Phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga ngày càng sâu rộng và hiệu quả
Hà Nội (TTXVN 29/11/2021)
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga từ 29/11 đến 2/12/2021. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam-Nga vừa kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020; 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2001-2021)... tiếp tục khẳng định tình cảm tốt đẹp, gắn bó, hiểu biết, tin cậy của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga.
* Nền móng vững chắc cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga
Từ những ngày đầu lập nước, việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ngày 30/1/1950, Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc, cho quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia.
Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Không chỉ giúp đỡ Việt Nam về tiền, hiện vật, Liên Xô còn giúp Việt Nam phát triển kinh tế, xã hội. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, các ngành chủ chốt của nền kinh tế quốc dân Việt Nam, như: năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-giáo dục... đã được xây dựng và không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước. Nhiều công trình do nước bạn giúp xây dựng đã gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam, đến nay vẫn phát huy hiệu quả, như: trường Đại học Bách Khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô... Ngoài ra, Liên Xô còn giúp Việt Nam đào tạo hàng chục nghìn cán bộ. Nhiều người trong số đó đã trở thành các lãnh đạo chủ chốt, chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực.
Sau khi Liên Xô tan rã (tháng 12/1991), quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được coi trọng và ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Năm 1994, hai nước ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, trong đó khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai nước được xây dựng trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi dựa trên luật pháp quốc tế. Đây chính là nền tảng, tạo khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ Việt-Nga; cũng là tiền đề cho việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước vào năm 2001, đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có khuôn khổ Đối tác chiến lược với Việt Nam.
Năm 2012, với mục đích và mong muốn đưa quan hệ Việt-Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, khuôn khổ quan hệ cao nhất của Việt Nam. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.
Trong khuôn khổ quan hệ đó, hợp tác Việt-Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Với nền tảng là tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ chính trị Việt-Nga có độ tin cậy cao, với trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, trong đó có cấp cao, diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác toàn diện giữa hai nước. Điển hình là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2014; 2018); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2016; 2019); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (2017); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2019)…
Về phía Nga có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin (2001; 2006; 2013); Tổng thống Dmitry Medvedev (2010); Thủ tướng Dmitry Medvedev (2012; 2015; 2018); Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin (2018)…
Nhiều cơ chế phối hợp đã được xác lập và hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, thương mại, đầu tư và khoa học, giáo dục, giao lưu nhân dân. Từ năm 2008, Việt Nam và Nga thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao-quốc phòng-an ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; năm 2013 thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.
Đến nay, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký hơn 30 văn kiện cấp Nhà nước và Chính phủ, là cơ sở pháp lý cho sự phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trong giai đoạn mới. Mới đây nhất, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga (tháng 9/2021), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam nhất quán coi Nga là một trong những đối tác quan trọng và tin cậy hàng đầu của Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng khẳng định Việt Nam là đối tác rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga cũng như ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hai bên cũng đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN…
* Hợp tác thực chất và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đã tăng nhanh, đặc biệt từ sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực tháng 10/2016. Việt Nam hiện đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga trong số các quốc gia của khu vực Đông Nam Á và là đối tác thương mại thứ 6 của Liên bang Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Nga giai đoạn 2018-2020 vào khoảng 4,5 tỷ USD/năm. Riêng năm 2020 đạt 5,7 tỷ USD, với cơ cấu trao đổi hàng hóa ngày càng đa dạng và phong phú. Trong 9 tháng năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại Nga-Việt vẫn tiếp tục tăng trưởng 4,6%, dự kiến trong cả năm 2021 sẽ đạt khoảng 6,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng của Nga, như: nông sản, nhiên liệu, than... được xuất khẩu sang Việt Nam, trong khi các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, như: nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép… ngày càng hiện diện nhiều hơn tại thị trường Nga.
Về đầu tư, tính đến tháng 10/2021, Nga đứng thứ 25/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 150 dự án còn hiệu lực (chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí), tổng vốn đăng ký là gần 954 triệu USD. Công ty điện tử lớn nhất của Nga, ROSTEC là một trong những nhà đầu tư lớn nhất và lâu đời nhất của Nga tại Việt Nam, cung cấp về kỹ thuật và công nghệ quân sự.
Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 9/2021, Việt Nam có 15 dự án đầu tư sang Nga còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Nga tập trung vào các lĩnh vực: khai thác dầu khí, viễn thông, trung tâm thương mại, nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa..., nổi bật nhất là dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH-True Milk.
Một lĩnh vực không thể không nhắc đến trong hợp tác kinh tế Việt Nam-Liên Bang Nga chính là dầu khí. Đây là một trong những trụ cột chính của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga. Ngoài Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, nhiều tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga như Gazprom, Rosneft và Zarubezhneft không ngừng mở rộng, tham gia vào nhiều dự án thăm dò và khai thác dầu khí mới tại thềm lục địa Việt Nam, bao gồm tại nhiều khu vực xa bờ, mang lại lợi ích chung cho cả hai nước.
Ở lĩnh vực du lịch, nếu như năm 2012, Việt Nam chỉ đón 176 nghìn lượt khách du lịch Nga, thì năm 2019 con số này đã tăng lên trên 660 nghìn lượt khách, đưa Nga trở thành thị trường du lịch lớn nhất châu Âu của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Nga cũng trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch Việt Nam.
Về giáo dục, hàng năm Chính phủ Nga đều gia tăng số lượng học bổng miễn phí dành cho Việt Nam. Năm 2016 là 855 suất, đến năm 2020 là 1.000 suất. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập tại Nga. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng Nhà nước của Nga.
Ngoài ra, các hoạt động giao lưu văn hóa cũng được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga.
Hợp tác giữa các địa phương tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Moskva, Saint Peterburg. Cộng đồng người Việt Nam với khoảng 60.000-80.000 người hiện đang sinh sống tại Nga, luôn gắn bó và coi Nga là quê hương thứ hai của mình.
Đặc biệt, thời gian qua Việt Nam và Nga đã hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực phòng, chống dịch COVID-19. Hiện hai nước đã triển khai các hợp đồng cung cấp vaccine Sputnik V của Nga cho Việt Nam (lô đầu tiên gồm 740.000 liều đã về Việt Nam cuối tháng 9/2021) và hợp tác sản xuất vaccine Nga tại Việt Nam. Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã bắt đầu tiến hành đóng ống 1 triệu liều vaccine Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam, tạo tiền đề cho doanh nghiệp hai nước triển khai các dự án sản xuất vaccine và thuốc điều trị quy mô lớn hơn tại Việt Nam...
Với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, sự tôn trọng, tin cậy sâu sắc và tương trợ lẫn nhau, Việt Nam-Nga đã vượt qua nhiều thử thách, đưa quan hệ giữa hai nước vươn đến những bước phát triển mới. Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với quan hệ Việt-Nga. Dự kiến trong chuyến thăm lần này, hai nước sẽ cùng nhìn lại quan hệ hai nước thời gian qua, đồng thời trao đổi và thống nhất các phương hướng lớn mang tầm chiến lược nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga lên tầm cao mới./.
Minh Duyên (tổng hợp)