Những thành tựu lịch sử của ngành ghép tạng Việt Nam

Hà Nội (TTXVN 24/2/2024) Ghép tạng là một trong những thành tựu y học lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Những năm gần đây, ngành ghép tạng Việt Nam đã bắt kịp thành tựu này và đạt được những thành tựu mang tính lịch sử, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á, châu Á, khẳng định vị thế của Việt Nam trong kỹ thuật y học chuyên sâu này.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trao tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho gia đình người hiến tạng. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

* Những thành tựu lịch sử

Đúng ngày 30 Tết năm 2024 (ngày 9/2/2024), các y bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện ca ghép 2 phổi cho một bệnh nhân 21 tuổi. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng. Đặc biệt quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh. Ca ghép thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF - 1 trong 9 Trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ, cho thấy Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng.

Tại Hội nghị ghép tạng châu Á tổ chức tại Hàn Quốc cuối năm 2023, Ban tổ chức đã dành riêng một hội thảo chuyên đề về ngành ghép tạng Việt Nam, đã chứng tỏ vị thế và uy tín của nước ta trong kỹ thuật chuyên sâu và phức tạp này.

Nhìn lại lịch sử hơn 30 năm ghép tạng của nền y học Việt Nam mới thấy rõ những nỗ lực, cố gắng không ngừng của các nhà khoa học, thầy thuốc, phẫu thuật viên để đạt được những thành tựu hôm nay. Ca ghép thận đầu tiên cho bệnh nhân 40 tuổi suy thận giai đoạn cuối năm 1992 tại Bệnh viện Quân y 103 chính là khởi đầu quan trọng đánh dấu cho hành trình này.

Từ một quốc gia "chậm tiến" so với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng tới gần 40 năm, nhưng kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam lại có tốc độ phát triển vượt bậc, liên tục xác lập những thành tựu mới và đã tiệm cận với thế giới. Năm 2017, Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên và ghép tim cho bệnh nhi. Năm 2018, tiến hành thành công ghép phổi và ghép thận từ người cho chết não. Năm 2019 thực hiện đồng thời một loạt ca mổ lấy-ghép đa tạng từ người hiến chết não. Năm 2020 phẫu thuật thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và cấy ghép ruột từ người cho sống, giúp Việt Nam trở thành 1 trong số 22 nước trên thế giới thực hiện được kỹ thuật ghép ruột. Năm 2023, thực hiện ca ghép đa tạng tim và thận, phối hợp giữa các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh với Hà Nội thực hiện thành công ghép đa tạng xuyên Việt…

Hiện nay nước ta đã có tới 25 trung tâm ghép tạng trải dài khắp đất nước, không chỉ ở tuyến Trung ương thực hiện tốt kỹ thuật này mà nhiều tuyến địa phương cũng làm chủ được kỹ thuật, chuyên môn. Tính tới đầu năm 2024, đã có gần 8.000 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có hơn 7.000 ca ghép thận, 500 trường hợp ghép gan, đồng nghĩa với từng đó con người được nối dài, kéo dài sự sống... Những trung tâm ghép tạng hàng đầu như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế... đã ứng dụng nhiều tiến bộ mới, luôn cập nhật công nghệ kỹ thuật chuyên sâu, mang lại hiệu quả cao và lập nhiều kỳ tích. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai 5 ca ghép gan trong một tuần; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện các ca lấy đa tạng từ người hiến chết não ghép cho bệnh nhân suy tim, thận giai đoạn cuối, phối hợp nhịp nhàng giữa các trung tâm trên cả nước trong lấy tạng-ghép tạng từ người hiến và người nhận ở hai đầu đất nước, triển khai kỹ thuật chia gan để ghép, Bệnh viện Chợ Rẫy lấy thận ghép hầu hết bằng phẫu thuật nội soi và đã lấy thận bằng Robot, ghép thận ở nhóm bệnh nhân có bất đồng nhóm máu...

Ghép gan, đặc biệt đối với bệnh nhân nhi, là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật và sự phối hợp nhuần nhuyễn đa chuyên ngành. Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tự tin làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan, trở thành đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất trên cả nước, trong đó có những ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như: bất đồng nhóm máu, ung thư gan, bệnh lý di truyền, bệnh nhi nhẹ cân... Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã thực hiện ghép thận, ghép tế bào gốc ngoại vi, tế bào gốc tự thân... Các bệnh viện Vinmec, Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cũng đều có những bước tiến mới về ghép gan, hồi sinh sự sống cho nhiều cuộc đời.

Ghép tạng nói chung không chỉ đòi hỏi kỹ thuật hiện đại mà còn có chi phí khá cao. Bởi vậy, phương pháp này chủ yếu được áp dụng ở các nước đã phát triển (thực hiện trên 80% người bệnh có nhu cầu được ghép). Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ này chỉ là 10-20%. Rất nhiều người bệnh không được ghép tạng sẽ tử vong với các biến chứng của bệnh mà không thể cứu chữa.

Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng, như thận, tim, gan, tụy, phổi, với tỷ lệ tỷ lệ sống sau ghép tạng thậm chí còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, tuy nhiên chi phí ghép tạng ở Việt Nam lại rẻ hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, chỉ bằng khoảng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Mỹ. Chính vì thế, ngày càng nhiều bệnh nhân nước ngoài tin tưởng lựa chọn Việt Nam là nơi để họ tìm lại hy vọng sống. Sự trưởng thành của nền y học Việt Nam đang mang lại cho bệnh nhân hy vọng cùng cơ hội lớn, vượt qua các căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trao tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho gia đình người hiến tạng. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

* Hiến tạng - hành động cao đẹp và nhân văn

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu về ghép tạng, nhưng theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành ghép tạng Việt Nam là đang thiếu nguồn mô tạng để cấy ghép.

Hiện nay nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn. Theo Bộ Y tế, số ca ghép tạng tại Việt Nam có sự gia tăng đáng kể, từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca năm 2022. Trong danh sách chờ ghép tạng quốc gia đang có hơn 5.000 ca.

Những năm gần đây, nhờ hoạt động của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và vai trò của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, số lượng người đăng ký hiến mô tạng đã tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2014 mới chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng, đến cuối tháng 6/2023, số người đăng ký đã tăng lên hơn 73 nghìn người. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số khiêm tốn. Ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, chết tuần hoàn, thì ở Việt Nam nguồn mô, tạng chủ yếu vẫn từ người cho sống, chiếm tới hơn 90%. Mặc dù số lượng đăng ký hiến tạng có xu hướng tăng, nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn là con số rất nhỏ.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức có thể thực hiện khoảng 200-300 ca ghép tạng, bên cạnh đó, cũng có khoảng 300 người tử vong do chấn thương sọ não tại bệnh viện. Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và giúp cải thiện cuộc sống cho 75-100 người khác. Tuy nhiên với dân số khoảng 100 triệu dân, mỗi năm Việt Nam chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, tương đương tỷ lệ là 0,1/1 triệu dân - nằm trong số các nước có tỷ lệ người chết não hiến tạng thấp nhất thế giới. Con số này ở Hàn Quốc là 11/1 triệu dân – mức cao nhất châu Á.

Việt Nam đã có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác; đồng thời ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hiến tặng, điều phối, cấy ghép mô, tạng. Luật Bảo hiểm y tế quy định về thanh toán bảo hiểm cho các chi phí khám và ghép tạng cũng như điều trị sau ghép. Các thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí cho người đã hiến bộ phận cơ thể người…       Hiện cả nước đã có 23 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép tạng. Bên cạnh đó, Bộ cũng cấp phép hoạt động cho 10 ngân hàng mô, trong đó có một số ngân hàng mô chuyên biệt (tế bào gốc) và đã thực hiện được hàng nghìn ca ghép mô (giác mạc, da, tủy...).

Với việc làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, nước ta rất cần có thêm nhiều nguồn tạng hiến, các cơ sở y tế phát triển kỹ thuật cấy ghép mô tạng đạt tiêu chuẩn quốc tế để người bệnh chờ ghép tạng thêm cơ hội sống. Do đó, theo các chuyên gia, việc cần làm hiện nay là sớm sửa đổi bổ sung những bất cập, hạn chế trong hệ thống chính sách, pháp luật về hiến tặng mô, tạng; thiết lập mạng lưới tư vấn viên trong vận động hiến tạng sau khi chết hoặc chết não. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này./.

Thu Hạnh (tổng hợp)