Phát triển quan hệ Việt Nam-Mông Cổ

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX; Bí thư Trung ương Đảng khóa IX; Chủ tịch Quốc hội khóa X (từ 6/2001), XI (đến 6/2006)Nguyễn Văn An

Hà Nội (TTXVN 6/1/2004)

Nhận lời mời của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, Ngài  S. Thơ-mơ O-chi-rơ, Chủ tịch QH Mông Cổ sang thăm hữu nghị chính thức nước ta từ ngày 5 đến 11/1/2004. Tiếp theo các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch QH S. Thơ-mơ O-chi-rơ là một sự kiện lớn, đánh dấu bước phát triển mới mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ (nay là Mông Cổ) thành lập ngày 11/7/1921, nằm ở vùng Trung Á, diện tích  rộng tới 1.565.000km2 với trên 2,5 triệu người. Nền kinh tế Mông Cổ  được cấu thành từ chăn nuôi, công nghiệp chế biến từ nguyên liệu chăn nuôi. Hiện nay, với thế mạnh về sản xuất, chế biến lông dê mịn, mỗi năm Mông Cổ xuất khẩu 2,7 nghìn tấn, chiếm 30% thị trường thế giới về mặt hàng này.

Mông Cổ còn khai thác mỗi năm 10 tấn vàng, 13 nghìn tấn dầu thô và trong  4 năm (1998-2002) đã xuất khẩu được 30 nghìn tấn dầu thô. Kim ngạch ngoại thương của Mông Cổ , trung bình hàng năm đạt 800 triệu USD, trong đó xuất khẩu 300 triệu USD. Mông Cổ là thành viên của Liên hợp quốc, Phòng trào Không liên kết, Nhóm 77, WTO, Diễn đàn ARF và đang phấn đấu để gia nhập APEC.

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954), sự kiện mở đầu cho việc phát triển quan hệ Việt Nam - Mông Cổ là chuyến thăm Mông Cổ của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu tháng 7/1955. Chuyến thăm Mông Cổ của Bác Hồ lần đó để lại dấu ấn hết sức sâu sắc trong quan hệ hai nước, với việc Trường trung học số 14 ở thủ đô U-lan Ba-to được mang tên Trường Hồ Chí Minh cho đến ngày nay. Tiếp đó, thường xuyên có các chuyến thăm cấp cao của Đảng, Nhà nước, QH, Chính phủ và cấp bộ, ngành hai nước. Việt Nam-Mông Cổ đã có cả một thời gian dài phát triển rất tốt đẹp, nhất là trước năm 1990. Từ năm 1959-1965, Mông Cổ đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 27 triệu Rúp chuyển đổi , trong đó gồm miễn phí hàng hóa quá cảnh bằng đường sắt, hàng tiêu dùng và đào tạo kỹ thuật. Và Mông Cổ đã đào tạo cho Việt Nam trên 100 cán bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, thú y; đài thọ kinh phí cho các Đoàn sang dự hội nghị quốc tế, tham quan. Và gần đây, khi Mông Cổ gặp khó khăn, Việt Nam đã cử 80 công nhân xây dựng và phục chế rồi cử các chuyên gia cầu đường, nông nghiệp sang giúp bạn. Năm 1993, Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Mông Cổ 200 nghìn USD, năm 1998 15.000 USD, năm 2000 10 nghìn USD và năm 2001 là 2000 tấn gạo. Nếu tính bằng tiền, có thể không nhiều nhưng quý báu nhiều lắm là tình cảm, là tấm lòng của bạn bè đối với nhau. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam, Mông Cổ luôn luôn đồng tình, ủng hộ và gíup đỡ cả về tinh thần và vật chất.

Sau năm 1990, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ bị chững lại và  từ năm 1994, quan hệ hai nước được khôi phục. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã tiến hành các chuyến thăm , cùng nhất trí về việc duy trì và phát triển các mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hiểu biết, tin cậy và hợp tác  cùng có lợi, vì lợi ích của nhân dân cả hai nước. Hai bên đã ký kết những văn kiện có tính pháp lý cho quan hệ giữa hai nước như Tuyên bố chung (1994), Hiệp ước hữu nghị, hợp tác (2000), Hiệp định tương trợ tư pháp (2000), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần... Đến năm 2002, Việt Nam và Mông Cổ đã ký tới 17 hiệp định và thỏa thuận hợp tác. Tháng 2/2003, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An  thăm chính thức Mông Cổ  và đã ký với Chủ tịch QH Mông Cổ  S. Thơ-mơ O-chi-rơ Thỏa thuận hợp tác giữa hai QH Việt Nam -Mông Cổ trong những năm đầu thế kỷ 21. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Đảng ta và Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ (đảng cầm quyền) cũng được duy trì mật thiết và tin cậy , nhất là sau chuyến thăm Việt Nam  của Tổng Bí thư Đảng NDCM Mông Cổ N. Ên-khơ-túp-vin tháng 7/1997.

Cho đến nay, ngoài quan hệ về chính trị giữa Việt Nam và Mông Cổ được duy trì và phát triển tốt, còn nhiều lĩnh vực khác tuy đã được khôi phục, nhất là về quan hệ kinh tế, thương mại chưa phát triển như mong muốn và tương xứng. Nếu như năm 1994, 1995, giá trị ngoại thương hai chiều đạt tới 5-6 triệu USD nhưng năm 2002 chỉ còn khoảng 1-1,5 triệu USD, mặc dù năm 1996, hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác thương mại. Việt Nam xuât sang Mông Cổ gồm nông sản chế biến, may mặc, thủ công, mỹ nghệ... nhưng hàng Mông Cổ xuất sang Việt Nam hầu như chưa có gì. Điều đó cho thấy, cả hai bên còn rất nhiều việc phải làm mới nâng cao hiệu quả của sự hợp tác, biến các hiệp định đã ký thành hiện thực.

Việt Nam và Mông Cổ đang tiến gần tới ngày kỷ niệm tròn nửa thế kỷ quan hệ. Mối tình hữu nghị truyền thống vốn có giữa hai nước vẫn đang được lãnh đạo và nhân dân hai nước tiếp tục vun đắp để ngày một phát triển vững bền, cùng tiến tới tương lai tươi sáng./.

Hồng Tư