Những người thầy mang bút nghiên xẻ dọc Trường Sơn

Hà Nội (TTXVN 19/11/2020)

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục cho học sinh và đồng bào miền Nam, chuẩn bị lực lượng trí thức xây dựng và phát triển đất nước sau giải phóng đồng thời đấu tranh với địch trên mặt trận văn hóa giáo dục, gần 3.000 nhà giáo miền Bắc đã gác lại gia đình, sự nghiệp để lên đường đi B vào miền Nam.

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại không chỉ in dấu chân của những anh bộ đội từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam mà còn có cả dấu chân của hàng nghìn nhà giáo mang sách vở, bút nghiên xẻ dọc Trường Sơn.

Bài 1: RỜI BỤC GIẢNG, NHÀ GIÁO ĐI B

Ngày 5/3/1969, đoàn giáo viên tình nguyện đi B hành quân bằng ô tô từ Hòa Bình đến câu lạc bộ Thống Nhất, cạnh Hồ Gươm, để dự lễ tiễn đưa. Hơn 200 thầy cô giáo là những người được tuyển chọn kỹ càng cả về chuyên môn sư phạm và phẩm chất chính trị đều trong tư thế sẵn sàng: Ba lô gọn gàng trên lưng, dép cao cao su rút quai vừa vặn để chuẩn bị cho hành trình vượt Trường Sơn vào với chiến trường khốc liệt miền Nam. Nơi ấy, họ được giao một nhiệm vụ đặc biệt trên mặt trận riêng: Vừa đấu tranh với địch, vừa xây dựng và phát triển giáo dục.

Cô giáo trẻ Phạm Thị Hải Ấm nhìn khắp lượt các anh chị trong nhóm của mình. Đó là những người sẽ cùng sống chết bên cô trên chặng đường dài hành quân phía trước. Mới 21 tuổi và vừa rời ghế giảng đường, Hải Ấm là thành viên trẻ nhất đoàn…

Gác hạnh phúc riêng

Hơn 50 năm đã trôi qua, cô gái đôi mươi ngày nào giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng bà vẫn không thể quên những ngày tháng thanh xuân đã cùng đồng nghiệp cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chia sẻ với chúng tôi trong một ngày thu Hà Nội tại nhà riêng, bà vẫn nghẹn ngào khi nhớ về một thời hoa lửa.

Nhà giáo Phạm Thị Hải Ấm chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về một thời hoa lửa. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Nhà giáo Phạm Thị Hải Ấm chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về một thời hoa lửa. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

“Mọi người được dành thời gian để chia tay với gia đình, bạn bè, vợ con. Tôi lặng nhìn cảnh những cặp vợ chồng ôm hôn nhau thắm thiết mà không cầm được nước mắt vì ai cũng biết rõ người đi đâu có hẹn ngày về,” nhà giáo Phạm Thị Hải Ấm xúc động chia sẻ.

Trong số gần 3.000 nhà giáo tình nguyện đi B, có rất nhiều người đã có gia đình, có chức vụ trong công tác, nhưng họ đã gác lại niềm riêng, sự nghiệp, vợ dại con thơ để lên đường vì Tổ quốc…

Những nhà giáo tình nguyện đi B khi đang ở vị trí hiệu trưởng như nhà giáo Nguyễn Thỏa, Hiệu trưởng Trường cấp II Quang Phục (Tiên Lãng, Hải Phòng); nhà giáo Phạm Tăng, Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp II Châu Giang (Đông Hưng, Thái Bình); nhà giáo Nguyễn Viết Nhiên, Hiệu trưởng Trường cấp II Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu, Nghệ An)…

Nhà giáo Đỗ Trọng Văn tại Tiểu ban Giáo dục R. (Ảnh: NVCC)
Nhà giáo Đỗ Trọng Văn tại Tiểu ban Giáo dục R. (Ảnh: NVCC)

Bỏ lại sự nghiệp, họ còn gửi lại cả những yêu thương. Nhìn về phía bức ảnh gia đình, nhà giáo Đỗ Trọng Văn bảo, khi ông lên đường đi B, con nhỏ mới tròn 8 tháng, con lớn chập chững lên ba. Nay đã xấp xỉ tuổi 80, ông vẫn nhớ những cảm xúc nghẹn lòng khi ôm hôn từng đứa con nhỏ dại, dặn dò an ủi người vợ trẻ trước khi lên đường. “Nhớ và thương rất rất nhiều, nhưng chúng tôi lúc đó đều hiểu khi Tổ quốc cần, mỗi người đều phải gác lại hạnh phúc riêng,” thầy Văn xúc động nói.

Ngày nhận lệnh đi B năm 1964, nhà giáo Trần Thư Nguyên khi ấy còn chưa có con dù hai vợ chồng đã cưới được ba năm. “Ban đầu, tổ chức cũng băn khoăn, nhưng mãi sau này tôi mới biết chính vợ tôi đã gửi thư lên tận Ban Thống nhất Trung ương bày tỏ đồng ý cho tôi đi B,” thầy Nguyên chia sẻ. Cuộc chia ly kéo dài đến tận 10 năm. Năm 1975 thầy Nguyên mới trở lại miền Bắc, đoàn tụ gia đình, nhưng ước mơ về tiếng trẻ bi bô trong ngôi nhà nhỏ đã mãi không thể trở thành hiện thực.

Vượt Trường Sơn bằng ý chí người thầy

Hành trình ba tháng đi bộ ròng rã vượt Trường Sơn đến chiến trường miền Nam là thử thách với bất kỳ ai, càng là thử thách lớn hơn với những thầy, cô giáo vốn chỉ quen với sách vở, cầm viên phấn trắng. Dù đã có hai, ba tháng ròng rã tập đeo gạch, đi bộ, leo núi để làm quen nhưng những thử thách với thầy cô trong hành trình là vô cùng lớn.

“Cứ đêm đi ngày nghỉ, mỗi ngày đi khoảng 7 tiếng mới đến trạm giao liên, nhưng khi có địch lại phải đi xuyên trạm lên đến hơn 10 tiếng đi chuyển liên tục đường rừng, nhiều dốc dựng đứng, trơn trượt. Có khi đến điểm nghỉ lại không có nước, phải đi xa lấy nước về nấu ăn. Chúng tôi đi qua khu 6 là nơi chiến tranh đang diễn ra ác liện nên trong suốt 4 này đi không được nói, không được nấu ăn. Cơm phải nắm lại, đốt cháy xung quanh, khi mở ra ăn đã chua mà vẫn thấy ngon. Hết cơm thì ăn đến gạo rang,” thầy Nguyên bổi hồi kể.

Thầy Trần Thư Nguyên bồi hồi nhớ lại những ngày tháng thanh xuân cống hiến cho chiến truồng miền Nam. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Thầy Trần Thư Nguyên bồi hồi nhớ lại những ngày tháng thanh xuân cống hiến cho chiến truồng miền Nam. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Đói, khát, mệt, đối mặt với bom đạn kẻ thù, các thầy cô còn phải chống chọi với sốt rét rừng. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trên đường hành quân.

Với những giáo viên nữ chân yếu tay mềm như cô giáo Hải Ấm, hành trình vượt Trường Sơn còn vất vả hơn gấp nhiều lần. “Dốc Nguyễn Chí Thanh thẳng đứng với 1.800 bậc như lên tận trời, chân người nọ chạm đầu người kia. Đi liên tục khiến cho chân sưng tấy, phồng rộp,” cô Hải Ấm nhớ lại.

Trong nhật ký hành trình vượt Trường Sơn của mình, nhà giáo Phạm Thanh Liêm ghi: “Đi trên đường Tây Trường Sơn 26 ngày trên đất bạn Lào thật gian nan vì đói và thiếu gạo. Có những chặng đường phải đi liên tục suốt 7 ngày liền không được nghỉ dưỡng sức. Đến ngày thứ 36 đã có nhiều người bị bệnh, chủ yếu là sốt rét, phải gửi lại trạm ở dọc đường. Ngày thứ 43, mỗi người nhận thêm 14 kg gạo để ăn trên đường. Lúc này, mâu thuẫn giữa đói ăn và bệnh tật với mang nặng thật là gay gắt.”

“Chúng tôi đã vượt Trường Sơn không phải bằng sức lực mà bằng ý chí người thầy, không phải đi bằng chân mà đi bằng đầu” thầy Đỗ Trọng Văn nói.

“Ngày thứ 65, hôm qua hành quân từ 5 giờ chiều, đi suốt đêm, mãi đến 6 giờ sáng nay mới tới địa điểm, lại phải vác nước đi một tiếng rưỡi mới tới chỗ nghỉ, người mệt lả, thật gian khổ…, thực phẩm đã cạn, đường sữa hết cả rồi, lo sức khỏe sa sút. Ngày thứ 80, chặng đường căng thẳng vì máy bay do thám nhiều hơn và phải qua 9 trạm, từ K1 đến K9, đi qua nhiều bãi bị B52 đánh trụi trông thật khủng khiếp. Càng gần đến nơi càng căng thẳng vì sự khốc liệt của bom đạn. Ngày thứ 91, từ trạm V1 đến V4, toàn đi đêm, đường dài B52 cày xới, thật là căng thẳng. Phải đi qua những cánh đồng lớn giữa biên giới Miên –Việt trong đêm tối mù mịt và mưa như trút nước.”

Chân tứa máu với “cánh đồng chó ngáp”

Đến điểm tập kết, với các thầy cô giáo nhận nhiệm vụ công tác về miền Tây Nam Bộ, còn một cuộc hành quân nữa, gian nan ác liệt còn hơn vượt Trường Sơn khi phải vượt sông, nước, bom đạn với đồn bốt địch dày đặc. Có đoàn đi phải quay lại, rồi lại lên đường. Từ Hà Nội vượt Trường Sơn đến Tây Ninh mất ba tháng, nhưng từ Tây Ninh về Tây Nam Bộ, nhiều giáo viên đã phải đi bốn, năm tháng mới tới nơi. Với những giáo viên về Cà Mau, Rạch Gia, vượt Trường Sơn không phải là một trăm ngày mà là hai, ba trăm ngày.

Nhà giáo Phạm Thị Hải Ấm trên đường hành quân vượt Trường Sơn năm 1969. (Ảnh: NVCC)
Nhà giáo Phạm Thị Hải Ấm trên đường hành quân vượt Trường Sơn năm 1969. (Ảnh: NVCC)

Được phân về Kiến Tường, cô Hải Ấm vẫn nhớ hành trình ba ngày vượt qua cánh đồng tràm Đồng Tháp mênh mông nước. Những gốc tràm nhọn hoắt đâm vào chân tứa máu, làm mồi nhử cho đỉa bám đuổi theo sau. “Cứ lội như thế mà đi trong suốt ba ngày mới qua được cánh đồng mà chúng tôi hay gọi đùa là ‘cánh đồng chó ngáp,” cô Hải Ấm kể.

Gian khổ, nhưng hiểm nguy lớn nhất là bom đạn kẻ thù. Nhà giáo Phạm Tăng khi đi tới giữa cánh đồng Mông Thọ (Kiên Giang) thì bị lộ, hai chiếc máy bay của địch đuổi theo bắn dữ dội nhưng may không ai trúng đạn. Đi trong vùng địch nên các thầy cô phải đêm đi, ngày nghỉ. Đỉa trâu bám nặng ống quần cũng không thể đứng lại vì phải đến căn cứ trước khi trời sáng. Cứ như thế đêm này qua đêm khác, chân sưng vù rơi cả móng.

“Chúng tôi đã vượt Trường Sơn không phải bằng sức lực mà bằng ý chí người thầy, không phải đi bằng chân mà đi bằng đầu,” thầy Đỗ Trọng Văn, Trưởng chi hội nhà giáo đi B, Hội Cựu giáo chức Việt Nam xúc động nói.

Những người thầy ngã xuống cho mái trường mọc lên

Ra đi để dựng trường, mở lớp cho con em đồng bào miền Nam, nhưng đến chiến trường, để phục vụ cho công cuộc kháng chiến, các nhà giáo đã được giao rất nhiều nhiệm vụ khác nhau, người dạy học, người tuyên truyền, người văn công, người trực tiếp cầm súng ra chiến trường.

Bất cứ nhiệm vụ nào, các nhà giáo cũng đều hoàn thành xuất sắc. Nhiều giáo viên đi B đã vĩnh viễn nằm lại miền Nam. Trên tấm bia tưởng niệm các nhà giáo liệt sỹ đặt tại Tây Ninh có khắc tên của 600 nhà giáo, trong đó có 111 nhà giáo từ miền Bắc đi B vào chiến trường miền Nam…

Vừa dạy học, vừa chạy địch càn

Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng cô Hải Ấm bảo vẫn không thể hình dung hết được những khó khăn gian khổ khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở miền Nam. Những ngày giặc đi càn quét, cô phải nắm cơm trốn vào rừng, núp dưới những tán lá dừa nước, tối lại về làng để dạy và vận động học sinh đến lớp. Khi giặc rút, ban ngày cô dạy các em học sinh, tối lại lên lớp bổ túc xóa mù chữ cho người lớn.

Giữa chiến trường, những lớp học vẫn được dựng lên bởi những người thầy tận tâm. (Ảnh: NVCC)
Giữa chiến trường, những lớp học vẫn được dựng lên bởi những người thầy tận tâm. (Ảnh: NVCC)

Lớp học chỉ thời chiến nên thiếu thốn đủ thứ, lại phải rất linh hoạt. Một lớp có khi ghép vài trình độ. Để có tài liệu giảng dạy, giáo viên phải tự biên soạn, hoặc lấy sách của hệ thống giáo dục của địch ở miền Nam để chọn lọc, viết lại cho phù hợp. Sách khan hiếm đến mức có khi cả tỉnh, thậm chí cả khu mới có một quyển và giáo viên, học sinh phải chuyền tay nhau chép. Lớp học ngay dưới tán cây trong rừng, cũng có khi ở nhà dân, hoặc được dựng tạm từ tre nứa. Cũng có khi học sinh vừa đến đã phải chạy dạt vào rừng khi được tin địch sắp càn.

Những nhà giáo miền Bắc đã mãi mãi nằm lại miền Nam. (Ảnh: NVCC)
Những nhà giáo miền Bắc đã mãi mãi nằm lại miền Nam. (Ảnh: NVCC)

“Mùa khô năm 1970, giặc mở trận càn lớn đánh phá căn cứ. Từ sáng sớm đã nghe dân kêu to: ‘Địch càn xe zep tới’. Tiếng ù ù từng dàn xe bọc thép tiến vào. Trên bầu trời các loại trực thăng bay kín trời. Chúng tôi sợ quá, quẳng ba lô vào bụi rậm, theo dân chạy thục mạng vào rừng. Mệt và đói, quần áo gai cào rách bươm. Ban đêm, yên tĩnh, chúng tôi theo dân trở về. Cảnh tượng kinh hoàng khi cả cánh rừng toàn cây to bị bừa nằm rạp cả xuống. May hôm đó chúng tôi chạy theo dân, nếu chui xuống hầm bí mật thì khó giữ được mạng sống,” cô Hải Ấm nhớ lại.

Những người thầy ngã xuống

Dưới bom đạn kẻ thù, rất nhiều thầy cô giáo đã ngã xuống. Thầy Nguyễn Đức Châu hy sinh ngay trên đường hành quân, khi bom na-pan phủ trùm lên võng. Thầy Cao Thành vĩnh viễn nằm lại Phú Yên khi không thể vượt qua cơn sốt rét rừng. Thầy Lê Trọng Thế anh dũng hy sinh khi quyết liệt chống địch càn tại cầu Bến Lức (Long An). Thầy Lâm Thanh Đáo, thầy Ngọc Sơn hy sinh khi bị địch phục kích trên đường đi công tác. Trong trận càn của địch vào Trường Nguyễn Văn Trỗi năm 1970, cô giáo Lệ Chi đã hy sinh khi cố chạy lên đưa học sinh xuống hầm. Thầy Trần Ngọc Chắc ngã xuống vì trúng đạn kẻ thù trên đường đi mua nhu yếu phẩm, bút mực cho học viên. Thầy Lương Duyên Hý cùng dân gài mìn, lựu đạn, đánh du kích khi địch đến, địch rút lại dựng trường, mở lớp tại Mỹ Lợi (Tiền Giang). Trong một trận chiến với kẻ thù, thầy đã anh dũng hy sinh trong sự tiếc thương của đồng nghiệp, đồng bào…

Những người thầy đã ngã xuống cho đất nước hồi sinh, cho những mái trường mọc lên để lớp lớp học sinh được học tập, lớn lên trong hòa bình.

 

Nhớ về những đồng đội được chi viện về tỉnh Quảng Đà cùng mình năm 1965, nhà giáo Bùi Thị Nguyên cho biết, trong số 8 người thì có 4 người hy sinh, một người bị bắt đi tù Côn Đảo, ba người bị thương.

Không chỉ hy sinh trên mặt trận giáo dục, nhiều nhà giáo đã trở thành chiến sỹ, chiến đầu trực tiếp với kẻ thù trên chiến trường. Những cái tên đã trở thành bất tử, như nhà giáo- chiến sỹ Lê Anh Xuân, nhà giáo-chiến sỹ biệt động Sài Gòn Lê Thị Bạch Cát.

Nhà giáo-chiến sỹ, liệt sỹ Lee Thị Bạch Cát. (Ảnh tư liệu NVCC)
Nhà giáo-chiến sỹ, liệt sỹ Lee Thị Bạch Cát. (Ảnh tư liệu NVCC)

Năm 1964, khi đang là một nữ giảng viên trẻ mới 24 tuổi của Trường Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), nhà giáo Lê Thị Bạch Cát tình nguyện lên đường vào với miền Nam khói lửa. Rời miền Bắc trong đoàn nhà giáo đi B, nhưng khi tới miền Nam, cô Bạch Cát được điều động về công tác ở Thành đoàn Sài Gòn, tham gia lực lượng biệt động vũ trang nội thành với bí danh Sáu Xuân.

Tháng 5/1966, cô tham gia thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Tiểu đoàn đã nhanh chóng phát triển lực lượng và hình thành mạng lưới cơ sở nội tuyến trong lòng địch.

Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, cô Bạch Cát đã chỉ huy tổ vũ trang tuyên truyền quận 4, phát động quần chúng nổi dậy. Trong một trận chiến ác liệt với kẻ thù, cô Bạch Cát đã anh dũng hy sinh. Kẻ địch đã buộc xác cô, kéo lê khắp các nẻo đường Sài Gòn. Cảm phục tinh thần, ý chí và ghi nhớ công ơn của nhà giáo- chiến sỹ Lê Thị Bạch Cát, nhân dân rước ảnh cô vào thờ ở đền Nhơn Hòa và chùa Giác Lâm. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên cô cho một ngôi trường và một con đường của thành phố. Tại quê nhà Nghệ An, một ngôi trường cũng được vinh dự mang tên nhà giáo Lê Thị Bạch Cát.

Những người thầy, cô giáo ấy đã anh dũng ngã xuống cho nước nhà thống nhất, cho đất nước hồi sinh, cho những mái trường mọc lên để lớp lớp học sinh được học tập, lớn lên trong hòa bình./.