Hà Nội (TTXVN 10/8/2023 ) Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, 100 năm ngày sinh nhạc sỹ Xuân Oanh, TTXVN xin trân trọng giới thiệu bài viết vào năm 2015 của tác giả Đỗ Lê Châu, con trai cả của nhạc sỹ Xuân Oanh.
Người con này có lẽ là chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ cha, luôn lấy cuộc đời của cha làm ngọn đuốc cho con đường cách mạng của mình. Nhưng thật không may khi anh Châu mất bệnh vào năm 2016, tròn 60 tuổi ta, vào thời điểm dự định sẽ dành toàn thời gian nghỉ hưu để tiếp nối sự nghiệp Ngoại giao nhân dân mà Xuân Oanh để lại cho “truyền nhân”.
Đây là bài viết mà sinh thời anh Châu đã âm thầm chuẩn bị với mong muốn một ngày nào sẽ kể lại cho họ hàng, bạn bè và mọi người biết thêm về một người vừa là nhân chứng lịch sử, vừa là một chiến sỹ ở tuyến đầu trong cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu của Dân tộc.
Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám năm nay cũng là dịp kỷ niệm lần thứ 5 ngày mất của Nhạc sỹ Xuân Oanh - tác giả khúc tráng ca cách mạng “Mười chín tháng Tám”. Ông đã ra đi mãi mãi chỉ dăm tháng trước dịp kỷ niệm lần thứ 65 ngày ra đời tác phẩm bất hủ của ông, tác phẩm mà mỗi lần nhắc đến, ông lại thêm một lần khẳng định, "mình chỉ là người may mắn được lịch sử chọn để ghi lại bằng âm nhạc khí thế cách mạng long trời lở đất của dân tộc ta trong ngày đứng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến đã bao đời đè nặng để lập nên Nhà nước và Chính quyền nhân dân đầu tiên ở Châu Á".
Xuân Oanh là như vậy, một người luôn khiêm nhường, thậm chí khép kín mỗi khi được người khác nhắc đến với tư cách là một chứng nhân của những ngày Cách mạng Tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội. Ông cũng luôn cố tình không để lại nhiều kỉ vật, di cảo thậm chí chỉ là để con cháu có chút kỷ niệm. Với ông, chỉ riêng việc ông được có mặt tham gia tổ chức cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 đã là điều hết sức may mắn mà ông, một chàng trai con nhà nghèo thất học, từ nhỏ đã phải lang thang phiêu bạt hết nơi này đến nơi khác để vừa kiếm sống, vừa tham gia hoạt động bí mật trong phong trào Việt Minh nhằm giải phóng dân tộc.
Cuộc đời nhiều dấu ấn
Ngày 4/1/1923 là ngày, tháng, năm sinh Xuân Oanh ghi trong lý lịch của ông. Nhưng ông lại bảo ông tuổi Tý, tức cùng thời những người sinh năm 1924. Như vậy, với ngày sinh 4/1, ông hẳn phải sinh vào đầu năm 1925, trước Tết âm lịch sang năm Sửu. Ông bảo ông khai tăng tuổi lên như thế để đủ tuổi được theo Cách mạng. Cha ông, một nhà Nho từ vùng Duyên Hà (Vũ Thư), Thái Bình chạy giặc sang Quảng Ninh, làm phu ở Móng Cái, rồi về ở ẩn tại Thị trấn Quảng Yên, lấy vợ, sinh con, sống bằng nghề thợ may và ở đó cho đến hết đời. Sở dĩ có hoàn cảnh như vậy là do ông nội của Xuân Oanh là chí sỹ Phong trào Đông Kinh nghĩa thục bị Chính quyền Pháp đàn áp phải phiêu bạt khỏi quê hương. Gia đình ly tán, Cha của Xuân Oanh vì thế luôn nuôi trong mình cái chí của một nhà nho yêu nước bị đày đoạ, lưu lạc ngay trên quê hương, đất nước mình. Ông truyền cho các con ông cái chí khí ấy, và sớm gieo vào tâm trí non nớt của Xuân Oanh cái khí phách của người quân tử dám đứng lên bênh vực, bảo vệ chính nghĩa. Ông làm vậy bởi ngay sau khi Xuân Oanh ra đời, ông đã lập lá số tử vi cho con, rồi bảo: "Thằng này nốt ruồi đỏ đầy người, lớn không làm vua cũng làm giặc!"
Nốt ruồi đỏ trên người Xuân Oanh nhiều thì đúng. Và, cho đến hết đời, ông chỉ "nhất nhất" một lòng đi theo Cách mạng, đồng thời động viên tất cả con, cháu trong nhà phải "luôn hết mình vì sự nghiệp chung, cho dù ở đâu, đang làm công việc gì và trong hoàn cảnh thế nào". Bản thân ông, trong 87 năm có mặt trên cõi đời này, ông đã có liên tục 67 năm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có gần 65 năm chiến đấu trong đội ngũ của Đảng. Ông cũng để lại cho đời một số lượng tương đối lớn các tác phẩm nghệ thuật gồm các sáng tác âm nhạc, tranh, thơ và đặc biệt một đội ngũ cán bộ giỏi làm công tác quốc tế nhân dân cùng một mạng lưới bạn bè quốc tế rộng rãi khắp các châu lục ủng hộ nhân dân Việt Nam suốt từ những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cho đến lúc hoà bình, xây dựng đất nước.
Tuổi thơ của Xuân Oanh ngắn ngủi và đầy gian truân. Vốn học giỏi có tiếng ở Thị trấn Quảng Yên, đặc biệt giỏi tiếng Pháp, nhưng ông lại thất học ngay khi vừa hết lớp 4 (theo hệ thống trường Tây ngày xưa). Dạo ấy, ở Thị trấn Quảng Yên có Dinh Thống đốc Pháp cai quản cả vùng Đông Bắc Việt Nam. Cứ đến Tết, ông Thống đốc lại cho gọi một học sinh giỏi trong vùng tới Dinh để đọc diễn văn chào mừng bằng tiếng Pháp. Năm nào Xuân Oanh cũng được nhà trường cử đến, và năm nào vào dịp ấy ông cũng lại được cha may cho một chiếc quần mới rộng thùng thình "phòng lớn" để diện vào Dinh ra mắt quan Tây. Với Xuân Oanh, đó là những năm tháng đẹp nhất đời ông.
Mất mẹ từ năm 6 tuổi và phải sống với gia đình ông cậu em mẹ lênh đênh sông nước suốt nhiều năm, những ngày được đi học đó là "giấc mơ thành hiện thực" với ông. Ông lại có dịp được ở gần người cha thông thái, ham đọc sách và đặc biệt người chị ruột mà suốt đời ông coi "vừa là tri kỷ, vừa là mẹ" của mình. Hình ảnh và hồi ức về người chị theo ông đến tận những ngày cuối đời. Ông thường bảo chị là người có thể và sẵn sàng sẻ chia với ông mọi chuyện trên đời, luôn chăm sóc, dặn dò, khuyên bảo ông từ chuyện đời đến chuyện nhà, cả chuyện phải ăn, phải sống thân phận của đứa trẻ mồ côi ra làm sao... Bức hình thờ duy nhất của người chị ấy chính là bức hình Xuân Oanh vẽ lại từ trí nhớ tuổi thơ của mình khi đã ngoài 70. Thỉnh thoảng nhớ chị, ông lại trầm giọng kể: "Bác Ân đẹp nhất Thị trấn nên bị viên quan năm Pháp bắt về làm vợ. Bác sinh cho ông ta một đứa con rồi ốm mà chết. Viên quan Tây đưa xác bác về nhà cho ông nội con rồi mang người con đi mất". Người chị ấy của ông cũng chính là nhân vật trong bài hát đầu tay của Xuân Oanh, mở đầu bằng tiếng reo vui hồi tưởng lại câu chuyện thường ngày ríu rít giữa hai chị em, "Mai chị về em gửi gì không? Mai chị về nhớ má em hồng..."
Hết năm học lớp 4, một hôm Xuân Oanh được cha gọi đến bên và bảo: "Từ nay con phải tự lo cho mình. Bố chỉ có thể lo được cho con đến đây thôi!" Quả thực, cảnh gà trống nuôi con, tất cả chỉ trông vào cái máy may phục vụ bà con lối xóm ở cái thị trấn nhỏ, nghèo, ông chẳng thể nuôi con học tiếp được. Xuân Oanh lại trở về với dòng sông Chanh thuở xưa, lúc thì mò cua bắt cá bán kiếm tiền, khi thì ngồi ngoài cửa lớp học để học hộ, làm bài hộ mấy người bạn con nhà khá giả để đổi lấy miếng xôi, củ khoai. Ông bảo ông học được âm nhạc, tiếng Trung Quốc và rất nhiều thứ khác nữa từ những buổi ngồi chầu cửa sổ lớp như thế. Và, có lẽ vì cái "dớp" tự học này mà cả cuộc đời của Xuân Oanh sau này cũng đều phải tự học mọi thứ. Ông thành thạo tiếng Anh, Pháp, có thể phiên dịch, thuyết trình bằng tiếng Trung, tiếng Nga, có thể giao tiếp bằng tiếng Đức, Tây Ban Nha và từng đọc diễn văn bằng tiếng Nhật trước cả ngàn người tại một cuộc mít tinh chống bom nguyên tử ở Nagazaki năm 1976, có thể sáng tác hợp xướng, khí nhạc, có thể bình văn, thơ bằng tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp, có thể vẽ tranh nhiều thể loại (và từng có tranh sơn dầu được đưa đi triển lãm quốc tế), có thể làm thợ điện xí nghiệp cho đến sửa chữa mọi thiết bị điện dân dụng, có thể sửa chữa từ máy quay đĩa, ghi âm cho đến quạt máy, tivi, có thể tháo tung máy xe máy ra, có thể sửa đàn piano, đóng giầy, dép, tự may, vá như những thợ may khéo tay nhất và thậm chí có thể làm đầu bếp nấu nhiều món ăn Pháp, Ý chiêu đãi bạn bè...
Với Xuân Oanh, dường như chẳng có gì là không thể. Chỉ tiếc ông không bao giờ có được cơ hội học được bất kỳ cái gì một cách bài bản đến nơi đến chốn. Những cái ông tự học được đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của công tác cách mạng và cuộc mưu sinh. Rất nhiều bài hát đã được ông sáng tác tại chỗ, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ công tác mà ông đang tiến hành. Trong số những tác phẩm đó có bài "Trời sẽ lại trong xanh" và "Trúc đào Nagazaki" ông viết khi tham gia các hội nghị hoà bình thế giới đại diện cho Việt Nam. Cũng chính những tác phẩm mang tính chiến đấu cao ấy sau này đã góp phần mang về cho ông Giải thưởng Nhà nước về Nghệ thuật bên cạnh bài "19-8" được ông sáng tác ngay trong dòng người biểu tình giành chính quyền từ khu vực Giáp Bát - Đuôi Cá tiến về Nhà Hát Lớn trong ngày 19/8/1945.
1940-1945: Ở quê đánh cá, học thuê kiếm ăn một thời gian, Xuân Oanh xin được việc làm ở Xưởng Kẽm của Nhật ở bến Phà Rừng, Quảng Yên, lối sang Hải Phòng. Vốn lanh lợi, học việc nhanh, ông được chủ giao làm thợ điện của nhà máy. Cuộc sống có lẽ sẽ êm đềm như vậy nếu như không có vụ tai nạn điện giật khủng khiếp hất ông rơi từ đỉnh cột điện xuống đất. Ông mê man bất tỉnh năm ngày liền, có lúc tưởng đã theo chị ông sang thế giới bên kia. Khi tỉnh dậy cũng là lúc ông biết mình đã mất việc. Cuộc mưu sinh từ đó lại đưa ông sang các hầm mỏ than ở Hòn Gai, rồi ông dần lang bạt sang Thành phố Cảng Hải Phòng lúc này đang thâm nhập lối sống Tây. Tại đây, ông nhanh chóng gia nhập giới nghệ sỹ trẻ thành phố, đêm thì đàn, hát ở các quán rượu, ngày thì làm gia sư và đủ thứ nghề kiếm sống. Ông quen biết với Nguyễn Đình Thi, Văn Cao và giới trẻ cách mạng ở Hải Phòng từ đây, bắt đầu tiếp cận với các hoạt động ủng hộ Việt Minh. Một thời gian sau, theo bạn bè, Xuân Oanh lên Hà Nội. Ban ngày ông làm thuê ở một hiệu giày gần Bờ Hồ, ở trọ trong căn buồng áp nóc nhà Triển lãm ở góc phố Tràng Tiền đối diện cửa hàng Bách hoá Bờ Hồ, nay là Tràng Tiền Plaza. Tối đến ông đi đàn, hát ở các quán rượu. Nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi lúc này cũng đã lên Hà Nội hoạt động. Gặp lại nhau, Nguyễn Đình Thi vận động Xuân Oanh tham gia Cách mạng. Năm 1944, Xuân Oanh chính thức trở thành thành viên Mặt trận Việt Minh, được phân công làm công tác tuyên truyền, cổ động và hoạt động chủ yếu ở khu vực Nam Hà Nội, từ Đuôi Cá đến Chợ Hôm.
Cũng thời gian này, sau khi được ông chủ hiệu giày khuyến khích "nếu cậu bán giầy được bằng tiếng Anh, tôi sẽ trả thêm tiền công hàng tháng cho cậu", Xuân Oanh bắt đầu tự học tiếng Anh. Cách học của ông rất lạ, bắt đầu từ cái khó nhất là đọc tiểu thuyết và nghe đài. Vốn có "tai nhạc", ông bắt chước phát âm tiếng nước ngoài rất nhanh và chuẩn. Câu chữ, từ ngữ tiếng Anh với ông cũng không mấy khó khăn bởi ông đã giỏi tiếng Pháp. Nhờ thế, sau khi Cách mạng thành công, khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin tiếng Anh đầu tiên là bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới, Xuân Oanh được mời đọc cùng cụ Trần Văn Chương người gốc Huế giỏi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, cũng là người thầy đầu tiên của các thế hệ phát thanh viên, biên tập viên đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.
Ngoài việc làm phát thanh viên tiếng Anh cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Xuân Oanh tiếp tục công tác ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tham gia công tác thông tin, tuyên truyền sau khởi nghĩa. Tới năm 1946, ông chuyển sang công tác tại Ban Dân quân Khu XI gồm Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây. Năm 1947, ông lại chuyển sang Văn phòng Tổng bộ Việt Minh, tới năm 1948 thì được phân công về báo Cứu Quốc, tiền thân của báo Đại Đoàn kết ngày nay. Tại đây, tuy là biên tập viên, Xuân Oanh còn đảm nhận nhiều khâu công việc khác của một toà soạn báo, từ làm hoạ sỹ thiết kế, trình bày, minh hoạ (cùng Hoạ sỹ Trần Đình Thọ, sau là Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam) cho đến làm phóng viên chiến trường, nhân viên xưởng in, phát hành, kiêm luôn thư ký cho Tổng Biên tập Xuân Thuỷ (sau trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam từ 1968 đến 1973). Do biết nhiều ngoại ngữ, ông còn được phân công nghe đài địch để thu tin. Ngoài ra, lãnh đạo còn giao ông làm thêm mục văn nghệ để "vừa giúp bộ đội giải trí, vừa động viên tinh thần chiến đấu của anh em". Ông thường viết về những tấm gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội, sáng tác thơ, nhạc đăng trong mục này. Một lần ông bịa ra hẳn một chuyện về chiến sỹ tình báo ta đột nhập tổ chức địch trong nội thành để hoạt động, bộ đội đọc rất thích. Nhưng khi cụ Trường Chinh đọc được thì giật mình, gọi ông lên để phê bình vì tội "làm lộ bí mật quân sự". Đến lúc nghe Xuân Oanh gãi đầu thích là " bịa ra để địch nó sợ thôi ". Chuyện dừng lại ở đó nhưng cụ Trường Chinh thì nhớ luôn cậu thanh niên vui tính. Tới Đại hội Đảng lần thứ 2 năm 1951, cụ lại nhớ tới Xuân Oanh và gọi ông lên trang trí Hội trường phục vụ Đại hội. Giờ giải lao, khi được cụ yêu cầu hát góp vui, Xuân Oanh liền ứng khẩu luôn một liên khúc hợp khí thế đại hội. Nghe xong, cụ Trường Chinh vỗ vai cười, bảo, "Bài hát của cậu cứ như thơ!" Chẳng biết cụ Trường Chinh khen hay chê, nhưng quả thực hầu hết những bài hát Xuân Oanh sáng tác cả nhạc và lời thì lời bài nào cũng đậm chất thơ. Rồi từ sau kỳ Đại hội Đảng ấy, cuộc đời Xuân Oanh chuyển sang một trang mới -- chuyển sang làm công tác quốc tế nhân dân -- sự nghiệp mà ông gắn bó đến hết đời.
Nơi khởi nghiệp quốc tế nhân dân của Xuân Oanh là Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới của Việt Nam, nay là một bộ phận của Liên Hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam có trụ sở ở 105A Quan Thánh, Hà Nội. Từ đây, ông liên tục tham gia các đoàn đại biểu của Việt Nam kháng chiến từ núi rừng Việt Bắc ra với bạn bè quốc tế, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa. Bằng vốn kiến thức ngôn ngữ, hiểu biết rộng về văn hoá Đông - Tây cùng tài năng nghệ thuật bẩm sinh, ông dễ dàng chinh phục bạn bè quốc tế, lôi kéo, thuyết phục họ ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Chẳng hạn, trong thời gian Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-73), các phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (miền Bắc) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (miền Nam) đều nhận được sự giúp đỡ, quan tâm chăm sóc về mọi mặt của Đảng Cộng sản Pháp. Nhân dịp sinh nhật của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Waldeck Rochet, Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (miền Bắc) tới thăm và làm việc, đồng chí Bộ trưởng Xuân Thuỷ, trưởng đoàn ta băn khoăn vì chưa biết nên tặng đồng chí W. Rochet quà gì cho ý nghĩa, và trao đổi với thư ký của mình. Xuân Oanh bèn nảy ra sáng kiến vẽ một bức chân dung khổ lớn của đồng chí W. Rochet. Bức tranh bằng chì than được vẽ hết sức sinh động khiến đồng chí W. Rochet hết sức hài lòng và bất ngờ. Khi tiếp nhận bức tranh, đồng chí cười rất tươi, cảm ơn và nói với đoàn ta: "Tôi đã hói hết tóc nhưng đồng chí Xuân Oanh đã rất hào hiệp cho tôi thêm mấy sợi đây này, trông trẻ hẳn ra!".
Tiếp đến, trong những ngày công tác tại Hội nghị Paris, được phân công làm công tác Mỹ vận, công việc thường xuyên của Xuân Oanh là làm việc với đại diện Liên đoàn các gia đình Mỹ có thân nhân bị bắt hoặc mất tích ở Việt Nam và đại diện các phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ. Tuyệt đại đa số thành viên của các tổ chức này là những người có tư tưởng cấp tiến, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và chống Chính quyền Mỹ. Họ cũng thuộc các thành phần xã hội hết sức đa dạng ở Mỹ, nhiều người là nhà văn, nhà báo, nhà khoa học có tên tuổi hoặc từng một thời là chính khách, đảm đương những vị trí cao trong xã hội Mỹ như thượng nghị sỹ, hạ nghị sỹ, thống đốc, thị trưởng... Để làm việc với họ một cách hiệu quả, có tác dụng tốt đối với phong trào ủng hộ Việt Nam, Xuân Oanh đã phải tận dụng sở trường của mình về văn hoá, nghệ thuật, khi thì sáng tác nhạc, thơ, khi tổ chức các hoạt động liên hoan văn hoá, nghệ thuật lôi kéo họ. Kết hợp với hiểu biết sâu sắc của ông về đời sống xã hội, văn hoá, nghệ thuật và đặc biệt tâm lý chính trị của tầng lớp thanh niên cấp tiến Mỹ lúc bấy giờ (Híp-pi), Xuân Oanh luôn tìm được cách tiếp cận hợp lý nhất để thuyết phục và lôi kéo các bạn Mỹ. Những người Mỹ và các nước khác mà ông có dịp cộng tác trong giai đoạn này đều trở thành những người bạn thân thiết, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ cả thời gian, vật chất lẫn tiền bạc cho Việt Nam. Những cái tên như Cora và Peter Weiss, Judy Albert, Lady Borton và rất nhiều người Mỹ, Anh, Pháp, Thuỵ Điển khác nữa thậm chí cho tới nay vẫn nặng lòng với Việt Nam, vui buồn cùng mỗi bước thăng trầm của Việt Nam.
Khả năng hoạt động quốc tế đa dạng, hiệu quả của Xuân Oanh cũng nhanh chóng thuyết phục Lãnh đạo cấp trên hai lần biệt phái ông sang Quân đội, một lần làm việc tại Uỷ ban Liên hiệp đình chiến sau Hiệp định Geneve về Việt Nam trong hai năm 1955-56 và một lần vào năm 1972-73 để làm việc với phi công Mỹ bị bắn rơi và bị bắt sau các vụ oanh kích miền Bắc Việt Nam. Đợt biệt phái năm 1955-56 là thời kỳ ông được đặt chân đến hầu khắp mọi miền đất nước Việt Nam trong thành phần phái đoàn Uỷ ban Đình chiến quốc tế, giúp ông tích luỹ thêm thật nhiều kinh nghiệm quý báu cho hoạt động quốc tế sau này. Kết thúc đợt công tác biệt phái này, Xuân Oanh trở lại Uỷ bảo Bảo vệ Hoà bình Thế giới của Việt Nam. Năm 1961, một lần nữa ông lại được Cấp trên biệt phái sang phục vụ Hội nghị Geneve về Lào kết thúc năm 1962. Trở về từ Geneve, Xuân Oanh lại tiếp tục công tác tại Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình thế giới của Việt Nam. Đây là thời kỳ Mỹ bắt đầu phát động cuộc không kích ra miền Bắc Việt Nam. Là cán bộ dân vận quốc tế, Xuân Oanh tổ chức và trực tiếp thực hiện nhiều chuyến đi của bạn bè quốc tế, đặc biệt là bạn Mỹ, đến những vùng chiến sự ác liệt nhất ở miền Trung, giúp bạn bè thấy rõ bộ mặt thật của cuộc chiến do người Mỹ phát động ở Việt Nam.
Từ 1968 đến 1972 Xuân Oanh lại được biệt phái phục vụ Hội nghị Paris về Việt Nam, đại diện cho Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới của Việt Nam và Uỷ ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ tại hội nghị. Đây chính là thời kỳ rực rỡ nhất trong hoạt động quốc tế nhân dân của Xuân Oanh. Nói là ở Paris, nhưng hầu như suốt thời gian Hội nghị, ông bay tới hầu hết mọi châu lục, từ Mỹ Latinh đến châu Phi, châu Á và hầu khắp mọi nẻo đường châu Âu. Bất cứ nơi nào có hoạt động quốc tế vì hoà bình, chống chiến tranh, đoàn kết với nhân dân Việt Nam là ông có mặt, nói chuyện, vận động, kết nối, tổ chức sự kiện.... Từ Paris trở về sau 4 năm biền biệt, Xuân Oanh lại lập tức được biệt phái trở lại Quân đội với quân hàm Trung tá, làm Phó Đoàn 875 thuộc Tổng cục Chính trị, trực tiếp phụ trách công tác với tù binh Mỹ. Hiểu biết của ông về nước Mỹ, người Mỹ cùng kinh nghiệm công tác của ông với gia đình tù binh Mỹ ở Paris đã giúp ông nhanh chóng chinh phục được các tù binh Mỹ. Ông làm việc trong Quân đội cho đến khi người tù binh Mỹ cuối cùng được trao trả cho phía Mỹ vào năm 1973. Sau đó, ông trở lại công tác quốc tế nhân dân, làm nhiều công việc khác nhau từ Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam tới Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, cho tới đầu năm 1991 ông mới được nghỉ hưu ở tuổi 68 sau gần 18 năm liên tục làm Vụ phó, Vụ trưởng rồi Cố vấn bậc II của hai cơ quan trên.
1991 - 2010: Vài tháng sau khi nghỉ hưu, dường như không chịu nổi cảnh nhàn rỗi sau rất nhiều thập kỷ làm việc với cường độ, tần suất cao, Xuân Oanh "tái khởi động" công việc yêu thích mà ông đã bỏ một thời gian dài dịch sách, sáng tác nhạc, làm thơ và vẽ. Đều đặn từ đó, mỗi năm ông dịch từ ba tới bốn tác phẩm văn học Mỹ ra tiếng Việt, vài ba đầu sách từ tiếng Việt ra tiếng Anh hay Pháp, chuyển ngữ và biên tập các bài báo tiếng Việt sang tiếng Anh, Pháp cho các báo, tạp chí bằng tiếng nước ngoài, làm bản tin tiếng Anh, Pháp theo yêu cầu của một số báo, công ty dịch thuật... Giờ giải lao giữa những tranh sách dịch, ông vẽ tranh, thường là sơn dầu trên gỗ ván, sáng tác ca khúc và phổ nhạc những bài thơ ông chợt bắt gặp, yêu thích.
Thời kỳ trước năm 1995, khi người vợ đã đồng hành cùng ông từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám đang ở những năm cuối đời, bị di chứng của những ngày tháng bị Thực dân Pháp giam cầm, tra tấn trong Nhà tù Hoả lò hành hạ, Xuân Oanh toàn tâm, toàn ý chăm lo cho bà. Ba bản tình ca đặc sắc của ông viết trong những năm này -- Gọi Thu, Em Ra Đi (thơ Nguyễn Thị Hồng) và Hương Nhài (thơ Lê Kim Giao) đều là những bài hát ông viết riêng cho bà, bằng chính nét giai điệu ông đã luôn dành cho bà. Nét giai điệu này xuyên suốt cuộc tình của ông bà, từ Rừng Việt Bắc cho tới Paris nơi ông phải xa bà và ba đứa con "nghịch như quỷ sứ" cho tới những ngày cuối cùng bên bà. "Hoa Nhài là hoa mẹ các con thích nhất," ông thường bảo các con. "Và mẹ các con cũng trắng trong, thơm ngát tựa hoa nhài".
Mất người bạn đời, người mà ông luôn coi "là vợ, là chị, là mẹ" của mình, Xuân Oanh như rơi xuống vực thẳm. Hàng tháng trời ông không thiết và không thể làm gì, cũng không muốn gặp gỡ ai hay viết lách gì. Bức thư ngắn báo tin cho bà bạn già Judy Albert ở tận bang Oregon nước Mỹ nhân trả lời thư của bà là duy nhất những gì ông viết những ngày ấy. "Tôi chẳng còn làm được gì ngoài việc tự an ủi mình, an ủi các con, cháu", ông chia sẻ với Judy, người phụ nữ từng cầm đầu một nhóm thanh niên Híp-pi Mỹ sang tận Paris tổ chức biểu tình chống chiến tranh Việt Nam và từ đấy trở thành bạn ruột của nhân dân Việt Nam. Thời kỳ "suy sụp" này của Xuân Oanh kéo dài khoảng 5 năm. Cho tới cuối đời, bất chấp mọi thuyết phục của các con, cháu muốn nâng cấp điều kiện sống của ông, ông luôn tìm mọi cách giữ nguyên căn phòng như thời bà còn sống, không cho phép bất kỳ thay đổi, sửa chữa bất cứ gì trừ khi ông tự tay làm. Có cảm giác như ông "sợ bà không biết đường về nhà với ông". Thậm chí ông cũng không muốn đi đâu khỏi căn nhà, dù chỉ một đêm. Cho tới trước khi mất ít lâu, ông mới nhận lời đến ở nhà người con lớn một tuần để chơi với "cháu đích tôn", nhưng cũng chỉ được vài ngày là ông đòi về căn nhà quen thuộc của mình vì "sợ bạn bè đến tìm mà không gặp được".
Sự thực thì Xuân Oanh trở lại được cuộc sống bình thường phần lớn là nhờ các bạn của ông trong giới văn hoá, nghệ thuật. Những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc, nghệ thuật Việt như Nhạc sỹ Huy Du, Giáo sư Đình Quang, Nhạc sỹ Hồng Đăng, Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, Nhạc sỹ Chu Minh, Nhạc sỹ Trương Tuyết Mai, Ca sỹ Lê Dung, Ca sỹ Thanh Hoa, Thiếu tướng yêu văn nghệ Bắc Việt, Nhà báo Lê Tiến, Nhà báo Nguyễn Phú Cương... thường xuyên qua lại thăm nom, lấy căn buồng nhỏ của ông làm nơi tụ họp. Điều đó đã giúp nhóm lại trong ông ngọn lửa sáng tạo nghệ thuật và tình yêu cuộc sống. Cộng sự cũ của ông nay đã nghỉ hưu cũng tôn ông làm "Lão Đại" của nhóm và thường xuyên thăm ông, khơi lại trong ông ham muốn làm việc...
Cuộc trở lại với nghệ thuật lần này khiến cho 10 năm cuối đời, Xuân Oanh chẳng khác gì "chim sổ lồng". Ông sáng tác nhiều, vẽ nhiều, dịch, viết rất nhiều trong giai đoạn này. Tuy nhiên, ông không lưu giữ lại bất cứ gì, hệt như những ngày trẻ lang thang kiếm cơm thuở xưa. Con cháu muốn giữ các tác phẩm của ông làm kỷ niệm thì phải nhanh chóng "gạ mua" tác phẩm ngay khi chúng bắt đầu hình thành trên giá vẽ hay trong khuông nhạc trên giấy. Ấy vậy nhưng kể cả khi tác phẩm chưa hoàn thành, nếu có người bạn nào thích, ông lập tức cho luôn rồi bảo các con, "Để bố đền cho cái khác hay hơn!" Tất nhiên, lũ trẻ con, cháu ông không bao giờ lấy thế làm buồn. Bất kỳ điều gì giúp ông vui là chúng đều rất vui!
Những tháng, ngày cuối
Bước vào năm 2009, sức khoẻ Xuân Oanh xa sút nhiều. Ông không còn cuốc bộ ra phố vào bất cứ lúc nào như trước nữa. Những cuộc tụ tập bia hơi, lạc luộc mỗi chiều ở Cửa Nam với bạn bè nghệ sỹ cũng thưa dần. Nhiều nghệ sỹ, bạn thân cùng trang lứa cũng đã đau ốm, đi lại khó khăn, nhiều người đã ra đi. Và khác trước, Xuân Oanh đã bắt đầu lo cho sức khoẻ của mình. Vốn "kỵ" bệnh viện do trước năm 1945 đã có lần đã suýt chết trong nhà thương tế bần nên cả đời ông hầu như không khám bệnh, không nằm viện, thậm chí không lưu giữ cả y bạ tiêu chuẩn cán bộ cao cấp, ông lẳng lặng nhờ người bạn là bác sỹ có phòng khám tư kiểm tra tổng thể cho mình. Như mọi lần, mọi chỉ số đều rất tốt, trừ "một khối u nhỏ trong màng phổi", người bác sỹ buồn rầu thông báo cho người con lớn của ông. Bạn bè và con cái lập tức quyết định giấu biệt tin này nên Xuân Oanh vẫn nghĩ rằng ông chỉ bị viêm phổi rất nặng, phải bỏ thuốc lá. Thế là ông lại chia tay với thuốc lá. Nhưng rồi cũng chẳng được lâu. Vài tháng sau, khi bệnh lui một chút, ông lại hút thuốc cho tới khi không còn có đủ sức hút được nữa vào dịp sinh nhật lần thứ 87 và Tết Canh Dần 2010, đem tặng cái bật lửa Zippo bất ly thân của ông. Đó cũng là cái Tết cuối cùng của ông trên Trần gian.
Xuân Oanh trở lại hút thuốc vì ông không biết mình bị ung thư và chỉ còn sống được nhiều lắm là 6 tháng nữa, tức là sang đầu 2010. Tới lúc này, dường như sự thúc giục của bạn bè đã ngấm vào ông sau nhiều năm từ chối -- đó là viết hồi ký. Mệt không đi đâu được, phần lớn thời gian lúc này của ông chỉ còn là ngồi trước màn hình máy tính sau những đêm thức xem bóng đá quốc tế. Mỗi ngày ông viết chừng 15 trang, bắt đầu bằng kỷ niệm Cụ Lê Đức Thọ dặn dò, chia tay ông trước khi lên đường sang Hội nghị Paris về Việt Nam năm 1968. Người con trai lớn chiều nào cũng tạt về thăm ông là độc giả đầu tiên của những trang hồi ký đậm đặc thông tin ấy. Bỗng một hôm anh không còn tìm thấy gì trong máy tính nữa. Hỏi thì ông bảo: "Bố xoá hết rồi. Mình là người của tổ chức, nói nhiều về mình đâu có hay!" Người con chỉ còn biết tiếc hùi hụi mà không biết phải làm gì. Xuân Oanh là vậy, đã quyết là không đổi!
Hai tháng cuối sức khoẻ Xuân Oanh suy giảm nhanh chóng. Ông không còn tự phục vụ được nữa. Ông cũng thường xuyên phải truyền nước và kháng sinh liều rất cao. Mặc dù vậy, mỗi khi có bạn bè tới thăm, ông đều cố gượng dậy nói chuyện vui vẻ để bạn bè yên lòng. Sinh nhật lần cuối cùng ngày 4-1-2010, ông vẫn tổ chức để bạn bè, con cháu đến chung vui. Sự có mặt của người con trai út vượt nửa vòng trái đất về thăm cha có lẽ là điều khiến ông cảm động nhất. Đã rất lâu ông mới có được cả ba người con trai cùng lúc bên cạnh! Sau sinh nhật là Tết, Xuân Oanh vẫn gắng tổ chức một cái Tết hệt như những ngày còn khoẻ. Cũng đầy đủ rượu, bia, bánh, mứt, kẹo, Chiều 30 bắt xe ôm vào Chùa thắp hương mời bà về ăn Tết, sáng mùng Một con cháu tề tựu đông đủ nâng cốc rượu chúc mừng năm mới, mừng tuổi râm ran. Nhưng Tết xong là những ngày bệnh ông phát mạnh. Đêm mùng 8 Tết, khi cảm thấy khó thở, ông gọi con trai và người em gái sống cạnh nhà đưa đi cấp cứu. Trong lúc đợi xe, ông vẫn tự tay tắt mọi đồ điện trong nhà, cẩn thận khoá cửa rồi mới chịu lên xe đi cấp cứu. Tiếp nhận ông, cô bác sỹ trực kinh hãi bảo, "chỉ chậm dăm phút nữa thì không thể cứu được ông nữa!" Nghe vậy, ông vẫn cố nở nụ cười cảm ơn!
Đó là lần nằm viện cuối cùng của Xuân Oanh. Tuần đầu, khi chưa bị mở khí quản, ông vẫn còn vui vẻ tiếp bạn bè, con cháu tới thăm, hứa sẽ viết bài hát tặng riêng Bệnh viện Hữu nghị. Mấy cô bác sỹ, y tá biết rõ bệnh tình của ông nhưng không thể không bị cuốn theo sự lạc quan của ông. Họ kinh ngạc không thể hiểu vì sao ông có thể lạc quan, hài hước được khi mà trong phổi ông có đến 4 lít dịch có thể giết chết ông bất cứ lúc nào. Nhưng rồi chỉ được vài hôm người ta phải chuyển ông sang Khoa Hồi sức - Cấp cứu, mở khí quản để đặt máy thở cho ông. Không nói được, ông kê vở lên bụng viết để giao tiếp. Những câu chuyện lạc quan, hài hước lại tiếp tục. Ngày tỉnh táo cuối cùng trước khi đi mãi, ông kê vở lên bụng, cố viết nắn nót "Xưa oanh liệt, giờ là Oanh 'liệt'!", bè bạn đến thăm phì cười trong nước mắt.
Xuân Oanh ra đi vào lúc 4 giờ 5 phút sáng, nhẹ nhàng, thanh thản sau một giấc ngủ dài từ tối hôm trước. Tới lúc này người con trai lớn của ông vẫn ân hận, tiếc đã không hiểu cha đã dặn dò những gì. Chiều hôm trước, trên đường đi công tác về, anh đã ghé vào Viện thăm ông trước khi quay trở lại vào buổi tối để trông ông đêm hôm đó. Ông tỉnh dậy, mở mắt to, nắm tay người con cố nói một tràng dài. Nhưng vì khí quản đã mở, ông không nói được thành tiếng, Người con cố đọc môi ông nhưng rất khó hiểu vì ông đã móm hết răng. Ông không chịu viết, chắc do không thể viết dài. Các loại máy móc cũng không cho ông ngồi dậy được. Nhưng dù ông dặn dò gì, chắc chắn vẫn là tiếp tục câu chuyện ông thường nói với các con mà không phải là trăng trối chuyện hậu sự. Đó không phải thói quen của một Xuân Oanh luôn lạc quan, yêu cuộc sống, hệt như ông nói trong email cuối cùng cho con trai út ngay trước khi vào viện lần cuối: "Bố tin ở số mệnh. Chưa đến lúc phải ra đi thì dù Tử thần có gọi mấy cũng vẫn coi như không nghe thấy gì... Con cứ yên tâm. Hãy tiếp tục sống và làm việc theo cách con nghĩ và con muốn, đừng bận tâm lo gì nhiều về Bố!".
Đỗ Lê Châu
Phần 2: Tuổi trẻ và Cách mạng
Phần 3: Xuân Oanh - Nhà Ngoại giao nhân dân
Phần cuối: Bài hát Mười chín Tháng Tám đã ra đời như thế nào?