Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn TTXVN và Báo Nhân Dân về kết quả hội nghị APEC 14

Hà Nội (TTXVN 19/11/2006)

         1. Xin Phó Thủ tướng đánh giá kết quả nổi bật của Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC 14 nói riêng và Năm APEC 2006 nói chung?

          Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC vừa kết thúc tốt đẹp, đánh dấu sự thành công của chúng ta trong Tuần lễ Cấp cao APEC nói riêng và thắng lợi của cả năm APEC Việt Nam 2006 nói chung.

          Sau hai ngày họp, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua được rất nhiều văn kiện như Tuyên bố Hà Nội, tuyên bố của Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14 về chương trình nghị sự Đôha, Kế hoạch Hành động Hà Nội thực hiện Lộ trình Busan, Tuyên bố Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 18, Kế hoạch hành động APEC ngăn chặn và đối phó cúm gia cầm và đại dịch, tuyên bố Hội An về tăng cường hợp tác du lịch, cùng nhiều sáng kiến, đề xuất khác nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế kỹ thuật, an ninh con người, cải cách APEC. Đây cũng là những thông điệp mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm và mong muốn của APEC "Hướng tới một cộng đồng năng động, vì phát triển bền vững và thịnh vượng" như chủ đề Năm APEC 2006 đã đề ra.

          Nhìn lại, có thể nói thành công nổi bật của Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC 14 tại Hà Nội là các thành viên đều thể hiện quyết tâm thúc đẩy sự phát triển của APEC, mong muốn tăng cường hợp tác, phối hợp hành động xử lý những vấn đề bức thiết trong APEC, những thách thức mà APEC đang phải đối mặt do những tác động sâu rộng của toàn cầu hóa, những diễn biến phức tạp của kinh tế khu vực và thế giới.

          Thứ hai là, thông qua Tuyên bố về vòng đàm phán Đô-ha, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, không chỉ mong muốn nối lại đàm phán, mà còn sẵn sàng phá vỡ tình trạng bế tắc, cam kết có thể linh hoạt trong lập trường hiện nay về các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, thuế công nghiệp, thương mại dịch vụ để thúc đẩy đàm phán có thể tiến triển.

          Thứ ba là, việc thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội thực hiện Lộ trình Bu-san nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu Bô-go theo đúng lịch trình cũng là một thành tích nổi bật của APEC 14, đã đưa ra được nhiều biện pháp, hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, tự do thương mại khu vực và song phương (RTAs/FTAs).

          Điểm đáng chú ý nữa là, các nội dung về Cải cách APEC được thông qua trong Năm APEC 2006 đã xác định những định hướng cơ bản và lâu dài nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và hợp tác của APEC trong những năm tới. Đây thực sự là dấu ấn quan trọng của Năm APEC Việt Nam 2006. Do vậy, Năm APEC Việt Nam 2006 còn được các thành viên đánh giá là "Năm Cải cách APEC".

          Hợp tác trong các vấn đề an ninh, chính trị, an ninh con người, chống khủng bố, thiên tai, dịch bệnh... cũng đạt được những kết quả quan trọng. Dư luận quốc tế hoan nghênh việc các nhà Lãnh đạo APEC khẳng định quyết tâm chống khủng bố, chống buôn bán, vận chuyển và phổ biến vũ khi hủy diệt hàng loạt nhằm bảo đảm an toàn thương mại trong khu vực; việc thông qua danh mục các sáng kiến về an ninh của Năm APEC 2006 nhằm đẩy mạnh hợp tác về an ninh con người, nâng cao năng lực của APEC nói chung và từng thành viên nói riêng trong việc đối phó với các thảm họa thiên tai, dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố vào các cơ sở kinh tế, bảo đảm cuộc sống an toàn của người dân.

          Bên cạnh đó, thành công của Hội nghị APEC 14 phải kể đến những kết quả tốt đẹp của Cuộc họp Hội đồng tư vấn doanh nhân APEC (ABAC) và các khuyến nghị tích cực của Hội đồng lên cấp cao, của Hội nghị các tổng giám đốc APEC (CEO Summit), Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư với Việt Nam với sự tham gia của lãnh đạo các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia lớn hàng đầu thế giới, cùng với nhiều hợp đồng lớn được ký kết trong dịp này. Con số kỷ lục 14 nhà Lãnh đạo đến đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp cũng là một thành công của Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC 14.

          Cuối cùng, Năm APEC 2006 là cơ hội thuận lợi để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuẩn bị cho tiến trình hội nhập sắp tới của nước ta sau khi gia nhập WTO. Đây cũng là kết quả quan trọng của

          APEC 2006, bởi lẽ một đội ngũ cán bộ trẻ có trí thức, năng lực chuyên môn cao, ngoại ngữ giỏi đang trưởng thành về mọi mặt, là nguồn lực bổ sung, kế cận các thế hệ đi trước để chúng ta tự tin vững bước trên con đường hội nhập sắp tới.

          2. Với tư cách chủ nhà, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đóng góp như thế nào vào thành công của Hội nghị?

          Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC 14 thành công đã để lại dư âm và kỷ niệm tốt đẹp trong ký ức các đại biểu, bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam. Nhân dân cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đã rất quan tâm theo dõi với niềm tự hào sự kiện trọng đại này, phấn khởi với những kết quả, thành công của hội nghị.

          Thành công tốt đẹp của Hội nghị Cấp cao APEC 14 là vinh dự và niềm vui chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có sự đóng góp to lớn của các Bộ, ngành, địa phương, đội ngũ cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên tham gia vào tổ chức, phục vụ hội nghị.

          Để có được kết quả này, các đại biểu cũng như cộng đồng quốc tế đều ghi nhận những đóng góp to lớn của Việt Nam trong tổ chức, điều hành hội nghị, nhất là đã linh hoạt xử lý thỏa đáng những vấn đề các thành viên có quan điểm khác biệt, thúc đẩy sự đồng thuận để đi đến những quyết định quan trọng về những định hướng phát triển của APEC trong hiện tại cũng như trong tương lai.

          Nhìn lại toàn bộ Năm APEC 2006, chúng ta rất tự hào đã bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các nhà Lãnh đạo, các đại biểu và khách quốc tế; góp phần quan trọng tổ chức Năm APEC 2006 thành công tốt đẹp, đồng thời điều này còn khẳng định tình hình chính trị-xã hội nước ta ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, con người Việt Nam thông minh, năng động, các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể tin tưởng kinh doanh, đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

          Năm APEC 2006 đã thu hút sự quan tâm, chú ý và hưởng ứng mạnh mẽ của báo chí, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài nước. Hơn 1500 phóng viên ngoài nước và 500 phóng viên trong nước, trong đó có nhiều hãng thông tấn lớn, tên tuổi trên thế giới đã đến Việt Nam để đưa tin về sự kiện này. Trong những ngày diễn ra tuần lễ Cấp cao APEC, thủ đô Hà Nội thực sự là ngày hội lớn, với nhiều hoạt động sôi nổi như hội chợ, triển lãm, quảng bá, du lịch, xúc tiến đầu tư, thương mại, văn hóa nghệ thuật. Truyền thống mến khách của người Việt Nam nói chung, cách ứng xử đậm bản sắc văn hóa Việt Nam của con người Hà Nội nói riêng đã tạo ấn tượng sâu sắc trong ký ức các đại biểu về con người, đất nước Việt Nam.

          3. Xin Phó Thủ tướng cho biết chúng ta có chương trình hành động gì để cùng các nền kinh tế thành viên triển khai có hiệu quả những thỏa thuận vừa được Hội nghị Cấp cao Hà Nội thông qua?

          Thành công của Hội nghị Cấp cao APEC, cùng với những kết quả quan trọng của các chuyến thăm của lãnh đạo các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật, Chi-lê đang mở ra những cơ hội mới cho nước ta mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực, khai tác các tiềm năng, tận dụng các điều kiện thuận lợi của tiến trình hợp tác kinh tế quốc tế phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

          Chúng ta vui mừng với những thắng lợi này, đồng thời cũng thấy rõ trách nhiệm hết sức nặng nề trên chặng đường sắp tới, đó là cần nhanh chóng tổ chức, triển khai thực hiện các thỏa thuận, các hợp đồng, các dự án vừa được ký kết. Vì vậy, sắp tới các Bộ, ngành và địa phương cần sớm tổng kết, đánh giá, đúc rút các kinh nghiệm; rà soát việc thực hiện các chương trình, dự án hợp tác trong APEC; xác định những lĩnh vực hợp tác thiết thực, hiệu quả, phù hợp với năng lực và trình độ của Việt Nam. Trên cơ sở những đánh giá, tổng kết và kinh nghiệm của 8 năm tham gia APEC, các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, triển khai hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch Hành động Hà Nội, Kế hoạch hành động ngăn chặn và đối phó với cúm gia cầm và dịch cúm, Tuyên bố Hội An về tăng cường hợp tác du lịch APEC; tuyên truyền rộng rãi các chương trình, kế hoạch hành động của APEC trong nhân dân và giới doanh nghiệp; đưa ý tưởng, sáng kiến hợp tác của APEC đi vào cuộc sống; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế với khu vực và thế giới.

          Chúng ta đang đứng trước cơ hội mới. Với những kết quả đạt được hôm nay, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi đẹp của đất nước./.