10 năm quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa

      Nhân vật liên quan

      • Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIITrần Quốc Vượng
      • Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIIITô Lâm
      • Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX; Đại tướng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1997-2006)Phạm Văn Trà
Hà Nội (TTXVN 24/9/2019) Theo dòng thời gian, các liền anh, liền chị đất Kinh Bắc đã nâng niu gìn giữ, truyền dạy và nâng tầm để những bài ca quan họ cất cánh bay cao, bay xa vươn ra toàn quốc và bạn bè quốc tế.
Tiết mục biểu diễn hát dân ca quan họ trên thuyền trong chương trình "Về miền Quan họ" năm 2019. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Tối 23/2/2019, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình Về miền quan họ và kỷ niệm 10 năm dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với chủ đề “Rạng rỡ miền quan họ.”

Tham dự buổi lễ có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu 30 tỉnh, thành phố; đại biểu Đại sứ quán 34 quốc gia và vùng lãnh thổ và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các các đồng chí lãnh đạo và đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh khẳng định, sau 10 năm dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh (2009-2019), với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay của các tầng lớp nhân, tỉnh Bắc Ninh đã hành động quyết liệt, thực hiện nghiêm túc các cam kết với UNESCO tích cực gìn giữ, bồi đắp giá trị di sản, để quan họ lan tỏa, trường tồn.

Theo đó, Bắc Ninh tôn vinh và tri ân các “Báu vật nhân văn sống,” phong tặng 71 nghệ nhân và 5 nghệ nhân ưu tú, hỗ trợ hàng tháng cho các nghệ nhân và kinh phí cho các làng và câu lạc bộ quan họ; có cơ chế đãi ngộ cho các nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên Nhà hát dân ca quan họ.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã mở rộng các hình thức truyền dạy trong cộng đồng và đưa quan họ vào chương trình giảng dạy chính thức của trường học; xây dựng không gian diễn xướng quan họ.

Đặc biệt, Bắc Ninh đã cơ bản hoàn thành công trình Nhà hát dân ca quan họ với kiến trúc độc đáo, sẽ là nơi lý tưởng cho du khách thăm quan, cảm nhận, thưởng thức những nét tinh túy của quan họ.

Trong những năm qua, Bắc Ninh đã tích cực tuyên truyền, quảng bá quan họ với nhiều hình thức phong phú cả trong và ngoài nước; xây dựng Trung tâm lưu trữ, bảo tồn và khai thác quan họ, nghiên cứu 30 chuyên đề, ký âm 107 bài quan họ cổ, xuất bản 9 đầu sách về dân ca quan họ; khuyến khích phát triển các làng, câu lạc bộ quan họ…

Từ chỗ chỉ có 49 làng quan họ gốc và 34 câu lạc bộ, đến nay, tỉnh đã phát triển lên 369 làng quan họ thực hành, 381 câu lạc bộ với trên một vạn hội viên tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy; đặc biệt, có hơn 140 câu lạc bộ ở các tỉnh và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những thành tự to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh đã đạt được trong những năm qua.

Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa, sau 10 năm dân ca quan họ Bắc Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bắc Ninh đã thực hiện tốt các nội dung Việt Nam cam kết với UNESCO về bảo tồn dân ca quan họ, như truyền dạy, phục dựng không gian diễn xướng truyền thống, tuyên truyền, quảng bá ra thế giới; đầu tư cơ sở vật chất...

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ của tỉnh Bắc Ninh là mô hình, cách làm độc đáo, hiệu quả, cần được nhân rộng trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của cả nước.

Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay, dân ca quan họ Bắc Ninh đang phải đối mặt với những khó khăn trong xu thế toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, sự du nhập của nhiều nền văn hóa dễ làm mối quan tâm của người dân, nhất là giới trẻ bị mai một, Bắc Ninh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo tồn, truyền dạy và phát huy tinh thần của giá trị văn hóa dân ca quan họ.

Một khó khăn nữa, đó là đội ngũ nghệ nhân quan họ cổ tuổi ngày càng cao, trong khi lớp nghệ nhân kế tiếp chưa nhiều; các cá nhân, tổ chức tâm huyết với sự nghiệp văn hóa không phải lúc nào cũng được hỗ trợ, tôn vinh kịp thời; các chính sách xã hội hóa chưa đủ thiết thực để kịp thời hỗ trợ các tập thể, cá nhân tham gia thực hành nghệ thuật truyền thống hay đầu tư gắn kết chặt chẽ di sản với phát triển kinh tế đảm bảo hài hòa lợi ích các chủ thể.

Phó Thủ tướng khẳng định, để quan họ được bảo tồn, lan tỏa, vai trò của người dân là trung tâm. Trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca quan họ không chỉ dừng lại trong phạm vi tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang mà còn trong phạm vi cả nước, mọi người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa do cha ông ngàn đời sáng tạo, trao truyền lại không chỉ là trách nhiệm thế hệ hôm nay với lịch sử mà còn là giải pháp quan trọng biến các di sản này thành nguồn lực thúc đẩy mọi người dân Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vươn lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Ninh vì đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn, phát triển dân ca quan họ Bắc Ninh.

Sau phần lễ trang trọng là chương trình nghệ thuật với chủ đề Rạng rỡ miền quan họ với 3 chương (chương 1: Dòng sông quan họ; chương 2: Làng quan họ quê tôi; chương 3: Rạng rỡ miền quan họ), đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của Dân ca quan họ Bắc Ninh.

Theo dòng thời gian, các liền anh, liền chị đất Kinh Bắc đã nâng niu gìn giữ, truyền dạy và nâng tầm để những bài ca quan họ cất cánh bay cao, bay xa vươn ra toàn quốc và bạn bè quốc tế./.

Thái Hùng