Phát biểu của Trung tướng Trịnh Văn Quyết trong Hội thảo khoa học "Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm"

Hà Nội (TTXVN 13/04/2023) Phát biểu của Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong Hội thảo khoa học "Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm"

        Xuân - Hè 1953, trên chiến trường Thượng Lào, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào mở Chiến dịch Thượng Lào (còn gọi là Chiến dịch Sầm Nưa) để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, kết thúc chiến dịch, liên quân Việt Nam - Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.800 tên địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, bao gồm tinh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc các tỉnh Luông Pha Băng và Phông Xa Lỳ, với hơn 300.000 dân...[1]. Thắng lợi của chiến dịch đã góp phần khẳng định tinh thần quốc tế vô sản cao cả, tình đoàn kết đặc biệt, gắn bó kéo sơn giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào, tạo ra một cục diện mới trên chiến trường Đông Dương, đánh dấu bước phát triển mới của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó hoạt động công tác đảng, công tác chính trị là một trong những yếu tố quan trọng, nổi bật ở một số nội dung sau:

       1. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng, củng cố ý chi quyết tâm chiến đấu cho bộ đội được coi trọng và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm

Trong tác chiến chiến dịch, để tiêu diệt địch, bảo vệ lực lượng ta và giành thắng lợi trước đối phương đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, không ngại hy sinh, gian khổ. Để bảo đảm giành thắng lợi trong Chiến dịch Thượng Lào 1953 - chiến dịch tiến công đầu tiên có sự phối hợp chiến đấu giữa các đại đoàn chủ lực, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Lào trong hoàn cảnh xa hậu phương chiến lược, đường cơ động khó khăn, vấn đề giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng và củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội là một trong những nhiệm vụ được Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy đặc biệt coi trọng.

Với tinh thần đó, ngày 1 tháng 4 năm 1953, Trung ương Đảng chỉ thị cho Tổng Quân ủy, các đại đoàn ủy và Ban Cán sự Thượng Lào, trong đó nhấn mạnh: “Trong việc lãnh đạo tư tưởng, cần xây dựng một quyết tâm vững chắc, phát huy tinh thần tích cực tiêu diệt địch, anh dũng chiến đấu, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, đồng thời phải đề phòng tư tưởng chủ quan khinh địch cũng như những diễn biến phức tạp của tư tưởng khi gặp hoàn cảnh khó khăn...”[2]. Để động viên cán bộ, chiến sĩ nói chung, định hướng nội dung công tác đảng, công tác chính trị nói riêng, ngày 3 tháng 4 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Thượng Lào. Người căn dặn: “Lần này là lần đầu tiên các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình...”[3].

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy, ngày 6 tháng 4 năm 1953, Tổng cục Chính trị ban hành “Chỉ thị công tác chính trị Chiến dịch X” (Chiến dịch Thượng Lào). Chỉ thị xác định rõ 3 nhiệm vụ chính của công tác đảng, công tác chính trị chiến dịch: “1. Phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, bền bỉ, gan dạ của bộ đội, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu; 2. Phát huy những đặc sắc về chiến thuật, kỹ thuật của ta bảo đảm thực hiện những yêu cầu quân sự để hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch và tiến lên nâng cao sức chiến đấu của bộ đội; 3. Phát huy tinh thần quốc tế chân chính, bảo đảm chấp hành chính sách đoàn kết quốc tế”[4].

Quán triệt và thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Tổng cục Chính trị, Đảng ủy, chỉ huy, cơ quan Chính trị các đơn vị tham gia chiến dịch đã chủ động mở hội nghị quân chính nhằm quán triệt, triển khai nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ; lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tham gia chiến dịch tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm, ý chí chiến đấu cho bộ đội; chủ động, tích cực khắc phục khó khăn, tranh thủ thời gian làm công tác chuẩn bị, nhanh chóng ổn định kiện toàn các tổ chức, bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất, hậu cần kỹ thuật, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Chú trọng lãnh đạo tư tưởng khi hành quân từ hậu phương đến khu vực tập kết và từ khu vực tập kết cơ động sang chiến trường Thượng Lào. Tập trung lãnh đạo, động viên tinh thần, quyết tâm chiến đấu của bộ đội, kết hợp tốt với kỹ thuật, chiến thuật; “qua kỹ thuật và chiến thuật dựa trên cơ sở tích cực diệt địch mà giải quyết tư tưởng, xây dựng quyết tâm cho bộ đội”[5]. Do vậy, ngay từ bước chuẩn bị, công tác đảng, công tác chính trị đã giải quyết được phần nào thắc mắc của bộ đội về đánh tập đoàn cứ điểm, về bôn tập, củng cố quyết tâm, tin tưởng vào nhiệm vụ chiến đấu.

        2. Bảm sát diễn biển chiến dịch, kiên quyết giữ vững chỉ huy, kịp thời, nhạy bén, động viên, cổ vũ bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ

Trong suốt chiến dịch, công tác đảng, công tác chính trị đã phát huy tốt vai trò quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Tổng Quân ủy Việt Nam, của Chính phủ kháng chiến Lào đến với cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, quần chúng, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, động viên bộ đội, phát huy tinh thần, ý chí chiến đấu, mưu trí, dũng cảm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.   

Công tác đảng, công tác chính trị trong Chiến dịch Thượng Lào 1953 có những điểm khác với các chiến dịch khác. Bởi theo kế hoạch, ngày 8 tháng 4 năm 1953, bộ đội ta bắt đầu hành quân theo 3 cánh vào Lào, đêm 14, sáng ngày 15 tháng 4 khống chế sân bay và bao vây thị xã, tối 17 tháng 4 sẽ bắt đầu công kích. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng ta đang cơ động, đêm 12 tháng 4 năm 1953, địch rút chạy khỏi Sầm Nưa. Trước tình thế chiến dịch thay đổi bất ngờ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm truy kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch rút lui. Phối hợp với các mặt công tác khác, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đã bám sát diễn biến của chiến dịch, kiên quyết giữ vững chỉ huy, chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh và nhiệm vụ chiến đấu, kỷ luật chiến trường và chính sách quốc tế của Đảng ta, nhanh chóng ổn định tổ chức, giải quyết vấn đề phát sinh, như: Bộ đội mệt mỏi, tinh thần căng thẳng, công tác cung cấp, về chiến thuật, kỹ thuật,... để tổ chức lực lượng truy kích địch nhanh nhất, hiệu quả nhất. Phát huy vai trò lãnh đạo của các chi bộ, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ; coi trọng công tác cổ động chiến trường, tích cực động viên tinh thần anh dũng, ngoan cường, khắc phục những hiện tượng tiêu cực, dao động, bi quan, sợ thương vong, nâng cao lòng tin, ý chí quyết tâm bám đuổi truy kích, tiêu diệt địch. Theo đó, các đơn vị đã chủ động truy kích, tiêu diệt địch suốt 7 ngày đêm liên tục trên quãng đường dài 270km, trong đó có nhiều trận đánh tiêu biểu, như trận Mường Hàm (đêm 13.4.1953) của Tiểu đoàn 888 Trung đoàn 176 Đại đoàn 316, bắt hầu hết quan chức đứng đầu thị xã Sầm Nưa, thực hiện thắng lợi trận mở màn truy kích địch; trận Nà Noọng (14.4.1953) của Trung đoàn 98 Đại đoàn 316, diệt và bắt 300 tên địch...

Bên cạnh đó, công tác củng cố tổ chức, cứu chữa thương binh, bệnh binh, giải quyết liệt sĩ trong tác chiến truy kích cũng được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Cơ quan Chính trị Chiến dịch đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị nhanh chóng thu dọn chiến trường; ổn định tổ chức, biên chế; nắm chắc tình hình tư tưởng bộ đội, chủ động đấu tranh khắc phục những biểu hiện chủ quan khinh địch, thiếu cảnh giác, lỏng lẻo về kỷ luật; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và bình công khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến đấu; kịp thời khuếch trương chiến thắng và động viên bộ đội sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Thực tiễn tác chiến truy kích địch trong Chiến dịch Thượng Lào 1953 đã minh chứng: “Công tác đảng, công tác chính trị muốn bảo đảm cho nhiệm vụ tác chiến càng cần phải khẩn trương, linh hoạt, đi sát với yêu cầu quân sự”…[6].

        3. Chủ trọng lãnh đạo tư tưởng và tổ chức công tác cung cấp, phát huy tốt vai trò của lực lượng dân công và nhân dân địa phương nơi diễn ra chiến dịch

Là chiến dịch quy mô lớn, diễn ra trên chiến trường nước bạn Lào, xa hậu phương chiến lược, không gian rộng, địa hình chủ yếu là rừng núi, dân cư thưa thớt và kinh tế nghèo nàn, cho nên vấn đề công tác cung cấp nhằm bảo đảm lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị cho quân số trên 45.000 người gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thức rõ đặc điểm tình hình và những khó khăn về công tác bảo đảm cung cấp cho chiến dịch, ngay từ bước chuẩn bị chiến dịch, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy và cơ quan Chính trị Chiến dịch đã chỉ rõ nhiệm vụ của công tác cung cấp; yêu cầu, biện pháp nhằm tăng cường giáo dục cho mọi người thấy được tầm quan trọng của công tác cung cấp và những khó khăn để từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức và từng cá nhân.

Công tác đảng, công tác chính trị đã bám sát diễn biến của chiến dịch, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung cán bộ thực hiện nhiệm vụ cung cấp, tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Tăng cường lãnh đạo nâng cao nhận thức về trách nhiệm chung đối với công tác cung cấp, thái độ và trách nhiệm phục vụ của nhân viên cung cấp; cải tiến tác phong công tác, xây dựng lề lối làm việc khẩn trương, chu đáo, cụ thể; tích cực phòng không, phòng gian bảo mật; thưởng, phạt kịp thời nhằm giáo dục, khuyến khích và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua. Nhờ đó, trong suốt chiến dịch, công tác cung cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững sức khỏe bộ đội, bảo đảm tốt cho việc tác chiến truy kích dài ngày, liên tục.

Cùng với động viên công tác cung cấp, cơ quan chính trị chiến dịch đã chỉ đạo cấp ủy các đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho lực lượng dân công về ý nghĩa chiến dịch, vai trò của dân công đối với chiến dịch; kịp thời giải quyết tình hình tư tưởng, khó khăn nảy sinh, khi phải vận chuyển một khối lượng hàng hóa, hậu cần rất lớn, liên tục, khoảng cách rất xa, phục vụ bộ đội hành quân liên tục. Đặc biệt, khi tình huống chiến dịch thay đổi, bộ đội phải nhanh chóng chuyển sang truy kích liên tục, cơ quan chính trị chiến dịch tập trung động viên dân công quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần, sức mạnh đoàn kết giữa bộ đội và dân công, kịp thời phục vụ bộ đội có đủ lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men, đáp ứng yêu cầu của tác chiến truy kích, giảm bớt thương vong.

Nhờ lãnh đạo tốt tư tưởng và phát huy tốt vai trò lực lượng dân công phục vụ, chỉ tính riêng hoạt động cung cấp từ trung tuyến đến tiền tuyến, chiến dịch đã huy động được 62.500 lượt dân công, bảo đảm tiếp tế được 6.300 tấn lương thực, 200 tấn muối, 480 tấn thực phẩm, 166 tấn vũ khí[7]. Phong trào thi đua tăng năng suất trong lực lượng dân công được phát huy tốt. Các đoàn dân công Hậu Lộc, Thiệu Hóa (Thanh Hóa) năng suất vận tải đều tăng hơn 100%... Các đoàn xe đạp của thị xã Thanh Hóa (Thanh Hóa), Thanh Ba (Phú Thọ) đều có cá nhân chở vượt kỷ lục về khối lượng hàng hóa, qua đó góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch. Có thể nói, công tác hậu cần chiến dịch hoàn thành tốt là nhờ vào công tác lãnh đạo đã “nhằm dùng việc lãnh đạo tư tưởng là chính đi đôi với lãnh đạo tổ chức”[8].

Bên cạnh đó, công tác động viên, tranh thủ nhân dân địa bàn diễn ra chiến dịch cũng được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy, cơ quan Chính trị Chiến dịch chú trọng. Tuy dân số thưa, kinh tế khó khăn, song các cấp ủy, đơn vị chủ lực ta và bạn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương bạn thực hiện tốt chính sách đoàn kết quốc tế, tiến hành công tác dân vận hiệu quả. Nhờ đó, bộ đội Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào đi đến đâu cũng được nhân dân đùm bọc, che chở, dẫn đường diệt địch, giúp đỡ về hậu cần, dân công..., đóng góp vào thắng lợi chung của chiến dịch, củng cố và phát triển liên minh chiến đấu Lào - Việt.

         4. Chấp hành tốt chính sách đoàn kết quốc tế

          Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hoạt động trên chiến trường Lào, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, sát cánh cùng quân và dân Lào chiến đấu chống kẻ thù chung, vì vậy, trong bất luận hoàn cảnh nào, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cũng phải bảo đảm việc giữ nghiêm kỷ luật, đoàn kết máu thịt với quân và dân nước bạn, thúc đẩy liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào ngày càng phát triển. Đây là vấn đề vừa có tính nguyên tắc, vừa là yêu cầu, nhiệm vụ đối với mọi cán bộ, chiến sĩ. Do đó, công tác đảng, công tác chính trị chiến dịch phải quán triệt sâu sắc đến mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vượt qua khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở ta; Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân nước bạn; Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam...”[9].

          Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nắm vững nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền làm chủ của bạn và sự nghiệp cách mạng Lào phải do nhân dân Lào tự làm lấy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, không tiếc xương máu, công sức, tranh thủ sự giúp đỡ, kèm cặp, sát cánh cùng lực lượng bạn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường, anh dũng, giành nhiều thắng lợi. Trong xây dựng và chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc 10 điều kỷ luật khi sang chiến đấu ở Thượng Lào. Cán bộ, chiến sĩ ta và bạn tích cực tiến hành công tác dân vận, giữ vững kỷ luật quần chúng; đồng thời, tích cực tuyên truyền, giải thích, giúp nhân dân Lào những công tác có liên quan. Do đó, ta đã tranh thủ được cảm tình của nhân dân địa phương, giúp nhân dân hiểu hơn về hoạt động phối hợp chiến đấu giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào, vì quyền lợi của nhân dân Lào, qua đó góp phần tăng cường sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào.

          Phát huy thắng lợi, đáp ứng yêu cầu của bạn và được sự đồng ý của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Tổng Quân ủy, ngoài các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào, một số đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam được lệnh ở lại phát động Tuần lễ đoàn kết Việt - Lào, giúp bạn củng cố, xây dựng lực lượng quân sự và chính trị, xây dựng thực lực cách mạng, xây dựng cơ sở; phối hợp với bạn tiêu diệt địch, tiễu phỉ, phá âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng, bảo vệ thành quả cách mạng. Lãnh đạo, chỉ huy, trực tiếp là cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các đơn vị tiếp tục động viên, giáo dục bộ đội nắm vững đường lối quốc tế của Đảng, đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, nhiệm vụ của đơn vị được giao, phương thức hoạt động, ý thức tổ chức kỷ luật... Nhờ xác định đúng và tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nên cán bộ, chiến sĩ đã thông suốt nhiệm vụ giúp bạn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân các dân tộc Lào.

       Chiến dịch Thượng Lào 1953 là chiến dịch truy kích dài ngày, lớn nhất của ta và bạn kể từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Liên quân Việt Nam - Lào đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện tình huống chiến dịch thay đổi bất ngờ (do địch rút chạy, tính chất chiến dịch thay đổi) qua đó chứng tỏ tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khả năng đánh vận động truy kích đường dài trên chiến trường rừng núi hiểm trở và năng lực tổ chức chỉ huy hiệp đồng chiến đấu của cản bộ, chiến sĩ ta và bạn. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

       Từ thực tiễn tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong Chiến dịch Thượng Lào 1953, để tiếp tục xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

       Một là, giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội trong tình hình mới

Đây là nội dung vừa mang tính nguyên tắc, vừa là nhân tố quyết định, bảo đảm cho Quân đội luôn giữ vững bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân...”[10]. Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội trong 5 năm tới, trong đó tiếp tục khẳng định phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Do vậy, toàn quân tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20 tháng 7 năm 2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đây là điều kiện để tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, tạo cơ sở vững chắc để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.

Cùng với đó, tập trung xây dựng tổ chức đảng trong Quân đội thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ gắn liền với thực hiện tốt chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chính trị, góp phần nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị và xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Chú trọng xây dựng đội ngũ chính ủy, chính trị viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thực sự mẫu mực, tiêu biểu, có kiến thức toàn diện, xứng đáng là người “chủ trì về chính trị”. Nắm chắc và vận dụng sáng tạo các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nguyên tắc, nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành có hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị. Có trình độ tổ chức, vận hành và phát huy tốt vai trò, chức năng của tổ chức đảng, cơ quan chính trị và các tổ chức quần chúng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

         Hai là, luôn bám sát mọi mặt đời sống xã hội và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ Quân đội, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ

Vận dụng kinh nghiệm của Chiến dịch Thượng Lào 1953, trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải luôn bám sát vào thực tiễn biến động của tình hình xã hội và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ Quân đội, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao giác ngộ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Trong bối cảnh sự phát triển của xã hội, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội..., ngoài mặt tích cực thì mặt tiêu cực, hạn chế cũng tác động không nhỏ đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của bộ đội, điều đó đòi hỏi công tác đảng, công tác chính trị phải bám sát đời sống xã hội, thực tiễn Quân đội thì mới có sức sống, hiệu quả cao hơn. Đồng thời, không ngừng đổi mới về tư duy của cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp về nội dung, phương pháp tiến hành, phù hợp với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, với nội dung thiết thực, phù hợp với đối tượng, mang lại hiệu quả thực chất trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đảng, công tác chính trị.

Toàn quân tiếp tục thực hiện nghiêm Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” của Bộ Quốc phòng và Quy chế “Giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam” (ban hành kèm theo Quyết định số 438/QĐ-CT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị); chú trọng tuyên truyền, giáo dục nhiệm vụ của đơn vị, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; từ đó xác định mục đích, động cơ, thái độ, ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nhất là chống quan điểm sai trái, thù địch và âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; không mơ hồ, mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng trong từng cơ quan, đơn vị và toàn quân; xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

          Ba là, không ngừng nâng cao năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong Quân đội

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[11], “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”[12]. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác đảng, công tác chính trị phụ thuộc trước hết vào năng lực của người trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và tiến hành. Do vậy, cần quán triệt, thực hiện tốt Quy định số 236/QĐ-CT ngày 21 tháng 2 năm 2019 của Tổng cục Chính trị “Về chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của chính ủy, chính trị viên, chủ nhiệm chính trị; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cơ quan chính trị các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đội ngũ cán bộ chính trị các cấp phải được kiện toàn về số lượng, nâng cao về chất lượng, làm cơ sở để phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng chính ủy, chính trị viên trên cơ sở chuẩn hóa chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của đối tượng này; gắn với quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn, xây dựng về tổng thể đội ngũ cán bộ trong toàn quân, bảo đảm sự liên thông, kế thừa, phát triển và thật sự dân chủ, khách quan.

Cùng với việc chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, mỗi cán bộ chính trị, nhất là chính ủy, chính trị viên phải luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mình đối với công việc; phải thường xuyên rèn luyện về nhân cách, có kiến thức toàn diện cả về chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học - nghệ thuật quân sự... Nắm vững bản chất khoa học cách mạng, của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương hướng nhiệm vụ công tác chính trị; có trình độ nghiệp vụ và năng lực chuyên sâu về công tác đảng, công tác chính trị... Đồng thời, thường xuyên tích lũy kinh nghiệm; có năng lực tư duy lý luận, có khả năng tổng kết thực tiễn cũng như vận dụng lý luận vào thực tiễn, chủ động, sáng tạo giải quyết thành công những vấn đề do thực tiễn công tác đặt ra. Chủ động đấu tranh, phản bác kịp thời các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch; phòng, chống hiệu quả những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

          Bốn là, đổi mới công tác dân vận, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới

Từ kinh nghiệm của Chiến dịch Thượng Lào 1953, cấp ủy, người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về công tác dân vận. Trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quy chế số 718-QC/QUTW ngày 5 tháng 11 năm 2021 của Quân ủy Trung ương về công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam... Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua: “Dân vận khéo”, “Đơn vị dân vận tốt”..., xây dựng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, “Đơn vị dân vận tốt” trong từng lĩnh vực. Quân đội thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân lao động sản xuất, đội quân công tác. Phát huy tốt vai trò của các cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy và chính trị viên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giải quyết thấu đáo tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bộ đội..., tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

        Năm là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, nhất là củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

Trong bối cảnh hiện nay, nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên các lĩnh vực, việc thực hiện tốt công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, quán triệt và triển khai thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối đối ngoại được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Quân ủy Trung ương “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nghị định số 22/2016/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định về đối ngoại quốc phòng... Tập trung giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng làm công tác đối ngoại nắm chắc quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, nhiệm vụ... đối ngoại quốc phòng, làm cơ sở để vận dụng, triển khai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực đối ngoại quốc phòng chất lượng cao, kết hợp với bồi dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng, kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động đối ngoại quốc phòng trong môi trường, điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng…

Trong phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Lào cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đây là việc làm có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào nói chung, sự phát triển trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước nói riêng. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần lãnh đạo tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn nhiệm vụ, từ đó, nêu cao tinh thần tích cực, chủ động, tinh thần quốc tế vô sản trong các hoạt động hợp tác với Quân đội nhân dân Lào. Mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, từ đó, xung kích đi đầu trong tuyên truyền đường lối, chính sách đối ngoại, đối ngoại quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước, của Quân đội, góp phần củng cố, tăng cường và phát triển mối đoàn kết đặc biệt hai nước “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”... đúng như ước nguyện của các đồng chí lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước.

          Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Chính phủ kháng chiến Lào; liên minh chiến đấu hiệu quả giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào. Đồng thời, khẳng định vai trò to lớn của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong việc xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Trong giai đoạn hiện nay, quán triệt, triển khai và thực hiện đồng bộ các nội dung trên là việc làm quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị - nhân tố quyết định xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào nói chung, giữa Quân đội hai nước nói riêng lên tầm cao mới.

    [1]. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 15, tr. 296.

   [2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện quân sự của Đảng, Tập III: Từ tháng 2 năm 1951 đến tháng 9 năm 1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 390.

    [3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 105.

    [4]. Tài liệu công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công tác chính trị chiến dịch, Tập VIII: Chiến dịch Tây Bắc (9, 10, 11, 12 - 1952) và Chiến dịch X (4 - 1953), Tổng cục Chính trị xuất bản, 1959, tr. 139 - 141.
     [5]. Tài liệu công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công tác chính trị chiến dịch, Tập VIII: Chiến dịch Tây Bắc (9, 10, 11, 12 - 1952) và Chiến dịch X (4 - 1953), Tldd, tr. 151.

     [6]. Tài liệu công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công tác chính trị chiến dịch, Tập VIII: Chiến dịch Tây Bắc (9, 10, 11, 12 - 1952) và Chiến dịch X (4 - 1953), Tldd, tr. 159.

      [7]. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Sđd, tr. 295

     [8]. Tài liệu công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công tác chính trị chiến dịch, Tập VIII. Chiến dịch Tây Bắc (9, 10, 11, 12 - 1952) và Chiến dịch X (4 - 1953), Tldd, tr. 156.

     [9]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 105.

     [10]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 160.

      [11], [12]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 309, 280.

    Nguồn: Sách "Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm",

NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2023