấu mốc ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam.

- Tháng 4/1949, lớp học về báo chí đầu tiên trong lịch sử nước ta mang tên Huỳnh Thúc Kháng được Đoàn Báo chí kháng chiến mở để đào tạo cán bộ báo chí, thu hút gần 60 học viên. Đây là lớp học báo chí đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.

- Tháng 7/1950: Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) (Đại hội lần thứ III) họp ở Phần Lan kết nạp Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.

- Ngày 20/10/1950, Báo Quân đội nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ra số đầu tiên tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. 73 năm qua, Báo Quân đội nhân dân với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, gương mẫu đi đầu, phản ánh trung thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu, lao động sản xuất của các lực lượng vũ trang và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế sâu rộng.

- Ngày 11/3/1951, Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ra số đầu tiên tại Chiến khu Việt Bắc. 72 năm qua, Báo Nhân Dân đã không ngừng phát triển và trưởng thành, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng ta, hoàn thành xuất sắc vai trò cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

- Ngày 7/9/1970, Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo hình ở Việt Nam. Trải qua 53 năm xây dựng và trưởng thành, từ một bộ phận trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam với chiếc camera Ngựa Trời tự lắp đặt trong buổi sơ khai, đến nay, Đài Truyền hình Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, phù hợp với xu thế toàn cầu. 

- Ngày 28/12/1989, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIII thông qua Luật Báo chí, có hiệu lực từ năm 1990. Ngày 12/6/1999, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Sau đó, ngày 5/4/2016, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Báo chí (sửa đổi). Có đến 9 điểm mới trong các quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, đối tượng thành lập cơ quan báo chí, đặc biệt là các điểm mới liên quan đến liên kết trong hoạt động báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo...

- Năm 1990, song hành với nâng cao trách nhiệm, Hội Nhà báo Việt Nam tôn vinh nghề báo và người làm báo thông qua việc trao Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam.

- Năm 1991, Hội báo Xuân truyền thống của làng báo Việt Nam được tổ chức lần thứ nhất. Giải thưởng Báo chí toàn quốc được thành lập, hàng năm bình chọn và trao giải cho những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất trong năm. Giải Báo chí Quốc gia đã trải qua 16 mùa đồng hành cùng đời sống báo chí, trở thành sinh hoạt nghiệp vụ thực sự bổ ích, lan tỏa sâu rộng trong các cấp hội, trong giới báo chí và ngày càng khẳng định uy tín là giải thưởng nghề nghiệp danh giá nhất của những người làm báo trong cả nước. Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 17 - năm 2022 sẽ được tổ chức vào Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, 21/6/2023.

- Tháng 4/1995, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức là thành viên Liên đoàn Báo chí các nước trong Hiệp hội Đông Nam Á (CAJ).

- Ngày 6/2/1997, Tạp chí Quê hương điện tử (thuộc Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao) phát hành số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo điện tử ở Việt Nam.

- Tháng 4/2000, Báo chí Việt Nam trực tiếp in và phát hành tại châu Âu với tờ báo thực hiện thí điểm đầu tiên là tờ Le Courrier du Vietnam của Thông tấn xã Việt Nam.

- Ngày 21/6/2000, Báo Nhân dân điện tử chính thức phát hành trên mạng internet, trở thành nhật báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.

- Ngày 3/2/2017, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ nhất đã được trao cho những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất. Lễ công bố và trao Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII-năm 2023 sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024).

- Ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 362/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, với mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

- Ngày 9/6/2023, Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (mang tên Diên Hồng) lần thứ nhất đã được trao cho 67 tác phẩm xuất sắc nhất. Lễ trao Giải Diên Hồng lần thứ hai dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 1/2024 nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2024).

* Viết tiếp những trang sử vẻ vang

98 năm qua, báo chí cách mạng đã trở thành một công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đã có hơn 400 nhà báo hy sinh trên khắp các chiến trường. Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam; là những nhà báo gạo cội: Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang… với những bài báo khai phá, mở đường cho đổi mới tư duy, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc xã hội, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và không ngừng vươn lên, ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Bản lĩnh chính trị và tính chuyên nghiệp của đội ngũ người làm báo ngày càng được nâng cao. Phát triển đa dạng, phong phú các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại, gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện… Hôm nay, chúng ta tự hào về đội ngũ khoảng 40.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, gần 850 cơ quan báo chí, hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ. Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, ngày nay, nhiều nhà báo không quản hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, dũng cảm thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc, thiên tai, bão lũ… Trong 2 năm qua, khi phải đối mặt với đại dịch COVID-19 với đầy khó khăn, thách thức, báo chí đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đồng cảm trong nhân dân về các biện pháp chống dịch, đoàn kết, tương thân, tương ái, công tác an sinh xã hội… Báo chí cũng phản ảnh những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tinh thần đoàn kết để Việt Nam đạt được những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau dịch; nhân dân có niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Báo chí cũng đi tiên phong trong phản ánh chính sách mới, những bất cập chính sách, phát hiện những mô hình mới, kinh nghiệm hay, những tấm gương điển hình trong đời sống xã hội. Báo chí góp phần đề cao giá trị nhân văn, lòng nhân ái, vị tha, cuộc sống tinh thần, mục tiêu, lý tưởng, hoài bão, ước mơ. Nhiều bài báo xúc động, đầy tình người, tạo được sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng, mang lại niềm tin, động lực, truyền cảm hứng với người dân và doanh nghiệp; sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với những mảnh đời éo le, những số phận bất hạnh, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống, làm cho xã hội ngày càng tiến bộ và lành mạnh hơn...

Tại buổi gặp mặt và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (ngày 13/6/2023), thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương những thành tích, sự đóng góp quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo trên cả nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nước. Thủ tướng cũng rất chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt; nhất là 5 vấn đề mà báo chí quan tâm hiện nay, đó là kinh tế báo chí; biên chế; tài chính; cơ sở vật chất cho hoạt động báo chí; cơ chế, chính sách nào để báo chí tự lực, tự cường, đi lên bằng bàn tay khối óc, phát huy nội lực, vươn lên phát triển cùng đất nước với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ với chức năng, quyền hạn sẽ làm hết sức mình để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động. Thủ tướng mong báo chí đồng hành với Đảng, Nhà nước tìm ra giải pháp đột phá, quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn./. 

                                                                                Hoàng Yến (tổng hợp)