Phát biểu của Trung tướng Trịnh Văn Quyết tại Hội thảo khoa học "Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm"

Hà Nội (TTXVN 13/04/2023) Phát biểu của Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo khoa học "Chiến thắng Thượng Lào 1953 tại Hội thảo khoa học "Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm", tổ chức tại Sơn La ngày 13/04/2023.

      Vào những ngày này 70 năm trước, Đảng, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào giành thắng lợi. Chiến thắng Thượng Lào 1953 đã mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng hai nước Việt Nam, Lào; góp phần tạo nên biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

      Thượng Lào là một địa bàn chiến lược quan trọng, được coi là hậu phương an toàn của thực dân Pháp. Sau thắng lợi trên chiến trường Tây Bắc 1952, vùng giải phóng của cách mạng Việt Nam được mở rộng tới sát Thượng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng hai nước đẩy mạnh phối hợp tiến công địch. Nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào, đầu năm 1953, tướng Xalăng - Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ (Việt Nam), chia chiến trường Thượng Lào thành hai khu vực phòng thủ là Mê Kông và Trấn Ninh, trong đó tập trung xây dựng Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố, tương tự tập đoàn cứ điểm Nà Sản ở Tây Bắc Việt Nam, coi đó là khu vực quan trọng trong hệ thống phòng thủ nhằm ngăn chặn hoạt động phối hợp của cách mạng hai nước Việt Nam, Lào. Ngoài ra, tại Xiêng Khoảng, địch cũng tăng thêm 1 tiểu đoàn quân đội Vương quốc Lào để phối hợp tác chiến.

     Trước âm mưu và hoạt động của địch, cuối tháng 1 năm 1953, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đánh giá: Mặc dù địch đã tăng cường phòng thủ nhưng vùng Thượng Lào vẫn là chỗ yếu và sơ hở của địch. Do ở xa, khả năng tăng viện, tiếp tế khó khăn và dễ bị chia cắt nên tinh thần binh lính phái hữu Lào yếu kém, khả năng chiến đấu thấp. Trong Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cho đến nay, chúng ta giúp kháng chiến Miên - Lào chưa đúng mức.

     Từ nay chúng ta phải cố gắng giúp hơn nữa. Ta phải nhận rõ rằng: Hai dân tộc anh em Miên - Lào được giải phóng, thì nước ta mới được giải phóng thật sự và hoàn toàn”[1].

      Trên cơ sở đó, Tổng Quân ủy thông qua phương hướng mở Chiến dịch Thượng Lào, phối hợp với quân và dân Lào tiến công địch ở Sầm Nưa, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, xây dựng căn cứ đứng chân cho cách mạng Lào, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện thúc đẩy cách mạng hai nước, đồng thời rèn luyện cho bộ đội cách đánh tập đoàn cứ điểm. Ngày 3 tháng 2 năm 1953, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào.

     Do tính chất và tầm quan trọng của chiến dịch đối với sự nghiệp kháng chiến của hai dân tộc, Đảng, Chính phủ, Quân đội hai nước Việt Nam, Lào đã thống nhất quyết tâm huy động một lực lượng lớn các đơn vị tham gia. Phía Việt Nam gồm Đại đoàn 308 (3 trung đoàn), Đại đoàn 312 (2 trung đoàn), Đại đoàn 316 (1 trung đoàn) tiến công địch trên hướng chủ yếu (Sầm Nưa); Đại đoàn 304 (3 trung đoàn) tiến công địch ở hướng thứ yếu (Xiêng Khoảng) và Trung đoàn 148 tiến công địch ở hướng phối hợp (lưu vực sông Nậm Hu), cùng các đơn vị binh chủng, các đoàn Quân tình nguyện Việt Nam đang hoạt động tại Thượng Lào. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào có 5 đại đội và hàng nghìn dân quân du kích các tỉnh trong địa bàn chiến dịch. Bộ Chỉ huy Chiến dịch gồm: Phía Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Cung cấp; phía Lào, Hoàng thân Xuphanuvông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, đồng chí Xỉngcapô Xỉkhốtchunlạmaly - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào và đồng chí Thao Makhảy Khămphithun - Bí thư Tỉnh ủy Sầm Nưa.

     Đặc biệt, để bảo đảm hậu cần chiến dịch, Hội đồng Cung cấp Mặt trận được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến các liên khu, tỉnh. Hội đồng Cung cấp Trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng - Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Văn Trân - Tổng Thanh tra Chính phủ làm Phó Chủ tịch.

       Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và tinh thần, ý chí quyết tâm cao, Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 1953. Sau 3 tuần vận động tiến công, truy kích địch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.800 quân địch (1/5 tổng số quân địch ở Lào), đánh tan 3 tiểu đoàn và 3 đại đội ở Sầm Nưa, 8 đại đội ở khu vực sông Nậm Hu và hàng trăm địch ở Mặt trận Đường 7 - Xiêng Khoảng; giải phóng 5 vị trí và bức rút 25 vị trí khác; giải phóng khoảng 40.000km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc các tỉnh Luông Pha Băng và Phông Xa Lỳ.

       Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu giữa Quân đội cách mạng và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào. Thắng lợi đó tạo tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của hai dân tộc vững bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

      70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Thượng Lào 1953 vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Tại Hội thảo hôm nay, Ban Chỉ đạo rất mong các đại biểu, các nhà khoa học, bằng phương pháp luận khoa học, tư duy đổi mới sáng tạo và hoạt động thực tiễn của cơ quan, đơn vị mình, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc một số nội dung chủ yếu sau:

      Một là, phân tích làm rõ tình hình chiến trường ba nước Đông Dương, đặc biệt là chiến trường Việt Nam, Lào; âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp đối với Thượng Lào; vị trí địa chiến lược của khu vực Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào đối với cục diện chiến trường ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

      Hai là, khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự chỉ đạo, điều hành chiến dịch xuất sắc của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Phân tích làm rõ quyết tâm, quá trình chuẩn bị chiến dịch của cả Việt Nam và Lào; công tác bảo đảm vũ khí trang bị, hậu cần; việc huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch.

       Ba là, tái hiện diễn biến, những tình huống phát sinh trong thực hành chiến dịch; qua đó phân tích, làm rõ vai trò của Bộ Chỉ huy Chiến dịch cũng như chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch trong việc chủ động, linh hoạt và kịp thời chuyển từ đánh công kiên sang đánh vận động truy kích khi địch rút chạy; việc vận dụng các hình thức chiến thuật; làm nổi bật bước phát triển về nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật chiến dịch nói riêng. Bên cạnh đó, cần khách quan đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm khi xử lý các tình huống, chưa kịp thời chuyển sang truy kích địch của một số đơn vị.

        Bốn là, khẳng định những nhân tố làm nên thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953. Đó là tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt giữa hai Đảng, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; là nhân tố chính trị, tinh thần, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, thực hiện đúng phương châm “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”; về huy động và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, v.v..

     Năm là, nêu bật tầm vóc, ý nghĩa, phân tích và làm rõ nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là những vấn đề mới đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vun đắp, bảo vệ và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới. Đồng thời, góp phần thiết thực giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết Việt Nam - Lào cho toàn quân, toàn dân, nhất là thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới.

 [1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 18.