OECD lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm 2024

Hà Nội (TTXVN 5/2/2024) Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 5/2 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 nhưng cho rằng xung đột tại Trung Đông cũng như hoạt động vận tải gián đoạn ở khu vực Biển Đỏ nguy cơ đẩy giá tiêu dùng leo thang.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế thường niên của OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến sẽ giảm từ 3,1% năm 2023 xuống 2,9% năm 2024, cao hơn so với mức dự báo 2,7% được đưa ra hồi tháng 11/2023. OECD điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới nhờ triển vọng lạc quan đối với kinh tế Mỹ, bù đắp cho triển vọng kinh tế u ám của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ngoài ra, OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 ở mức 3%.

Đối với các nền kinh tế lớn, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,1% năm 2024 và 1,7% năm 2025 trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt giúp lương tăng và thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Trước đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay và năm tới lần lượt được dự báo là 1,5% và 1,7%. Trong báo cáo mới nhất, OECD cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 và 2025 lần lượt là 4,7% và 4,2%.

Dự báo mới nhất của OECD cho thấy kinh tế Đức một lần nữa tụt hậu so với quốc tế về tốc độ tăng trưởng trong năm nay. Trong báo cáo, OECD cho rằng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm 2024 chỉ đạt 0,3%, thấp hơn mức tăng trưởng dự kiến của các quốc gia khác trong Eurozone như Pháp (dự kiến tăng trưởng 0,6%), Italy (I-ta-li-a, 0,7%) và Tây Ban Nha (1,5%). OECD cũng đưa ra dự báo cho năm 2025, theo đó, tăng trưởng của Đức dự kiến ở mức 1,1%, vẫn ở dưới mức trung bình 1,3% của Eurozone.

Chuyên gia kinh tế Isabell Koske của OECD cho biết nền kinh tế Đức tăng trưởng chậm chủ yếu là do các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có tỷ trọng lớn hơn so với các quốc gia khác trong khu vực Eurozone. Ví dụ, nước Đức phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga lớn hơn so với Pháp. Điều này khiến giá năng lượng ở Đức tăng cao hơn sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine (U-crai-na), dẫn đến ảnh hưởng lớn tới các ngành sử dụng nhiều năng lượng.

Chuyên gia Koske cũng cho rằng cuộc khủng hoảng ngân sách ở Đức làm tăng thêm sự bất ổn đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình. Ngoài ra, sự thiếu hụt lao động lành nghề hiện là vấn đề lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp Đức.

Chuyên gia Robert Grundke của OECD cho rằng để có thể đưa nền kinh tế Đức trở lại với quỹ đạo tăng trưởng thông thường, việc tài trợ cho các dự án đã được lên kế hoạch cần phải được đảm bảo thực hiện trong thực tế, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và và hộ gia đình. Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và số hóa, quy hoạch cơ sở hạ tầng và năng lực hành chính địa phương cũng phải được cải thiện và giảm bớt gánh nặng hành chính.

Trong khi lạm phát giảm tại những nền kinh tế lớn, OECD cho rằng còn quá sớm để khẳng định các nền kinh tế đã cơ bản kiểm soát được áp lực giá cả. OECD nêu bật một số mối nguy do xung đột Israel (Ích-ra-en)-Hamas và các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen (I-ê-men) vào tàu chở hàng được cho là liên quan đến Israel ở Biển Đỏ. Báo cáo nhấn mạnh căng thẳng địa chính trị tăng cao gây rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế và lạm phát, đặc biệt nếu xung đột tại Trung Đông gây gián đoạn thị trường năng lượng. OECD cảnh báo nếu xung đột lan rộng hoặc leo thang, có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động vận tải ở phạm vi rộng hơn so với dự báo hiện nay, tăng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và đẩy giá năng lượng tăng nếu các tuyến đường biển huyết mạch vận chuyển dầu và khí đốt từ Trung Đông đến châu Á, châu Âu và châu Mỹ bị gián đoạn.

Theo OECD, khoảng 15% khối lượng hàng hóa toàn cầu vận chuyển bằng đường biển di chuyển qua Biển Đỏ vào năm 2022. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi khiến chi phí vận chuyển tăng cao và thời gian giao hàng kéo dài khi các tàu chở hàng phải chuyển hướng quanh cực Nam châu Phi, khiến hành trình dài thêm 1,5 lần. Báo cáo cho biết kế hoạch sản xuất đã bị gián đoạn ở châu Âu, đặc biệt là đối với các công ty chế tạo ô tô. OECD cảnh báo nếu chi phí vận chuyển tiếp tục tăng 100%, giá tiêu dùng có nguy cơ tăng thêm 0,4 điểm phần trăm sau khoảng một năm.

Trước đó, theo tờ Financial Times, 2023 là một năm tích cực với kinh tế thế giới, khi Chỉ số Bất ngờ Kinh tế Toàn cầu của City Group cho thấy các số liệu thực tế trong năm luôn cao hơn dự báo. Các xu hướng kinh tế này cũng đưa ra nhiều lý do để lạc quan về triển vọng của năm 2024.

Thứ nhất, nền kinh tế thế giới đã thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý. Từ năm 2020, kinh tế thế giới liên tiếp hứng chịu các cú sốc do đại dịch, xung đột ở châu Âu và gián đoạn chuỗi cung ứng. Tất cả những yếu tố này gây ra lạm phát cao kỷ lục và chu kỳ tăng lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các nền kinh tế trên thế giới đã thích nghi tốt hơn kỳ vọng và điều này tiếp tục diễn ra trong năm 2023. Theo chỉ số toàn cầu của Fitch Ratings, trong quý III/2023, GDP thế giới cao hơn 9% so với mức trước đại dịch. Các doanh nghiệp đã điều chỉnh lại hệ thống hậu cần, châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi lãi suất tăng cao không dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến. Sức bền này cung cấp một nền tảng vững chắc cho năm 2024.

Thứ hai, lạm phát đang giảm nhanh. Lạm phát toàn cầu ở mức 8,9% vào năm ngoái và dự kiến sẽ giảm xuống 5,1% vào cuối năm 2024. Lạm phát giá thực phẩm - từ lúa mỳ đến dầu ăn - đã giảm mạnh, trong khi giá năng lượng cao cũng đang giảm dần. Các cú sốc của chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch cũng giảm bớt. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn ở mức cao, nhưng là do thị trường việc làm ổn định và tăng trưởng tiền lương nhanh chóng.

Thứ ba, lo ngại về chu kỳ chính sách tiền tệ kiểu “Núi Bàn” (chỉ việc lãi suất tăng cao và duy trì ở mức đỉnh trong thời gian dài, giống như ngọn núi có đỉnh phẳng mang tên Table Mountain tại Cape Town, Nam Phi) đã giảm. Các ngân hàng trung ương lớn hiện có khả năng sẽ giảm lãi suất vào đầu năm 2024, sớm hơn so với dự kiến. Đây là tin tốt cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp. Và mặc dù ba ngân hàng khu vực của Mỹ và Credit Suisse sụp đổ vào tháng 3/2023, hậu quả do lãi suất cao đã được ngăn chặn.

Tiếp đến là sự bùng nổ của thị trường tài chính. Các chỉ số hàng đầu của Phố Wall gần hoặc vượt mức cao kỷ lục trong tháng 12/2023. Thị trường trái phiếu cũng kết thúc năm một cách mạnh mẽ. Và cơ hội "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2024 đã tăng với việc Fed thành công trong việc kiểm soát lạm phát mà không gây nên suy thoái.

Không phải tất cả các nền kinh tế đều được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt. Sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc gây thất vọng trong khi các nền kinh tế Anh và Đức đã chững lại. Nhưng nhiều nền kinh tế khác đang hứa hẹn có triển vọng tốt. Ấn Độ, Mexico (Mê-hi-cô) đang hưởng lợi từ sự thay đổi mô hình thương mại và các nhà đầu tư mong muốn tăng đầu tư vào các thị trường này trong năm tới. Quản lý kinh tế thận trọng cũng được thực hiện tại nhiều nước. Nợ chính phủ của Hy Lạp đã trở lại mức khuyến nghị đầu tư sau một thập kỷ gián đoạn. Các ngân hàng trung ương ở nhiều nước đang phát triển cũng đi đầu trong việc kiểm soát lạm phát.

2023 là một năm tốt đối với lĩnh vực công nghệ như một số người đã mong đợi. ChatGPT đã trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất mọi thời đại và tiếng vang về AI tạo sinh đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán. Việc các doanh nghiệp áp dụng AI tạo sinh vào năm 2024 có thể giúp hỗ trợ tăng năng suất, vốn đã có những dấu hiệu khởi sắc ở Mỹ trong năm nay. Việc phê duyệt đối với thuốc giảm cân, như Wegovy của Novo Nordisk, có thể giúp giảm bớt gánh nặng chăm sóc sức khỏe. Và sự tiến bộ của Toyota về pin thể rắn có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành công nghiệp xe điện.

Mặc dù vậy, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với những thách thức trong năm 2024, từ các cuộc bầu cử cho đến tình trạng nợ công ngày một tăng. Nhưng sau màn thể hiện kiên cường trong năm 2023, vẫn có cơ hội để nền kinh tế thế giới phát triển tốt hơn dự kiến./.

      Minh Trang (Tổng hợp)